Lần cập nhật gần nhất October 22nd, 2021 – 08:56 am
Đi Tìm Lẽ Sống là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được sống an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu ông là một trong số ít người còn sống sót…
Review Đi tìm lẽ sống (2)
“Thông thường, nếu một quyển sách chỉ có một đoạn văn, một ý tưởng có sức mạnh thay đổi cuộc sống của một người thì chỉ riêng điều đó cũng đã đủ để chúng ta đọc đi đọc lại và dành cho nó một chỗ trên kệ sách của mình. Quyển sách này có nhiều đoạn văn như thế.”
Tôi nghĩ lời mở đầu bên trên của Harold S. Kushner đã quá đủ để giới thiệu về cuốn sách kinh điển của Viktor Franklin, cuốn Đi Tìm Lẽ Sống.
Viktor Franklin, 1 Tiến Sĩ – Bác Sĩ tâm lý người Áo gốc Do Thái, ngay trước khi cuộc thảm sát Do Thái xảy ra giống nhưng một số khoa học gia, trí thức Do Thái nổi tiếng ông được mời đến lãnh sự quán của Mỹ nhằm mục đích đưa ông qua Mỹ trốn chạy cuộc diệt chủng sắp xảy ra. Nhưng vì lo cho cha mẹ ông từ chối lời đề nghị, chấp nhận bước chân vào trại tập trung Do Thái của Đức Quốc Xã. Trải qua 3 năm tại các trại Auswitz và Dachau, Frankl đã có một cơ hội hiếm có để quan sát tâm lý của con người khi ở nơi địa ngục trần gian, dưới đáy tuyệt vọng.
Cuốn sách của Frankl rất kỳ lạ, nó miêu ta rất chi tiết, rất thật những điều tồi tệ ta khó tưởng tượng đã xảy ra ở trại tập trung nhưng nó không hẳn là một cuốn tự truyện, cũng không hẳn là một cuốn sách lịch sử nhằm lên án Phát Xít Đức. Là một tù nhân đối mặt với sự sống cái chết có thể vào lò thiêu hay phòng hơi ngạt bất cứ giây phút nào, Frankl không chỉ cố “tồn tại”, ông quan sát tâm lý của từng con người ở đây dưới con mắt của một nhà khoa học. Ông như một người “ngộ đạo” sau khi trải qua sự sống cái chết vậy. Ông làm tôi nhớ tới Vương Dương Minh đời Minh chỉ ngộ ra rất nhiều điều sau khi nằm vào quan tài đá để chờ cái chết.
Nếu bạn từng trăn trở Lẽ sống là gì? Điều ý nghĩa cuộc đời là gì? Thì hãy đọc cuốn sách này của Frankl, có lẽ sẽ khó mà cảm nhận hết những gì ông hay những người tù Do Thái khác đã trải qua nhưng biết đâu bạn sẽ tìm thấy lẽ sống của riêng mình hay đơn giản chỉ là cảm thấy nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống mà trước giờ chưa từng cảm thấy.
“Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh” – Nietzche
– Võ Văn Cường
Đọc xong Đi tìm lẽ sống của Frankl, tôi chợt nhớ tới một bộ phim “Cậu bé mang Pyjama sọc” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của John Boyne’s.
Cả hai đều dựa trên chủ đề về diệt chủng người Do Thái nhưng mỗi tác phẩm lại viết theo những cách nhìn rất ấn tượng.
– Cậu bé mang Pyjama sọc diễn ra theo cách một đứa trẻ 8 tuổi nhìn thấy, cảm nhận và trao tình cảm, sự chân thành của mình cho một đứa trẻ khác ở phía bên trong hàng rào trại tập trung.
– Còn Đi tìm lẽ sống, Frankl viết theo cách nhìn của một người trong cuộc, không phải để tả con người sống cực khổ như thế nào hay chết theo cách tàn nhẫn ra sao, mà ông viết về “người” mà họ lựa chọn sẽ trở thành khi ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó. Có những người lựa chọn từ bỏ phẩm giá của mình, họ trở nên độc ác, vô tình, bắt nạt bạn tù khác,để có thể sinh tồn càng lâu càng tốt. Nhưng cũng có người giữ lại được lòng dũng cảm, sự tự trọng, lòng thương người, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh.
Cuộc sống của tất cả họ là sự tồn tại tạm bợ và vô hạn định cho đến khi đến khi họ tìm thấy lẽ sống của mình, dù lẽ sống ấy là tốt hay xấu.
Khi một việc tồi tệ cứ đến với bạn bất chấp việc bạn có đồng ý hay không thì hãy xem nó như 1 cơ hội.
Và Frankl xem việc bị đưa vào trại tập trung là một cơ hội mà số phận đã đem đến cho ông để ông chứng minh lòng dũng cảm của mình, rằng ông có thể trở thành ai khi toàn bộ cuộc đời trước đây hoàn toàn bị từ bỏ.
