Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không – Paul Kalanithi

Lần cập nhật gần nhất June 3rd, 2022 – 04:22 pm

Giá gốc 109.000 | Tiki 74.999 | Fahasa 81.750

“Khi hơi thở hóa thinh không” là hồi kí của một bác sĩ khoa thần kinh phát hiện bản thân bị ung thư phổi vào giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, với một câu hỏi luôn đau đáu trong lòng: Cái gì làm nên ý nghĩa? Anh có chút hoang mang nhưng rồi anh đã tìm được cách bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Những câu hỏi được đặt ra, điều gì làm cho cuộc sống đáng sống khi đối mặt với cái chết? bạn sẽ làm gì trong tương lai khi không còn mục tiêu phấn đấu? Câu trả lời là những trải nghiệm, những ghi chép trong từng hơi thở cuối cùng của Paul Kalanithi, tác phẩm là luồng khí mới thúc đẩy sự trân trọng cuộc sống khi bạn còn được sống.

Review Khi hơi thở hóa thinh không (5)

THẾ NÀO LÀ “SỰ CHẾT”?

Khi nào con người ta thực sự buông bỏ mọi thứ và trở về với cát bụi an yên? – Đó là: “Khi hơi thở hóa thinh không”.

Tôi đã nghe rất nhiều về cuốn sách này, nhưng bây giờ tôi mới có thể đọc xong và giờ tôi thực sự muốn viết vài dòng về nó. Tất nhiên, tôi không thể hiểu hết được ý nghĩa của những câu chuyện và sự nỗ lực trong đó, nhưng tôi biết rằng để có được dũng cảm đối mặt với “sự chết” cần rất nhiều, rất rất nhiều tế bào dũng cảm, không phải ở thể xác, mà là ở tâm hồn.

Xuyên suốt cuốn sách, có một số thứ mà tôi có thể thấy rõ ràng ở đây là ngay cả khi “đầu óc chỉ đủ để nhận thức được thế giới nhưng con người thì héo tàn”, chúng ta vẫn phải “tìm ra điều quan trọng với mình và sau đó tiếp tục tìm kiếm”. Và ngay cả khi cơ thể kiệt quệ, chúng ta vẫn có thể làm gì đó, nhiều hơn là chỉ ngồi và chờ đợi “vị khách không mời” đến và đưa chúng ta đi, thật xa và không trở về.

Trên đời này, đối với bất kỳ thứ gì, mẹ tạo hóa cũng đã sắp đặt sẵn quy luật cho nó, dù chúng ta có làm gì, gặp phải chuyện gì đi chăng nữa, thì sau một ngày chúng ta cũng chỉ có thể thở dài một cái và “trái đất vẫn quay về phía mặt trời”, sự vật tiếp tục sinh sôi và mọi việc tiếp tục diễn ra như cái cách nó vẫn luôn vận hành, mặc kệ bạn có ra sao, trái đất, nó vẫn tròn. Và chúng ta “cho dù là một con cá vàng hay một đứa cháu nội, đều chết”, mà cái chết là điều duy nhất không thể tránh khỏi, nó như là cái đích cuối cùng ai cũng phải bước đến mặc dù chẳng ai muốn dù chỉ là chạm vào. Cho nên mọi thứ trên đời này, ngoài vấn đề sinh tử ra, tất đều có thể giải quyết. Hãy sống đi.

Nhưng mà cho dù cuộc đời này có thật nghiệt ngã và thật không công bằng, con người chúng ta lại nhỏ bé mà cuộc đời này thì thật to. Chúng ta ở trên đời này mà được thành thật, được sống theo cách mình muốn thôi, nó cũng đã là một kỳ tích rồi. Đừng để sự “cô đơn trong cái bao la vô tình của vũ trụ” chiếm hữu con người bạn, làm bạn nhỏ bé và yếu ớt đi, mọi sự chúng ta đều có thể quyết định, thậm chí là đối mặt với cái chết. Hãy nhìn Paul.

Qua cuốn sách này, tôi đã được thấy một Paul sống thật trọn vẹn, thật đẹp đẽ trong cả công việc và cuộc sống rồi cuối cùng ra đi trong sự bình thản, một sự bình thản tôi nghĩ ai cũng ước ao được mang đi lúc rời xa thế giới này. Anh đi chỉ để lại đôi chút tiếc nuối vì bản thảo sách chưa hoàn thành, nhưng đâu đó trong cơ thể đã bị tổn thương nhiều ấy, chắc chắn Paul vẫn yên tâm vì anh còn những người ở lại để có thể giúp mình trọn vẹn nốt thứ duy nhất còn lại dang dở đó. Để giờ đây rất nhiều người và cả tôi nữa được đọc, được hiểu và được cảm nhận chút gì đó còn sót lại của một con người cuối đời rất “mong manh nhưng không bao giờ yếu đuối” ấy.

