Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa NAMIYA – Higashino Keigo

Qua “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” tác giả phác họa lên một xã hội Nhật nửa sau thế kỷ 20 với nhiều băn khoăn và trăn trở của giới trẻ lúc bấy giờ. Đứng giữa ngã ba đường mơ ước và thực tại, khi đam mê không nuôi nổi bản thân, khi cơm áo gạo tiền trở thành gánh nặng, cản bước đam mê, mỗi một nhân vật ấy liệu họ sẽ lựa chọn như thế nào? Quyết định lúc ấy có thể không hợp ý muốn của họ, cũng có thể không phải lựa chọn tốt nhất nhưng chắc chắn vào thời điểm ấy, quyết định này là quyết định phù hợp nhất.

Review Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya (2)

Nghe danh Keigo đã lâu, mình cũng muốn đọc một cuốn sách gì đó của vị tác giả này để gọi là không bị lỗi thời, và Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hóa Namiya là một lựa chọn không hề sai. Thật sự thì mình đã thức đến hơn 12 đêm để nghiền ngẫm xong cuốn sách này.

Câu chuyện được bắt đầu khi ba con người đang đói khát tuyệt vọng Atsuya Shota, Kouhei tình cờ bắt gặp tiệm tạp hóa Namiya để rồi bắt đầu dấn thân vào câu chuyên được bắt đầu từ hơn ba mươi hai năm trước: tư vấn qua những bức thư. Nhưng những bức thư mà họ tư vấn, không phải những bức thư được gửi từ những con người ở hiện tại hay tương lai, mà là bức thư được gửi từ ba mươi hai năm về trước, khi mà ông chủ của tiệm tạp hóa kỳ lạ này – Namiya Yuji đã bắt đầu công việc này.

Năm chương truyện là năm câu chuyện khác nhau, xen kẽ giữa hiện tại và tương lai. Đầu tiên là câu chuyện về “Thỏ ngọc cung trăng” – một vận động viên không biết nên tiếp tục tập luyện để có thể tham gia thi đấu theo nguyện vọng của người yêu cũng như chính bản cô hay dừng mọi thứ lại để dành thời gian bên cạnh người mình yêu khi anh không còn nhiều thời gian. Tiếp đó là chàng nghệ sĩ vô danh Katsuro phải đứng giữa sự lựa chọn giữa việc nên tiếp quản cửa hàng cá của gia đình hay tiếp tục với ước mơ âm nhạc với tương lai mịt mù đã khiến anh bỏ học để theo đuổi.

Nối tiếp là chương thứ ba Chương này kể về một người tên Green River – người đang mang trong mình đứa con với một người đàn ông đã có vợ cùng với việc ông Namiya muốn quay lại tiệm tạp hóa yêu quý của mình để đọc những lá thừ hồi đáp từ tương lai. Thú thật, tôi rất thắc mắc không biết ông Yuji đã viết gì để hồi đáp lại Green River. Hai chương cuối kể về Kousuke – một cậu bé con nhà giàu nhưng phải trốn đi cùng bố mẹ vì gia đình phá sản và “ Chó nhỏ lạc lối” – một cô gái đang phân vân giữa các ngã rẽ cuộc đời. Hai con người đều ở trại trẻ Marumitsu, đều được tiệm Namiya tư vấn chỉ khác là một người được tư vấn từ người ở “ quá khứ” – ông Namiya còn một người được tư vấn từ người ở tương lai nghĩa là 3 tên trộm vặt kia.

Năm câu chuyện tưởng chừng không liên quan đến nhau mà cuối cùng tất cả lại cùng xoay quanh trại trẻ Marumitsu và tiệm tạp hóa Namiya. Cách kể chuyện của Keigo đưa người đọc đi từ bất ngờ đến bất ngờ khác, phân tích kỹ nội tâm nhân vật khiến người đọc không thể rời mắt khỏi cuốn truyện cho đến khi nó kết thúc. Năm câu chuyện xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại được Keigo kể một cách vô cùng khéo léo, khiến các câu chuyện không bị rời rạc, vỡ vụn mà từng câu chuyện đều là một mảnh ghép để ghép thành bức tranh mang tên Marumitsu và Namiya.

