Hai Mặt Của Gia Đình – Choi Kwanghyun

Lần cập nhật gần nhất July 28th, 2021 – 06:59 pm

Nhiều khi những tổn thương đến từ gia đình lại chính là nguyên nhân của các vấn đề trong gia đình hiện tại. Gia đình trở thành nơi tiếp thêm sức mạnh và cũng là nơi khiến đôi vai chúng ta thêm nặng trĩu, là nơi ẩn náu của những mâu thuẫn tinh vi đằng sau những phút giây thân mật, là nơi tràn đầy thương yêu nhưng có cả sự ghét bỏ. Gia đình lúc nào cũng có hai mặt như vậy.

Review Hai mặt của gia đình (3)

Vì mỗi đứa trẻ sinh ra – đều không thể chọn lựa giới tính, chọn lựa cha mẹ, chọn lựa hoàn cảnh sống, chọn lựa thái độ của ông bà anh chị sẽ đối xử với mình như thế nào, chọn lựa cách cư xử hay thấu hiểu khi ba mẹ mâu thuẫn.
Nên trẻ con dễ bị tổn thương nhất!
Nên gia đình luôn luôn tồn tại hai mặt!

Hai mặt của gia đình là một cuốn sách tâm lý học khá dễ hiểu với hướng tiếp cận đại chúng. Nơi lý giải rất nhiều nguyên nhân gốc rễ hình thành nên tính cách, thái độ sống của một con người. Và cũng là nơi bạn tìm thấy đứa trẻ nội tâm bị tổn thương nằm uẩn khuất hàng vạn dặm xa xôi, sau muôn trùng mảnh kí ức, đang thu mình, đang cô đơn, đang cứ dần bào mòn những tháng ngày bạn trưởng thành.

Mình bị thuyết phục bởi quan điểm của Choi Kwanghuyn – tác giả cuốn sách này – rằng “Gia đình là nơi chúng ta sinh ra và hình thành những mối quan hệ đầu tiên. Chúng ta xây dựng mối quan hệ trong gia đình như thế nào, có cảm xúc ra sao, điều đó sẽ cố định kênh cảm xúc được phát sóng trong suốt cuộc đời ta.

Và trong ba năm đầu đời, mẹ chính là người quan trọng nhất với trẻ. Trẻ quan sát thế giới và bản thân qua biểu cảm của mẹ. Trẻ phát triển tình yêu thương bản thân lành mạnh bằng sự quan tâm và tình yêu vô điều kiện của bố mẹ. Chúng hài lòng và cảm thấy bản thân thật tuyệt. Từ đó hình thành nên niềm tin ở bản thân, tình yêu thương người khác. Sau này sẽ trở thành lòng tự trọng”

Mọi đứa trẻ lớn lên nhưng không hình thành mối quan hệ tốt với gia đình. Sẽ là nguyên cơ tạo nên những đứa trẻ tổn thương trong tâm hồn. Dù thể xác của cô gái chàng trai hai mươi ba mươi, nhưng ẩn sâu vẫn là những tổn thương khó xóa nhòa.

Ta luôn cô đơn trong chính gia đình mình dù vợ/chồng/con cái vẫn quây quần bên cạnh. Vì ta từng có 1 tuổi thơ cô đơn chăng???

Ta tìm kiếm người bạn đời giống cha/mẹ ta. Vì ta muốn tạo dựng mối trường giống nhất với môi trường bản thân đã hình thành chăng???

Ta cộc cằn, dễ nổi nóng, làm loạn hay ngược lại, không thể hiện được cảm xúc, không nói ra được cảm xúc thật bản thân và trở nên vô tâm. Vì ta có một tuổi thơ không được công nhận, không được lắng nghe chăng???

Vì vậy, là thiên tài hay kẻ phạm tội, là người có ích cho xã hội hay kẻ ăn bám xã hội, quyết định phần lớn nằm trong gia đình đứa trẻ.

Không phải là không có cách để sửa chữa những gì đã qua. Cuối cuốn sách Hai mặt của gia đình, bằng những chuyên môn và kinh nghiệm của mình, tác giả đã hướng dẫn các cách thức để chữa lành, để “băng bó” những vết sẹo ấy.

Một cuốn sách đáng đọc cho bất cứ ai muốn tìm kiếm căn cơ khiến bản thân và gia đình chưa thực sự hạnh phúc. Vì gia đình là nơi “cố gắng bao nhiêu, hạnh phúc bấy nhiêu” mà.

– Lương Tịnh

“BỊ THU HÚT BỞI NGƯỜI GIỐNG MÌNH

Một số cặp đôi sau vài lần gặp mặt, trò chuyện thì nhận ra đối phương có nhiều điểm tương đồng với bản thân về môi trường trưởng thành. Hóa ra hai người học ở trường cấp hai, cấp ba gần nhau, và có nhiều thói quen giống nhau. Ngay khi biết được điều này, hai người nhanh chóng có cảm tình với nhau. Cái cảm giác “Anh/ em đã ở đâu mà bây giờ mới xuất hiện?” ập đến.