Ông quan sát cách mọi người phản ứng khi bị đánh, bị đói, bị rét, bị đưa đến phòng hơi ngạt…cách mọi người dần thay đổi, về tâm lý, về tính cách, hành xử. Ông lý giải được tại sao lại có sự thay đổi như vậy, ông hiểu sự lựa chọn của họ. Khi thể xác của một người ngã quỵ thì họ vẫn sống nhưng khi tâm hồn họ không đứng dậy nữa có nghĩa là họ mãi mãi nằm xuống. Và những tháng ngày ý nghĩa trong trại tập trung của ông bắt đầu.
“Hoàn cảnh có thể lấy đi mọi thứ bạn có, chỉ trừ một thứ: sự tự do lựa chọn cách mà bạn phản ứng lại nó…Ở đâu con người cũng phải đương đầu với số phận và cũng có cơ hội đạt được điều gì đó từ chính nỗi đau của mình” Đúng không các bạn?
– Nguyễn Thu Trang
Tóm tắt Đi tìm lẽ sống
Làm sao mà con người có thể sống và vượt qua nỗi khổ về thể xác lẫn tinh thần nhiều như vậy? Họ không được đối xử như những con người, không đồ dùng cá nhân, không áo rét, không đủ thức ăn để sống, không thuốc men, không biết chết bất cứ lúc nào và đặc biệt không được thấy thế giới bên ngoài bức tường thép gai. Cuộc sống hằng ngày diễn ra tại trại tập trung như là cơn ác mộng của những trận đòn roi, những lời quát chua chát trong thời tiết lạnh giá. Cái chết dần trở thành chuyện thường như cơm bữa, nhưng khi một người chết đi lại trở thành cái xác có giá trị để cho những người sống tranh giành nhau những vật dụng còn sót lại như chiếc giày rách, áo rách và đôi khi chỉ là một sợi dây nhỏ còn tận dụng được… Ấy vậy, chết cũng không có chỗ chôn. Lúc táng tận lương tâm hơn những cái xác trở thành những miếng thịt béo bở dành cho những tù nhân đói khát còn sống lại.
Trại tập trung Đức quốc xã – cơn ác mộng của con người, nơi tận cùng của nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn. Nơi chôn vùi sự sống, biến con người thành công cụ, biến con người thành con vật mất đi nhân tính. Đâu là con đường sống sót trong những giấy phút hoang mang sợ hãi, đớn đau, mất hy vọng, và lầm lạc lẽ sống… Khi trở về thì sao? Trở về và biết rằng không còn ai chờ đợi mình, trở về với những vết sẹo trong tâm hồn, những giằng xé nội tâm, những ẩn ức tâm lý và hoàn toàn mất đi lẽ sống, rồi bị biến dạng nhân tính, trở nên cay đắng với cuộc đời.
Với tư cách là một bác sỹ tâm lý, sau khi trải qua cảnh địa ngục trần gian đó, Frankl kết luận rằng ngay cả trong hoàn cảnh vô nghĩa, đau đớn và nhẫn tâm nhất, cuộc sống vẫn tiềm ẩn ý nghĩa. Ông dạy mình và người khác không bao giờ được quên rằng chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, một số phận không thể thay đổi. Bởi lẽ, ý nghĩa của cuộc sống có thể tìm thấy trong mọi khoảnh khắc, cuộc sống không bao giờ mất hết ý nghĩa, ngay cả khi phải chịu đau đớn và cái chết.
Cuốn sách là những trải nghiệm trong trại tập trung, những sơ lược về liệu pháp ý nghĩa mà tác giả đã dày công nghiên cứu trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Bên cạnh đó là những bài học về liệu pháp ý nghĩa, tình yêu, sự tồn tại, rối loạn thần kinh… mà tác giả đề cập đến. Vậy làm thế nào để bạn có thể tìm được ý nghĩa cuộc sống từ cuốn sách này? Theo liệu pháp ý nghĩa thì có 3 con đường nhờ đó con người sẽ đạt đên ý nghĩa cuộc sống của mình. Một là làm việc, hai là trải nghiệm – nhất là trải nghiệm về tình yêu thương, ba là vượt lên số phận và thay đổi bản thân.
Tình yêu là cách duy nhất để thâu hiểu đến tận cùng một con người. Không ai có thể nhận thức đầy đủ về bản chất của một người trừ khi đã đem lòng yêu thương người ấy.
Nếu một người không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì người đó vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống.
Đi tìm lẽ sống dần trở thành một quyển sách kinh điển và sẽ luôn là phương thuốc hữu hiệu nâng đỡ tinh thần con người, nhất là trong cuộc sống hằng ngày nay. Khi đối mặt với những cảm giác tuyệt vọng vì mất đi tất cả hãy nhớ rằng đã có người như Frankl.
– Nhật Minh