Homo Deus: Lược Sử Tương Lai – Yuval Noah Harari

Lần cập nhật gần nhất January 5th, 2021 – 03:41 pm

Giá gốc 189.000 | Tiki 139.981 | Fahasa 147.4200

Suy nghĩ về hiện tại giúp xác định tương lai, nhà sử học Yuval Noah Harari nói. Các chính trị gia của chúng ta không làm việc này một cách đầy đủ.

Trong cuộc tìm kiếm sự hoàn hảo không bao giờ chấm dứt, loài người về bản chất là những thuật toán đang cố gắng nâng cấp bản thân mình thành bất tử. Nhưng nếu đạt được sự hoàn hảo đó, chúng ta sẽ đánh mất tính người của chúng ta. Đó là luận điểm của “Homo Deus: Lược sử tương lai”, quyển sách mới nhất của Noah Harari đã được bán hết ba triệu bản và đoạt giải Sách Kinh doanh năm 2017 của Handelsblatt, Goldman Sachs và Hội chợ sách Frankfurt.

Review Lược sử tương lai (3)

Sẽ là một tội lỗi nếu như bạn đọc xong một tác phẩm đặc sắc mà không chia sẻ

Nhưng sẽ là một sự phỉ báng nếu như không chia sẻ nó một cách có tâm nhất

Đây chính là một loại áp lực với mình. Nhưng vì lời hứa với một người bạn nên mình vẫn cố gắng vượt qua áp lực để review

Với mình, điều đầu tiên cần phải nói trước khi có bất cứ “bình luận” gì về Homo Deus đó chính là mong muốn được bày tỏ sự kính trọng, khâm phục, ngưỡng mộ và biết ơn tới tác giả Yuval Noah Harari. Đây chắc chắn là minh chứng cho sức mạnh khủng khiếp mà một “ngòi bút” có thể mang lại. Nếu như ngày xưa vào thời chiến, có những “ngòi bút” có sức mạnh cổ vũ lòng dân, giúp đánh thắng quân thù, thì ngày nay ngòi bút của Harari thậm chí có thể tiêu diệt dịch bệnh và cứu rỗi nhân loại khỏi thảm hoạ ngay cả khi chúng còn nằm trong trứng nước.

Harari đã để lại vô cùng nhiều các giá trị mang tính cách mạng về nhận thức, với lượng kiến thức đồ sộ về lịch sử, khoa học, kinh tế chính trị và tôn giáo qua tác phẩm Lược sử loài người và Lược sử tương lai – 2 tác phẩm giúp loài người chúng ta nghiêm túc sâu sắc nhìn lại bản thân, nhìn nhận lại mục đích và giá trị cuộc sống bằng cách phóng tầm mắt theo chiều dài nghìn năm lịch sử, từ đó đưa ra những dự báo về tương lai nhân loại nếu như với cái đà của guồng quay cuộc sống này vẫn được tiếp tục.

Trong đó, cuốn sách Lược sử tương lai đặt ra cho chúng ta 3 câu hỏi lớn để giúp định hướng tầm nhìn và hành động của nhân loại trong thế kỷ tới – thế kỷ mà con người có thể sẽ bị nhấn chìm bởi “cơn lũ dữ liệu” khi thả tay trao quyền cho thị trường tự do, cho trí tuệ số đông và cho các thuật toán bên ngoài. 3 câu hỏi đó là:
– Liệu sinh vật có thật chỉ là các thuật toán không, và liệu sự sống có thật chỉ là quá trình xử lý dữ liệu không?
– Cái gì quan trọng hơn: trí tuệ hay ý thức?
– Điều gì sẽ xảy ra với thế giới khi các thuật toán phi ý thức nhưng trí tuệ cao biết rõ ta hơn ta biết chính mình?

Nhưng tại sao?

Bởi vì loài người ngày nay – với lượng kiến thức đồ sộ, sức mạnh vượt bậc và quyền năng to lớn mà công nghệ sinh học và công nghệ thông tin mang lại – đã có thể kiểm soát được nạn đói, bệnh dịch và chiến tranh, thậm chí làm nên nhiều thành tựu và phát minh vĩ đại. Nhưng chúng ta không biết đủ. Ham muốn của nhân loại tương tự tăng theo cấp số nhân, tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật, …mọi mặt. Nó đang nhấn chìm nhân loại trong chính những thành tựu và sức mạnh của mình, đồng thời “ươm mầm” cho một hiểm hoạ chưa từng có.

