“Indian Givers: Những Món Quà Của Người Da Đỏ” là những ghi chép của Jack Weatherford khi ông lần theo dấu vết của những đóng góp quan trọng của người da đỏ đối với hệ thống chính quyền liên bang, thể chế dân chủ, nền y học, nông nghiệp, kiến trúc và sinh thái học hiện đại, và trong cuốn sách mang tính đột phá đáng kinh ngạc này đưa ra một bước tiến khổng lồ trong việc khôi phục lịch sử thực sự của nước Mỹ.
Review Indian givers (2)
Năm trăm năm trước, khi phát hiện châu Mỹ, chắc Columbus cũng không thể ngờ rằng, ông đã tìm ra một món quà vô cùng quý giá cho phần còn lại của thế giới.
Với sự cẩn trọng, nhiệt huyết, tác giả Jack Weatherford đã dành ra tám năm để nghiên cứu và viết về món nợ của thế giới đối với trí tuệ của người da đỏ châu Mỹ như: thể chế dân chủ, y học, nông nghiệp, kiến trúc, sinh thái. Cuốn sách này đã cho ta biết thêm một phần lịch sử người da đỏ ở Mỹ, câu chuyện về sự đóng góp của họ với lịch sử nhân loại.
Khi mới được phát hiện ra, châu Mỹ được coi như một mỏ vàng ròng của châu Âu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vàng và bạc chảy từ châu Mỹ về châu Âu tạo nên sự bùng nổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử và đã khai sinh ra nền kinh tế vĩ đại của thế giới tư bản. Lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới có nhiều vàng bạc đến thế. Điều này tạo nên sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của hệ thống thương mại châu Âu. Châu Âu biến thành nền kinh tế tiền tệ thật sự.
Cùng với sự thay đổi về kinh tế, chính trị châu Âu cũng thay đổi. Ban đầu vàng bạc từ châu Mỹ chạy về châu Âu với mục đích củng cố chính quyền phong kiến nhưng cuối cùng nó lại là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của một giai cấp mới: giai cấp tư bản thay thế giai cấp quý tộc.
Khai thác triệt để châu Mỹ còn làm phát sinh tệ nạn cướp biển. Trong lúc người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang mải mê khai thác vàng, bạc, lông thú ở châu Mỹ thì người Anh đã sử dụng phương pháp nham hiểm độc địa hơn: Âm mưu chính trị đen tối + đầu óc con buôn đã cho ra đời một sản phẩm: cướp biển. Chính phủ Anh vì không muốn bỏ tiền ra vận chuyển các sản phẩm của châu Mỹ về châu Âu đã tổ chức các đội tàu cướp… Số của cải cướp được sẽ được “tẩy trắng” bởi các công ty tư nhân. Một số công ty tư nhân này sau đó đã trở thành những tập đoàn kinh tế lớn của nước Anh.
Việc khai thác mỏ quặng và khai thác mía ở châu Mỹ hình thành nên các đồn điền đã đẩy kết cấu quy mô nhân sự của tổ chức kinh tế lên một tầm cao mới. Đây là một hoạt động kinh tế đại diện cho một sự phát triển mới từ bỏ cách thức tổ chức sản xuất trong quá khứ.
Về thực phẩm: các nông phẩm của châu Mỹ cực kỳ phong phú đã cung cấp nhiều giống mới cho nông nghiệp châu Âu như: Đậu đũa, đậu cô ve, đậu ván, đậu leo… Và đặc biệt quan trọng là giống khoai tây. Khoai tây đã góp phần không nhỏ cứu đói cho châu Âu những năm bị mất mùa. Một cánh đồng trồng khoai tây sẽ sản xuất được lượng lương thực và dinh dưỡng nhiều hơn bất kỳ loại ngũ cốc nào mà lại còn tốt ít nhân công chăm sóc hơn.
Ngoài ra còn có: mía cà phê, ca cao, bơ, Oliu, hạt hướng dương….
Châu Mỹ được tìm ra đã khiến cho thực phẩm, ẩm thực có một cuộc cách mạng diễn ra đến tận ngày nay. Bơ, cà chua, ớt xanh … đã khiến cho các món trên bàn ăn người châu Âu thay đổi. Nhưng món quà quý giá từ châu Mỹ mà giới trẻ hiện nay yêu thích nhất có lẽ là cô ca làm từ lá cây cô ca và sô cô la làm từ hạt cây ca cao. Hai loại cây này đã làm nên thứ thức uống và đồ ăn có số lượng tiêu thụ khủng khiếp.
Về y học: Người da đỏ đã tìm ra một số lá cây có thể chữa được các bệnh nguy hiểm như ký ninh trị sốt rét, rễ cây Cephalaelic Ipecacuanha chế ra thuốc Ipecac trị bệnh lỵ Amip – một loại nhiễm trùng đường ruột gây chết người. Người Inca cũng biết ngăn ngừa bệnh bướu cổ bằng cách sấy khô rong biển. Với hàm lượng i ốt cao, rong biển đã góp phần phòng chống bệnh bướu cổ.
