Định Mệnh Chiến Tranh – Graham Allison

Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 – 05:47 pm

Với một chủ đề mang tính thời sự có tầm bao quát, được phân tích sâu sắc trên quan điểm so sánh lịch sử “Định mệnh chiến tranh” của Graham Allison đã phân tích động cơ, các điều kiện thúc đẩy và cả tính ngẫu nhiên của các cuộc chiến tranh gắn với sự tranh chấp quyền lực dẫn đến khái niệm “The Thucydides Trap”

Trong vòng 500 năm qua, từ thời Hy Lạp cổ đại khi cuộc chiến tranh Peloponnes giữa Sparta và Athens xẩy ra do vị sử gia nổi tiếng Thucydides ghi lại đến nay đã có 16 tình huống xung đột dạng này trong dó chỉ 4 trường hợp (25%} tránh được để không xảy ra chiến tranh

Review (2)

ĐỊNH MỆNH CHIẾN TRANH – MỸ VÀ TRUNG QUỐC CÓ THỂ THOÁT BẪY THUCYDIDES?

“Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi nó gây ra ở Sparta đã khiến chiến tranh trở thành điều tất yếu”. Điểm qua các mốc chiến tranh lớn giữa các cường quốc trong lịch sử, ôn cố tri tân để nhìn về cuộc chiến Mỹ – Trung đang nóng bỏng từng ngày với những đòn trừng phạt kinh tế, hàng rào thuế quan dồn dập. Mọi thứ đều có thể xảy ra, giống như mọi cuộc khủng hoảng đều xảy ra mà không hề báo trước, thử đọc và tìm hiểu thuyết âm mưu do một người Mỹ viết sẽ khác gì của một người Trung Hoa?

Khi tranh cử tổng thống năm 2016, Donald Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, gọi Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ”, “cưỡng bức” nền kinh tế Mỹ và gọi thâm hụt thương mại giữa hai nước là “vụ trộm lớn nhất trong lịch sử thế giới”. Ông tuyên bố sẽ mạnh tay với Trung Quốc khi đắc cử và thực tế, ông đã giữ lời hứa của mình. Thương chiến Mỹ-Trung, cuộc đấu làm chao đảo thế giới bắt đầu từ ngày 22/3/2018 với lệnh áp đặt thuế 60 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc. Sau 3 lần áp thuế liên tục với 250 tỷ USD hàng hóa, Trung Quốc đã đáp trả áp thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ gồm hóa chất, than, thiết bị y tế và các loại nông sản như đậu nành… Cho đến nay, cuộc đấu này vẫn chưa có hồi kết và càng có nhiều sự kiện nóng bỏng vẫn còn ở phía trước.

“Nếu lịch sử của tôi được đánh giá là hữu dụng đối với những ai mong muốn có được hiểu biết đúng đắn về quá khứ như một công cụ để hiểu rõ tương lai – một tương lai nếu không phản ánh các vấn đề liên quan tới con người thì cũng phải song hành với những vấn đề đó – thì tôi cũng thỏa mãn rồi.” – Thucydides

“Định mệnh chiến tranh” không phải là một cuốn sách đơn thuần về thương chiến Mỹ – Trung Quốc, mà là một cuốn sách về tác động của một Trung Quốc đang trỗi dậy đối với Mỹ và nghiên cứu các trường hợp đã ảnh hưởng đến trật tự toàn cầu nói chung trong 500 năm trở lại đây. Trong vòng bảy thập kỷ từ Thế chiến II, một khuôn khổ dựa trên luật chơi do Mỹ dẫn dắt đã định hình trật tự thế giới, tạo ra một kỷ nguyên không có chiến tranh giữa các cường quốc lớn, nhưng điều này cũng được sử gia gọi là một “Nền hòa bình kéo dài hiếm hoi”.

Thực tế trong cuốn sách của mình, Thucydides thừa nhận ông đã nói quá lên để nhấn mạnh quan điểm của mình, bẫy Thucydides ở đây không phải thuyết định mệnh hay sự bi quan. Cuộc chiến giữa Sparta và Athens hay giữa Mỹ và Trung Quốc thời hiện đại không phải là điều chắc chắn sẽ xảy ra vì nhiều bối cảnh và điều kiện xung quanh nó. Tuy nhiên, việc luận giải các trường hợp đã từng xảy ra trong lịch sử để có những phương sách trong hiện tại là một ý tưởng không hề tồi, như Winston Churchil đã nói: “Hãy học lịch sử, hãy học lịch sử. Trong lịch sử có tất cả những bí mật của tài trị quốc.”

