Không Còn Là Con Người – Izumi Kurosawa

Lần cập nhật gần nhất August 7th, 2020 – 09:54 am

“Một gia đình không có hy vọng, giống như một ngọn nến yếu ớt lay lắt trong gió mạnh.”

Ở một địa phương nọ, vào vài năm trước đột nhiên xuất hiện một căn bệnh kỳ lạ khiến con người bị biến đổi thành một sinh vật có hình thù quái dị. Căn bệnh vô phương cứu chữa này được gọi là “Mutant Syndrome – Hội chứng đột biến” và nó gây bệnh cho những tầng lớp những người trẻ bị gọi là “hikikomori” hoặc “NEET” – những người ăn bám tự giam mình trong phòng. Chính phủ đã ra chỉ thị rằng những người mắc phải căn bệnh này sẽ được coi như là đã chết và sẽ bị tước đi quyền làm con người. Đến một ngày, bi kịch bỗng xảy ra với gia đình của Miharu khi mà người con trai hikikomori của cô cũng mắc phải căn bệnh đó… Ruồng bỏ hay ra sức bảo vệ con trai mình, lựa chọn của Miharu sẽ là gì?

Review Không còn là con người (2)

Dạo gần đây đọc được một cuốn tiểu thuyết tâm lí của Nhật siêu siêu hay….

Nội dung xoay quanh người mẹ tên là Miharu có người con trai bị mắc căn bệnh “Hội chứng biến thành sinh vật quái dị”, căn bệnh ấy đã khiến người con trai Yuichi của cô biến thành một sinh vật có hình thù gớm ghiếc. Căn bệnh này được chính phủ coi là căn bệnh gây chết người, những người mắc phải sẽ bị tước bỏ quyền làm người…căn bệnh ấy khiến mọi người xung quanh xa lánh và phủ nhận sự tồn và chính người bố trong truyện cũng đã từ chối sự tồn tại của cậu con trai duy nhất của mình. Điều này đã khiến Miharu rất đau lòng, nhưng rồi cô cũng vực dậy và quyết tâm bảo vệ người con trai của mình. Trong quá trình đồng hành cùng cậu con trai của mình Miharu đã nhận ra rằng từ trước đến nay cô đã áp đặt cậu con trai của mình, vì nghĩ rằng Yuichi là một đứa trẻ rụt rè nên đã thay con trai quyết định mọi thứ mà không biết rằng những điều cô cho rằng tốt đẹp ấy lại không phù hợp với Yuichi và vô hình chung đã khiến cậu bé mệt mỏi và chán nản và rồi càng ngày cậu bé càng khép kín và thu hẹp bản thân mình…….

Gấp lại những trang sách cuối, chắc hẳn mỗi người sẽ có những suy nghĩ và cảm nhận khác nhau. Nhưng chắc chắn khi đọc xong cuốn sách này mọi người sẽ đều mong muốn rằng cha mẹ sẽ đọc được một lần để họ có thể hiểu và lắng nghe những suy nghĩ của con cái.
____________________________
“Một gia đình không có hy vọng, giống như một ngọn nến yếu ớt lay lắt trong gió mạnh. Vừa không ổn định vừa bất thường, thậm chí có thể khiến người khác thương hại nữa.”

“Con nghĩ rằng…con đã đối xử với Yuichi sai cách rồi mẹ ạ.”

“Con đã nghĩ rất nhiều về việc tại sao cháu không chịu nghe lời, tại sao cháu đột nhiên giam mình trong phòng như vậy. Nhưng con chưa từng nghĩ nguyên nhân của những việc đó nằm ở con. Vì con cho rằng con đã nuôi dạy con bình thường giống như tất cả mọi người. Nhưng hoá ra không phải như vậy.”

“Hiện thực sẽ thay đổi tuỳ vào lựa chọn mỗi người. Các bạn chọn lựa điều gì, năm lấy điều gì? Tuỳ vào lựa chọn ấy mà những câu chuyện mới sẽ lần lượt xuất hiện và các bạn sẽ đi trên con đường riêng của mình.”

– Thúy Hạnh

Chúng ta được sinh ra, được sự bảo bọc của gia đình ngay từ thuở lọt lòng.Và việc ba mẹ không có cách giáo dục con một cách tốt nhất nên con tự thiết lập cho bản thân một thông tin an toàn khi ở cạnh ba mẹ. Từ đó, biến một đứa trẻ trở nên thụ động trong cuộc sống và chính cái thụ động, ỷ lại, dựa dẫm đã làm mai mục một đứa trẻ không còn là con người nữa.

Với tựa sách “KHÔNG CÒN LÀ CON NGƯỜI” của tác giả người Nhật Bản tên IZUMI KUROSAWA đã cho thấy rõ một vấn đề tiêu cực có ở mỗi gia đình trong cách thức dạy con cái và bên cạnh đó đề cao lên tình mẫu tử, một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng luôn gắn liền với xã hội chúng ta bao đời nay.

Nghe tựa sách có vẻ đáng sợ nhỉ!

