Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 – 05:43 pm
Người Thầy Sherwin B. Nuland, viết cuốn “Hiểu về sự chết” khi chứng kiến những người thân của mình lần lượt ra đi, và ông quyết tâm cả đời mình để viết một cuốn sách mô tả về quá trình này, để hiểu hơn về cảm giác của bệnh nhân lẫn người thân đã trải qua.
Hiểu Về Sự Chết là được vinh danh là cuốn sách hay nhất về thể loại phi hư cấu ở Mỹ năm 1994 và nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của The New York Times trong 34 tuần liên tiếp.
Review (2)
Viết linh tinh về cuốn How we die – Hiểu về sự chết (Sherwin B. Nuland) nhân một buổi sáng chán việc ở công ty. Tối hôm qua khi kết thúc cuốn sách, định rì viu chút xíu nhưng mà khuya quá lười mở máy tính lên nên là để sáng nay.
Tui đã để ý cuốn này khi tui đọc “Khi hơi thở hóa thinh không” (Paul Kalanithi), tui cũng tò mò về cái chết như Paul vậy, mà tui thì vẫn chưa chết nên đã tìm đọc.
Nghe cái tựa “How we die – Nghĩa là chúng ta chết như thế nào?” thì ta ngỡ rằng cuốn sách đơn thuần mô tả những biểu hiện lâm sàng, những phân tích theo y học khi con người hấp hối và chết đi bởi một số bệnh điển hình, nhưng dĩ nhiên cuốn sách này nổi tiếng vì nó làm được nhiều hơn như thế.
Có vài quan điểm của tác giả khiến tui tâm đắc hết sức:
1. Tuổi già và cái chết
2. Khát vọng kiểm soát quy luật tự nhiên, chiến thắng cái chết và trường sinh
3. Cách chúng ta đối diện với cái chết (người hấp hối và cả người thân), nên cố hết sức dù là hy vọng mong manh hay nên thanh thản buông bỏ…
4. Niềm tin, chọn lựa, cảm xúc của người làm nghề y trước bệnh nhân mà “Câu Đố” của họ dường như không có lời giải.
–> như thế nào thì bạn đọc để biết nhé.
Cuốn sách không làm ta sợ hãi cái chết, nó giúp ta biết rằng thời gian của chúng ta là hữu hạn, vậy hãy “sống” một cuộc đời chất lượng và trọn vẹn.Tui cũng có một vài suy nghĩ riêng tư khi đang đọc cuốn này:
– Đọc chương mô tả bệnh AIDS và tiến trình dẫn đến cái chết của bệnh này, các nghiên cứu cho thấy virus HIV là loại vi sinh vật có khả năng lây nhiễm rất kém, có thể tìm thấy virus HIV trong sữa mẹ, nước tiểu, nước bọt, máu, chất nhờn, tinh dịch…nhưng chỉ có 3 con đường lây nhiễm là đường máu – quan hệ tình dục – truyền từ mẹ sang con, loại virus này không thể sống quá 20p ở ngoài môi trường, bị tiêu diệt bởi dung dịch pha loãng của ngay cả những thuốc tẩy thông thường, do đó khả năng lây nhiễm của virus không khó kiểm soát như các virus/vi khuẩn gây nên các đại dịch như tả, dịch hạch, đậu mùa, lao…; HIV có khả năng sao mã ngược kì lạ từ ARN sang ADN và phương thức tấn công vật chủ của nó là phá hủy ngay chính hệ miễn dịch. Hiện chưa có phát minh nào có thể điều trị hoàn toàn bệnh này nhưng chúng ta cũng đã kiểm soát được quá trình lây nhiễm và ngăn không cho phát triển thành đại dịch.Chính vì như vậy, bỗng nhiên tui có suy nghĩ, AIDS không giống như dịch bệnh, nó giống như một hình phạt dai dẵng của Chúa, Ngài giữ lại nó và sử dụng nó như một sự cảnh tỉnh về tội lỗi của chúng ta, thời gian trước khi chết của bệnh là quá dài để ta luôn nghĩ về nó cùng với sự tiếc nuối, để sám hối về sai lầm của chúng ta, nhưng nó sẽ luôn như vậy, luôn tồn tại, ta không thể thoát khỏi hình phạt một khi bị trừng phạt.