“TRONG NHIỀU TRƯỜNG HỢP, NGƯỜI TA CÓ KHẢ NĂNG DỰ ĐOÁN ĐƯỢC NGUY HIỂM ĐANG CHỜ HỌ Ở PHÍA TRƯỚC. THẾ NHƯNG, HỌ LẠI CHẤP NHẬN ĐẦU HÀNG TRƯỚC MỘT Ý TƯỞNG ĐÃ QUYẾN RŨ HỌ VƯỚNG VÀO MỘT TAI HỌA KHÔNG THỂ NÀO THOÁT RA… CHỈ VÌ SỰ ĐIÊN RỒ, CHỨ KHÔNG PHẢI SỰ BẤT HẠNH CỦA CHÍNH BẢN THÂN HỌ” – THUCYDIDES

Trong khi các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc không mong muốn chiến tranh, thì cuộc chiến mà họ đang giúp Trung Quốc chuẩn bị chính là cuộc chiến chống lại Mỹ trên biển. Chính người Tung Quốc đã tự nhận định về lý do các cường quốc thống trị Trung Quốc trong suốt thế kỷ ô nhục của mình đều dựa vào ưu thế hải quân, “Bỏ qua đại dương là sai lầm lịch sử mà chúng tôi đã mắc phải, hiện nay và thậm chí trong tương lai chúng tôi…đang phải trả giá vì điều đó”. Lặp lại lịch sử, giống như hoàng đế Đức Wilhem II hay Theodore Roosevelt, “sự tự phụ của Mahan khi cho rằng sự vĩ đại của một quốc gia xuất phát tự quyền lực biển đã ám ảnh nhiều chiến lược gia Trung Quốc”. Dĩ nhiên, chỉ vì Trung Quốc muốn vươn lên, “chiến đấu và chiến thắng” không có nghĩa là nước này muốn chiến tranh, tuy nhiên, thông qua việc theo đuổi các mục tiêu, sự đối đầu này đã bị phóng đại bởi những khác biệt về văn hóa và chính trị.

“Giả thuyết của tôi cho rằng nguồn gốc căn bản của xung đột trong thế giới mới này không phải từ ý thức hệ hay kinh tế. Sự chia rẽ lớn giữa loài người với nhau sẽ liên quan tới văn hóa… Sự va chạm giữa các nền văn mình sẽ thống lĩnh nền chính trị toàn cầu.” – Samuel Huntington

Hilarry Clinton đã nói thay đa số người dân Mỹ “Tôi không muốn cháu của mình phải sống trong một thế giới bị người Trung Quốc thống trị”. Làm thế nào mà những khác biệt to lớn về văn hóa cũng như những khác biệt về bản chất và mục đích chính phủ lại dẫn Mỹ và Trung Quốc đi tới xung đột mà chỉ có thể một bên giành chiến thắng, không thể chung sống hòa bình dưới 1 mái nhà thế giới? Điều đơn giản được chỉ ra lại dựa trên một mệnh đề mâu thuân, đó là dù tồn tại nhiều khác biệt với nhau, nhưng Mỹ và Trung Quốc cùng có một điểm chung: là hội chứng tự cho mình là ưu việt được đẩy lên một cách cực đoan, Mr Number One, hay “Tôi là vĩ đại nhất” trong câu nói của Muhammad Ali. Trong khi với nước Mĩ, một dân tộc luôn tự cho mình là ưu việt về văn hóa, việc bị thay thế với một dân tộc châu Á vốn bị coi thường, ghét bỏ với những tính từ khinh miệt như suy đồi, yếu đuối, hủ bại và thiếu năng lực là một điều khó chấp nhận. Thì với Trung Quốc, trải qua hàng ngàn đời nay, họ luôn tự coi mình là một đế chế vĩ đại nhất, là trung tâm của thế giới văn minh, và mọi dân tộc khác xung quanh chỉ là man di, hèn kém. Việc một thế kỷ ô nhục với sự chiếm đóng, đô hộ của Anh, Nhật, Mỹ chỉ là những ký ức đáng quên, và là một sự bất thường của dòng chảy lịch sử, nơi người Trung Quốc vẫn là độc tôn và duy nhất.