Có lẽ chúng ta đang điên cuồng chạy trong guồng quay “phát triển” đến mức không nhận thức được những hiểm hoạ đang “đón đầu”. Chính vì thế, Harari đến để nói với chúng ta rằng: Nhân loại nên bắt đầu khiếp sợ. Không phải dịch bệnh, nạn đói hay chiến tranh, mà khiếp sợ những gì tạo ra bởi sự thèm muốn vô tận của chính nhân loại. Bởi “Kỷ nguyên con người bất lực trước các đại dịch tự nhiên có lẽ đã qua. Nhưng rồi chúng ta có lẽ sẽ phải tiếc nhớ những ngày đó”

Thậm chí, trong sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo AI, thì ta có thêm một Câu hỏi quan trọng nhất trong kinh tế học thế kỷ 21 nữa đó là: “Ta phải làm gì với tất cả những con người thừa thãi đây?”

Hãy đọc, hãy suy ngẫm, và hãy “biết sợ”!

– Anna Nguyễn

HOMO DEUS – LƯỢC SỬ TƯƠNG LAI – Yuval Noah Harari

Nếu bây giờ có một khảo sát về 10 cuốn sách nên đọc nhất trong những năm 2010 (hoặc một thời kỳ dài hơn), tôi sẽ không ngần ngại dành 2 vị trí cho sách của Harari. Đây là 2 cuốn mà tôi cho là xứng đáng nằm trong tủ sách gia đình để lưu truyền qua các thế hệ, ngay cả khi bạn theo bất kỳ thứ chủ nghĩa tối giản nào.

Một sách bóc trần mọi sự thật về thế giới loài người. Tại sao con người hình thành cộng đồng? sự hội hợp lao động linh hoạt có tác dụng gì? trí tưởng tượng đã tạo nên thế giới như thế nào? hạnh phúc suy cho cùng là cảm xúc từ rung động của tâm hồn hay đơn giản chỉ là những phản ứng sinh hóa của não bộ?… Tất cả đều phơi bày trong 2 cuốn sách, chưa đến 200 ngàn VND/cuốn này.

Trong khi cuốn trước, mô tả sự hình thành nhân loại từ cổ đại đến nay, thì Homo Deus hướng đến những khả năng phát triển của con người trong tương lai, và biết đâu được, có thể trở thành một dạng siêu nhân nào đó.

Loài người yếu ớt Sapiens đã chinh phục và tạo ra giá trị mới cho thế giới. Ở mỗi giai đoạn, nó tôn sùng hoặc một thứ tôn giáo, hoặc một chủ nghĩa mới, và tạo nên các cuộc cách mạng nhận thức. Ngày nay, con người dựa vào chủ nghĩa nhân văn – tự do, khi lấy cá nhân và nhân loại làm trung tâm của thế giới. Chúng ta coi trọng những cảm xúc cá nhân, tuân thủ luật pháp và có thể cho rằng không cần tuân theo bất kỳ chỉ đạo của một vị thần tối cổ nào, do đó có vẻ chúng ta tự do. Nhưng Homo Deus lại chỉ ra rằng, thậm chí những suy nghĩ và xúc cảm mà chúng ta tưởng chừng như là của chúng ta, thì đều bị tác động bởi các phản ứng sinh hóa của não bộ. Đến lượt những phản ứng đó, đều được hình thành từ dữ liệu của bộ gene sinh tồn do tổ tiên truyền lại, cũng như bị ảnh hưởng bởi những quy định tưởng tượng đương thời. Thế thì tự do có thực sự là tự do???

Đến lúc nào đó, khi Google, Facebook …có thể dựa vào những dữ liệu của bạn kết hợp với Internet Vạn Vật, để cho bạn những phân tích tối ưu, những lời khuyên bổ ích mà bạn chắc chắn sẽ nghe theo. Đơn giản là bởi vì dựa vào thông tin do chúng ta cung cấp, chúng nó biết chắc lựa chọn nào sẽ làm não chúng ta phát sinh cảm giác hài lòng. Hoặc là một con Trùm AI sẵn sàng cấy chip vào não người, khi cần làm gì, nó clik 1 cái vào trung tâm sung sướng, con người tự động hoàn thành công việc đó một cách vui vẻ…. Đấy chính là khi “tôn giáo Dữ Liệu”, là một khả năng rất có thể xảy ra, cuốn phăng nhân loại trong cuộc phát triển đột biến thành siêu nhân.