Một điều đặc biệt gây ấn tượng với mình đó là việc ông chủ tiệm tạp hóa Namiya trả lời hết các câu hỏi một cách vô cùng nghiêm túc từ các câu hỏi mang tính đùa giỡn như “Cháu muốn được một trăm điểm bài kiểm tra mà không cần học thì làm thế nào ạ” hay lần có 30 bức thư được gửi đến cùng một người. Có thể nghĩ ông Namiya có vẻ hơi ngu ngốc khi trả lời ba mươi lá thư một cách chân thành như vậy. Nhưng sau khi thấy chủ nhân của ba mươi lá thư ấy gửi thư xin lỗi thì mình nhận ra sự ngu ngốc và chân thành đôi khi có thể chạm đến trái tim con người. Hay như Mark Twain từng nói: “Tử tế là ngôn ngữ là ngôn ngữ mà người mù có thể nhìn thấy và người điếc có thể nghe thấy.”

Cuốn sách này đã đưa cho mình rất nhiều bài học. Nào là đôi khi sự chân thành ngu ngốc lại chạm tới trái tim con người. Hay giá trị của lòng biết ơn. Bài học này mình học được xuyên suốt câu chuyện. Atsuya, Shota, Kohei bỏ lơ những lá thư tư vấn còn lại sau khi hồi đáp xong lá thư đầu tiên. Nhưng, sự cảm ơn của những người được tư vấn chắc chắn là điêu khiến họ tiếp tục viết thư bởi đó có lẽ là lần đầu tiên trong đời, ba con có thể nói là nằm ở đáy xã hội ấy cảm thấy mình có ích. Không những thế, câu chuyện của Katsuro và Kousuke đã làm mình nhận ra rằng: “Hãy theo đuổi ước mơ và đam mê của bạn” và “Chúng ta chỉ sống và nhận thức thế giới qua ống kính của chính mình”. Và cuối cùng là “hãy biết ơn những người cho ta lời khuyên nhưng cũng hãy cảm ơn chính bản thân mình”. Khi đọc, có thể thấy rõ trách nhiệm nặng nề của nghề tư vấn vì họ sợ sẽ phải chịu trách nhiệm về những lời nói của mình, sợ bản thân sẽ phá hủy cuộc đời ai đó vì đã nghe theo lời của mình. Việc gánh những nỗi bất hạnh của bản thân đã khó, chứ nói gì đến gánh cả những nỗi bất hạnh với người khác. Vậy mà ngoài kia vẫn có những con người như vậy. Đó có thể những bác sĩ tâm lí, hay chỉ đơn giản là thầy cô, bố mẹ hoặc bất cứ ai ngoài kia. Chắc chắn, khi nhận được những lời tư vấn của họ và vượt qua mọi chuyện, ai cũng sẽ biết ơn những ngườ đã cho chúng ta những lời tư vấn ấy. Nhưng, thực sự thì chính bản thân bạn mới là người vượt qua mọi chuyện. Vì vậy, hãy cảm ơn chính mình, vì không bỏ cuộc! Hay như ông Namiya nói: “Đa phần người hỏi vốn đã có câu trả lời, chỉ là họ muốn người tư vấn xác nhận lại một lần nữa và có động lực hơn để thực hiện mà thôi. Câu trả lời có tác dụng hay không là do ý chí của bản thân người đó.”

Mình đã đọc một số bài review về các cuốn sách khác của Higashino Keigo như “Phía sau nghi can X” “Bí mật của Naoko” thì thấy hầu như câu chuyện đều khá u tối mặc dù ẩn sau đó vẫn là những triết lí tuyệt vời. Nếu vậy thì có lẽ Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya là một ngoại lệ. Theo mình nghĩ thì Keigo đã viết câu chuyện này lúc tâm hồn ông có phần phơi phới!

