Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ – Trác Nhã

Lần cập nhật gần nhất December 15th, 2020 – 02:16 pm

Có một câu chuyện vui rằng, quả trứng gà đắt hơn quả trứng vịt vì con gà sau khi đẻ trứng cất tiếng kêu thông báo cho cả làng xóm, còn con vịt chỉ im lặng.

Đã qua rồi cái thời mà im lặng là vàng, trong xã hội ngày nay, nếu không biết cách giao tiếp, thể hiện bản thân mình thì vàng cũng bị chôn vùi. Tất cả bí kíp giao tiếp để chinh phục thiên hạ sẽ được gửi đến bạn trong cuốn sách “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ”.

Review Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ (3)

Đây là lần thứ 2 tôi được thấy lại cuốn sách này. Cả hai lần bản thân tôi đều biết rõ nó là một cuốn sách nổi tiếng và tất nhiên cũng có nghĩa là rất hay. Nhưng trong cả hai lần bắt gặp này lại là hai cảm xúc hoàn toàn khác biệt.

Tôi của ba năm trước đây là một con người rất thoải mái, thường hiện rõ tất cả những gì mình có. Tôi nghĩ trong tất cả mọi chuyện, chỉ cần mình thoải mái nhất, thể hiện tất cả mình có đó mới là chân thành thật sự và có lẽ tất cả mọi người đều hướng đến điều này. Nên thật thừa thãi và thực dụng khi ”học” để giao tiếp và đối xử giữa người với người. Điều đó được tôi nghĩ không khác gì sự khôn lỏi, mẹo vặt,…những điều không tốt đẹp gì lắm.

Nhưng tôi của ba năm sau, việc đầu tiên khi thấy lại cuốn sách này chính là đọc ngay nó.

Bởi vì tôi phát hiện ra…có lẽ mình sai rồi…Không phải lòng chân thành, lòng tốt của tôi sai mà bởi vì tôi vốn không biết cách thể hiện chúng thật tốt để dẫn đến kết quả như mong muốn.Đôi khi, trong một số chuyện chúng ta càng cố gắng làm tốt thì vô tình lại càng làm cho mọi thứ trở nên rắc rối hơn vì việc hiểu nhau hoàn toàn giữa những con người dường như là không thể. Nó giống như việc bạn cố gắng lao vào lửa để cứu người nhưng lại bị họ nghĩ như người phóng hỏa mà đẩy bạn một cái vậy. Dù cả hai đáng ra đều cần nhau nhưng cuối cùng lại là tự hại người hại mình. Vì vậy, nếu ai nghĩ rằng ”học” cách giao tiếp khéo léo là điều thực dụng hay không cần thiết thì cần xem xét lại.

”Ăn nói giỏi” không phải là trù đoán, tính toán mà là cách tốt nhất để truyền đạt tình cảm đến với mọi người. Mang đến niềm vui, thoải mái và nhận lại sự quý mến từ họ. Đồng thời bảo vệ và thể hiện được lập trường và giới hạn của bản thân.

Cuốn sách này giúp chúng ta biết những lời cần tránh nói, cách để ý đến cảm nhận của người đối diện hay biểu đạt sao để thuyết phục được người khác làm sao cho thoải mái thay vì đầy căng thẳng và cân nhắc.

Tôi đã đọc được ở một cuốn sách nào đó rằng ” Con người đâu thể nào hiểu hết nhau, thế nên tôi không bao giờ đặt 100 % niềm tin vào họ cả, tôi chỉ đặt 98% thôi, còn 2% còn lại tôi sẽ dành để tha thứ nếu họ phạm sai lầm”. Có lẽ đó chính là điều mỗi tập thể hướng đến. Cách giao tiếp tốt nối con người lại với nhau, tăng tình cảm giữa mọi người. Chính nó mới là thứ làm giảm bớt thì sự thực dụng, tính toán và lợi dụng lẫn nhau.