Khi đó mỗi cá nhân sẽ chỉ là một điểm trong mạng lưới kết nối vạn vật. Sẽ có 1 Siêu trùm máy tính quản lý tất cả mọi thứ vận hành theo quy luật tiêu chuẩn. Con người ko còn hữu dụng về kinh tế chính trị nữa, mọi thứ đã có Siêu trùm tính toán hộ. Sẽ vẫn có những cá thể thuộc tầng lớp tinh hoa, nắm được công nghệ, biến thành siêu nhân, và cai quản nhân loại bên dưới. Thật ngạc nhiên, khi những giả thuyết tương lai này rất gần với những truyền thuyết về 1 Đấng Tri Tôn cai quản toàn bộ vũ trụ (để khi bạn gửi năng lượng tích cực lên, vũ trụ sẽ tương tác trả lại cho bạn sự tích cực nhân lên đó, quen không?); hay là khi mà con người tôn sùng một vị thánh thần, chúa trời hay Pharaoh nào đó, và tin rằng họ trực tiếp sắp xếp cuộc đời chúng ta (định mệnh).

Nếu như thế, dù hiện tại chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sức khỏe, stress vì sếp o ép, tắc đường hoặc thất tình.., nhưng e rằng vẫn còn phấn khởi chán vạn hơn là một thời kỳ máy tính sẽ tính KPI sát sạt cho mọi hành vi phản ứng của bạn. Thứ KPI tàn khốc ấy sẽ tính xem mỗi lần bạn “lên đỉnh” sau bao nhiêu phút, được mấy điểm trên 10, sách nào bạn xem sẽ khóc, mỗi lần khóc bao lâu, bạn thích hợp lấy người thế nào, size ngực là bao nhiêu… Dù chúng ta khi ấy có thể hạnh phúc, nhưng không còn cá nhân. Mà chúng ta cũng chả biết được thế nào là cá nhân, thế nào là hạnh phúc. Đơn giản là chúng ta sẽ bị cuốn vào vòng quay đó, vô thức.

Những người đang theo một tôn giáo độc thần (kể cả đa thần), có thể sẽ choáng váng, thậm chí đánh giá cuốn sách như một thứ tà thuyết ngoại đạo. Bởi vì theo Harari, không có vị thần nào hết, tất cả đều do con người sáng tạo bằng tưởng tượng mà thôi. Những nghi ngờ về những thứ văn hóa, tôn giáo thần bí âm u cũng hiển hiện phơi bày “dưới ánh mặt trời. (Lưu ý, Phật giáo nguyên thủy không có một vị thần nào, đó chỉ là con đường, có thể thấy tác giả, một hành giả Thiền tông đã 15 năm, rất ưu ái Đạo Phật)

Đây dĩ nhiên không phải là một sách nhân chủng học, càng không phải sinh học, hóa học hay là vật lý, thậm chí triết học… Những môn đó chỉ là các công cụ để tác giả thể hiện những ý tưởng của mình. Rất nhiều thông tin, tư liệu quý hiển nhiên được viết ra trong quá trình đó. Vì thế ngoài một công trình nghiên cứu kinh điển, nó còn là một kho tri thức để tiếp thu, phải đọc mới thấy được hết cái hay. Mua và đọc đi thôi, còn chờ gì nữa

‎- Trinh T Anh

Sapiens – Lược sử loài người (Yuval Noah Harari) đưa người đọc tìm lại “cội nguồn” của con người từ 13.8 tỷ năm về trước đến ngày nay và tương lai. Đặc biệt trong Sapiens nói về những cuộc cách mạng như: cách mạng nhận thức, cách mạng nông nghiệp và cách mạng khoa học. Đi theo trình tự dòng thời gian lịch sử nhưng tác giả không chỉ đưa ra góc nhìn, kiến thức về lịch sử mà trên nhiều bình diện: kinh tế học, sinh học, tôn giáo…

