Kafka Bên Bờ Biển – Haruki Murakami

Kafka bên bờ biển kể về hai câu chuyện, hai cuộc đời song song. Cả hai con người đều cố gắng rẽ hướng hành trình cuộc đời mình, người thì chốn chạy, người thì đang tìm kiếm. Điều bí ẩn gì đang ẩn sau lời nguyền, những con người họ gặp trên hành trình này liệu sẽ giúp họ tìm ra lời giải sớm hơn hay làm họ lạc lối…

Review Kafka bên bờ biển (2)

Sau “Biên niên ký chim vặn dây cót” thì mình gặp lại bác già với cuốn “Kafka bên bờ biển”.

Tóm tắt nội dung đại loại là có một thiếu niên 15 tuổi bỏ nhà ra đi vì muốn thoát khỏi lời nguyền của bố mình. Song song đó là cuộc phiêu lưu của cụ Nakata có khả năng nói chuyện với mèo. 2 mạch truyện chính này ban đầu song song nhưng sau cuối thì gặp nhau. Và với phong cách của Murakami thì không thể nào thiếu được những tuyến nhân vật phụ đầy ngẫu hứng. Nói chung là cả quyển truyện muốn bật ra được ý tưởng chủ đạo là gì thì mỗi người có thể hiểu mỗi cách khác nhau. Vì truyện của Murakami chắc không phải để đọc hiểu mà là đọc cảm và nghiền ngẫm.

Văn chương siêu thực, sở trường của Murakami vẫn được thể hiện ảo diệu ở quyển này. Ông luôn biết cách dẫn dắt mạch truyện và cấu trúc nhiều tầng ý nghĩa qua việc sử dụng những hình tượng và phép ẩn dụ. Thế giới trong Kafka bên bờ biển là một thế giới nhiều chiều, bóng tối đan lẫn ánh sáng, sự sống trong cái chết và ngược lại. Trong một buổi phỏng vấn, Murakami cho hay một số đọc giả trung thành viết thư và bảo ông viết “càng ngày càng dở” và ông thì khẳng định “tôi thì không nghĩ như vậy”. Mình cũng chưa đọc nhiều Murakami nhưng mình cũng khá hiểu vì sao vị đọc giả nọ lại phát biểu như vậy. Quyển “Kafka bên bờ biển” được viết sau quyển “Biên niên kỷ chim vặn dây cót”, cũng vẫn là những “con mèo”, rồi tâm lý học, “tự vấn”, thể xác và tâm linh giành chỗ nhau, nhưng có một sự khác biệt khá lớn. Ở “Biên niên ký chim vặn dây cót”, tuy vẫn có nhiều tuyến nhân vật phụ nhưng cốt truyện tuyến tính, tập trung hơn. Dù sao thì mọi chuyện vẫn xoay quanh nhân vật chính. Nhưng trong “Kafka bên bờ biển” thì có đến 2 tuyến nhân vật chính song song. Và trong mỗi tuyến nhân vật lại có hàng tá những nhân vật không hẹn mà đến, không mời mà đi. Vô vàn nững hình tượng ẩn dụ xuất hiện. Câu chuyện kết thúc nói chung cũng có hậu nhưng có giải thích được những vấn đề từ lúc ban đầu không thì mình không nghĩ vậy. Cũng đúng bởi vì văn chương Murakami không phải để kể mà làm cho người đọc phải suy nghĩ. Sau khi ông viết “Kafka bên bờ biển”, ông nhờ trợ lý của mình mở một hộp thư để đọc giả gửi câu hỏi, chỉ riêng cho quyển này. Ông nhận được 8,000 câu hỏi và trả lời trực tiếp 1,200 câu hỏi. Quyển sách có 467 trang, vậy trung bình cứ một trang ông lại nhận được 17 câu hỏi. Cuối cùng ông kết luận “Bí quyết để hiểu được quyển này là đọc nó nhiều lần”. Bó tay với Murakami.

