Đi Tìm Alaska – John Green

Lần cập nhật gần nhất December 31st, 2019 – 07:32 am

Dẫu bạn có đang ở độ tuổi nào, khi đọc tác phẩm, bạn sẽ vô tình gợi dậy những ký ức đẹp đẽ về thời trẻ, về những rắc rối đầu đời hay những cơn say nắng đầy đam mê. “Đi tìm Alaska” có một cái kết khá buồn chắc chắn sẽ khiến bạn phải ngậm ngùi, phải cay đắng nhưng từ đó để lại trong bạn một dấu ấn rõ rệt về quá khứ, về hiện tại, về tương lai và về chính mình.

“Nếu nhân loại là mưa, tôi sẽ là một cơn mưa bụi còn cô ấy là một trận bão tố.”

Review (2)

“Đi tìm Alaska” hay là hành trình tìm kiếm bản chất của mê hồn trận?

John Green – 1 tác giả Mỹ, là người hướng ngòi bút của mình vào lứa tuổi thiếu niên, là cây bút chuyên đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá những xúc cảm, suy tư của các cô, cậu học trò mới lớn. “Đi tìm Alaska” là 1 tác phẩm như thế, 1 câu chuyện thể hiện chân thực niềm vui đau đớn của việc sống hết mình và yêu tận độ.

Cuộc đời của Miles Halter là 1 chuỗi ngày tẻ nhạt, thiếu bạn bè, ít trải nghiệm, chẳng thú vui. Cho đến khi cậu chuyển đến ngôi trường nội trú ở Alabama. Tại đây, Miles gặp được cậu bạn Đại Tá cùng nhóm bạn Alaska, Takumi, cô bé lớp dưới Lara. Và, 1 hành trình mới được mở ra, đem đến cho Miles những trải nghiệm thú vị khó quên. Đó là món buri chiên có một không hai, là điếu thuốc cậu chưa từng dám hút, là những lần quậy phá tung trời với nhóm bạn, là đêm say rượu ngả lưng dưới sân vận động và lắng nghe tiếng gọi thôi thúc của con tim khao khát yêu và được yêu…

Cô bạn Alaska thông minh, cá tính, giàu tình cảm đã vô tình bước vào trái tim cậu từ lúc nào. Kể từ phút giây khi Miles cảm nhận được những rung động đẹp đẽ đầu tiên của mối tình đầu ấy, Alaska dường như trở thành trung tâm nơi thế giới nội tâm trong cậu. Bề ngoài, Alaska có vẻ lạnh lùng, bốc đồng và hơi khó ưa nhưng sâu thẳm cô gái ấy là 1 tấm lòng giàu tình yêu thương, là 1 sự giày vò, day dứt khôn nguôi về cái chết năm xưa của người mẹ. Chính tính cách và quá khứ của Alaska đã đưa Miles và nhóm bạn đến từng ngoc ngách của mê cung cảm xúc.

“Đi tìm Alaska” – tựa đề câu chuyện dường như gợi người ta nghĩ đến một vùng đất xa xôi nào đó hơn là tên 1 cô gái với thế giới nội tâm phong phú, phức tạp. “Mê hồn trận” mà Alaska và Miles Halter đã nhắc đến trong lần đầu gặp gỡ phải chăng là những nỗi băn khoăn, trắc trở về cuộc đời, về số phận luôn cố hữu trong mỗi người? “Mê hồn trận” hay là quá khứ bao day dứt, là hiện tại nhiều nỗi niềm, là tương lai đầy vô định? Trong nhóm bạn của Miles, mỗi người mang 1 quá khứ khác nhau; song điểm chung giữa họ là ai cũng có 1 “mê hồn trận” của riêng mình và không ngừng tìm cách thoát ra khói mê cung ấy.