Ngày nay chúng ta hãy nghe đến cụm từ “vô chính phủ” khởi nguồn của nó chính là những người da đỏ. Theo quan niệm hiện đại vô chính phủ gắn với nổi loạn, khủng bố…. nhưng ý nghĩa ban đầu của nó không phải như vậy. Người da đỏ sống không có giai cấp, không có chính quyền tách biệt khỏi hệ thống đồng loại và họ cũng không có tài sản riêng. Một học giả đã gọi họ là những người “Arnachi” với nghĩa là “không người cai quản”. Họ đã làm cho người châu Âu kinh ngạc về tự do cá nhân; tự do thoát khỏi sự thống trị, khỏi xã hội bị bao bọc bởi tư hữu tài sản.
Sự bình quân và tự do như ngày nay chúng ta hiểu chính là “tư tưởng phương tây hiện đại như những ý niệm của thổ dân châu Mỹ được dịch sang ngôn ngữ và văn hóa châu Âu”.
Gấp cuốn sách lại tôi cảm thấy thật bồi hồi. Ở đây có điều tôi đã biết, có điều chưa, nhưng nó đã khiến hình ảnh người da đỏ mà tôi từng được xem qua các tiểu thuyết, các bộ phim trở nên sống động hơn. Họ – những con người yêu tự do, yêu thiên nhiên và mảnh đất nơi mình sống đã tặng cho thế giới những món quà vô cùng quý giá về vật chất cũng như tinh thần. Và chính họ đã làm thay đổi thế giới.
Nhân loại còn nợ họ thật nhiều.
– Huỳnh Thu Giang
Đọc cuốn sách này mình bỗng nhớ đến bộ phim Dances with Wolves (Khiêu vũ với bầy sói) nổi tiếng của Kevin Costner, bộ phim khắc họa hình tượng người da đỏ mạnh mẽ và thông minh. Tuy vậy, với Jack Weatherford, sự thực trần trụi và đáng thương hơn nhiều. Đâu còn người phụ nữ thông minh Stand with A Fist (Đứng với nắm đấm), còn đâu người tù trưởng vĩ đại Ten Bears (Mười con gấu), còn đâu anh chàng Wind In His Hair mạnh mẽ với mái tóc dài?? Trong hơn 300 trang viết về những di sản của người da đỏ, điều làm mình ấn tượng nhát chính là câu chuyện về người phụ nữ da đỏ già nua đang trong những ngày tháng cuối cùng. Không có chút nào hào hùng cường điệu trong câu chuyện về bà già tội nghiệp này cả, bà đang ở đoạn cuối của cuộc đời và tất cả những gì mà bà chờ đợi là một miếng ăn, chút nước và ít nhiều dễ chịu thoát khỏi cái nóng và lũ bọ đang truyền bệnh cho bà lúc này cũng như trong suốt cuộc đời. Bà nằm chờ chết như một kẻ bị ruồng bỏ khỏi xã hội châu Mỹ hiện tại đang từ từ nhưng quả quyết tiêu hủy xứ sở của bà suốt từ 500 năm qua.
Người đàn bà đang chết dần chết mòn này đối nghịch một cách đau đớn với hình tượng người da đỏ như những đàn ông và người làm thuốc vĩ đại nhất thế giới, những kẻ man rợ cao quý của Rousseau hay các nhà quản lý thực tế đã truyền cảm hứng cho Benjamin Franklin. Tôi không thể không băn khoăn nếu những con người này thật sự tuyệt vời đến mức đó thì liệu họ có sa sút đến mức này và bị đè nén đến thế này ? Nếu họ đã xây dựng nên được những thành phố và đường sá rất tuyệt vời vậy tại sao lại không thể tự bảo vệ mình trước những làn sóng người châu Âu quét qua xứ sở??
Một cảm giác buồn bã tiếc nuối khi gấp lại cuốn sách này, tiếc cho 1 nền văn minh rực rỡ bị vùi dập, tiếc cho những con người tài năng từng là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà văn, nhà làm phim viết nên những câu chuyện bất hủ. Giờ đây sự rực rỡ của họ chỉ còn tồn tại trên trang giấy và màn ảnh sao?
“Những nền văn minh của người da đỏ sụp đổ trước Cựu thế giới không phải vì thua kém về trí tuệ hay văn hóa, chẳng qua họ thua trước dịch bệnh và sức mạnh tàn bạo. Trong khi người da đỏ Châu Mỹ dành ra cả ngàn năm trau dồi để trở thành những nông dân và thầy thuốc giỏi nhất thế giới thì người Cựu thế giới cũng bỏ ra thời gian đó để sắm sửa kho vũ khí tốt nhất, kẻ mạnh nhất không nhất thiết là sáng tạo nhất hay không – đã chiến thắng.”
– Trần Quỳnh