Phần đặc biệt khiến mình thấy đáng suy ngẫm nhất là cuộc cách mạng nông nghiệp và cách lập luận chặt chẽ đưa ra lý do và giải thích rằng tại sao lúa mì lại đe doạ con người. Đưa chúng ta về với khởi nguồn sơ nguyên của lịch sử và dẫn dắt tới thời điểm con người trong cuộc cách mạng này, ta có thể thấy lịch sử là một dòng chảy – chỉ cần một tác động hay một sự thay đổi nhỏ cũng sẽ làm thay đổi hoàn toàn tiến trình toàn bộ loài người sau này. Những phân tích của tác giả cùng lời ngỏ phía sau càng làm mình suy nghĩ về cách mạng nông nghiệp có thực sự là một cuộc cách mạng “vĩ đại” như lầm tưởng? Sapiens đã trả lời cho câu hỏi đó! Ở chương II tác giả đã lý giải cụ thể về những mặt trái chứng minh rằng cách mạng nông nghiệp không phải là một sự tiến hoá đi lên của con người.

Cuốn sách đã cung cấp một khối lượng tri thức khổng lồ cho người đọc đặc biệt là những bạn muốn tìm hiểu về lịch sử, về loài người. Cuốn sách sẽ giải đáp trăn trở của bạn về nguồn gốc của chúng ta, tại sao chúng ta được sinh ra và tồn tại, sự hình thành của ngôn ngữ, các tôn giáo,… Hơn nữa ta có thể thấy sự liên hệ mật thiết với sinh học qua lịch sử tiến hoá,… Lịch sử rất kỳ bí và còn nhiều bí ẩn cần được khám phá. Với lối viết gợi mở gây tò mò và lời ngỏ ở cuối mỗi chương sẽ khơi dậy sự hứng thú của bạn với dòng thời gian lịch sử, đặc biệt tác giả còn đưa ra những ví dụ cụ thể để bạn có thể hiểu sâu vấn đề hơn.

Tuy nhiên, mình không thích phần tác giả nói về kinh tế học lắm vì thấy hơi dài dòng, chưa cô đọng và cách lập luận chưa thực sự chặt chẽ ở phần này.

Cuốn sách là một lựa chọn tuyệt vời nếu bạn muốn tham khảo những góc nhìn lịch sử đa chiều, góc nhìn và quan điểm của Harari rất mới mẻ và bạn sẽ hứng thú khi đọc Sapiens – Lược sử loài người đấy. Tác giả cũng khuyến khích độc giả không ngừng đọc, không ngừng tìm hiểu và không ngừng nghiên cứu về con người và thế giới của chúng ta.

“Tôi khuyến khích tất cả chúng ta, dẫu có những tin tưởng tín ngưỡng nào, để đặt câu hỏi về những thuật kể cơ bản về thế giới chúng ta, để nối những phát triển ngày xưa với những quan tâm ngày nay, và để không sợ hãi những vấn đề tranh luận” (Yuval Noah Harari)

– Lê Giang

Tóm tắt Lược sử tương lai

Đầu tiên tất cả chúng ta phải cảm ơn người dịch giả này. Thực sự bản dịch theo tôi là quá hay và cực kỳ dễ hiểu, chị này dịch đọc trôi cực luôn. Dành tặng chị hastag này #Dương_Ngọc_Trà

LƯỢC SỬ TƯƠNG LAI – KHI KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VƯỢT MẶT CON NGƯỜI.

Có lẽ hiếm có quyển sách nào để lại trong tôi nhiều băn khoăn, hoài nghi như quyển này. Nó đưa tôi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và cho đến tận cuối cùng, tôi vẫn mông lung không biết chúng ta – những con người thực ra là ai?

Mở đầu câu truyện tác giả đưa ra 5 thứ cốt lõi trong cuộc sống con người lần lượt là: Đói nghèo – Bệnh tật – Chiến tranh – Bất tử – Hạnh phúc.

ĐÓI NGHÈO – BỆNH TẬT – CHIẾN TRANH.

Đây là 3 khó khăn mà theo con người thời xưa là không thể giải quyết được, theo Chúa đây là 3 thứ sẽ gắn liền với con người muôn kiếp không thể phá bỏ. Thế nhưng không, cho đến thế kỷ 21 chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng con người hoàn toàn có thể kiểm soát, khống chế được nó. Đói – Bệnh – Chiến tranh không phải là sự trừng phạt của các vị thần hay Chúa gì mà đó là chỉ là quy luật sinh tồn.

