Đinh Trang Mộng – Diêm Liên Khoa

Một ngôi làng mấy mươi năm trước, rất giàu có, rất phồn hoa, nhưng là do bán máu, chỉ cần vạch tay bỏ ra 500cc là có mấy trăm tiêu xài. Máu người như nước lã, hết lại đầy. Và cái Trung Quốc không thiếu nhất chính là con người, đã có người thì sẽ có máu, mà có máu là có thể bán. Tuy nhiên, việc thu mua máu không đúng quy trình, xài chung kim tiêm, bao đựng máu rửa lại bằng nước ao đã khiến dịch AIDS bùng phát, cả một thôn trấn trù phú trở nên tiêu điều, người chết vô số kể. Thế nhưng Đinh trang mộng không chỉ viết về dịch bệnh, ở đó còn lên án sự phi nhân của chính quyền, của con người với nhau. Tất thảy chỉ là một màn trục lợi của những kẻ trên, như loài đỉa đói rút cạn máu của kẻ dưới, đến chết vẫn không tha.

Review Đinh Trang Mộng

Ở phần cuối, Diêm Liên Khoa có viết thế này: “Khi viết Nhật quang lưu niên, Thụ hoạt, Đinh Trang mộng, tôi đã dùng tâm lực của tôi, dùng sinh mệnh của tôi để viết.” Các bạn có thể không đọc Đinh Trang mộng, không đọc Thụ hoạt, không đọc Nhật quang lưu niên, nhưng khi các bạn đọc, tôi sẽ không hổ thẹn với các bạn. Không hổ thẹn với từng độc giả của mình. Duy chỉ có điều tôi thấy bất an là trong thế giới đầy hoan lạc này, khi các bạn đọc tiểu thuyết của tôi, khi đọc Đinh Trang mộng, tôi không thể đem đến cho các bạn niềm vui, mà chỉ có thể đem đến cho các bạn nỗi đau đớn nhói lòng. Về điều này, tôi xin cáo lỗi với các bạn.

Xin bày tỏ sự áy náy với từng vị độc giả vì tiểu thuyết của tôi đã mang đến sự đau khổ cho các bạn.”

Đinh Trang Mộng dường như không chỉ là cơn ác mộng ở thôn Đinh Trang, mà còn là của mọi thôn xóm khắp bình nguyên, khắp cổ đạo Hoàng Hà.

Thôn Đinh Trang muôn đời nghèo vẫn mãi nghèo, chẳng thể phất lên được, ấy thế mà nháy mắt trở nên khang trang sung túc, như một giấc mộng bất chợt kéo tới trong đêm đen, rồi mộng cũng đi, để lại mọi thứ rã rời. Người dân bán máu lấy tiền, bán đến mức không ngừng được, không bán không được, như là bán đến nghiện. Bán đến mức xây được nhà.. Bán đến mức cả người vàng vọt như sáp nến, người người trong thôn nằm la liệt dốc chân lên lắc lắc, hoặc chồng cây chuối cho máu tới não, cho bớt chóng mặt đau đầu.

Bán tới mức bán ra bệnh nhiệt.

Bệnh nhiệt không phải tên là bệnh nhiệt mà tên thật là AIDS. Trong vòng mười năm trở lại, những ai từng bán máu đều sẽ mắc bệnh nhiệt rồi chết đi. Đó là hậu quả của sự thiếu hiểu biết, của lòng tham và sự vô tâm. Các đầu nậu máu mọc lên như nấm, không có quy củ, một cục bông lau máu chín lần cho ba người, một kim tiêm lấy máu cho bao người, không biết. Mầm mống bệnh tật cứ thế truyền qua đường máu, qua từng mạch máu, qua những viên gạch mới được cất lên xây nhà.

Đinh Trang Mộng được kể bằng lời của đứa cháu trai đã chết vì ăn phải quả cà chua bị đầu độc, kể về ông nội, về cuộc sống bán máu và bán ra bệnh nhiệt của những người nông dân, kể về cả những tội ác tham lam, vô đạo đức của chính bố đẻ mình. Kể bằng tông giọng đều đều, thẳng tưng, không chêm nửa dòng suy nghĩ, từ một kẻ đã chết đứng ngoài rìa thế giới quan sát sự băng hoại của đạo đức, của sức khỏe, của tinh thần con người.

Kể về ông nội cả đời làm thầy giáo, cả đời chăm lo cho nông dân thôn Đinh Trang, gần như cả đời mang nỗi áy náy mà đối đãi với họ.