Tôi đã đọc đâu đó một câu rằng: “Hãy sống để khi bạn bước đến thế giới này với nụ cười của mọi người và ra đi trong nước mắt của họ”. Paul đã làm được điều đó, ra đi và để lại vô vàn tiếc nuối. Trích đoạn trong cảnh lễ tang của Paul khiến tôi thực sự thấy có gì đó gợn gợn trong lòng: “Anh thành hình trong dáng người vợ hiền và cô con gái nhỏ, trong dáng bậc sinh thành và người thân đau đớn khôn nguôi, trong khuôn mặt của vô số bạn bè đồng nghiệp và những bệnh nhân cũ đang làm đầy không gian ấy. Anh nằm đó trong buổi lễ đưa tang tổ chức sau đó ngoài trời trong khung cảnh tất cả mọi người xích lại bên nhau…”

Trong bài viết của tôi có nhiều trích đoạn được mở ngoặc kép, đó là những câu văn đã xuất hiện trong cuốn sách này- cuốn sách của Paul. Tôi muốn dùng những câu văn và từ ngữ mang hơi thở văn phong của Paul, đương nhiên có qua cách hành văn người dịch, đến với các bạn, để cả những bạn dù chưa từng đọc qua cuốn sách cũng có thể cảm nhận được phần nào một con người đẹp đẽ đã sống trọn một cuộc đời đẹp đẽ là như thế nào. Bạn cũng thấy nó rất tuyệt như tôi đã thấy phải không?

Và cuối cùng thì tôi đã hiểu “khi hơi thở hóa thinh không” là gì, đó là vào lúc “9 giờ tối, đôi môi anh tách ra và mắt nhắm lại, Paul hít vào và thở ra hơi thở cuối cùng, thật sâu” và rồi “hơi thở hóa thinh không”.

– Thao Nguyen

”WHEN THE BREATH BECOMES AIR” VÀ TÌNH YÊU CÒN LẠI…

Thật hiếm khi đọc tác phẩm thể loại tự truyện từ đầu tới cuối chỉ trong một buổi và chiều hôm nay như là ngoại lệ với “when the breath becomes air – khi hơi thở hoá thinh không” của Paul Kalanithi.

Với nội dung kể về cuộc đời của chính tác giả – bác sĩ giải phẫu thần kinh Paul Kalanithi và cuộc chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Ở đây ta thấy có phảng phất hình ảnh của Naoe trong tác phẩm Đèn không hắt bóng – Watanabe nhưng Paul có cái nhìn lạc quan và tinh thần chiến đấu tích cực hơn rất nhiều khi so với cách lựa chọn cái chết của Naoe đầy bế tắc và có phần duy mỹ.

Với ngòi bút giản dị mà sâu sắc, lối tự sự nhẹ nhàng pha chút màu sắc của triết học hiện sinh, Paul đã thức tỉnh lòng trắc ẩn và lấy nhiều nước mắt của người đọc khi gợi lên những hoài nghi, nỗi sợ hãi và tự tìm ra câu trả lời cho mình và cho tất cả chúng ta v‎ề sự sống và cái chết, về hành vi và đạo đức, về lời thề hay những tụng ca:

“Đứng trước lựa chọn, nỗi thống khổ mà người thân thường cảm nhận rõ nét hơn là chính nạn nhân. Họ thấy quá khứ, những ký ức đẹp đẽ, lòng cảm thương mới nhen…còn tôi thấy những khả năng tương lai là máy thở, ống thông, tiềm năng phục hồi hoặc đôi khi có thể sẽ ko có sự trở lại nào cả”

“Là một bác sĩ, lý tưởng cao nhất của tôi không phải là cứu lấy mạng sống – ai rồi cũng sẽ chết – mà là dẫn dắt để người thân có được sự thấu hiểu về cái chết và bệnh tật…Khi không có chỗ cho con dao mổ thì lời nói chính là công cụ duy nhất của bác sĩ phẫu thuật.”‎

“Trong khoảnh khắc đó tôi không phải là đối thủ của cái chết – như thường vẫn thế – mà như một đại sứ của nó.”‎

Cả niềm hạnh phúc lẫn khổ đau đến mức giằng xé tâm hồn anh đến cùng cực khi cái chết cận kề, Paul cho ta biết thêm: “Có một đứa con thật tuyệt vời nhưng như thế có phải làm cho cái chết thêm vật vã đớn đau hay sự nhọc nhằn vì Lucy sẽ phải vất vả chăm sóc con và một bệnh nhân”, rồi Paul đã nhận ra đâu là hạnh phúc thực sự để đưa ra lựa chọn.