Còn nếu nói về thực tế, thì cho là người giỏi đến đâu, chúng ta cũng không thể dễ dàng hợp tác hay kí hợp đồng với nhau mà không có chút tài ăn nói để thuyết phục đối phương tin vào bạn phải không nào?? Đặc biệt chúng ta cũng sẽ trở nên cô độc và lạc lõng giữa mọi người nếu ăn nói vụng về, không có duyên. Trong đây còn nói về cách ứng xử và nói chuyện với crush sao cho cả 2 đều luôn vui vẻ và có một thanh xuân tuyệt vời với nhau nè!!

Còn về nội dung của sách biểu thị rất rõ ràng, note lại thành một cuốn sổ tay thì quá tuyệt!! Mình không nói rõ về nội dung sách mà thiên về lợi ích khi đọc nó hơn vì nội dung khá dài và bất cứ cách giao tiếp nào cũng là cần thiết nên nếu tò mò với sự bổ ích của nó, hãy đến và khám phá nó ngay nhé!! Tuy nhiên, nội dung sách thiên về cho người trưởng thành nhiều hơn là thanh niên như nói về việc giao tiếp với khách hàng, đồng nghiệp, xin việc,…nếu không thích bạn có thể chỉ đọc những điều mà quan tâm. Mỗi bài học đều có dẫn chứng rất vui nhộn và cụ thể, gần gũi có mà xa hơn như về những vị vua hay nhà lãnh đạo tài giỏi nào đó cúng có, tuy hơi xa ta nhưng bù vào lại là sức truyền cảm hứng rất mạnh mẽ.

– Thủy Ngư

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Mã Tắc – một chiến lược gia đã từng nói Công tâm vi thượng, công thành vi hạ (Đánh vào lòng người là thượng sách, đánh vào thành là hạ sách). Trong xã hội hiện đại, mỗi con người từ xin việc đến thăng tiến, từ tình yêu đến hôn nhân, từ tiếp thị đến đàm phán, từ xã giao đến làm việc… không thể không cần đến kỹ năng giao tiếp. Khéo ăn nói ở đây không có nghĩa là nói sai, nói điêu để đạt được điều mong muốn, nịnh bợ người nọ người kia. Một việc có thể có nhiều phương pháp, cùng đến đích có thể có nhiều đường đi, Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ là cuốn sách như thế: dùng phương pháp tốt nhất, khả dĩ nhất, như thêm chút dầu để cỗ máy được hoạt động trơn tru hơn. Hãy cùng xem những phân tích của cuốn sách nhé!

Cuốn sách được chia làm 3 phần với phân mục chi tiết làm mình nhớ đến sách luyện thi đại học:

Phần 1: Dám nói chuyện – nắm vững kỹ năng giao tiếp

Trước khi để nói chuyện hay, trước hết phải dám nói đã. Giống như trước khi lên sàng catwalk thì phải tập đi, tác giả muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dám làm và rèn luyện. Rèn luyện ở đây còn thể hiện ở việc trau dồi kiến thức: đọc nhiều, đi nhiều thì mới tích lũy được kiến thức để chia sẻ. Việc lắng nghe và biết sửa sai cũng cực kỳ quan trọng. Nói nhiều không thể tránh khỏi nói sai, biết sai mà sửa trên cái sai, sẵn sàng giải thích lại một cách khéo léo lại càng là nước đi khôn ngoan.

Phần 2: Kỹ năng giao tiếp với mỗi hoàn cảnh và đối tượng khác nhau

Tác giả phân tích dựa trên các hoàn cảnh cụ thể: phỏng vấn xin việc, giao tiếp với lãnh đạo, đồng nghiệp, bán hàng hay hòa nhập vào buổi tiệc như thế nào, ngọt ngào trong tình yêu ra sao

Phần 3: Nói năng khéo léo trong những tình huống khó xử

Nếu cần từ chối, cần nhờ người khác giúp đỡ thì nên nói như thế nào? Chân thành nhờ vả, sử dụng lời nói khích bác,..khi nào thì dùng cách nào. Khi cần phê bình chỉ trích, khi an ủi người khác thì ra sao?