Có lẽ, cách thoát khỏi “mê hồn trận” dường như không phải là vờ như nó không tồn tại, càng không phải là tự dựng ra 1 “mê hồn trận” khác để ẩn mình vào góc khuất lẩn tránh mà là dám đối diện với thực tại, nhận thức được mình là ai, mình đang ở đâu giữa cuộc đời vô định này. Đối diện để tìm cách vượt qua những sai lầm trong quá khứ, những bất ổn ở hiện tại và hướng về tương lai tươi sáng. Với cô nàng Alaska, cách duy nhất để thoát khỏi “mê hồn trận” là “nhanh và thẳng”. Đây cũng là lí do dẫn đến biến cố của cô đầy bất ngờ, không 1 lời báo trước, đặt dấu chấm hết cho sinh mệnh 1 thiếu thử 17 tuổi; để rồi chính biến cố ấy lại dẫn Miles và nhóm bạn vào 1 “mê hồn trận” khác.

Còn bạn, cách để thoát khỏi “mê hồn trận” của cuộc đời bạn là gì?

– Ngô Hà Thương

Nếu cuộc đời này của bạn có một giai đoạn nào đó mà tất cả mọi thứ đều đổ dồn vào: các mối quan hệ, niềm tin, nỗi sợ hãi, sự hoan hỉ, tình yêu chớp nhoáng hay hình ảnh của bản thân, tất tật đều xoay quanh bạn như thế, thì chắc chắn đó là quãng thời gian ở trường trung học. Đó là những ngày tháng bạn phải vật lộn với nhân cách của chính mình, nơi mà sự tồn tại của “cái tôi” được rèn dũa mọi lúc. Và trong tác phẩm đầu tay của mình, cuốn Đi Tìm Alaska, John Green đã bắt sóng chính xác được những cảm xúc thời đi học một cách thật mới mẻ, chân thật và đầy cảm xúc.

Miles Halter là học sinh trung học tại một trường nội trú ở vùng nông thôn Alabama. Cậu chàng Florida đã quen với cái nắng, nhưng không phải kiểu nắng gay gắt và ngột ngạt tại vùng Thâm Nam nước Mỹ này. Cậu cũng chưa từng trở thành thành viên của một nhóm, nhưng tại Culver Creek, chàng trai dễ thẹn, lóng ngóng này lại được chấp nhận dễ dàng, dù sau đó là bị trói lại bằng băng dính và quăng xuống một cái hồ !!!

Giống như mọi trường học nội trú khác, có đầy những băng đảng, hội nhóm mà người đứng đầu là hai đứa nhà giàu của vùng, chỉ về nhà vào cuối tuần và có những đứa thì ở lại 24/7. Cái hội bạn sau đó đã cho Miles nhập bọn và cũng trong nhóm này mà vòng tròn bạn bè kỳ quặc của Miles bắt đầu xuất hiện: Đại Tá, người bạn cùng phòng sáng dạ nhưng hơi khùng của cậu; Takumi – một nhóc người Nhật có giọng Nam Mỹ, và Alaska Young, “cô gái hot nhất trong lịch sử loài người”. Đôi khi để thoát khỏi gánh nặng bài vở ở trường, nhóm bạn lại dùng đến thú vui của mình là hút thuốc, uống rượu và chơi trò chơi khăm truyền thống của nhóm Culver Vreek với các hội nhóm khác, cố gắng tránh sự phát hiện của Đại Bàng – thầy hiệu trưởng của trường.

Những trải nghiệm đến nhanh tựa vũ bão đối với Miles, nhưng nơi trung tâm vũ trụ của riêng cậu, đó lại là Alaska. Cô nàng lúc gần, lúc xa, lúc thân thiện, lúc khó tính, lúc cảm tưởng như chẳng thể với tới, lúc thì “rải thính” ngập trời, thông minh và bốc đồng… Tính cách của Alaska đã kéo Miles và hội bạn của cậu xuống những mê cung phức tạp của cảm xúc, đến mức sau khi bi kịch đau đớn lộ ra, cậu vẫn còn tự hỏi liệu mình có còn tìm được đường ra…

“Nếu nhân loại là mưa, tôi sẽ là một cơn mưa bụi còn cô ấy là một trận bão tố.”

John Green đã viết một nên một cuốn tiểu thuyết độc đáo, một cuốn sách khiến những bạn đọc trẻ tuổi khám phá chỗ đứng của mình giữa thế giới rộng lớn này cũng như cách để đối xử với mỗi người. Đi Tìm Alaska chắc chắn là một cuốn sách hài hước, buồn bã và luôn đầy sức thuyết phục.

– Dịch: Rùa Béo (Bookpage)