Paul được yêu cầu nghỉ ngơi để chữa bệnh nhưng có điều gì đó thôi thúc anh trở lại phòng mổ để tiếp tục được làm việc, hoàn thành mục tiêu nghiên cứu và hơn hết cứu chữa cho những người bệnh xấu số. Với anh như thế mới cảm thấy mình được sống và hạnh phúc cho tới khi căn bệnh đánh gục Paul. ‎

Đối diện với cái chết, không theo motif bi tráng, đẹp đẽ, cao cả mà đầy day dứt, buồn bã và cũng chất chứa tiếc nuối những thương yêu. Mỗi ngày còn lại, giữa cảm giác chờ đợi cái chết là sự cố gắng miệt mài trên từng trang viết, chơi đùa với con gái, trò chuyện cùng người thân và từ chối gặp bạn bè với lời nhắn “dù sao anh vẫn luôn yêu quý họ”.

Xuyên suốt tác phẩm có rất nhiều chú thích, chi tiết liên quan tới tôn giáo có thể thấy ở thời điểm cuối, Paul trở nên mộ đạo và giàu đức tin cho dù anh là một nhà giải phẫu thần kinh, luôn có khuynh hướng tư duy biện chứng duy vật. Phải chăng khi con người yếu đuối, lạc lõng và dễ gục ngã nhất thì tôn giáo là một cứu cánh đưa tinh thần họ thoát ra khỏi những bế tắc và sợ hãi.

Và lúc cận kề cái chết, sự chia lìa thì con người mới thực sự nhận ra đâu là giá trị để họ sống và theo đuổi. Câu chuyện như một sự mặc khải của các con chiên Thiên chúa, sự ngộ pháp của các Phật tử hay đức tin của các tín đồ tôn giáo khác về cuộc sống và tình yêu mà Đấng tối cao đã răn dạy, dẫn dắt họ bước qua cuộc đời đầy khổ đau nhưng cũng thật nhiều niềm vui và hạnh phúc này.

Thông điệp cũng khiến cho ta nhớ đến đoạn trích trong tác phẩm Quy luật của muôn đời – N. Dumbatze rằng “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến mức một người không thể‎ mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống phải ra sức giúp đỡ nhau, gắng làm cho tâm hồn trở nên bất tử…sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình trạng cô đơn, tuyệt vọng.”

Vì thế hãy một lần đọc “Khi hơi thở hoá hư không” để ta thấy thêm yêu cuộc sống này, để trân quý hơn những điều tưởng như đơn giản mà vì vô tình mỗi chúng ta lãng quên và bỏ rơi bên đường đời vội vã.

– Uyênn PT‎ (Hoinhieuchu)

Tôi bước ra khỏi nhà sách lúc 20:28’, sau khoảng gần 3h đồng hồ với cuốn “Khi hơi thở hóa thinh không”. Cuốn sách chỉ dày 234 trang, là cuốn hồi ký về một cuộc đời-phải dừng lại ở tuổi 36 – ở đỉnh cao của sự nghiệp và của hạnh phúc gia đình.

Paul Kalanithi là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nay phải kiêm luôn vai trò là một bệnh nhân với căn bệnh ung thư quái ác. Anh đã chứng kiến biết bao cảnh sinh ly từ biệt, nhưng vẫn chưa thể thấu cảm được cái chết. Có lẽ căn bệnh ung thư ấy đến với anh như một định mệnh để anh hiểu thật sâu về cái chết, về khát khao mãnh liệt được sống, về hạnh phúc ngắn ngủi của đời người.

“Khi hơi thở hóa thinh không” không chỉ viết về cuộc đời, căn bệnh ung thư hay cái chết, mà còn viết về tình cảm gia đình, tình bạn bè, ngoài ra còn diễn tả một cách vô cùng chân thực các ca phẫu thuật, các “nhận định, phán đoán bắt buộc phải chọn của các bác sỹ” cũng như niềm đam mê và lòng tận tụy trong ngành y của Paul nói riêng và các y bác sỹ nói chung.

Cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ có chút xung đột và đang trên bờ vực chia tay, thì căn bệnh đã kéo họ lại với tình yêu của mình. Nhờ căn bệnh mà đôi vợ chồng đã hàn gắn yêu thương, đã cùng nhau kết trái tình yêu bằng một cô con gái xinh xắn mang tên Cady. Dù cho cha của Cady qua đời khi bé mới được 8 tháng tuổi, nhưng tình yêu thương vô bờ của Anh vẫn ôm ấp cô con gái bé bỏng đến những giây phút cuối cùng hấp hối trên giường bệnh.

Sự mạnh mẽ của Paul cũng được tiếp sức nhờ cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp và cả cô Bác sĩ phụ trách vô cùng tận tâm và dễ thương. Điều này cũng được Paul nhắc đến một cách trân trọng và đầy biết ơn.

Dù là những lời văn được viết giữa những cơn đau trong những ngày tháng cuối đời, giọng văn của Anh vẫn rất bình thản và pha chút hóm hỉnh. Anh kể về quãng thời gian anh làm Bác sĩ nội trú, với những sớm ra khỏi nhà khi chưa đến 6h sáng và về tới nhà lúc tối muộn chẳng biết giờ giấc sau mỗi ca mổ. Anh kể về những bệnh nhân đã chết, những bệnh nhân được cứu sống. Anh kể về người bạn đồng nghiệp đã vì cảm giác tội lỗi trong nghề, mặc dù rất tận tâm và yêu nghề, vẫn chọn tự kết liễu cuộc đời để giải thoát khỏi những ám ảnh. Và rồi anh kể về quãng thời gian anh vật lộn với bệnh tật. Lời văn đưa người đọc đến mọi cung bậc cảm xúc, khi lên cao trào, khi rơi xuống hư không, khi mừng rỡ phát hiện khối u dần biến mất, khi hoang mang thấy nó di căn đến não… Nhưng rồi với sự lạc quan và bản lĩnh, Anh đã vượt qua những cơn đau, viết lên câu chuyện đời mình cùng những cảm nhận về sự sống và cái chết một cách sâu sắc nhất.

Anh đã thiết kế cuộc đời mình bằng một nửa cho phẫu thuật thần kinh, một nửa là nhà văn. Và khi bác sĩ phụ trách điều trị cho anh ngỏ ý muốn anh trở lại với vai trò là bác sĩ, anh đã cười và bảo nếu tôi sống được thêm 10 năm, tôi sẽ tiếp tục làm bác sĩ, nhưng nếu chỉ được 2 năm, tôi sẽ là một nhà văn. Vậy là sau cùng, anh cũng chẳng sống được 2 năm, nhưng trong thời gian đó, anh vẫn trở lại là bác sĩ phẫu thuật não, đồng thời cũng là một nhà văn khi giờ đây cuốn hồi ký anh viết đã được xuất bản và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Thật cảm phục!

Và, ở một đoạn gần cuối nào đó, anh có nhắc tới niềm tin vào Chúa, rằng anh sinh ra trong một gia đình gốc đạo Thiên Chúa, nhưng từ thời điểm sinh viên, anh tỏ ra hời hợt với Chúa và có phần nghiêng về tư tưởng khoa học nhiều hơn. Nhưng rồi cuối cùng, anh nhận ra chẳng khoa học nào có thể chứng minh được mọi sự thật trong cuộc sống (đoạn này dịch giả dịch mà với tôi khá khó hiểu) và rằng không bao giờ đạt được sự hoàn hảo, tuy nhiên tiệm cận của nó thì hoàn toàn có thể đạt được. Và lẽ đương nhiên, ở những giây phút cuối đời, anh vẫn cùng gia đình đón nhận một mùa chay sốt sắng, anh cũng qua đời vào đúng mùa chay, ngày 09/03/2015.

Cuốn sách có quá nhiều điều để viết, quá nhiều bài học để rút ra. Hy vọng những ai đang tuyệt vọng trong cuộc sống, có thể nhờ “khi hơi thở hóa thinh không” mà vươn lên sống trọn vẹn từng ngày, vì cuộc đời, quả thật, quá ư ngắn ngủi!

