Hãy Đến Hiệu Thuốc Yukil – Seong Oh Kim

Lần cập nhật gần nhất September 9th, 2020 – 09:06 am

Kinh doanh đắc nhân tâm không phải được thực hiện chỉ bằng lời nói. Điều này chỉ có thể làm được khi ta toàn tâm đặt lòng mình hướng tới khách hàng. Mở lòng mình ở mọi nơi, khiến cho lòng người chuyển động về phía mình, đó được gọi là “kinh doanh đắc nhân tâm”. Điều quan trọng là “hướng chuyển động của trái tim con người”. Điều này chính là việc người ta giao trái tim và thời gian đồng thời cũng là tiền tài và tương lai của mình cho đối phương đáng tin cậy. Nếu chỉ lo kiếm tiền, cả tiền và người sẽ mất. Nhưng nếu nắm được lòng người, không chỉ con người mà tất cả mọi thứ cũng đi theo.

Review Hãy đến hiệu thuốc Yukil

XIN ‘HÃY ĐẾN HIỆU THUỐC YUKIL’ VÀ HỌC HỎI TỪ NÓ!

Tác giả Seong Oh Kim là một dược sĩ tốt nghiệp Đại học Seoul và kinh doanh hiệu thuốc Yukil tại Masan trong vòng 10 năm. Tại hiệu thuốc Yukil này, ông đã thực hiện rất nhiều phương pháp kinh doanh đắc nhân tâm khiến cho những gì xảy đến với hiệu Yukil trở thành kỳ tích.

Dưới đây là những bài học rút ra được sau khi mình đọc cuốn sách này:

1. Học thuộc hết tên của khách hàng và quan tâm đến những việc lớn nhỏ trong vùng.

=> Khu vực Masan là một thị trấn nhỏ, ít người và thậm chí còn ít người hỏi đường đến hiệu thuốc Yukil. Thời đó cũng chưa có internet hay thiết bị định vị để khách hàng tìm thấy được hiệu thuốc.

Vậy nên mỗi khi có người hỏi đường, kể cả không phải khách mua thuốc, Seong Oh Kim đều chỉ đường rất tận tình, thậm chí còn trực tiếp dẫn đường cho những ai chưa quen thuộc trong vùng.

Ông cũng cho họ dùng nhờ điện thoại nhiều lần mà không tính phí, hoặc chỉ lấy 50 won tượng trưng. Rất nhiều người được chỉ đường và dùng nhờ điện thoại sau đó đã tìm đến hiệu thuốc của ông để mua thuốc, rồi dần trở thành khách hàng thân thiết.

2. Hiệu thuốc Yukil lắp 25 bóng đèn huỳnh quang 40 watt, nơi vốn chỉ đủ cho 6 cái bóng và trở thành cây cột đèn soi sáng màn đêm của vùng.

=> Vì không phải là một khu đô thị sầm uất, nên khi về đêm, hiệu thuốc đóng cửa và tắt hết đèn bỗng trở nên nhỏ bé và chìm nghỉm.

Vì muốn để người dân có thể nhìn thấy hiệu thuốc của mình rõ hơn, ông đã mạnh tay lắp nhiều bóng đèn và khiến nó trở nên sáng rực rỡ, kể cả khi đã đóng cửa. Tiền điện của hiệu thuốc vì thế mà cũng tăng thêm đến gần 200.000 won.

Nhưng giờ đây ai cũng phải ngoái lại nhìn vào hiệu thuốc, và ánh đèn từ hiệu thuốc làm cả vùng sáng sủa hẳn lên, việc tìm các loại thuốc trong ngóc ngách cũng dễ dàng hơn.

Không lâu sau đó, doanh số bán hàng tăng lên thêm khoảng 1 triệu won. Với 200.000 won tiền đầu tư, ông đã thu lãi về lớn gấp 5 lần.

3. Hiệu thuốc Yukil có một cánh cửa tự động trị giá 2 triệu won ở thời điểm năm 1986 giữa một vùng ngoại ô xa xôi.

=> Khi đó trong vùng chỉ có duy nhất 1 cánh cửa tự động ở khách sạn Lotte Cristal. Đứng ngắm cửa tự động khiến ông nghĩ sẽ rất tiện cho người lớn tuổi, hoặc những người xách nhiều đồ, trẻ con cũng sẽ thích đến chơi.

Ông bỏ ra đến 2 triệu won khi đó để lắp cửa, nhờ vậy trẻ con trong vùng ngày nào cũng kéo đến hiệu thuốc và khiến cho hiệu thuốc Yukil trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với tất cả mọi người.