Nói chung, nội dung giả tưởng kể về những lá thư hay kết nối hiện tại với tương lai không phải một chủ đề mới lạ trong văn chương. Nhưng Keigo đã biến hóa câu chuyện giả tưởng ấy trở nên đời thực, thẫm đẫm bài học bằng bàn tay ma thuật của mình. Đây là tác phẩm đầu tiên mình đọc của Keigo như đã nói ở trên. Và phải nói, đây là một cuốn sách xuất sắc với mình bởi mình không thể tìm ra một điểm không hoàn hảo nào trong  Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”

– Vy Anh Tran

“Tuy rất cảm kích nhưng khi đọc thư, bố nhận ra, câu trả lời của bố có tác dụng là bởi ý chí của bản thân người đó chứ không phải vì thứ gì khác. Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi.”

5* TRÒN TRĨNH

Nghe danh Keigo đã lâu, mà mãi chưa thử cuốn nào của ông, trong cơn sốt xình xịch sách Keigo phát hành liên tục nên mình cũng muốn thử một em cho bớt lỗi thời. Và lựa chọn đầu tiên của mình là Namiya, phải nói đây là một quyết định cực kỳ sáng suốt.

Bắt đầu vào một đêm tối trời, ba tên trộm Atsuya, Shota, Kouhei vội vã lẩn trốn sau phi vụ khoắng đồ nhà người, nhưng xui với chả xẻo làm sao mà xe chúng bị hỏng, thế là Shota dẫn cả bọn đến một căn nhà bỏ hoang nằm ở lưng chừng đồi mà nó vô tình phát hiện trong một lần làm ‘nhiệm vụ’. Căn nhà bám đầy bồ hóng, trên cánh cửa cuốn có một khe nhét thư, bên trên có biển hiệu, nhìn mãi mới đọc được chữ ‘tạp hoá’, sau chữ ‘tạp hoá’ còn có tên nhưng bọn nó không đọc ra được. Định bụng làm một giấc đến sáng cho khoẻ người rồi hoà vào dòng người tấp nập để lẫn trốn, nhưng không, trái hẳn với dự định ấy khi mà chờ đợi ba đứa là một đêm không ngủ với bao bí ẩn, ly kỳ, xuất phát là từ lá thư đầu tiên được cho vào khe cửa cuốn lúc hơn 2 giờ sáng.

“Hãy gửi những băn khoăn của bạn đến tiệm tạp hoá Namiya.”
32 năm trước, nơi đây là tiệm tạp hoá Namiya của ông Namiya Yuji. Cơ duyên bắt đầu từ lần nói đùa với bọn trẻ con nhà hàng xóm, chúng cố tình đọc chệch tên tiệm Namiya thành Nayami, Nayami, có nghĩa là ‘điều phiền muộn’. Bởi xuất phát từ lời nói đùa nên lúc đầu chỉ toàn những câu hỏi tào lao thôi. Chẳng hạn như cháu ghét học lắm nhưng lại muốn sổ liên lạc toàn là điểm 100 thì phải làm sao hay tại sao con Gamera vừa xoay vòng vòng vừa bay mà không bị chóng mặt? Những câu hỏi và lời giải đáp sẽ được ông Namiya dán lên trước cửa tiệm để mọi người cùng xem. Nhưng dần dần, những câu hỏi nhờ tư vấn nghiêm túc hơn xuất hiện, vì thế ông đã thay đổi cách thức gửi và nhận thư. Nhưng dù có là câu hỏi đùa giỡn hay vô cùng nghiêm túc đi chăng nữa, ông vẫn suy nghĩ rất kỹ càng và trả lời hết sức tâm huyết.

