Không Nhà – Tommy Orange

Câu chuyện xoay quanh lễ hội Powwow ở Oakland – một lễ hội của người Mỹ bản địa. Các nhân vật trong sách, hay chính là những người tham dự lễ hội đều mang cho mình một câu chuyện riêng, tạo nên một bức tranh phong phú và đa dạng. Vài người trong số họ biết rất rõ về lịch sử của người Mỹ bản địa, trong khi một số khác biết rất ít hoặc hầu như không biết gì về nó.

Không Nhà nói lên sự thật về câu chuyện của người Mỹ bản địa, nhưng không phải là bức tranh với những người thổ dân cưỡi ngựa, mang cung tên bên mình. Thay vào đó là cuộc đấu tranh của những người Mỹ bản địa trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sự vật lộn của từng cá nhân để tiếp tục tồn tại.

Review (2)

Trước khi nói về mọi thứ thì điều đầu tiên mình muốn nói với các cậu đây thực sự là một cuốn sách hay. Nó thay đổi nhiều suy nghĩ và nhận thức của mình.

Trước tiên về tác giả, Tommy Orange là một tiểu thuyết gia và một nhà văn đến từ Oakland, California, Hoa Kỳ. Có lẽ bởi vậy Tommy đã lựa chọn và viết về Oakland, cũng chính là cuốn tiểu thuyết “Không nhà” được bình chọn là 10 cuốn sách hay nhất 2018 theo bình chọn của The New York Times.

“Không nhà” viết về quá trình sinh tồn, lăn lội của người thổ dân da đỏ trên mảnh đất mới sau khi người da trắng tiến hành xâm lược mảnh đất tổ tiên của họ. Phần mở đầu của cuốn tiểu thuyết không phải trang viết dài dòng, tác giả đã chọn thế này:

”Trong thời kỳ đen tối
Ta vẫn sẽ hát ca?
Ta vấn sẽ hát ca
Về thời kỳ đen tối”

Thật khó để biết được tinh thần của cuốn sách sẽ là gì : Là sự bi thương hay lạc quan? Nhưng chúng ta biết phải chuẩn bị một tinh thần tốt để bước chân vào “mảnh đất” chắc chắn là đen tối, kể về câu chuyện của cuộc đời những con người “khốn khổ”.

Ban đầu Tommy không ngay trực tiếp đưa người đọc vào câu chuyện của mình mà như một cách dẫn chuyện ông đưa vào những dữ liệu có thật trong lịch sử về cuộc xâm lược của người da trắng lên vùng đất bản địa của người da đỏ. Về những chiếc thủ cấp, việc người da trắng đã giết hại, cướp bóc dã man đến thế nào rồi sau đó đẩy những người bản địa phải tha phương, từ bỏ đi tên họ và quê hương của mình. Nó lý giải cho người đọc vì sao câu chuyện được bắt đầu. Và nếu như người ta nhìn phương Tây, nhìn người da trắng là sự phát triển và văn minh của nhân loại thì văn minh của nhân loại thực ra không vượt ra bên ngoài thời kỳ dã man là bao mà chỉ là dã man theo một cách khác. Bởi vì họ chẳng qua là những kẻ mạnh hơn và thành công trong các cuộc xâm chiếm, xóa bỏ đi bản sắc của dân tộc khác rồi khoác lên mình bộ áo “văn mình”.

Mình không có ý bàn về chính trị hay chủng tộc, nhưng có một điều mình nghĩ khi đọc “Không nhà” đó là Colombo khi tìm ra Châu Mỹ có đúng là sự phát kiến địa lý vĩ đại hay không hay đó chỉ là phát súng đầu tiên cho thảm họa của người thổ dân da đỏ sau này. Người da trắng mang súng đạn đến đàn áp, ép chủng tộc da đỏ hoặc đi thật sâu hơn nữa vào rừng hoặc từ bỏ mảnh đất tổ tiên du nhập đời sống thị thành chấp nhận từ bỏ gốc gác. Và đó chính là nguyên do làm họ khổ sở và loay hoay với đời sống mà thực ra không thuộc về họ.