BẤT TỬ – HẠNH PHÚC.

Sau khi giải quyết được 3 vấn đề trên con người lại tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao siêu vĩ đại hơn đó là đạt được sự bất tử và sống trong hạnh phúc. Những điều tưởng chừng như hão huyền vào những thế kỷ trước nhưng nay chúng ta có thể mơ về chúng như một hiện thực chắc chắn.

Tiếp đến tác giả đưa ra 3 khái niệm: THẦN LINH – CON NGƯỜI VÀ ĐỘNG VẬT – AI.

Từ thuở xa xưa, trước khi biết đến khoa học công nghệ con người gắn liền với thiên nhiên. Cho đến tận những thế kỷ 18 trở về trước thì nền nông nghiệp vẫn là chủ đạo trong thế giới loài người. Những hiện tượng tự nhiên rất đỗi bình thường như hạn hán, lũ lụt, lở tuyết, nạn đói, bệnh dịch,… con người đều quy hết tại thần linh, tại con người đã làm gì đó để các vị thần phật ý và trừng phạt. Họ lấy thần linh là trung tâm của vũ trụ. Đó là câu truyện của các thế kỷ trước. Cho đến thế kỷ thứ 19 trở về đây. Con người được lấy làm trung tâm – khi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ để giải mã cho những hiện tượng mà người xưa cho là do thế lực siêu hình gây ra. Họ đủ tự tin để tuyên bố rằng khoa học sẽ bao trùm tất cả, bác bỏ các thuyết tâm linh và các tư tưởng tôn giáo cũng như các đạo. Và khi giới khoa học phát triển như vũ bão thì con người dần đạt đến đỉnh cao công nghệ đó là phát triển AI.

LINH HỒN VÀ ADN.

Một thuyết khác được xây dựng trong sách đặt ra câu hỏi: Liệu con người có linh hồn không hay chỉ có những chuỗi ADN? Phe khoa học hiện đại bác bỏ sự có tồn tại của linh hồn, ngược lại giới tôn giáo lại khăng khăng cho rằng mỗi con người đều có hồn và con người chỉ là nơi để linh hồn trú ngụ.

Bây giờ hãy cùng đảo qua một chút về thực tại.

VỀ CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN.

Tác giả cho rằng có 5 khái niệm về chủ nghĩa nhân văn cụ thể là:

  • Chính trị nhân văn: Cử tri đi bầu cử là người biết rõ nhất mình muốn bầu cho ai.
  • Kinh tế nhân văn: Khách hàng luôn đúng.
  • Mỹ học nhân văn: Vẻ đẹp nằm trong mắt người nhìn.
  • Đạo đức nhân văn: Nếu thích cứ làm.
  • Giáo dục nhân văn: Nghĩ cho bản thân.

Cần phải nói chủ nghĩa nhân văn dựa trên nền tảng của chủ nghĩa tư bản. Ở đây tác giả muốn đề cao chủ nghĩa tự do của mỗi người thông qua 5 khái niệm này để cho thấy xã hội loài người đã tiến tới sự phát triển nào. Sự so sánh của tác giả giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là có cơ sở và xét trên nhiều phương diện thì rõ ràng tư bản ăn đứt cộng sản. Có thể hiểu nôm na là CNXH mang tính tập trung và giải quyết mọi việc có phần cảm xúc, còn CNTB mang tính cá nhân và có phần đề cao tính tự do cá nhân hơn là bị o ép, giải quyết công việc theo đúng luật đề ra (như một cỗ máy mà ở phần sau các bạn sẽ hiểu rõ hơn).

Trích 1 câu trong sách: “Thẩm quyền và ý nghĩa đến từ sự trải nghiệm của con người, cả đảng và công đoàn đều do con người tạo nên và quyết định để hóa giải khổ đau của con người nhưng các cá nhân phải nghe theo đảng và công đoàn hơn là cảm xúc của riêng mình.”

CHO ĐẾN MỘT XÃ HỘI TƯƠNG LAI.

Thứ mà tác giả muốn truyền tải đến chúng ta đó là thuyết con người là những thuật toán, bộ não là quá trình sinh hóa và hành động của chúng ta là hệ quả của quá trình đó. Nghe có vẻ khó tin phải không? Thú thật đến ngay cả tôi cũng không thể tin và có lẽ cũng không muốn tin vào điều này.