– Cục Cơm Chấm Tương

HỌC CÁCH ĐỂ CHẾT

Chẳng ai muốn chết dù là kẻ muốn được lên thiên đường!

Cái chết – có lẽ là một điều thiêng liêng của đời người và cũng là sáng kiến tuyệt vời của tạo thế. Một lẽ công bằng khi mà thánh nhân cho đến phàm phu tục tử, dẫu bậc đế vương hay dân đen tiểu tốt, kẻ quân tử hay hạng tiểu nhân… ai cũng chỉ có một lần để chết. Khác chăng là chết lúc nào và chết ra sao.

Trong hồi ký “Khi hơi thở hóa thinh không”, người đọc sẽ được nhìn và phần nào “cảm nhận” về cái chết, cái chết của Paul – một Bác sỹ Thần kinh học, một nhà khoa học chỉ mới 36 tuổi và đang ở gần đỉnh cao của sự nghiệp. Trong suốt sự nghiệp, Paul đã quá quen với cái chết nhưng lần này, cái chết gõ cửa anh một cách vội vã. Và như bao con người bình thường bằng da bằng thịt khác, mọi thứ như sụp đổ trước mắt Paul.

Nhưng rồi, bằng một tinh thần và nghị lực thép, Paul đã vượt qua, không phải cái chết mà chính là sự sợ hãi, sự sụp đổ cả cuộc đời còn lại trước mắt. Anh tiếp tục sống, thậm chí còn mạnh mẽ và cuồng nhiệt hơn, đó không phải là sự bùng lên của ngọn lửa đèn dầu leo lét sắp cạn mà đó là sự trân quý tột cùng những khoảnh khắc còn lại trên cõi đời. Anh tiếp tục hoàn thành chương trình bác sỹ nội trú đại học Yale, bắt tay vào đam mê viết lách mà đây chính là di sản anh để lại vào những tháng cuối đời nhọc nhằn chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Bill Gates chia sẻ rằng ông đã rơi nước mắt khi đọc hồi kỳ của Paul, cả Michelle và con gái ông cũng vậy. Có lẽ đó là một cái chết thật đẹp, đáng để ta chiêm ngưỡng. Một hành trình tái định nghĩa về sự sống và giá trị của nó trong Paul.

– Đông Hải

Thấm thía những diều mà chúng ta nên nhận ra khi còn sống

Thật sự nhẹ nhõm đến lạ kỳ khi được trải nghiệm cảm xúc đối mặt với bệnh nan y và cái chết chân thực nhất đến tận hơi thở cuối cùng mà không phải chết!

Đó là cảm xúc của tôi sau khi gập lại cuốn sách “Khi hơi thở hoá khing thông” của tác giả Paul Kalanithi, một cuốn sách đặc biệt khác hẳn với các cuôn sách tôi vẫn thường đọc và cũng đem lại cho tôi những giá trị khác biệt mà tôi thường có.

Trong suốt quá trình đọc cuốn sách, tôi được trải qua quá nhiều giai đoạn cuộc sống “Khởi đầu từ sức khoẻ hoàn hảo” đến khi “Không dừng cho tới chết” qua góc nhìn uyên bác của tác giả trong cả lĩnh vực về văn học, y học và đạo đức. Một bác sĩ đã tiến tới rất gần trái ngọt thành công sau bao nhiêu năm chăm chỉ tận tuỵ với nghiên cứu và công việc, mà chưa kịp hưởng thụ dù chỉ một ngày vì căn bệnh hiểm nghèo đến quá sớm, quá đột ngột, quá âm thầm và cũng quá lặng lẽ. Tôi tự hỏi nếu bản thân cũng gặp bất hạnh giống như tác giả thì tôi sẽ như thế nào? Tôi chưa từng nghĩ tới và cũng không bao giờ mong muốn phải nghĩ tới.

Vậy mà tác giả phải chịu đựng vì trò đùa của số phận, phải đối mặt với cái chết và buộc phải rời xa những người thân yêu, tôi cảm nhận được điều đó mà trong suốt quá trình đọc những gì anh viết thật kỳ lạ tôi không rơi một giọt nước mắt nào, không phải vì tôi mạnh mẽ mà là vì sự mạnh mẽ của tác giả, anh không thể hiện góc yếu đuối ấy. Tôi biết những đau đớn thực tế anh phải gánh chịu và những giày vò tranh đấu trong nội tâm chắc hẳn phải khốc liệt hơn rất rất nhiều ngôn từ có thể diễn tả nổi. Tôi chỉ thật sự khóc khi đọc tới những dòng văn của vợ anh, khóc trong đám tang của anh, và khóc trong vai một người yêu quý và ngưỡng mộ anh.