4. Hiệu thuốc Yukil vốn chỉ chuyên bán Tây dược nhưng lại có mùi không khí đậm đặc mùi Đông dược.

=> Dù là chuyên về Tây dược nhưng những người quan tâm đến Đông y ngày càng nhiều nên Seong Oh Kim quyết định đi học thêm Đông dược. Ông luôn nhắc nhở nhân viên rằng, khi ông không có ở đây, nếu có khách đến hỏi hãy nói rằng ông đi học Đông y.

Ông cũng mua thuốc Đông đựng đầy các ngăn tủ, để cho hiệu thuốc Yukil lúc nào cũng có mùi Đông dược, khiến nhiều người tò mò.

Đó là một bước pre-marketing, tạo nhận thức cho khách hàng rằng dược sĩ Seong Oh Kim đang học Đông y, và hiệu thuốc Yukil thời gian tới cũng sẽ bán cả thuốc Tây và thuốc Đông.

Nhờ vậy, trong tháng đầu tiên bắt đầu đổi mới, doanh số bán hàng của hiệu thuốc đã tăng lên chóng mặt, dù bên cạnh hiệu thuốc Yukil cũng có những hiệu thuốc chuyên Đông y, nhưng các đơn đặt hàng mà hiệu Yukil nhận được cũng không thua kém gì họ.

5. Lễ khai trương người không đếm xuể chỉ bằng lãng hoa 10.000 won
Khi Seong Oh Kim chuyển địa điểm hiệu thuốc Yukil sang nơi rộng rãi và đông cư dân hơn, nhiều người quen đã nói rằng sẽ gửi quà chúc mừng. Nhưng thay vì các đồ vật đắt tiền, ông nói với mọi người:

“Hãy tặng cho tôi một lãng hoa trị giá 10.000 won, tôi sẽ nhận quà khác.”
Ngày khai trương, có đến khoảng 100 lãng hoa gửi đế và xếp thành nhiều hàng, không khác gì một sự kiện mang tầm quốc gia. Điều nay khiến rất nhiều người tò mò và đến dự buổi khai trương của hiệu thuốc Yukil mới.
—–
Điều gì xảy ra với hiệu thuốc Yukil chính là những kinh nghiệm kinh doanh đắc nhân tâm của Seong Oh Kim trong suốt 10 năm để khiến khách hàng cảm động và gắn bó với doanh nghiệp.

Hãy đến hiệu thuốc Yukil là cuốn sách duy nhất do người Hàn viết nằm trong TOP 10 CUỐN SÁCH KINH TẾ VÀ QUẢN TRỊ KINH DOANH CÁC CEO THƯỜNG ĐỌC TRONG KỲ NGHỈ HÈ do Viện nghiên cứu kinh tế Samsung công bố.

Cuốn sách thực sự đã cho mình cách nhìn mới về kinh doanh tận tâm và chiến thắng trái tim của khách hàng. Nếu bất cứ ai đang muốn theo đuổi triết lý kinh doanh này, hãy tìm đọc cuốn sách và “hãy đến hiệu thuốc Yukil”!

– Thiên Ái

Năm mới, tuổi mới, đọc quyển sách hay thật hay, cảm ơn đời mỗi hôm thức giấc đã cho em Giác Ngộ được nhiều điều hay.

Hôm nay mình sẽ review cuốn sách HÃY ĐẾN HIỆU THUỐC YUKIL của tác giả SEONG OH KIM này nhé!

Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về hành trình xây dựng các sự nghiệp của tác giả qua nhiều doanh nghiệp và thành công với triết lý kinh doanh đắc nhân tâm. Qua những câu những trải nghiệm đó tác giả phân tích rõ hơn các kết quả tích cực khi ta đối xử với khách hàng và nhân viên 1 cách chân thành. Đặt ta vào chính bản thân họ mà suy nghĩ.

Cuốn sách gồm có 4 chương chính.

Chương 1: Hãy coi khách hàng như giám đốc kinh doanh.

Ở chương này tác giả xoay quanh vấn triết lý “Kinh doanh đắc nhân tâm”. Thường mọi người nghĩ rằng thời đại thông tin truyền thông chiếm vị trí mũi nhọn như ngày nay thì “sự cảm động” thật quê mùa. Nhưng xã hội càng phát triển thì số người cảm thấy lạc lõng, cô đơn càng nhiều. Nên sự cảm động để có thể trao niềm vui và sự thoải mái 1 cách nhân văn là rất cần thiết. Kinh doanh đắc nhân tâm, kết cục k phải là già mua, tụt hậu với thời đại mà là sức mạnh cạnh tranh hiệu quả và bền vững nhất.