Nhưng điều gì đã khiến Tiệm tạp hoá Namiya ấy trở nên thực sự kỳ diệu?
Trái đất này đúng thật là rất tròn. Đọc đến đoạn cuối của Namiya, trong đầu mình bật ra một câu như thế. Tựa như có một sợi dây vô hình nào đó liên kết trại trẻ Marumitsu với tiệm tạp hoá Namiya, và sợi dây ấy lại còn liên kết cả hiện tại, quá khứ, cả những nhân vật tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng thật ra là có mối liên kết rất diệu kỳ. Thời gian, không gian, nhân vật trong câu chuyện được Keigo xây dựng và đan xen vào nhau một cách hoàn hảo, thật sự không ngoa với lời nhận xét ở bìa sau: “Tài kể chuyện hơn người đã giúp Keigo khéo léo thay đổi các dấu mốc thời gian và không gian, chắp nối những câu chuyện tưởng chừng hoàn toàn riêng rẽ thành một kết cấu chặt chẽ, gây bất ngờ từ đầu đến cuối.” Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi phát hiện không ngờ các nhân vật trong Namiya lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như thế. Từ chương 1 sang chương 2 là một cái gì đó rất khác, không hề liên quan một chút gì, nhưng vì đã khá quen với cách viết thế rồi nên mình biết là nó sẽ mở ra một cái gì đó, mà đến khi phát hiện thì vẫn không đỡ nổi những sự bất ngờ, đọc mà Ồ, À cứ phải gọi là liên tục, càng về sau lại càng hay luôn á các bác ơi, ngồi xâu chuỗi liên kết các nhân vật lại cũng rối trí lắm chứ không đùa được đâu.

Namiya không chỉ ẩn chứ những điều kỳ diệu tuyệt vời, mà nó còn là câu chuyện về lòng biết ơn, sự tận tâm và tình yêu thương giữa người với người, dù cho đó là những con người xa lạ chưa một lần biết mặt nhau.

Nghe đồn những quyển khác của Keigo khá tối tăm và tiêu cực nhỉ? Còn Namiya thì là một phạm trù khác hẳn đó, trong sáng và rất ấm áp tình người luôn, đọc xong thấy cuộc đời tươi đẹp hơn mình vẫn nghĩ. À mà mình thích nhất là ba tên ăn trộm.

Phải nói lại lần nữa là ai chưa đọc sách của Keigo và đang phân vân lựa chọn thì quất em này ngay đi, kẻo hối hận vì đã không đọc sớm hơn đó, highly recommendddd.

Trích:
“Gửi người vô danh.
Ông già này đã suy nghĩ rất nhiều về lý do bạn cất công gửi đến một tờ giấy trắng. Đây chắc chắn là một chuyện lớn, tôi không thể trả lời bừa được.
Sau khi vận dụng hết cái đầu già cõi này, tôi hiểu bức thư này có nghĩa là ‘không có bản đồ’.
Nếu ví những người nhờ tôi tư vấn là kẻ lạc đường thì phần đông trong số họ ở tình trạng có bản đồ nhưng không chịu xem hoặc không biết vị trí hiện tại của mình.
Nhưng có lẽ bạn không thuộc loại nào trong hai loại này. Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm ở đâu.
Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng.
Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.
Tôi nghĩ là mình sẽ không còn viết thư trả lời tư vấn nữa. Cảm ơn bạn đã cho tôi một câu hỏi hóc búa nhưng tuyệt vời vào thời điểm cuối cùng này.
Tiệm tạp hóa Namiya.”

– Nguyen Nguyen Ngoc

Trích dẫn Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya

“Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm ở đâu. bản đồ là tờ giấy trắng dĩ nhiên là lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng.

Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì là tờ giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất cứ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đầu tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.”

“Mối liên hệ giữa người và người bị cắt đứt không phải vì lý do gì cụ thể cả. Mà không, kể cả ngoài mặt có lý do đi nữa thì cũng chỉ là lời bào chữa được viện ra sau đó mà thôi, vì tâm trí đã xa lìa nhau nên mới thành ra chuyện như vậy. Bởi lẽ, nếu tâm trí chưa xa rời nhau thì khi xảy ra chuyện khiến mới liên hệ có nguy cơ đứt gãy, chắc chắn phải có ai đó cố gắng hàn gắn lại. Không ai làm vậy chứng tỏ sự gắn bó đã hết. Thế nên như thể đang đứng ngoài nhìn con thuyền chìm dần, cả bốn người ấy không ai tỏ ra muốn cứu Beatles.”

“Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đầu tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.”