Nhưng cũng không thể nói được là mọi thứ đều lộn xộn. Vậy thì đã không là Murakami. Mình nghĩ ông rất có tham khi bỏ tất cả mọi thứ hay ho của văn chương vào 1 quyển sách. Từ cách xây dựng một thế giới đối lập sáng tối giữa Kafka và Nakata, cho đến sử dụng triết học của Hegel, hay là bi kịch Hi Lạp Oedipus, cũng như âm nhạc cổ điển. Đọc “Kafka bên bờ biển” giống như ăn một nồi tả bí lù. Đọc giả thích cái gì là có cái đó. Không am hiểu quá về văn chương (như mình) cũng bị cuốn và am hiểu tận tường thì chắc lại càng thú vị. Mình nghĩ quyển này đọc nhanh cũng được mà đọc chậm cũng không sao. Vẫn là một page-turner thứ thiệt. Vì sao? Mình chịu. Vẫn cái giọng kể từ từ, bình tĩnh đó mà hết việc này đến việc kia dồn dập xảy ra. Hơn một chục nhân vật lớn nhỏ cùng vô vàn hình tượng mà Murakami vẫn sắp xếp được mọi thứ đâu vào đấy. Thậm chí là cùng một ý tưởng nhưng cách thể hiện về hình thức lẫn chiều sâu đều là một tầm cao mới. Quá tài tình!

Thôi thì văn phong của Murakami khá dị nên nói nhiều hay ít cũng vậy. Mình muốn nói về những nhân vật và hình tượng trong truyện hơn:

Kafka Tamura: nam chính, 15 tuổi bỏ nhà ra đi vì sợ bị lời nguyền độc địa của bố linh nghiệm. Cái này thì giống với câu chuyện của Oedipus. Mình hiểu Kafka là hình tượng của những cá nhân muốn vượt ra khỏi lối mòn (định mệnh?) để trưởng thành, hoặc là những thanh thiếu niên có quá khứ muốn chối bỏ. Kafka cũng là phản ảnh của việc một con người đi sâu vào tâm hồn, tiềm thức của mình để giải đáp những câu hỏi của số phận, qua đó tự cứu chuộc đời mình? Không khó để hiểu vì sao Kafka lại là nhân vật chính.

Cái thằng tên quạ: một nhân vật tưởng tượng? Mình hiểu đây là bản ngã của chính Kafka.

Cụ già Nakata: lão nam chính, mấy chục tuổi, bỏ nhà ra đi vì sợ cảnh sát thộp. Tuy Nakata là một người được miêu tả giống như bị thiểu năng, nhưng hành trình của cụ lại mang tính phiêu lưu nhiêu hơn hẳn Kafka. Hành trình của Nakata có thể được tóm gọn lại bằng 2 chữ “tùy duyên”. Ông mù chữ, bị xem là đần độn nhưng vẫn cứ tiến lên phía trước. Việc gì đến sẽ đến. Mình hiểu nhân vật Nakata biểu trưng cho phần tâm linh/ siêu thực. Hay Murakami dùng Nakata để thể hiện góc nhìn của Phật giáo, nói về bản chất mọi sự? Không thích không ghét, không lấy không nhận, không đúng không sai, không tương lai không quá khứ. Nhưng cái hay là của Nakata là ông biết mình có một nhiệm vụ phải hoàn thành và ông theo đuổi nó đến cùng, tuy có những thời điểm ông không biết nó là gì. Một cái vỏ rỗng nhưng luôn chủ động cuộc đời mình.

Miss Saeki: “giám đốc” thư viện Komura. Là biểu hiện cho tinh hoa của cả thư viện. Biết và viết nhiều thứ, nhưng không để làm gì cả. Một nhân vật nữ 40 mấy tuổi nhưng mất đi mục đích sống và bị bóng ma quá khứ nuốt chửng. Miss Saeki cũng đại diện một lớp người tinh hoa nhưng sống không thực tế chăng? Họ sống trong những ảo mộng đẹp đẽ để đến khi nó vỡ tan thì chính bản thân họ cũng tan vỡ? Nhưng cuối cùng đây lại là nhân vật nắm chìa khóa cho gần như mọi điều quan trọng. Cuối cùng, chỉ có Miss Saeki mới hóa giải được lời nguyền, bằng tình mẫu tử. Hình tượng nhân vật này thể hiện ý nghĩa gì khác nữa thì mình chịu, không hiểu được.

Anh quản thủ thư viện Oshima và bác tài Hoshino: hai nhân vật này không chính, nhưng cũng không phụ. Hoshino là người theo Nakata đến tận cùng của cuộc hành trình và hoàn thành mọi việc sau đó. Anh đặt toàn bộ niềm tin vào Nakata. Chỉ khi anh gặp Nakata thì cuộc đời anh mới thực sự thay đổi. Và chính một con người bình thường như Nakata lại là người giải quyết được khá nhiều mấu chốt quan trọng của cả mạch truyện.