Thế nhưng, theo tâm lý học, lý do hai người có cảm tình mạnh mẽ với nhau là vì nhìn thấy hình ảnh của bản thân ở đối phương hơn là vì có cảm tình thực sự với đối phương. Vậy nên, Freud đã nói rằng bản chất của tình yêu là ái kỷ, hay còn gọi là yêu bản thân.

Khi hai bên nam nữ không cảm thấy xa lạ với nhau, có nghĩa là họ cảm thấy thoải mái và bị thu hút bởi đối phương khi phát hiện ra hình ảnh quen thuộc của bản thân. Đây là nguyên tắc cơ bản của tình yêu. Khi lựa chọn bạn đời, chúng ta không chỉ bị cuốn hút bởi yếu tố ngoại hình. Chúng ta đánh giá rất nhiều yếu tố như năng lực, ngoại hình, tính cách, học vấn, bối cảnh gia đình, tôn giáo,… nhưng có một phần quan trọng hơn những khía cạnh thể hiện ra bên ngoài. Đó là chúng ta bị cuốn hút mạnh mẽ bởi người tái hiện lại hình ảnh gia đình thuở nhỏ trong vô thức.”

– Trích “Hai mặt của gia đình”

Cuốn này ngay từ khi nhìn thấy chiếc bìa nhẹ nhõm, mình đã có thiện cảm. Lúc đọc mới biết hóa ra nó là dòng sách tâm lý học ứng dụng nhưng về khía cạnh gia đình của một bác sĩ tâm lý người Hàn Quốc từng du học ở Đức và trở thành giảng viên bộ môn tâm lý học và tư vấn gia đình thì thấy rất bất ngờ.

Không phải bất ngờ vì kiến thức mà còn bởi bác sĩ viết sách rất hay, dịu dàng.

Trong cuốn sách đã mổ xẻ rất rõ những vấn đề như: tại sao sự bất hạnh lại lặp lại ở các thế hệ? Tại sao chúng ta luôn có xu hướng chọn bạn đời có các yếu tố như cũ? Tại sao đàn ông lại ngoại tình dù rất yêu thương vợ con? Và tại sao chúng ta thường nghiện một thứ gì đó hòng tìm cảm giác an toàn…

Tất cả câu trả lời bấy lâu nay mình thắc mắc đều được giải đáp lần lượt, dễ hiểu và có chiều sâu ở cuốn sách này.

Dù là người trưởng thành nhưng khi đọc sách mình mới thật sự đối diện lại với những mốc ký ức tổn thương và tháo gỡ được vấn đề thật sự đằng sau.

Mong rằng ai cũng đọc được “Hai mặt của gia đình” nếu bạn yêu gia đình mình.

– Hoàng Mỹ Hà‎

“GIA ĐÌNH LÀ NƠI CHO NHẬN TỔN THƯƠNG

Hành trang chúng ta mang theo khi cất tiếng khóc chào đời là sự hiền lành, mạnh mẽ và thông minh.

Thế nhưng, khi còn bé thơ, vì cách chúng ta được nuôi nấng hay vì thông điệp sai lệch bố mẹ đem đến mà sợi dây liên kết với những năng lực ấy bỗng dưng bị đứt đoạn.

Bố mẹ, người khiến chúng ta tổn thương, không phải là quái vật. Giống như hầu hết các trường hợp, họ chỉ là những con người bình thường sống những năm tháng khó nhọc và phải chịu tổn thương trong các mối quan hệ gia đình phi lý. Khi không thể hiểu được tính lặp lại này, chúng ta không thể nào thoát khỏi vòng luẩn quẩn lặp lại tổn thương.”

– Trích “Hai mặt của gia đình”

Một cuốn sách ý nghĩa về mặt trái của gia đình. Nó không tràn đầy tội lỗi, nhưng là những góc tối mà chúng ta luôn muốn tránh né, không thừa nhận hoặc sợ hãi và gạt bỏ đi.

Mình thấy nhiều người luôn thắc mắc tại sao luôn gặp bất hạnh trong tình cảm, yêu không may mắn, tỉ lệ ly hôn ngay khi vừa lập gia đình được 1-2 năm tăng cao. “Hai mặt của gia đình” hé lộ tất cả những nguyên nhân về hiện tượng chuyển di bất hạnh từ thế hệ cha mẹ đến con cái. Tại sao gia đình luôn là cái gốc ? Vì sao gia đình luôn phải “cơ bản” và vì sao những người đã từng sinh ra hoặc lớn lên trong sự bất hạnh cần có biện pháp để chấm dứt những lựa chọn sai lầm cho những chặng tiếp theo của cuộc đời? Toàn bộ câu trả lời trong cuốn sách khiến mình vỡ oà bởi những sự thật phũ phàng.

Cuốn sách dành cho những ai mong manh yếu đuối và cả những người đang cố gồng lên mỗi ngày trong cuộc sống của mình.

– Đăng Nguyên