“SỐ PHẬN CÓ THỂ LÀ BÊN CHIA BÀI, NHƯNG CHÍNH CON NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH MÌNH PHẢI ĐÁNH NHƯ THẾ NÀO, ĐI NHỮNG LÁ BÀI NÀO.” – GRAHAM ALLISON

Lịch sử của Thucydides cung cấp một ghi chép thực tế về những lựa chọn mà Pericles và nhân dân Athens đưa ra dựa trên ý chí của chín họ. Những lựa chọn khác nhau sẽ tạo ra những kết quả khác nhau. Mục đích của Thucydides trong việc tái dựng lại các tranh cãi trong Nghị hội là để dạy cho các chính khách tương lai rằng đừng nên chấp nhận số phận, mà hãy có những sự lựa chọn khôn ngoan hơn. “Trên tất cả, trong khi bảo vệ các lợi ích cốt lõi của chúng ta, các cường quốc hạt nhân phải đảo ngược những cuộc đối đầu vốn có thể bị ép buộc đối thủ lựa chọn hoặc là chấp nhận rút lui trong tủi nhục, hoặc là một cuộc chiến tranh hạt nhân”, John F. Kenneedy đã rút ra bài học bền vững từ cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba. Cuộc khủng hoảng mà để có thể kiểm soát rủi ro, ông đã phải liên tục bỏ qua sự hối thúc của các cố vấn, thay vào đó để Khruschev có thêm thời gian suy sét, thích ứng và điểu chỉnh. Khi một máy bay do thám của Mỹ bị bắn rơi trên vùng trời Cuba vào ngày thư bảy cuối cùng của cuộc khủng hoảng, Kennedy đã ra lệnh hoãn một cuộc tấn công đáp trả để nỗ lực tiến hành bước đi ngoại giao cuối cùng.

“CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI NHẤT LÀ KHUẤT PHỤC KẺ THÙ MÀ KHÔNG PHẢI GIAO TRANH” – BINH PHÁP TÔN TỬ

Lịch sử 500 năm qua đã cho chúng ta ít nhất 4 trường hợp mà trong đó các bên đã thoát ra khỏi bẫy Thucydides, các cường quốc đang trỗi dậy và thống trị đã thành công trong việc lèo lái đất nước của họ đi xuyên qua những bãi cạn đầy nguy hiểm mà không để chiến tranh xảy ra. Từ những trường hợp đó, tác giả đã chỉ ra 12 bài học về hòa bình rất đáng lưu ý:

  • Bài học 1: Những thẩm quyền ở cấp độ cao hơn có thể giải quyết xung đột mà không dẫn tới chiến tranh.
  • Bài học 2: Các quốc gia có thể được đặt trong những thể chế an ninh, chính trị và kinh tế rộng lớn hơn, giúp hạn chế những hành vi được cho là bình thường trong lịch sử
  • Bài học 3: Những chính khách mưu mẹo biết cách làm những gì cần thiết – và có khả năng phân biệt giữa những thứ họ cần và những thứ họ mong muốn
  • Bài học 4: Lựa chọn đúng thời điểm là tối quan trọng. Trong lịch sử quốc gia hay trong đời sống cá nhân, cơ hội bị bỏ lỡ không bao giờ quay trở lại.
  • Bài học 5: Sự tương đồng văn hóa có thể giúp ngăn chặn xung đột
  • Bài học 6: Chẳng có gì mới cả, trừ vũ khí hạt nhân
  • Bài học 7: MAD (mutual assured destruction – sự hủy diệt lẫn nhau hoàn toàn) thật sự khiến cho cuộc chiến tranh toàn diện trở nên điên cuồng với các kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, nơi mà một quốc gia quyết định tiêu diệt bên còn lại cũng đồng thời là một lựa chọn tự sát cho chính mình
  • Bài học 8: Chiến tranh nóng giữa các cường quốc hạt nhân vì thế không còn là một sự lựa chọn chính đáng
  • Bài học 9: Tuy nhiên, lãnh đạo các cường quốc hạt nhân vẫn phải chuẩn bị cho rủi ro tiến hành một cuộc chiến tranh mà họ không thể thắng.
  • Bài học 10: Sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế gia tăng cái giá phải trả, do đó làm giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh. Hiện nay các mối quạn hệ kinh tế giữa các cường quốc quá phụ thuộc vào nhau, như Mỹ Trung là một ví dụ điển hình, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc là trái chủ (hay còn gọi là chủ nợ) lớn nhất của Mỹ. Nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ là sự kết thúc của cả hai nền kinh tế, tương tự như sau Thế chiến 1 và 2, hệ quả về kinh tế cho cả Anh và Đức là không thể tưởng tượng nổi, và nước Anh đã không còn là siêu cường bá chủ thế giới, ngôi vị đó đã nhường lại cho chính nước Mỹ, một thế lực mới nổi đang lên.
  • Bài học 11: Các liên minh có thể là một sự hấp dẫn chết người. Ghi chép từ lịch sử cũng đã dạy cho chúng ta rằng không phải tất cả các hiệp định được ký kết đều bình đẳng, và các liên minh phòng thủ là những liên minh có điều kiện. Hiện nay các quốc gia nhỏ đang dựa vào các liên minh với các nước lớn để tìm kiếm các thuận lợi cho riêng mình, nhưng việc này cũng đồng thời có thể phát sinh các cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhỏ, tiền đề cho những đổ vỡ lớn giữa các cường quốc.
  • Bài học 12: Thành tựu trong nước mang tính quyết định, điều này tương tự như “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, các quốc gia sở hữu kinh tế mạnh, một chính phủ có tính cạnh tranh và một nguồn lực quốc gia thống nhất sẽ có tác động lớn hơn lên lựa chọn và hành động của các quốc gia khác