Kể về người bố “sinh ra để làm việc lớn”, là kẻ đầu têu làm đầu nậu máu, sau là bán quan tài, sau là làm minh hôn, tất cả để lấy tiền, rất nhiều tiền, chẳng quan tâm cái gì gọi là lỗi lầm, cái gì gọi là ăn năn, kiếm tiền rồi, đối đãi với người trong thôn khá khẩm một chút là được.

Kể về những người bệnh nhiệt từ tuyệt vọng sợ hãi cho tới khi bình thản chờ đợi cái chết, người chết nhiều tới nỗi người ta chẳng còn buồn dán câu đối nữa. Kể về sự tham lam. Kể về sự vô tâm của đám đông, của con người. Kể về sự ruồng bỏ của người thân, sự lạc lõng của người bị bệnh, tâm lý cùng quẫn muốn lây bệnh cho người nhà, hay tình yêu trái với luân thường đạo lý, nhân danh đó mà yêu lấy yêu để chẳng cần biết đến ngày mai.

Truyện được chia làm tám quyển (tám phần), kết thúc mỗi phần là cái chết của một người trong thôn. Đó chỉ là một phần trong vô vàn những cái chết của người mắc bệnh nhiệt trong thôn. Ông nội luôn là người hoàn thành di nguyện cuối cùng của họ, tổ chức cho Đinh Hương Lâm một buổi hát trụy trước khi chết, xin chiếc áo bông đỏ cho Triệu Đức Toàn, đặt con dấu thôn vào lòng Lý Tam Nhân,… hoàn thành rồi, nhắm mắt xuôi tay rồi, chôn. Cứ thế, ông nội cứ ở trong thôn, ai cần gì ông đều làm, ai muốn gì ông đều giúp, dường như ông sống để dốc toàn bộ sinh lực của mình để đền tội cho con trai, để đền đáp lại những người bị bệnh nhiệt do bán máu.

Diêm Liên Khoa tả cảnh rất nhiều, dùng cảnh để miêu tả không gian và tình hình con người. Màu đỏ xuất hiện rất nhiều, cả thôn như nhiễm màu đỏ, sau đó mang nhiệt ve vởn khắp nơi. Không khí không ngột ngạt mà cảm giác rất loãng, thế nhưng có làm thế nào cũng chẳng thể thoát khỏi bầu trời ấy.

Ông nội cả đời làm giáo viên, chẳng có lỗi với ai, thế mà có hai đứa con, một đứa bị AIDS, một đứa không biết trời cao đất dày, táng tận lương tâm, ông sớm đã bị chúng làm cho tức chết. Ấy thế nhưng ông vẫn im lặng, không can ngăn được con mình, ông dùng sức lực và mọi khả năng mà đối đãi với người dân thôn Đinh Trang như để tạ tội. Sự im lặng ấy kéo dài từ khi anh con cả làm đầu nậu máu, bán quan tài, làm minh hôn, chuyển lên phố. Sự im lặng kéo dài đằng đẵng không biết bao nhiêu năm, thậm chí dù ông có từng nói, “Mày quỳ xuống dập đầu trước mặt tất cả mọi người trong thôn, sau đó chết trước mặt cả thôn. Nhảy xuống giếng, uống thuốc độc, treo cổ đều được, chỉ cần chết trước mặt cả thôn là được.” dù ông có từng thật sự bóp cổ con trai, muốn giết quách đi cho rồi, nhưng bao nhiêu năm, ông vẫn lo lắng về chúng, và ông vẫn im lặng. Đó thực sự là bi kịch.

Bi kịch của ông nội, bi kịch của Đinh Trang. Bi kịch kéo dài, xâm lấn tới cả người đã khuất. Không biết làm sao, người ta cứ trục lợi lên nhau, trục lợi xong người sống còn khoẻ mạnh thì tới bệnh nhân sắp chết, rồi tới cả người đã khuất.

Cuối cùng, ông nội tự hoàn thành câu nói bao năm qua cứ quanh quẩn trong đầu mình, nhưng cuối cùng người cũng đi hết rồi, đi hết, có lẽ sẽ là một khởi đầu mới.

Đọc Đinh Trang mộng, sẽ có những cảnh miêu tả có thể khiến bạn nhức mắt, thậm chí nhức nhối trong lòng, sẽ có những chi tiết làm bạn căm phẫn đến mức căng phồng cả lồng ngực, đó là sự đau khổ, cũng có thể là phẫn nộ. Cả trong những giấc mộng đan xen cũng có cảm giác này. Mộng mộng thực thực, thật thật giả giả, cảm xúc tuôn từ mộng tới hiện thực như không có điểm dừng. Nhưng với mình, tất cả cảm xúc dồn nén khi đọc tác phẩm này đều đáng giá.

Và truyện dịch siêu hay, siêu siêu hay.

– Nguyen Nguyen‎