Tạm biệt một chàng trai trẻ luôn khát vọng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, một người thực sự đa tài từ một thạc sĩ ngôn ngữ Anh tốt nghiệp Standford chuyển sang là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh xuất sắc và còn là nhà khoa học và ơn chúa bao người như tôi có cơ hội biết đến anh và câu chuyện của anh vì anh cũng là một nhà văn tuyệt vời. Thật khó mà một nhà văn có thể tả chi tiết về những việc quá phức tạp như mở hộp sọ tới những phần cơ bản của một bộ não hiện lên ”lấp lánh” trần trụi đến mức khó tin, thật khó mà những kiến thức y học vốn thật sự quá phức tạp và uyên bác mà lại trở nên gần gũi thú vị đến vậy với bất kỳ một kẻ ngoại đạo nào giống như tôi thông qua ngòi bút của Paul.

Cuối cùng có một điều mà Paul luôn mong muốn được biết từ lúc phát hiện bệnh đến lúc ra đi, một thứ rất cơ bản trong y học mà người bác sĩ điều trị cho anh từ chối nhắc tới đến tận giây phút cuối cùng đó là “ Đường tỉ lệ sống Kaplan- Meier” vẫn là một ẩn số. Khi tôi bị bệnh tôi đã từng cảm thấy bản thân thật sự bất lực khi thời gian và sức khoẻ của mình không nằm trong tay mình mà nằm trong tay của bác sĩ. Sau khi đọc cuốn sách hoá ra sự thật phũ phàng là thời gian và sức khoẻ của một con người cũng không hề nằm trong tay bác sĩ, không ở trong tay bác sĩ Paul, không ở trong tay bác sĩ điều trị của tôi. Nếu tôi theo đạo thiên chúa thật dễ dàng có thể trả lời đó là nằm trong tay “Chúa”, nhưng vấn đề với một người không theo đạo như tôi câu hỏi này vẫn phải bỏ ngỏ: “Nằm trong tay ai?”

P/S: Hằng đã đọc cuốn sách này và viết bài này trong một lần nằm viện cách đây hơn một năm rùi cả nhà ạ.
Trước đây mình luôn nghĩ mình còn trẻ còn khoẻ nên chỉ biết tập trung vào công việc khiến cho cơ thể suy nhược và bị bệnh. Sau biến cố này mình đã chăm sóc sức khoẻ tốt hơn và giờ thì hoàn toàn khoẻ mạnh rồi mọi người ạ!

– Bùi Thu Hằng

Trích dẫn Khi hơi thở hóa thinh không

“Đôi khi sức nặng của cái chết trở nên thật rõ ràng như sờ thấy được. Nó ở trong không khí, sự căng thẳng và đau đớn. Đôi khi, bạn hít thở mà không nhận ra. Nhưng khi khác, giống như những ngày trời nồm ẩm ướt, nó có sức nặng riêng đến ngạt thở. Đôi khi ở bệnh viện, tôi cảm thấy như mắc kẹt trong một mùa hè ở chốn rừng hoang vô tận, người sũng mồ hôi, những cơn mưa nước mắt của các gia đình có người thân bỏ mạng đang ào ào rơi xuống.”

“Ý định tốt chẳng bao giờ là đủ, nhất là khi có quá nhiều thứ phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ, khi mà sự sai khác giữa thảm kịch và tự do chỉ cách nhau có vài milimet”

“Liệu cuộc đời nào là đáng sống? Chấp nhận đánh đổi khả năng nói chuyện để sống vài tháng câm lặng, Hay mất chức năng cánh tay để ngừng động kinh, hay để con mình gánh chịu bao nhiêu đau đớn về mặt thần kinh trước khi thừa nhận cái chết,…”

“Hầu hết đam mê đều có thể đạt được hoặc bị bỏ rơi; và dù thế nào thì chúng cũng thuộc về quá khứ. Tương lai, thay vào đó, là một chiếc thang hướng tới mục tiêu cuộc sống, trải phẳng trong một thì hiện tại vĩnh hằng. Tiền bạc, danh vọng, tất cả những phù phiếm trong lời mô tả của người thuyết pháp cuốn Giảng viên đều vô nghĩa: Suy cho cùng cũng chỉ là chạy đua theo gió thoảng”.