Trong phần ba của cuốn sách, tác giả đã xem lại hồ sơ của 16 trường hợp trong đó một quyền lực đang trỗi dậy đã thách thức một cường quốc đang thống trị trong năm trăm năm để từ đó tranh luận rằng, trong những điều kiện nền tảng như vậy, chiến tranh là điều dễ xảy ra nhất với 12/16 trường hợp nhưng không phải là một trường hợp không thể tránh khỏi (4/16 trường hợp). Theo ông, với sự điều chỉnh to lớn và đau đớn – các vấn đề về thái độ và hành động đối với người thách thức và thách thức như nhau, những phán quyết của quyền hạn có thể quản lý quan hệ với đối thủ, ngay cả những người đe dọa đến quyền lợi sát sườn của họ, mà không gây ra một cuộc chiến. Để có thể có những sự lựa chọn khôn ngoan tương tự các nhà lãnh đạo cũ đã khôn khéo đưa các bên thoát khỏi bờ vực chiến tranh, Grahma Allison đã đề xuất cho các nhà lãnh đạo Mỹ bốn ý tưởng cốt lõi sau: Xác định rõ các lợi ích sống còn, hiểu được Trung Quốc đang cố gắng làm những gì, làm chiến lược và đưa các thách thức đối nội làm trọng tâm.

Và cuối cùng, để kết thúc bài review lại siêu dài như thường lệ (thật sự thường chỉ cho mình tôi đọc là chính, vì tôi coi những bài review của mình dùng để tóm tắt và list lại những điều mà tôi thấy tâm đắc trong cuốn sách để sau xem lại là nhớ), tôi xin được trích dẫn đoạn văn rất hay trong đề tựa chương của Graham Allison về chiến tranh và hòa bình mà tôi tâm đắc:
Chiến tranh là xấu xa. Đây là mệnh đề quen thuộc với mọi người đến mức nhàm chán. Không ai bị buộc phải tham gia chiến tranh vì thiếu hiểu biết, hay tránh xa nó vì sợ hãi. Nếu cả hai tình cờ xuất hiện trong một thời điểm sai lầm, lời khuyên hòa bình không phải không có ích. Điều này, nếu chúng ta chịu tìm kiếm, chính là thứ chúng ta cần nhất trong tình hình hiện nay.” – Thucydides, Hermocrates phát biểu trước người dân Sicilia, năm 424 TCN.
———
Điểm đánh giá: 8.5/10
Nhận xét: Cuốn sách ngắn gọn, cô đọng, nội dung rất nhiều thông tin hữu ích, các bảng biểu, danh sách tra cứu rất thuận lợi, phải nói là không có một điểm gì chê được…khộ quá… Tuy nhiên, có một điểm lưu ý nhỏ là cuốn sách cung cấp một tập dữ liệu không nhiều (chỉ 16 trường hợp) để có thể hỗ trợ xem xét, thống kê các mô hình hoặc quy luật lịch sử, hay để các nhà khoa học xã hội đang tìm cách làm như vậy. Nhưng điểm hạn chế của phương pháp luận này đã được tác giả lưu ý ở Phụ lục 2 của cuốn sách, ông nhấn mạnh rằng dự án bẫy Thucydides là để khám phá hiện tượng, không phải đề xuất một quy luật hay dự liệu cho các nhà thống kê. Đồng thời đây cũng là một hồ sơ mở, và công việc vẫn đang tiếp tục với những bổ sung, đề xuất, phê bình và bình luận cho hiện tại và cho các giai đoạn sau. Ngoài ra, trong quá trình đọc, chúng mình có phát hiện ra nội dung cuốn sách bị kiểm duyệt cắt đi một đoạn ngắn về đường “lưỡi bò chín đoạn” và động thái của các bên tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, trong đó có Việt Nam, bạn nào muốn biết đoạn “uncut”, “uncensored” khá nhạy cảm này nó như thế nào có thể ib riêng với mình (cảm ơn em Twine Aquarius đã tinh tường phát hiện nhé). Mặc dù gặp phải vấn đề (cũng không hẳn là nhỏ này :D), theo tôi, cuốn sách vẫn sẽ là một cuốn sách cần thiết cho chúng ta, hay những độc giả có quan tâm tới thời sự thế giới và tình hình biển Đông với người “anh em tốt” “núi liền núi, sông liền sông” của nước ta.

