Hành Trình Về Phương Đông – Baird T. Spalding

Lần cập nhật gần nhất April 13th, 2020 – 09:52 pm

Hành trình về phương Đông là một cuốn sách đan xen nhiều tầng lớp kiến thức triết học về con người, cái chết và ý nghĩa của cuộc sống. Tôi tin rằng, đây chính là một cuốn sách giúp mở ra cho người đọc không chỉ là một góc nhìn mới về nếp sống tử tế, sự giàu có và hạnh phúc, mà còn thay đổi quan niệm của hàng triệu bạn đọc về thế giới tâm linh bên cạnh những thứ hiện hữu mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Nhờ cuốn sách, tôi đã được tham khảo thêm nhiều quan niệm phi thường làm thay đổi một năm mới 2020 và cả cuộc đời phía trước của mình.

Review (2)

Cuốn sách kể về hành trình của đoàn khoa học gồm những chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử đến Ấn Độ để nghiên cứu về khoa học cổ xưa và bí truyền văn hoá Ấn Độ. Hành trình về phương Đông đã mở ra một chân trời mới để Đông Tây gặp nhau, để Khoa học Minh triết hội ngộ, để Hiện đại Cổ xưa giao duyên, để Đất Trời là một.

Tôi không phải một kẻ tín đạo, tôi không sùng bái một tôn giáo hay một giáo lý nào cả. Tôi cũng chưa từng nghiên cứu hay đọc nhiều các tài liệu chính thống về chủ đề này, có chăng chỉ là có chút kiến thức ít ỏi qua báo đài, tạp chí, sách vở, tất cả đều dừng lại ở việc đề cập đến, không có phân tích lý luận chính đáng. Nhưng từ trước đến giờ, tôi vẫn tin vào những điều kì diệu của văn hoá tâm linh (vấn đề này cực kỳ nhạy cảm, cần cẩn trọng tránh nhầm lẫn với mê tín dị đoan) mà khoa học chưa thể chứng minh được, có lẽ, khó mà biện chứng cho nổi.

Tuy nhiên, tôi đã đọc cuốn sách Bên rặng tuyết sơn – cũng do Giáo sư Nguyên Phong phóng tác, nên cũng gọi là nắm được tinh thần của thể sách này. Nếu Bên rặng tuyết sơn giúp tôi tin con người hoàn toàn có thể kết nối với đấng toàn cao – vũ trụ thiên nhiên xung quanh qua bộ môn yoga thì Hành trình về phương Đông, theo ý kiến cá nhân tôi, có giá trị cao cả hơn nhiều lần. Tôi như được theo chân các giáo sư của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh, vượt qua bao ngờ vực, thất vọng để đến được với khoa học minh triết cổ xưa Ấn Độ.

Những bí truyền của văn hoá Ấn được gợi mở thông qua những dẫn chứng khoa học hiện đại đầy sức thuyết phục, khó lòng mà chối cãi. Nền khoa học cổ xưa như yoga, thiền định, chiêm tinh học, phép dưỡng sinh, cùng với những kiến thức về nhân duyên, nghiệp báo, luận nhân quả, tam giới,… dần thuấn nhuần vào tư tưởng người đọc, như thể, ta đang quỳ dưới chân một vị chân sư mà tiếp nhận những bài học thay đổi cả cuộc đời ta.

Những triết lý sâu sắc và vô cùng nhân văn của tác giả Spalding được giáo sư Nguyên Phong chuyển sang tiếng Việt một cách tinh tế, nhuần nhuyễn, như thể nền văn hoá này phi ngôn ngữ, chỉ cần tấm lòng rộng mở, cởi bỏ định kiến, đều có thể thấu hiểu, giác ngộ.

Như lạc vào một thế giới bí ẩn, khám phá những điều lạ lẫm, cuốn sách có sức hút lạ kỳ, cứ thế dẫn dắt cảm xúc và tâm hồn tôi. Tri thức về văn hoá, tôn giáo, tâm linh khiến tôi say đắm, bởi Hành trình về phương Đông đã lôi cuốn tôi.