Cụ thể tác giả cho rằng tất cả sinh vật là những thuật toán của vũ trụ, có nghĩa là những hành vi của con người đều cấu thành từ những phương trình phức tạp mà bộ não là 1 siêu máy tính có khả năng lưu trữ hàng tỷ dữ liệu cùng lúc. Trong thế giới tương lai mà tác giả vẽ ra AI hay Internet sẽ kết nối tất cả mọi thứ lại với nhau và AI sẽ làm chủ con người. Tất nhiên là không phải theo kiểu thống trị tàn ác mà từ những điều nhỏ nhặt qua những thuật toán mà chỉ có máy móc mới có khả năng tổng hợp lại để đưa ra phát xét hợp lý, giúp cho ta biết mình muốn gì trước khi ta hiểu bản thân muốn gì.

Tôi thấy việc AI hiểu con người muốn gì dựa vào thuật toán không quá khó hiểu khi mà hàng ngày nó vẫn diễn ra với chúng ta qua những nút cảm xúc trên facebook hay những thông tin cá nhân trên Google. Chúng ta đã vô tình bị kiểm soát và thu thập thông tin cá nhân mà ko hề biết. Nhưng dĩ nhiên nó chưa phải là tất cả nếu chúng ta mở cánh cổng cuối cùng là sự tự do, quyền riêng tư để đánh đổi lấy một siêu cuộc sống khi mà tất cả con người cùng hòa làm một, sáp nhập lại với máy móc hay nói cách khác là Internet vạn vật. AI khi đó sẽ thay loài người vận hành thế giới, khi đó thì vị thế của loài người sẽ như những loài vật hiện nay.

KHI DỮ LIỆU LÀ MỘT LOẠI TÔN GIÁO.

Khoa học và tôn giáo, hai thứ tưởng chừng như đối nghịch nhưng lại bổ trợ cho nhau. Khi mà khoa học dựa trên nhưng quy chuẩn đạo đức của tôn giáo để phát triển và ngược lại tôn giáo cũng nhờ khoa học để phần nào định hướng được con đường của mình! Ví dụ như khoa học có thể sáng tạo ra những thiết bị thay đổi suy nghĩ tư duy của con người, sử dụng chúng cho những mục địch xấu xa và đưa sản phẩm đó vào đời sống thì đạo đức tôn giáo sẽ ngăn cản con người làm việc đó. Ngược lại khoa học giúp cho tôn giáo hiểu ra rằng không có thần linh nào có thể giúp con người trong nông nghiệp (sản xuất thu hoạch lúa, chăn nuôi bò, gà, cừu,…), vì trước đây hễ mà công việc hay thời tiết gặp vấn đề con người sẽ cho rằng do thần linh trừng phạt. Nhưng khoa học hiện đại đã chứng minh rằng tất cả đơn giản chỉ là quy luật tự nhiên.

Con người chỉ là những dữ liệu không hơn trong vũ trụ. Tôi không thích việc tác giả so sánh con người với động vật (mặc dù thuyết Darwin là thế). Tác giả cho rằng con người là một loại dữ liệu thuật toán cao cấp gấp nhiều nghìn lần so với loài gà, chó sói,… Chính vì vậy những gì con người đạt được ngày nay chẳng qua là do hệ dữ liệu cao cấp hơn, quá trình xử lý tinh vi hơn. Trong tương lai, viễn cảnh đồng bộ “dữ liệu” sẽ xảy ra, nói cách khác, tất cả vạn vật sẽ kết nối với nhau tạo thành một hệ thống siêu cấp, siêu tinh vi. 

Tôi biết sau khi gấp quyển sách này lại nhiều người sẽ cho rằng đây là một cuốn sách cổ tích hoang đường nhưng thử nghĩ mà xem khi loài người ở thế kỷ 18 vẫn có đến 90% gắn liền với nền nông nghiệp lạc hậu có ai nghĩ rằng sẽ có những tivi, smart phone hay Internet? Thời đó nếu nhắc đến những thứ ấy sẽ bị quy là phù thủy hay thứ gì đó đại loại thế. Nhưng đây là thế kỷ 21, dựa trên những cơ sở khoa học và nhiều trải nghiệm thực tế thì ta hoàn toàn có thể tin vào điều đó. Tin vào cái tương lai không xa rằng AI sẽ thay con người làm chủ thế giới.