– Tùng Hoàng

Liệu sẽ tồn tại một cuốn chiến, mà lợi ích sau cùng nhận được đều được chia cho hai bên? Và liệu có tồn tại một cuộn chiến, sinh ra để định hình sự phát triển chung cho toàn cầu? Trong bối cảnh mà mọi đánh giá và phân tích về cuộc chiến thưoTỉg mại của Mỹ và Trung đang đối đầu nhau ít có được sự đúng đắn, thì công trình nghiên cứu của học giả Allison mang tên “Định mệnh chiến tranh – Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides?” sẽ phần nào định hình những đánh giá và giải đáp những vấn đề xoay quanh cuộc chiến này.

1. Bối cảnh tác phẩm – Tóm lược Chiến tranh thưong mại Mỹ – Trung

Tháng 09 năm 2017, cuộc vận động tranh cử Tổng thống thứ 45 đang đến hồi gay cấn. Khi Donald Trump tiếp xúc các cử tri ở Ohio và Pennsylvania, ông đă có một cam kết rằng sẽ chống lại các cuộc cạnh tranh thương mại không công bằng đến từ Trung Quốc mà những bang này đang chịu nhiều tổn thương về mặt kinh tế. Hai tháng sau, Donald Trump chính thức chiến thắng trong cuộc chiến bước vào Nhà Trắng trong sự ngỡ ngàng của người Mỹ. Kể từ đó, những cam kết của Trump dần được thực hiện, trong đó có việc chống lại cạnh tranh thương mại không công bằng.

Tháng 01 năm 2018, Trump ký sắc lệnh áp thuế 50 tỷ USD lên các mặt hàng đến từ Trung Quốc. Tháng 03 năm ấy, sắc lệnh có hiệu lực với 10% thuế cho nhôm và 25% thuế cho thép.

**Tới tháng 04, Trung Quốc có hành động đáp trả đầu tiên. **120 mặt hàng của Mỹ bị áp 15% thuế khi nhập vào Trung Quốc. Đến đầu tháng 06, thêm 629 mặt hàng cũng bị áp mức thuế tương tự.

Một tháng sau, Mỹ tiếp tục áp 25% thuế, và siết chặt các đầu, tư trong lĩnh vực công nghệ đến từ Trung Quốc. Và tới tháng 08 thì tiếp tục 16 tỷ USD tiền thuế các nhiều mặt hàng ở các lĩnh vực.

Đến tháng 09 năm 2018, Trung Quốc khởi động chương trình áp 60 tỷ USD thuế, song song với 10% cho 5.027 mặt hàng đến từ Mỹ.

Giữa cuộc chiến của những con số khô khan này, có một sự kiện là một tác động công nghệ ít nhiều mọi người có thể chứng kiến ngay trước mắt. Là Huawei bị cấm giao thương với các công ty Mỹ, và kết quả là gì?

Là các tập đoàn công nghệ Google (Android), Qualcomm, Microsoft… ngưng hợp tác với Huawei. Huawei điêu đứng theo, vội vã phát triển hệ điều hành riêng. Con buôn với người dùng Huawei cũng điêu đứng theo nốt. Giá máy rớt thê thảm và một viển cảnh đồ Huawei có được quay lại với Android hay không vẫn lơ lửng.

Hệ quả của cuộc chiến tranh thương mại, về mặt kinh tế là dễ nhìn thấy nhất, chính sách thuế ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả cho người dùng cuối. Các công ty tập đoàn thúc đẩy việc giao dịch trước thời điểm chiến tranh thương mại bùng nổ (24/09/2018) làm tăng chi phí vận chuyển, bảo hiểm… Và nền kinh tế toàn cầu trong hai quý cuối năm, cũng như trong tương lai gần sẽ tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân bùng phát và tác động ban đầu của cuộc chiến có nhiều nét tương đồng với mô hình Bẫy Thucydides trong quá khứ, khi mà kết cục đến VA trường hợp đều là chiến tranh.