Đọc một cuốn sách, như sống một cuộc đời khác, giàu trải nghiệm, rộng kiến thức hơn.

“Đúng thế, chúng ta có tính hay quên, nên cứ phải học đi học lại cái bài học đau khổ. Chỉ khi bị khổ sở, bị đàn áp, tự do bị chà đạp, con người mới quay về với niềm hy vọng cuối cùng là đức tin. Khi sung sướng ít ai nghĩ đến việc tu thân cầu giải thoát. Khi cơ thể bệnh hoạn, ta mới thấy khoẻ mạnh là hạnh phúc. Khi bị tù đày, ta mới thấy giá trị của tự do. Tiếc rằng khi khỏi bệnh, ta không ý thức nguyên nhân đã gây nên bệnh đó, mà lại tiếp tục một đời sống như trước, do đó, ta cứ bị bệnh hoài.”

– Jenny Nguyễn

“Hãy gõ, rồi cửa sẽ mở. Hãy tìm, rồi sẽ gặp” (Kinh Thánh)

Bạn có tin vào Thuyết tiến hóa của Darwin? Gần đây tôi có đọc một tài liệu về nghi vấn Thuyết tiến hóa không có căn cứ khoa học, bằng chứng là không tìm thấy những hóa thạch cho thấy quá trình tiến hóa đã diễn ra, ngay cả Darwin cũng khẳng định: những hóa thạch mới là câu trả lời chính xác cho học thuyết ông nêu ra. Vì vậy, khi đọc đến câu: “Sự tiến hóa của linh hồn đi song đôi với thể xác” tôi nhớ lại nghi vấn trên. Liệu đây là một học thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại hay chỉ là sự lừa bịp thế kỷ? Xin dành câu trả lời cho tương lai.

“Yoga là một khoa học bao gồm nhiều thứ, từ thiên văn, địa lý đến triết học, toán học… Pháp môn tôi được truyền dạy gọi là Hatha yoga, chỉ là một phần nhỏ của tất cả yoga.” Tôi nhớ lúc trước giáo viên Yoga của tôi có giải thích từ Hatha có nghĩa là Mặt Trời và Mặt Trăng. Thật trùng hợp là tôi gặp lại Hathayoga trong cuốn sách nhỏ này. Đối với những ai muốn tìm hiểu về Yoga thì quyển sách này rất tốt và đúng đắn. “Bạn có tin rằng nếu luyện tập pháp môn này đến mức cao siêu, ta có thể thắng đoạt tử thần không? Bạn đồng ý rằng ngưng thở là chết, và nếu ta giữ được hơi thở thì ta bảo tồn được sự sống, có đúng không?” Quả thật, khi tôi tập Yoga có thể nhịn thở khá lâu dưới nước đến nỗi giáo viên dạy bơi của tôi còn ngạc nhiên, dù tôi đạp chân và khua tay kém, tôi vẫn có thể bơi từ bờ nọ sang bờ kia của bể bơi.

Bạn có sẵn sàng tiếp thu cái mới, cái lạ mà không kỳ thị, không nghi ngờ dù chỉ trong ý nghĩ không? “Nếu đi ngược dòng lịch sử, bạn có thấy rõ mức tiến hóa của khoa học và nhân loại luôn luôn ảnh hưởng và bổ sung cho nhau hay không? Thời tiền sử, nói về Thuyết nguyên tử là điều vô lý và có nói cũng chẳng ai hiểu. Thời trung cổ, nếu có giảng giải về không gian vũ trụ thì sẽ bị kết án là phù thủy. Lịch sử Châu Âu đã chứng minh rằng những con người thông minh quá đều bị chế nhạo là điên khùng rồi bị thiêu sống.”