Oshima thì lại khá giống Nakata. Thậm chí tính “trung lập” của anh còn cao hơn cả Nakata. Anh không phải là nữ, cũng chẳng phải nam. Khi tiếp cận một vấn đề gì đó, anh luôn luôn cân nhắc giữa lý và tình. Mình nghĩ Oshima nên là hình ảnh của thư viện Komura vì anh thể hiện sức mạnh của trí tuệ. Mọi thứ tồn tại ở Oshima luôn cân bằng. Oshima luôn chỉ đường đưa lối cho Kafka lúc bí game. Chính Oshima là người cho Kafka trú lại thư viện. Và cũng chính anh là người giới thiệu cánh rừng tâm thức cho Kafa. Miss Saeki cũng đặt một niềm tin tuyệt đối vào Oshima. Có lẽ ý của Murakami là, sở hữu kiến thức và trí tuệ thì bạn khó lạc lối trên đường đời. Phải vậy chăng?

Cuối cùng là hình tượng thư viện và cánh rừng. Nếu thư viện có thể là hình tượng hiện thực, nơi mà Kafka tìm thấy được những ký ức của Miss Saeki (và của chính mình), và cũng là nơi mà Kafka trú ngụ tạm thời. Thì hình tượng khu rừng có vẻ là siêu thực, một nơi nửa sáng nửa tối (limbo), giữa nhận thức và vô thức. Khu rừng này là sâu thẳm bên trong tiềm thức của mỗi con người. Nơi họ dừng lại, trút bỏ mọi phòng vệ của bản thân và dũng cảm nhìn thẳng vào. Đây là nơi để Kafka hóa giải lời nguyền bệnh hoạn của người cha và tiếp tục sống phần đời còn lại của mình. Nhưng có một chi tiết khá lấn cấn. Kafka lần đầu tiên đến khu rừng nhưng không dám vào sâu. Sau đó về thư viện làm việc một thời gian rồi mới quay lại cánh rừng để chạy trốn. Lúc này Kafka mới đủ can đảm để tiến sâu vào bên trong. Có lẽ Murakami lại nói, khi có tri thức con người mới có đủ khả năng thâm nhập vào phần sâu thẳm bên trong con người mình?

Kafka sau khi trở về từ khu rừng thì vào thư viện Komura nói lời từ giã với Oshima, mang theo bức tranh ấy. Cậu trở về Tokyo để sống tiếp quãng đời còn lại của mình, với sự chấp nhận, tha thứ cho người mẹ và những ký ức về bà.

Con người ai cũng vậy.

Một quyển sách đáng được 5 sao do có giá trị kinh tế siêu lớn là đọc được nhiều lần. Nhưng mà…mỗi lần đọc lại phải tốn mấy chén cơm để suy nghĩ về mấy phép ẩn dụ…thôi 4 sao là được.

– Duc Thinh

“Kafka bên bờ biển” là một cuốn sách không hoàn hảo. Dĩ nhiên bất kỳ cái gì cũng đều là không hoàn hảo, nhưng cái vẻ không hoàn hảo đó khiến người ta mê hoặc.

Đương nhiên cuốn sách này vẫn mang dáng vẻ của Haruki, siêu thực, hư ảo – thực tế, đẹp đẽ – suy đồi, niềm chán chường, nỗi đau,… Đó là một tổng hoà thường thấy ở những cuốn sách của Haruki. Nhưng lần này, ông dùng hai tuyến kể chuyện, cũng là lần đầu ông dùng nó, cuốn sau đó, 1Q84 ta cũng gặp.