– Năm 2015 ông Ngoại tui bị bệnh và mất vào tháng 5AL, tui biết ông luôn sợ hãi trước cái chết, và mọi người trong gia đình thường trấn an ông kiểu như bệnh ông chẳng có gì nghiêm trọng ngay cả khi nội tạng của ông bị suy nặng và được chẩn là khó qua khỏi. Tui không ở quê trong thời gian ông bị bệnh, em gái, ba và các dì kể lại những chuyện về ông trong giai đoạn ông sắp mất, việc ông tỏ ra rất sợ hãi và đau đớn. Khi ông mất, tui thấy an ủi vì ông không còn thấy đau nữa nhưng mỗi lần nghĩ đến việc ông đã cô đơn chịu đựng sự sợ hãi trước cái chết mà tui đau lòng biết mấy.
Chúng ta thường lảng tránh khi đối diện trước cái chết của người thân, người bệnh hiểu rằng họ sẽ chết, người thân cũng hiểu nhưng chúng ta nghĩ rằng việc không nhắc đến nó là cách để xoa dịu sự mất mát.
Tui cảm giác được sự cô đơn đó nhưng đã không rõ đó là gì và liệu suy nghĩ của mình có đúng không. Tui ước tui đọc cuốn sách này sớm hơn, tui sẽ ở đó và bằng cách nào đó để chia sẻ, để thấu hiểu, để đồng hành ở đoạn cuối đường đời của ông.
Tạm kết với 1 câu trích trong sách “Không có cách nào ngăn cản tuổi già thực hiện bổn phận khắc nghiệt của nó, nhưng một cuộc đời trọn vẹn sẽ dùng chất lượng để bù lại cho số lượng hữu hạn của nó”.
– Diệu Nhỏ
Mỗi ngày chúng ta đều nghĩ rất rất nhiều chuyện:
– Hôm nay ăn gì
– Kiếm được bao nhiêu tiền
– Mua quần áo ở đâu
– Làm sao được nhiều người biết tới
– Làm sao để có kế hoạch kinh doanh tốt
– Hôm nay sẽ làm gì để làm cho người này vui kẻ khác hài lòngVà còn rất nhiều nhiều những chuyện kiểu như vậy khiến ta không ngưng xoay vần, suy nghĩ và quên mất rằng những điều đó chỉ là tương đối. Có thể hôm nay thế này, mai đã trở thành thế khác.
Trong khi đó có những thứ rất hiển nhiên và chắc chắn nó sẽ đến với ta, đến với bất cứ ai, bất cứ sinh vật sống nào trên cuộc đời này: Đó là cái Chết.
Thứ mà chúng ta né tránh không muốn nhắc tới. Thứ mà ta chỉ nghĩ tới khi nó thực sự đến. Thứ mà hiển nhiên và là điều chắc chắn nhất sẽ đến với ta. Vậy mà ta cứ để cuộc đời này dẫn dắt, mặc sức xoay vần ta.Rồi đến một ngày tóc đã phai sương,hay ta đang nằm trên giường bệnh, ngoảnh mặt lại mới thấy ta đã lãng phí khoảng thời gian ta đã được sống như thế nào…
Hiểu về cái Chết. Hiểu về thứ chắc chắn sẽ đến với ta. Không phải để lo lắng sợ hãi, hay chuẩn bị.
Mà để hiểu rằng :
Mỗi ngày qua đi là một ngày gần hơn với cái Chết. Là một ngày uổng phí nếu ta không sống trọn vẹn. Là một ngày ta còn được nhìn, được nghe, được cảm nhận cuộc sống này tốt đẹp và tuyệt diệu nhường nào.
– Hãy thực sự Sống khi ta có thể vì, ngày mai không phải lúc nào cũng đến
– Hoàng Duy Anh (một ngày cuối năm 2019)