“Tôi biết rằng trong nguy cấp chỉ cần cầu nguyện là đủ. Cầu nguyện là cần thiết vì lo âu chẳng ích gì. Nhiều khi tôi gặp khó khăn, lúc đó tôi ý thức hơn bao giờ hết sự giúp đỡ của Thượng đế… Tôi tin chắc rằng con người có thể cải tạo tinh thần để hòa hợp với Thượng đế, còn các việc xảy ra do hậu quả của quá khứ ta không thể thoát được thì lo lắng ích gì?” Tôi nhớ những giờ thiền với giáo viên Yoga, con người như nhẹ bẫng đi, quên hẳn thực tại xung quanh, thành thật trò chuyện với chính mình, xoa dịu những nỗi đau từ sâu thẳm trong tiềm thức. “Nếu ta cứ khăng khăng cho rằng những gì không nghe được, không nhìn được đều không hiện hữu thì thật là một sai lầm tai hại. Có biết bao sự kiện xảy ra mà giác quan giới hạn của con người không thể cảm nhận, cho đến một ngày nào họ khai mở các giác quan khác”.

Và người ta cứ hay dọa nhau, cẩn thận kẻo khẩu nghiệp, rồi rủa nhau nghiệp chướng, đe nhau luật nhân quả… mà họ có hiểu hết những điều đó không? “Nhờ nghiên cứu chiêm tinh mà người ta hiểu rõ rằng không hề có một đấng thần linh nào thưởng phạt hay kiểm soát các hành động của ta. Tất cả chỉ là hậu quả của những gì do ta tạo nên và ta phải gánh chịu.”

Để khai thác, con người gán cho kiến thức một giá trị quá mức như bắt mọi người phải đến trường. Gần đây tôi có đọc được ở đâu đó câu giáo dục cũng chỉ là một ngành công nghiệp, điều này có đúng không? “Sự thật lại khác hẳn, chúng ta học cách chế ngự quyền lực thiên nhiên, đi ngược luật tạo hóa, khiến cho xã hội càng ngày càng đau khổ, bất mãn thêm. Sự chế ngự này, con đẻ của khoa học chỉ đem lại lợi ích cho một thiểu số thôi”. Người Châu Âu có tham vọng kiểm soát mọi thứ bằng cái nhìn khoa học. Nhưng không phải chính học thuyết của Darwin cũng có lỗ hổng là không tìm được bằng chứng thực nghiệm của những hóa thạch để củng cố cho lý thuyết của mình hay sao? Đọc cuốn sách này để soi rọi lại chặng đường đời tôi đã đi qua bởi hành trình về phương Đông là hành trình về với cội nguồn của tâm linh huyền bí mà khoa học chưa thể lí giải. Soi chiếu với cuộc đời thực của tôi, khi tôi vừa sinh bé đầu, tôi chưa hiểu thế nào là sinh con thuận tự nhiên, nuôi con thuận tự nhiên, thực dưỡng thực hành… Hầu hết chúng ta đều bị tẩy não bởi các hãng sữa, sữa bột đúng là phát minh của người Châu Âu, đã cứu sống hàng loạt đứa trẻ mồ côi, song người Châu Á chúng ta lại tưởng rằng sữa bột là tốt nhất cho con người, uống sữa bột mới có vóc dáng cao lớn và trí thông minh như người Châu Âu. Rồi khi con đến tuổi đi học, trường mầm non mọc lên như nấm sau mưa và nhan nhản các phương pháp từ giáo dục sớm, unschool… khiến phụ huynh băn khoăn, bối rối không biết theo đường nào. Cuốn sách nói về lẽ sống thuận tự nhiên, ở đó con người buông bỏ mọi thứ để giao hòa với thiên nhiên – đây cũng là phương pháp chữa bách bệnh.