Tuyến đầu tiên kể về Tamura Kafka, 15 tuổi. Lúc đầu mới đọc cái tên tôi cũng nghĩ là một ẩn dụ gì đó đến Franz Kafka, một tượng đài phi lý. Có vẻ tôi không lầm, Tamura Kafka bất ổn, đa nguyên, bị ám ảnh, và siêu thực. Có đôi nét giống F. Kafka nhỉ. Tạm gác cái tên. Tamura Kafka bỏ nhà đi vào sinh nhật 15 tuổi, đúng 15 tuổi, không muộn, và cũng không sớm hơn. Mang theo lời nguyền: “Một ngày mày sẽ giết cha mày, ngủ với mẹ mày và cưỡng hiếp chị gái mày.” Kafka chạy đi, để làm gì? Trốn chạy? Tìm bản thân? Bản chất sự việc? Chính nó cũng không rõ, và các ẩn dụ, những vấn đề phi lý, nó cũng không biết? Kafka không thể ngoảnh lại khi đã ở giữa ranh giới giữa hai thế giới, cũng như “phiến đá lối vào” chỉ có vào, và ra thì không phải do mình. Nó tự huyễn mình ư? Không, ta đâu thể huyễn hoặc bằng một cái vốn không hữu hình. Nó chỉ phỏng đoán, phỏng đoán như cách nguyên sơ, mà còn người nhận biết thế giới.

Nhiều khi tôi thấy thú vị ở cái tuyến lẻ này, nhất là khi con quạ – cái tôi thứ hai của Kafka lên tiếng, một cái tôi có vẻ như là “bình thường” với cái tuổi ấy, bình thường với mọi người, để không xa lạ với thế giới. Con quạ giữ chân Kafka ở ranh giới giữa hai thế giới? Một cái “bình thường” duy nhất, dù bản chất con người là vô thường? Cái này tôi không biết được. Cái thứ hai là căn nhà gỗ bên rừng, một nới tách biệt, một chỗ an lành, tôi đọc đoạn ấy với cảm giác thư thả và thoải mái hết sức, nơi thoả sức thả bản thân vào mọi nơi, thả cho cái bản ngã bị tù túng, thả để đi vào tận sâu những ngã rẽ của linh hồn, một nơi mà, tách bạch khỏi những thứ phù phiếm ngoài kia, không bị người khác đè bẹp.

Tuyến lẻ về Kafka thì tuyến chẵn về lão Nakata. Một thằng bé bị một triệu chứng kỳ lạ, một chấn thương tâm lý, khiến nó lớn lên là một kẻ đần, từ một học sinh giỏi thành một kẻ đần, có thể nói chuyện với mèo. Đó là Nakata. Tuyến này tôi không thể nói bất kỳ điều gì, bởi nó quá nhập nhắng và hầu như không lối thoát, đôi khi mắc mở với cả đống ẩn dụ không thoát ra được. Nhưng vẫn cuốn theo. Đó là cái tài của Haruki. Con mèo, hình tượng tiêu biểu trong tác phẩm của Haruki vẫn xuất hiện ở đây, đóng vai trò như một cái nút, một sự tỉnh thức của lão Nakata, lão bỏ làng đi, cái làng mà 60 năm lão chưa hề ra khỏi, con mèo gắn với Nakata như thế. Lão đi, lão đi một cách mơ hồ, lão đi tìm một cái lão không biết, nhưng lão lại biết, dù mơ hồ.

Hai tuyến tưởng riêng rẽ, nhưng lại giao nhau. Đến đó tôi mong chờ một lời giải đáp cho hàng ngàn câu hỏi, nhưng không, oạch một cái, hết chuyện, và chơ vơ riêng tôi.

“Một món thấp cẩm” là cách người ta gọi cho câu chuyện lần này của Haruki, một miếng thập cẩm, mang đầy đủ hương vị của từng gia vị, đồng thời hoà quyện với nhau thành một tổng hoà hấp dẫn. Siêu hình, phi lý, huyền ảo, âm nhạc, kịch, rượu, bar, tình dục, phức cảm Oedipus, chấn thương tâm lý, đa nhân cách và, bản ngã. Quá nhiều thứ, nhưng Haruki lại để ngỏ, tìm câu trả lời, nhưng lại nhận được câu “Bí quyết để hiểu được cuốn sách là đọc nó nhiều lần, tôi nghĩ nó cũng đáng đọc lại chứ.” Đúng, đáng đọc lại, nhưng vẫn có cái gì hụt hãng, chơ vơ. Như cách tâm hồn của con người hậu hiện đại, chơ vơ, lạc lõng giữa xã hội đang hiện đại hoá. Mơ hồ, và mơ hồ giữa cái “bình thường” của hiện thực. Tôi nghĩ, khiến tôi cảm thấy như vậy, nghĩa là Haruki đã thành công rồi.

– Hải Anh