Tuy nhiên bằng cách nào đi nữa, tác giả nhấn mạnh vào sự chân thành. Lời nói hoa mỹ mà không chân thành thì cũng không thể đi vào lòng người. Và cuốn sách tuy rất dày và dài, mình nhìn nhận nội dung cuốn sách khá thực tế nhưng không quá mới lạ, đặc sắc, các bạn có thể cân nhắc nhé!

– Hà Thanh Lê

Khi cầm cuốn sách này trên tay mình đã có kì vọng rất lớn, mình hy vọng nó có thể giúp mình thay đổi nhận thức hay học điều nhiều điều. Nhưng trái lại nó làm mình thấy phát điên.

– Về ưu điểm: mình thấy cuốn sách này đã viết một cách rất chi tiết, rất cụ thể về các kĩ năng giao tiếp cần thiết. Nó cũng đưa ra nhiều luận điểm và song song là các luận cứ khá thuyết phục. Đưa cho bạn các phương pháp để giải quyết tình huống mà như thế nào là hợp lí.

– Về nhược điểm:

  • Mình thấy rằng cái gì nhiều quá cũng không tốt và cuốn sách này quá dài dòng, lan man gây cho mình cảm giác khó hiểu, rắc rối. Những gì tác giả đưa ra trong cuốn sách không phải sai nhưng lại không thực tế. Với lại, từ khi sinh ra nếu không phải có thiên bẩm thì một người khó giao tiếp cũng không thể vì những lời viết này mà khá lên được. Thậm chí khi đọc xong, mình còn cảm giác hoang mang và không biết làm gì. Những điều tác giả nói không thể nào đúng với mọi trường hợp và cũng chẳng ai tốt lên với đống nguyên tắc rập khuôn như thế. Chẳng nhẽ khi giao tiếp, chúng ta bắt đầu tự nhẩm trong đầu là phải làm thế này thế kia. Như thế chẳng khác nào là người quá cứng nhắc, máy móc. Bây giờ khi đọc xong, mình thấy không đọng lại trong đầu quá nhiều.
  • Trong chương 13, có 2 phần đó là “Cách chúc rượu” và “Khéo léo từ chối rượu” thật sự rất đá nhau, không chỉ từ tiêu đề mà nội dung biểu đạt nó. Như thế nói một con cá phải leo cây vì đó do bài thi bắt buộc vậy.
  • Trong sách còn có một chương nói về tình yêu và mình thấy nó thật giả tạo. Đồng ý là với những yêu cầu quá đáng thì bạn cũng cần biết ứng biến nhưng không làm mất lòng người mình yêu. Nhưng có một phần là: “Khéo léo nói “không” với người yêu”. Mình thật sự không còn cảm tình với cuốn sách này một chút nào. Mình cảm giác những lời nói như kiểu muốn dằn mặt và tạt hẳn gáo nước lạnh vào mặt người yêu. Mình xin nói thẳng là nếu mình bị nói những lời như trong cuốn sách đề ra thì mình sẽ không bao giờ gặp lại người đó thêm lần nào nữa và sẵn sàng chia tay. Đọc xong, nó cho mình thấy nó không có chút gì gọi là chân thành hay tình yêu cả. Có thể khi được yêu cầu mua thứ gì ngoài khả năng của bạn, nếu bạn chia sẻ một cách chân thành thì người đó nếu yêu bạn sẽ hiểu bạn và thông cảm cho bạn. Chứ nếu nói lời như cuốn sách chỉ ra thì chỉ thêm tồi tệ.

Những điều đưa ra trong cuốn sách đa số mình đều biết rồi. Theo mình không cần đọc thì ra xã hội, bạn sẽ tự nhận thức ra những điều đúng đắn trong giao tiếp và cách tốt nhất là tự đẩy mình vào cuộc hội thoại rồi nó sẽ dạy bạn những điều cần thiết. Cũng đừng quên luôn chân thành và lắng nghe người khác.

Một câu mình thích trong sách: “…chân thành chính là sự tôn trọng đáng quý nhất dành cho mọi người trên thế gian.”