2. Bẫy Thucydides là gì?

Trước tiên, Thucydides (460 TCN – 365 TCN) là một sử gia người Hy Lạp. ỏng đã từng nhận định rằng, khi một quốc gia lâu năm bị đe dọa sức ảnh hưởng bởi một cường quốc mới nổi lên, thì kết cục ngay sau đó sẽ dễ dẫn đến chiến tranh. Tên của vị sử gia này được nhắc đi nhắc lại trong cuốn sách của Allison bởi những quan sát của ông với trận chiến thành Sparta và Athens tương đồng với bối cảnh hiện tại. Khởi nguồn của trận chiến này khi đối trọng sức mạnh của Athens bị đe dọa, lúc ấy Sparta nổi lên như một mối đe dọa, buộc Athens phải lên tiếng để khẳng định vị thế. Kết cục là sự trỗi dậy của Sparta sau những thất bại về mặt chiến thuật của Athens. Trận chiến được các sử gia nhắc đến với tên gọi Chiến tranh Peloponnisos này phần nào định hình thế giới Hy Lạp cổ đại, sự thất bại của Athens kéo theo sự sụp đổ của chế độ dân chủ đương thời, và làm Sparta trở thành thành bang hùng mạnh trong thời bấy giờ.

Bẫy Thucydides khái niệm mô tả 16 trường hợp xung đột lợi ích giữa các khu vực, quốc gia trong lịch sử phát triển cận đại. Trong 16 trường hợp được nêu ra, chỉ có 4 trường hợp là thoát một cuộc va chạm bằng vũ lực, những trường hợp còn lại là những cuộc chiến mà kết cục một bên bị lụi tàn, và một bên cũng bị ảnh hưởng không kém. Sự tránh va chạm của số ít các trường hợp xuất phát từ những chiến lược ngoại giao, những nhượng bộ mang tính quyết định giữa các bên, bởi phần ít hay nhiều đôi bên đều hiểu được những thương tổn không tránh khỏi nếu va chạm vũ lực với nhau.

Tiêu biểu như đối trọng của Anh và Mỹ trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, lúc ấy sự phát triển mạnh mẽ về mặt quân sự của quân đội Mỹ đã đe dọa trực tiếp đến sức ảnh hưởng ở Tây bán cầu cũng như sự bành trướng chủ nghĩa thực dân của Anh trong giai đoạn này. Tuy nhiên khi nhìn nhận Hải quân Mỹ đang có sự phát triển đáng kinh ngạc, tạo nên một áp lực đáng kể để khiến Hải quân Hoàng gia Anh tự đánh giá rằng khó có thể đạt được ưu thế nếu đối đầu nhau. Kết quả, người Anh nhượng bộ đa số đặc quyền, mà mãi đến sau này mới đạt được những thỏa thuận để kéo lại sức ảnh hưởng ban đầu. Cũng chính sự tránh đối đầu này, mà Anh có được sự hỗ trợ mang tính quyết định trong giai đoạn cuối của Thế chiến I.

3. Bố cục cuốn sách Định mệnh chiến tranh

Nhiều người bằng cách này hay cách khác, vẫn cứ cảm thấy ngạc nhiên bởi quy mô và sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong giai đoạn hiện tại. Nếu như thời gian trước, khi nhắc tới Trung Quốc là nhắc tới quốc gia tỷ dân, hàng nhái hàng kém chất lượng, khoảng cách phát triển của các vùng không đồng đều thì qua trang sách đầu tiên của Allison, mọi chuyện đã khác rất nhiều!
Khi vào năm 1980, GDP của Trung Quốc khi so với Mỹ chỉ bằng 7%, nhưng đến 2015 đã vượt lên đến 61%. Sức mua năm 1980 của Trung Quốc chiếm tỉ trọng toàn cầu là 2%, đến 2015 lên đến 15%.

Năm 2014, IMF dự đoán quy mô kinh tế của Mỹ là 17.400 tỷ đô, còn của Trung Quốc là 17.600 tỷ đô. Lúc ấy, các báo của Mỹ đã phải thốt lên,
“Chúng ta không còn là số một nữa rồi. ”

Còn trong thời điểm hiện tại, năng suất làm việc của một công nhân Trung Quốc là bằng 1/4 khi so với Mỹ, nhưng được sự báo trong tầm 20 năm nữa sẽ rút ngắn xuống còn 1/4 mà thôi.

Và kể cả khi sự kiện Đại suy thoái xuất hiện, nền kinh tế của Trung Quốc vẫn tạo nên 40% sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Allison đã dành những dòng đầu tiên để chỉ ra sự lớn mạnh và tác động mạnh mẽ của Trung Quốc lên thế giới là như thế nào. Sự áp đảo về quyền lực và sức ảnh hưởng đã tạo nên một cán cân mang tên Công lý Trung Quốc, như việc chống lại phán quyết của Trọng tài quốc tế trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát với Philippines trên Biển Đông, hay ngưng giao dịch cá hồi với Thụy Điển vì giải Nobel Hòa Bình được trao cho Lưu Hiểu Ba vào năm 2011. Sức ảnh hưởng về mặt kinh tế cũng những yêu sách về mặt chính sách ít nhiều đã khiến “anh cả” Mỹ phải nóng mặt, và người ta bắt đầu xoay trục chú ý từ “Washington đang nghĩ gì?” sang “Bắc Kinh đang nghĩ
gì?”.