“Không còn là con người” được Izumi Kurosawa kể vào vài năm trước đây, ở một địa phương nọ, đã xuất hiện một căn bệnh vô cùng quái ác, khiến cho những ai mắc phải đều sẽ biến thành một sinh vật có hình thù vô cùng, vô cùng quái dị, kinh tởm. Căn bệnh này thì vô phương cứu chữa và nó được gọi là “Hội chứng biến thành sinh vật quái dị”. Đúng như cái tên của sách “Không còn là con người “. Và tại sao ngay từ những dòng đầu của bài, mình đề cập đến đối tượng đó là những “đứa trẻ” mà không phải những người làm ba mẹ hay các cụ lão, bởi vì căn bệnh này nó chỉ gây bệnh cho những tầng lớp người trẻ thường bị gọi là “hikimori” hoặc “Neet”, nói một cách cho mọi người dễ hiểu hơn là những con người ăn bám và tự giam mình trong phòng, gọi chung là thụ động.

Điều gây ức chế nhất khi đọc cuốn sách này là Chính phủ chả quan tâm mấy đến cái bệnh này cả mà thậm chí còn ra chỉ thị rằng những con người mắc bệnh này sẽ được coi như đã chết và tước đi quyền làm người. Nghe cũng hơi sợ sợ nhỉ!, nhưng chưa sợ bằng mấy cái hình dáng và cuộc sống của người khi bị đột biến đâu! Nếu muốn biết thì hãy từ từ trải nghiệm tiếp nhé!

Đến một ngày kia, bi kịch bỗng xảy ra với với gia đình chị Miharu khi mà con trai của chị cũng mắc phải căn bệnh này. Và liệu người mẹ ấy sẽ ruồng bỏ hay ra sức bảo vệ con trai mình, và lựa chọn của Miharu sẽ là?

Tóm tắt một đoạn nhỏ miêu tả hình dáng kì quái của loài động vật đột biến kia: “Phần đầu tròn khá to so với cơ thể. Hai bên mặt là hai con mắt kép, cằm rắn rỏi như của loài kiến. Phần phía dưới đầu giống như thân một con sâu bướm. Chỉ khác ở điểm, từ phần thân đó mọc ra vô số chân giống như loài rết vậy. Ngay bên dưới đầu, có hai cặp chân giống như những cành cây dài và mảnh trông rất thiếu cân bằng mọc ra từ phần ngực… Hình dáng nó gần giống côn trùng nhưng độ lớn cơ thể nó ngang ngửa với một con chó tầm trung…”. Và không phải ai mắc phải cũng có hình dáng như vậy cả mà nó có đủ kiểu dáng kinh tởm. Cứ nghĩ xem, một con người mà tự nhiên đâu bỗng ngủ dậy một giấc lại sở hữu hình dáng kiểu này thì sao nhỉ? Tệ hơn là với những con người tự giam mình trong phòng riêng và từ chối tham gia vào đời sống xã hội trong thời gian dài hơn 6 tháng, chỉ liên huệ duy nhất với gia đình mà lại bị chính gia đình bỏ rơi, không màng thì thật đáng thương. Mọi người có biết: “Trước khi biến thành hình dáng kỳ quái thì trái tim đứa trẻ ấy đã biến thành trái tim quái vật từ lâu rồi. Vì đứa trẻ ấy đã không thể cho phép mình là chính mình”.

Ở cậu bé mà câu chuyện nhắc đến đây, à mà không phải cậu bé mà là một thanh niên. Cậu ấy bị chính cha đẻ mình bỏ mặc, không quan tâm, hất hủi và mém bị bỏ chết ngay ở giữa rừng rậm rồi, nhưng chính mẹ cậu, người phụ nữ tuyệt vời đã vì cậu mà mặc kệ xã hội, ngày đêm tìm hiểu về bệnh tình của cậu, bên cạnh cậu không rời, quên cả bản thân rồi mặc kệ lời chồng, quyết định giữ con; tự lao vào rừng rậm nguy hiểm để cứu con. Bởi vì người mẹ ấy vẫn nuôi nấng hy vọng con cô sẽ có thể khỏi bệnh và trở về lại hình dáng ban đầu với mẹ Miharu. Tình mẫu tử đúng là cao cả và thiêng liêng, mẹ Miharu đã yêu con vô điều kiện và rồi đáp lại là cái kết có hậu cho một câu chuyện.

Qua cuốn sách “KHÔNG CÒN LÀ CON NGƯỜI” của Izumi Kusosawa đã làm mình vô cùng thích thú. Đọc xong, cảm thấy yêu bản thân mình hơn rất nhiều và yêu mẹ cực kì vì thế mình phải trân quý thêm cuộc đời này. Đây là lần đầu mình chọn đọc một tác phẩm do chính người Nhật viết, một sự vô tình, vô tính nhưng lại sâu sắc đến vậy. Với văn phong đơn giản nhưng lí thú, câu chuyện mang tính thực ảo, dễ tiếp thu những bài học có được từ sách sau mỗi lần đọc. Một tác phẩm, một câu chuyện đáng nhớ trong đời mình và nếu bạn muốn thì hãy thử ngay cuốn này đi nhé.

– Hòa Nguyễn Kim