Thông qua “Hai đứa trẻ”, tấm lòng thương cảm sâu sắc của Thạch Lam đối với những kiếp sống tối tăm, mòn mỏi và thái độ nâng niu, trân trọng của ông đối với những tâm hồn trẻ thơ nơi phố huyện. Một bức tranh thiên nhiên với những nét đặc trưng nhất của một không gian phố huyện, vừa làm nền cho hoạt động của con người, vừa gián tiếp thể hiện tâm trạng nhân vật, tạo ra chất trữ tình rất đặc biệt trong lòng người đọc.
Review Hai đứa trẻ
Tôi đã từng ví tập truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam như những hạt ngọc long lanh, rơi rớt tưới mát mầm non đang dần nhú lên, tự sâu trong lòng tôi, bằng một thứ xúc cảm dung dị mà mênh mang. Tôi đã từng say sưa trong hơi men nồng đượm của một thứ rượu mạnh được nấu bằng tình. Trái tim đã từng rung động, xót xa và tâm hồn tôi đã từng nảy nở vì thấy được một thứ hương thơm ngây ngất, mơn man.
Một ngày mưa bụi ẩm ướt, bên hiên nhà, tôi giở cuốn sách “Hai đứa trẻ” đã ngả màu ra đọc, rồi như nhâm nhi một tách trà ấm nóng, tôi thấy tâm hồn mình xao động. Những hơi ấm từ con chữ ngấm da thịt và đi sâu vào trong máu tôi. Văn phong Thạch Lam thật dễ khiến con người ta hụt chân chết ngập trong mối buồn sâu sắc. Nhưng tôi yêu, bởi chính nó đã nuôi dưỡng tâm hồn văn chương cho tôi từ những ngày buồn như thế…Nó thức tỉnh tôi một chút mơ mộng, một niềm vui sống.
Hai đứa trẻ là tập truyện bao gồm những câu chuyện hết sức bình dị về làng quê, về những con người chân chất, về tình yêu thuở tuổi đương xuân tươi đẹp,… Mỗi câu chuyện như một bông hoa mới nở còn vương sương buổi sớm nhưng hợp lại thành vườn hoa ngây ngất lòng người. Mỗi câu chuyện tựa một nguyên liệu đặc trưng song giao hoà lẫn nhau lại tạo nên một món canh hảo hạn. Có chất riêng, có linh hồn và biết quyến luyến tâm hồn yêu văn chương.
Ngòi bút của Thạch Lam quả rất tài tình khi khám phá những vùng bí mật, những cái đẹp khẽ khàng bằng một cách lặng lẽ, thâm trầm. Có lẽ, ông đã gói ghém cả lòng mình trong từng câu chuyện. Cẩn thận tỉ mỉ khai thác từng cái đẹp lẩn khuất. Nhẹ nhàng đưa người đọc đến khám phá cảm xúc, cảm giác, tâm trạng và cái hồn của nhân vật. Câu chữ của ông như nhảy múa, dây dưa với nỗi buồn và níu kéo người đọc. Quả thực, càng đọc tôi càng mê mẩn, bị cuốn hút, thấm sâu vào tâm hồn không dứt ra được…
Tôi nhớ mãi mối tình dịu dàng như nắng mai của Hậu – cô gái mang hương vị đượm ngát của một bông hoa dại, đem tất cả những tin yêu cho Bình – chàng trai nơi Hà thành xa xứ. Tuy tình yêu dang dở nhưng cái đơn sơ, mộc mạc và chân thật ấy vẫn đọng lại trong tâm trí tôi mãi không rời. Tôi xót xa cái nghèo, cái khổ nhưng giàu tình thương trong “Gió lạnh đầu mùa”. Nơi tình người ấm áp trong cái se se, giá buốt của nơi miền quê qua nhân vật Lan và Sơn. Nó như một vệt sáng, loé lên giữa trời đông ảm đạm. Chung quy lại, tôi vẫn bị ám ảnh bởi nỗi buồn của những nhân vật trong truyện. Tôi bật khóc khi những con người nhỏ bé, bất hạnh trong cuộc sống xưa bị bóp chặt đường sống qua truyện “Nhà mẹ Lê”. Cái nghèo xơ xác, túng thiếu khiến tim tôi nhói đau, hình ảnh nhân vật Lê chết, căn nhà tàn tạ lạnh lẽo, âm u, những đứa con của bác bơ vơ, vô định trước tương lai, lòng tôi trào lên thương xót. Đặc biệt là câu chuyện “Hai đứa trẻ” được lấy tên đặt tiêu đề cho tập truyện để lại cho tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc. Câu chuyện xoay quanh cảnh phố huyện lúc chiều tà, thời khắc khiến con người mang một nỗi buồn u tĩnh qua lăng kính của Liên. Từ một gia đình khá giả sau trở thành người nếm trải cái nghèo nàn. Tôi cảm nhận thấy tim mình đang run.
Cô bé Liên và An, vào thời khắc chiều tà ấy đã ngóng trông chiếc tàu đi qua. “Con tàu như đem một chút thế giới khác đi”. Nhưng, nhưng con tàu chở ánh sáng ấy chưa đến đã vội đi, như một niềm vui vừa bùng lên đã lụi tàn trong khoảnh khắc, bỏ lại con người trong tĩnh mịch và đầy bóng tối. Kết thúc, cái buồn cứ dai dẳng không thôi. Kết thúc, nó để lại trong tôi thật nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời. Và, còn nhiều những câu chuyện khác nữa, đã dẫn dắt lòng tôi qua cung bậc cảm xúc khác nhau, tôi như lạc vào rừng của hoa thơm trái ngọt, được nếm những hương vị mới lạ nhất trần đời.
Gấp cuốn sách lại, tôi những tưởng hương vị ấy vẫn còn vương lại trên môi…
– Giang Thị Thanh Thảo