Tôi nhớ bà nội tôi, người phụ nữ Á đông thuần từ ngoại hình đến tính cách. Bà tôi cả đời dùng kinh nghiệm thực tiễn cấy lúa trên đồng ruộng mà lí giải mọi hiện tượng từ tự nhiên đến con người. Nào là” Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối” hay “Dáng đi vắt vẻo mình xà/ Trai thì đơn lẻ gái qua nhiều chồng”. Nhớ lúc bé tôi thường nghe bài khấn tổ tiên của bà tôi mỗi lần giỗ tết, thường bắt đầu bằng:” Ba hồn bảy vía ông Nguyễn Hữu A sống khôn chết thiêng, gần bay xa na bay bổng, về phù hộ độ trì cho con/cháu là…” nếu là cụ ông, còn nếu cụ bà là” ba hồn chín vía cụ Nguyễn Thị B…”. Đọc cuốn sách này ta sẽ thấy con người có 3 thể xác – hồn – vía. Thể xác là cái ta nhìn thấy bằng mắt thường. Điều đó lý giải tại sao khi trong nhà có người vừa mới qua đời không nên gào khóc thảm thiết vì lúc đó hồn vừa lìa khỏi xác, còn bỡ ngỡ, tiếc nuối thân xác và không biết nên tìm đường siêu thoát hay vương vấn trần gian. Và tôi thấy mình có lỗi với bà khi trong đám tang bà tôi đã khóc rất nhiều. Có lẽ lúc đó hồn bà tôi băn khoăn lắm. Giờ thì tôi thấm thía “sự hiểu biết về cõi vô hình rất quan trọng, vì khi hiểu rõ những điều xảy ra sau khi chết, ta sẽ không sợ chết nữa. Nếu có chết thì chỉ là chết hình hài xác thân chứ không phải là chấm dứt sự sống, và hình hài có chết đi thì sự sống mới tiếp tục tiến hóa ở một thể khác tinh vi hơn”.

Có câu đọc sách là cách học tốt nhất, nên nếu có đọc được review này bạn hãy tự đọc sách đi nhé. Bởi vì: “Một sự hiểu biết mà không phải do mình tìm ra thì thật ra chỉ là một hiểu biết hời hợt, nông cạn. Sự hiểu biết do người khác mang lại, dù bằng bất cứ phương tiện nào, cũng chỉ là kinh nghiệm của người đó. Ta không thể troong đợi một chân lý đến từ bên ngoài, mà phải biết thế nào là đủ để dừng lại, để trở về. Đi xa tức là trở về, đó mới là con đường đúng đắn”.

“Hãy quay về phương Đông, với quê hương tinh thần. Quay về không phải để tìm kiếm một chân lý mới, một tôn giáo mới hay một kiến thức gì mới lạ. Mà để hiểu biết rằng chân lý luôn luôn ẩn tàng khắp nơi, tôn giáo chỉ là những con đường khác nhau đưa đến chân lý”.

– Nguyễn Hà

Trích dẫn

“Trở ngại lớn nhất của những người luyện tâm rèn chí là sự kiêu ngạo và óc trỉ chích.”

“Không vị thánh nào vỗ ngực xưng danh mà chỉ có những kẻ u mê trong bản ngã mới tha thiết đến danh vọng, địa vị. Khi họ đeo đầy mình những chức tước, thì làm sao họ giải thoát được?”

“Thực ra, chiến tranh chỉ là sự biểu lộ trạng thái bên trong chúng ta, là sự phóng đại các động tác hàng ngày của chúng ta. Chiến tranh không chấm dứt nếu các nguyên nhân gây nên nên cuộc chiến vẫn còn. Nguyên nhân chiến tranh bắt nguồn từ các tham vọng, giận dữ, oán hận,… Chỉ khi nào loài người ý thức điều này và thay đổi quan niệm sống thì họ thấy bình an.”

“Chúng ta cố tìm hạnh phúc, và nhiều lần tưởng đã đạt được nó để hưởng một cách lâu bền. Nếu biết dừng chân suy nghĩ, ta sẽ thấy chúng ta đuổi theo hạnh phúc nhưng không hề biết đến bản chất thực sự của nó. Thật sự, người giàu có, lắm vật chất, chưa chắc đã hạnh phúc hơn kẻ nghèo.”

“Khi ta phát tâm làm một việc hợp với thiên ý thì một tinh tú ảnh hưởng tới ta bỗng chói sáng và các sóng điện mạnh mẽ đẩy ngược tia vũ trụ sang hướng khác. Do đó, con người có thể cải số mệnh dễ dàng nếu biết làm các việc tốt lành, đẹp đẽ.”

“Người nghệ sĩ chân chính sáng tạo vì lòng yêu cái đẹp, chứ không vì tên tuổi, tiền bạc, địa vị.”