Trong những chương tiếp theo, Allison đã liệt kê và tóm lược cuộc xung đột giữa Sparta Athens, cũng như 16 trường hợp xung đột lợi ích lớn của các quốc gia trải dài trong 500 năm cận đại. Những trường hợp ấy có số ít mà thương vong hai bên là không đáng kể, cho thấy rằng xung đột là một kết cục tất yếu của việc trỗi dậy mà ít bên nào khi vướng phải có thể tránh khỏi. Và với Mỹ và Trung trong thời điểm hiện tại cũng như thế, một “Make America great again” đối đầu với “Made in China 2025” để khởi nguồn cho cuộc chiến thương mại trong thời điểm hiện tại.

Nhưng liệu rằng nó sẽ là điểm bùng phát cho một cuộc chiến lớn hơn, hay nó sẽ là cuộc chiến mà hai bên tìm được vị thế thực sự của chính mình?
Điều này được giải thích khá rõ ràng trong chương cuối, bằng đầu bằng một dự đoán nếu chiến tranh vũ trang diễn ra thì nó sẽ diễn ra như thế nào, đôi bên sẽ quyết định ra sao. Sự dự đoán này chân thực đến mức nếu bạn không ý thức được những tình hình chính trị đang diễn ra ngoài kia, thì sẽ có một khoảnh khắc thoáng qua bạn tin là nó đang diễn tả những điều thực tế. Sự mượt mà trong việc dự đoán là kết quả của việc phân tích và đánh giá những nhận định và quan sát từ các chuyên gia trong một thời gian dài. Kết cục cuối cùng là một điều tất yếu trong tương quan kinh tế, chính trị lẫn quân sự hiện tại của hai bên. Nhưng mà khi một chiến quyền có cách điều hành tương đối khó của Trump, và sức phát triển vượt bậc từ phía bên kia, thì không điều gì là quá bất ngờ nếu một diễn biến mới vượt qua hết mọi dự đoán, dù có thể rằng thương tổn mà nó đem lại là điều khó đong đếm tức thì.

4. Ý nghĩa và sức ảnh hưởng của tác phẩm

Định mệnh chiến tranh trước hết, nó là một công trình nghiên cứu về quan
hệ quốc tế về sự xung đột của các cường quốc bị đe dọa bởi sức ảnh hưởng của một cường quốc mới lên. Phạm vi sử dụng của công trình này không chỉ gồm xung đột Trung – Mỹ trong thời điểm hiện tại, mà còn là 16 lần xung đột của các quốc gia khác với nhau trong quá khứ. Góc nhìn mới mẻ của mô hình Bẫy Thucydides sẽ giúp các độc giả lẫn nghiên cứu viên các vấn đề quốc tế có thêm cơ sở để tìm hiểu nguyên do của các xung đột, hay tạo dựng lên những lý thuyết và dự đoán mới cho các sự kiện tiếp theo trong tương lai.

Tiếp nữa, Định mệnh chiến tranh đi sâu vào việc phân tích sự xung đột của Mỹ – Trung. Đây chính là cốt lõi và nền tảng để trích dẫn những trường hợp rơi vào Bẫy Thucydides trong quá khứ. Chính cách đặt Mỹ – Trung vào trạng thái dễ rơi vào Bẫy Thucydides khiến những phân tích và dự đoán có được sự căng thẳng nhất định nhưng cũng rất thú vị để thảo luận. Những cơ hội lẫn thách thức được tạo ra từ cuộc chiến thương mại mà cả hai đang dấn mình vào, dù ít hay nhiều cũng sẽ tác động đến sự phát triển và con đường đi của từng quốc gia. Tình hình thực tế cũng cho thấy, trước sức ép và những tác động không mong muốn, mà Trung Quốc đã có những điều chỉnh để ứng phó, mà trường hợp tiêu biểu đó chính là Huawei phải gấp gáp chuyển sang nghiên cứu hệ điều hành riêng nhằm ứng phó với tình huống chặn sử dụng Android.