– Wind

Trích dẫn Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ

Đọc nhiều, viết nhiều, rèn luyện bản lĩnh nói chuyện trước đám đông

“Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”. Không có con đường tắt dành cho những người muốn trở thành nhà diễn thuyết. Bạn cần coi việc rèn luyện bản lĩnh nói chuyện trước đám đông là một mục tiêu và dần dần từng bước thực hiện mục tiêu đó. Điều này đòi hỏi bạn không ngừng học tập, không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

Đầu tiên, bạn cần có khả năng nói tốt để bản thân có một vị trí vững trong xã hội để làm được phong thái và học cách nói thuyết phục. Ngoài ra bạn phải đọc sách về các danh nhân, đọc những cuốn sách mà họ viết, cho dù là cổ điển hay hiện đại. Hãy tự nói với mình rằng, bạn phải học được bản lĩnh nói chuyện từ trong các cuốn sách.

Khi đọc sách để nâng cao năng lực diễn thuyết, phải đặc biệt chú ý tới cách sử dụng từ ngữ. Vừa phải đọc và vừa nghĩ: Phải làm thế nào để thể hiện tốt hơn? Có cần sự thay đổi nào không? Và sử dụng cách nói nào trong tình huống nào là thích hợp nhất?

Tâm lí thoải mái khi gặp người lạ

Có nhiều người rất hay xấu hổ, nhất là những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội, họ mới rời khỏi trường học hoặc gia đình, khi gặp người lạ họ không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào, càng không biết phải làm thế nào để hòa nhập vói mọi người. Thế nhưng, nếu bạn có thể cởi mở khi gặp người lạ, bạn sẽ có mối quan hệ rộng, có bạn bè ở khắp mọi nơi, làm việc gì cũng sẽ thuận lợi như cá gặp nước.

Vậy làm thế nào để cởi mở với người mới gặp lần đầu tiên? Bạn cần những kĩ năng giao tiếp gì trong cuộc gặp gỡ đầu tiên đó?

Con người ta thường hay đánh giá về người khác bằng định kiến, do đó bạn cần cố gắng hạn chế sử dụng ngôn ngữ quá vồn vã khi mới bắt đầu cuộc nói chuyện, ngoài ra cũng không thể thiếu những lời hỏi thăm. Một lời hỏi thăm cho thấy sự tôn trọng và sự gần gũi, thân thiện vói người đối diện. Người phương Tây có câu: “Có sự nhiệt tình thì không sợ tuổi trẻ biến mất”. Do đó, trong các cuộc gặp gỡ, người phương Tây luôn mỉm cười chào bạn và hỏi thăm bạn có khỏe không.

Tạo bầu không khí cho cuộc giao tiếp

Khi trò chuyện với người khác, bầu không khí rất quan trọng. Không khí sôi nổi sẽ dễ khiến mọi người cảm thấy thoải mái, cuộc nói chuyện sẽ trở nên thân thiện hơn. Còn nếu không khí của buổi trò chuyện căng thẳng thì mọi người đều sẽ cảm thấy nặng nề, áp lực, hiệu quả giao tiếp sẽ không được như mong đợi.

Chúng ta có thể tự tạo ra bầu không khí lí tưởng cho cuộc giao tiếp, một chuyên gia giao tiếp khi trò chuyện với người khác thường tỏ ra rất thoải mái, có lúc họ còn sử dụng những cách nói hài hước, dí dỏm để khiến không khí trò chuyện trở nên sôi nổi hơn. Khi gặp tình huống rắc rối, hãy rộng lượng và đừng quá để tâm, như vậy người khác sẽ không bị áp lực. Khi trò chuyện với mọi người, cũng phải chú ý đối xử công bằng, không quá xem nhẹ đối phương, có như vậy bạn mới dễ dàng hòa nhập vào mối quan hệ với những người xung quanh. Đương nhiên, khi giao tiếp cũng phải liên tục tìm kiếm đề tài để tạo ra bầu không khí sôi nổi, thân mật.