Sức mạnh của con người là do con người. Sức mạnh của doanh nghiệp đến từ khách hàng. Điều quan trọng là “hướng chuyển động của trái tim con người”. Điều này chính là việc người ta giao trái tim, thời gian, đồng thời cũng là tiền tài và tương lai của họ cho đối phương đáng tin cậy. NẾU CHỈ KIẾM TIỀN, CẢ TIỀN VÀ NGƯỜI SẼ MẤT. NHƯNG NẾU NẮM ĐƯỢC LÒNG NGƯỜI THÌ K CHỈ CÓ NGƯỜI MÀ TẤT CẢ MỌI THỨ CŨNG ĐI THEO. (Trang 82)

Chương 2: Hãy gây ấn tượng cho nhân viên trước rồi mới đến khách hàng.

Ở chương này, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của những người đồng nghiệp xung quanh chúng ta.

Đối với doanh nghiệp dù nhấn mạnh hàng trăm lần tầm quan trọng của con người cũng k đủ. Coi trọng nhân viên để người ta ở lại với mình , dù chỉ là 1 người, tạo môi trường để họ phát huy hết năng lực của mình, đó là chuẩn mực đạo đức thiết yếu của người CEO. (Trang 94)

Trong chương này tác giả còn đặt biệt nhấn mạnh SỰ CHÍNH TRỰC. Theo tác giả nếu chúng ta hiện thực hoá sự chính trực, chúng ta đã cho thấy ý chí xoá bỏ những thói quen xấu. (Trang 115)

Chính trực giống như cuốn sổ tiết kiệm. Sự chính trực mà bạn bỏ vào chắc chắn sẽ tạo ra tiền lãi được gọi là NIỀM TIN. (Trang 119).

Chương 3: Hãy kinh doanh để giữ người hơn là vì lợi nhuận.

Ở chương này tác giả lại nhấn mạnh tầm quan trọng của con người, con người chính là trung tâm của mọi thứ. Nếu k có con người thì mọi thứ trở nên vô nghĩa.

Người làm kinh doanh thường tìm kiếm “lợi ích tối đa”. Nếu lòng tham đối với lợi ích quá lớn, vô hình chung gánh nặng sẽ đặt lên vai khách hàng và bản thân người kinh doanh đó cũng k nhận ra. Vì vậy tác giả luôn tìm kiếm “mức tối đa vừa đủ”. Nếu chỉ vì dành giật một thứ gì đó mà tạo gánh nặng cho người khác, ngay lập tức nó sẽ phản tác dụng. Nếu chúng ta tạo ra giá trị tối cao, tìm kiếm lợi ích vừa phải, chúng ta sẽ đạt tới vòng tuần hoàn NGÀY HÔM NAY TỐT HƠN NGÀY HÔM QUA, NGÀY MAI TỐT HƠN NGÀY HÔM NAY. Đó là “tỉ lệ vàng trong kinh doanh” mà chúng ta có thể ứng dụng được trong mọi mặt từ việc tạo hợp đồng đến kinh doanh, quan hệ với nhân viên… (trang 154-157)

Chương 4: Di sản của cha – chia sẻ và dâng hiến.

Ở chương này tác giả xoay quanh lòng biến ơn. Biết ơn tất cả mọi người, biết ơn mọi thứ đã đến với mình.

@Thật ra khi đọc cuốn sách này, chung ta chỉ cần đọc từ trang 05-07 là có thể nắm hết các ý chính mà tác giả muốn truyền đạt. Phần còn lại chỉ là đọc, chiêm nghiệm và rút ra bài học chính cho chúng ta mà thôi.

Tóm lại: Theo mình thì cuốn sách này rất hay, rất cần thiết cho những người làm doanh nghiệp. Cách hành văn đơn giản dễ hiểu, tác giả đút kết lại ý chính của từng chưng nên chúng ta dễ dàng nắm được các ý chính.

– Bùi Vành Khuyên

Trích dẫn

“Người bị đánh cắp thời gian chính là bị đánh cắp tương lai. Thời gian sẽ không quay trở lại.”

“Kinh doanh đắc nhân tâm không phải là chỉ bằng lời nói. Nó chỉ có thể thực hiện được khi ta đặt cả tâm hồn mình vào tấm lòng hướng tới khách hàng.”