Bởi thế, ta có thể thấy rằng, chiến tranh thương mại (hay xa hơn là chiến tranh vũ lực – có thể), sẽ tạo nên những tác động và ý thức điều chỉnh bản thân không chỉ cho riêng Trung Quốc, mà cả chính người Mỹ. Bởi rằng, không một quốc gia nào đang tạo nên một tham vọng bá chủ, lại chịu đứng yên chịu trận trước những thách thức và sức ép từ người khác tạo ra cho mình. Cũng qua cuộc chiến mà cả hai đang tham gia này, những dự tính và phương án ứng phó thách thức của hai bên sẽ được phát huy trong điều
kiện thực tế. Nhưng liệu rằng kết cục cuối cùng là điều mà cả hai đang hướng tới, và có thật sẽ có một kết quả Win – Win cho cả hai hay, hay nhìn bao quát hơn là sự phát triển chung của toàn cầu sẽ bị tác động như thế nào vào lúc này? Nếu chỉ nhìn riêng vào thời gian thực, hay những đánh giá từ cuốn sách thì khó mà có thể đoán biết được chính xác, nhưng nếu khi ta kết hợp cùng cả hai thì biết đâu, mọi chuyện sẽ khác?

– Kỳ Lân Nguyễn

Trích dẫn

“Chiến tranh đối với các chiến lược gia Trung Quốc chủ yếu mang yếu tố tâm lý và chính trị; các chiến dịch quân sự chỉ đứng hàng thứ hai. Trong suy nghĩ của người Trung Quốc, quan điểm của đối thủ về tình hình thực tế đôi khi cũng quan trọng không kém bản thân thực tế. Ví dụ, việc tạo ra và duy trì hình ảnh về một nền văn minh ưu việt đến mức “nằm ở trung tâm vũ trụ” sẽ ngăn chặn kẻ thù thách thức sự thống trị của Trung Quốc. Quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc khi so sánh với những nền kinh tế ngoại bang cũng góp phần giúp khuất phục kẻ thù – ví dụ như thông qua việc cho phép hay từ chối thông thương. Nếu ngăn ngừa về mặt tâm lý hay động cơ kinh tế thất bại, các giống man di bên ngoài biên giới Trung Quốc có thể bị lôi kéo để chống lại nhau trong một cuộc đối đầu mà không ai có thể dành chiến thắng, ngoại trừ Trung Quốc. Làm suy giảm năng lực tạo ra của cải và tinh thần của kẻ thù và dồn ép hắn ta vào đường cùng là chiến lược tốt hơn nhiều so với việc phải đánh bại hắn trên chiến trường.

Người Trung Quốc tìm kiếm chiến thắng không phải qua một trận đánh quyết định, mà là qua các bước đi tịnh tiến được thiết kế để có thể từ từ cải thiện vị thế của họ. Cũng như là lời của Kissinger: “Rất hiếm khi các chính khách Trung Quốc chấp nhận rủi ro xảy ra một cuộc xung đột được ăn cả ngã về không: phong cách của họ là vận dụng mưu kế công phu trong nhiều năm. Trong khi truyền thống phương Tây coi trọng những trận đối đầu mang tính quyết định và nhấn mạnh tới các hành động anh hùng, người Trung Quốc lại tập trung vào sự khôn ngoan, gian xảo, và quá trình kiên nhẫn tích lũy lợi thế.”

Thú vị hơn, David Lai thể hiện những khác biệt này bằng cách so sánh cờ vua với bộ môn tương tự của Trung Quốc, cờ vây. Trong cờ vua, người chơi tìm cách thống lĩnh khu vực trung tâm của bàn cờ và chinh phục đối thủ. Nếu một cao thủ cờ vua có thể đoán trước được năm hay sáu bước đi kế tiếp, thì một cao thủ cờ vây có khả năng tiên đoán được từ 20 đến 30 bước đi. Khi phải tiếp xúc với tất cả các mặt trong một mối quan hệ rộng lớn hơn với địch thủ, chiến lược gia Trung Quốc thường không muốn hướng tới chiến thắng mà không được chuẩn bị kỹ càng, thay vào đó họ tập trung xây dựng lợi thế tịnh tiến dần theo thời gian. “Theo truyền thống phương Tây, họ dành sự tập trung cao độ vào việc sử dụng vũ lực; nghệ thuật chiến tranh chủ yếu tập trung ở chiến trường và cách thức tiến hành chiến tranh là dùng vũ lực đối đầu với vũ lực” – David Lai giải thích. Ngược lại, “triết lý đằng sau cờ vây là tranh giành lợi thế tương đối, chứ không phải là tìm cách hủy diệt hoàn toàn lực lượng đối thủ.” Như một lời nhắc nhở sáng suốt, Lai cảnh báo: “Chơi cờ vây với một người có tư duy cờ vua là một hành động nguy hiểm. Một trong số họ có thể trở nên hung hăng quá mức, đến nỗi anh ta sẽ dàn mỏng lực lượng của chính mình và phơi bày những phần dễ bị tổn thương trên chiến trường.””