Tuy vậy nhưng cuốn sách cũng có những luận điểm khiến tôi cảm thấy chưa hợp lý như định nghĩa về thuật toán. Thực sự thì đây là khái niệm khó tin nhất trong các thuyết về tương lai thế giới. Có thật cảm xúc của con người cũng chỉ là những thuật toán mà bộ não tạo ra qua những phản ứng sinh hóa? Rằng con người hành động theo chế độ đã có sẵn từ những phản ứng đó chứ không phải do cảm xúc hay những thứ gì mà chúng ta tin là chỉ có con người mới có cấu thành? Liệu con người sẽ dần trở nên lạnh lùng vô cảm như những cái máy và phát triển theo cái hướng mà chủ nghĩa tư bản đang đi? Phải chăng con người không có linh hồn mà chỉ là sản phẩm tưởng tượng của vũ trụ hay một thế lực ngầm nào đó đang điều khiển chúng ta? Giống như trong các trò chơi điện tử?

Dù có muốn phát triển cỡ nào đi chăng nữa thì cảm xúc vẫn là thứ quý giá thiêng liêng nhất của con người. Trải qua nhiều năm phát triển, thứ cảm xúc ấy đã lột xác dần trở nên tốt đẹp hơn. Ít ra là cho tới hiện tại. Việc đánh đổi lấy “thế giới mới tươi đẹp” mà con người hằng mong ước có lẽ là cái giá quá đắt. Từ bỏ cảm xúc cao quý để đổi lấy những thành tựu vĩ đại, liệu cái giá ấy có đáng không? Con người vô tình mắc phải một chứng bệnh đó là sự tham lam, có thể nói là vậy. Không bao giờ hài lòng với những gì mình có, luôn muốn tốt và tốt hơn nữa mà không nhận ra rằng bàn tay vô hình ấy đang vô tình bóp chết chính mình!

– Lan Ribi

Trích dẫn Lược sử tương lai

“Khám phá khoa học vĩ đại nhất là phát hiện ra sự thiếu hiểu biết. Một khi con người nhận ra họ biết rất ít về thế giới, họ đột nhiên có một lý do rất chính đáng để tìm kiếm kiến ​​thức mới, mở ra con đường khoa học để tiến bộ.”

“Nghiên cứu lịch sử có nghĩa là quan sát sự thêu dệt và tan rã của những mạng lưới này, và nhận ra rằng có những điều rất mực quan trọng đối với những người một thời nào đó sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa đối với hậu duệ của họ.”

“Chúng ta không trở nên hài lòng bằng cách dẫn dắt một cuộc sống hòa bình và thịnh vượng. Thay vào đó, chúng ta trở nên hài lòng khi thực tế phù hợp với mong đợi của chúng ta. Tin xấu là khi điều kiện được cải thiện, kỳ vọng sẽ tăng lên.”

“Một khi Google, Facebook và các thuật toán khác trở thành những nhà tiên tri biết tuốt, chúng rất có thể sẽ tiến hoá thành người đại diện và cuối cùng là các vị vua cai trị.”

“Phản ứng phổ biến nhất của tâm trí con người đối với thành tích không phải là sự hài lòng, mà là khao khát nhiều hơn nữa.”

“Lịch sử không phải là một câu chuyện duy nhất, mà là hàng ngàn câu chuyện khác nhau. Mỗi khi ta chọn kể một câu chuyện, tức là ta cũng chọn bắt hàng ngàn câu chuyện khác phải lặng im.”

“Vào năm 2012, khoảng 56 triệu người đã chết trên khắp thế giới, 620.000 người trong số họ đã chết vì bạo lực của con người (chiến tranh đã giết chết 120.000 người và tội phạm đã giết chết 500.000 người khác). Ngược lại, 800.000 người đã tự tử và 1,5 triệu người chết vì bệnh tiểu đường. Nó nguy hiểm hơn cả thuốc súng. “

“Trước đây, kiểm duyệt hoạt động bằng cách ngăn chặn luồng thông tin. Trong thế kỷ hai mươi mốt, kiểm duyệt hoạt động bằng cách làm cho mọi người tràn ngập thông tin không liên quan.”