Chương mở đầu nói về cậu bé mắc hội chứng FAS – Một hội chứng xuất hiện ở trẻ em bởi sự lạm dụng rượu bia trong quá trình mang thai của người mẹ. FAS có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ, thể chất, hành vi của đứa trẻ. Và bởi thế cậu cũng luôn có những hành động hành động không bình thường đi kèm với sự xa lánh của mọi người xung quanh. Mẹ cậu là một người India đã uống quá uống nhiều rượu khi mang thai cậu để rồi sinh cậu ra không lành lặn. Điều này chứng tỏ về một sự chơi vơi, méo mó, dị dạng của người da đỏ khi đó khi họ bị bóp méo hoàn toàn. FAS không đơn thuần là FAS mà đó là minh chứng cho thấy đời sống đã đè nén họ cả về ngoại hình lẫn nội tâm. Người da đỏ ở thành thị họ chơi vơi và đau khổ khi đánh mất đi mảnh đất của mình. “Chẳng có ai thực sự lớn lên ở đây”

Nếu đi sâu hơn nữa có lẽ sẽ spoil quá nhiều nhưng con người bên trong “Không nhà” theo mình đã luôn đấu tranh rất nhiều. Đấu tranh cho quá khứ vừa muốn ngủ yên lại vừa không thể lãng quên. Cho hiện tại vừa khốn khổ về vật chất lại vừa khô khan về tinh thần. Cho tương lai để biết xem cuối cùng rồi sẽ thế nào. Có thể đây là câu chuyện của riêng họ nhưng cuộc đấu tranh này thì không của riêng ai.

Ngoài vấn đề về nội dung thì lối viết của Tommy thật sự rất cuốn hút. Nó mang đậm màu sắc của một người từng trải, hiểu biết khi ông luôn đan cài những quan điểm thông qua lời thoại. Như là “Chúng ta không sở hữu thời gian,cháu ạ, thời gian sở hữu chúng ta. Nó giữ chúng ta trong miệng như con cú ngậm con chuột già. Chúng ta bối rối. Chúng ta đấu tranh để được giải phóng, nhưng lại để nó moi mắt với ruột để ăn và rồi chúng ta sẽ chết như những con chuột già.” Ừm đúng là thế thật!

Nếu như còn nhớ thì trong sách giáo khoa lớp 6 hay 7 gì đó có bài học tựa để “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ” tràn ngập tình yêu thiên nhiên, chim muông, cây cối. Người da đỏ họ yêu mảnh đất của mình như máu thịt và trong họ có dòng chảy của núi rừng. Thế nhưng trong “Không nhà” ngay phần bìa sách được trích dẫn thế này: “Chúng tôi đi xe buýt, xe lửa và xe hơi trên những con đường nhựa. Người Indian không trở về vùng đất của mình. Vùng đất đó là khắp mọi nơi và cũng là không nơi nào.”

– Linh Linh

KHÔNG NHÀ – TOMMY ORANGE

Trước tiên mình nghĩ rằng đọc sách là một hành trình bồi đắp tri thức rất tốt, bởi vì nếu không đọc được những cuốn sách hay chúng ta sẽ không thay đổi và phát triển được nhận thức.

Cuốn “Không Nhà” này kể với mình rất nhiều điều rằng đôi lúc lịch sử thực sự được tạo nên từ kẻ mạnh. Cuốn sách lấy bối cảnh cuộc sống của người India ở thành thị với toàn bộ những nỗi bất hạnh đè nặng sau khi bị người da trắng cướp mất quê hương. Ban đầu khi mới đọc cuốn sách này thấy tác giả đưa vào rất nhiều những dữ liệu lịch sử liên quan đến cuộc chiến này làm mình hơi sợ đây là cuốn sách lịch sử chứ không phải một bộ tiểu thuyết. Về sau mình mới biết đó là những lý giải cho bối cảnh, không gian của cuốn sách này. Nói cách khác đây là một cuốn sách vừa đan xen giữa hư cấu và sự thật, điều này làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên chân thật hơn hẳn.

Một điều nữa kể đến đó là đọc các cuốn văn học nước ngoài như thế này yếu tố bản dịch rất quan trọng. Mình được chứng kiến rất nhiều cuốn sách bản gốc rất hay nhưng sau khi đọc bản dịch thì lại hoàn toàn thất vọng. Với mình bản dịch cuốn này, dịch giả Phạm Thu Hà đã làm việc khá ổn. Lối văn của dịch giả có phần rất khớp với cách hành văn của tác giả và câu chuyện. Nên nếu có bạn nào rất băn khoăn thì mình nghĩ rằng đây là một bản dịch đạt đó ạ.

Cuốn sách này luôn khiến mình cảm thấy thật sự buồn khi nghĩ rằng chiến tranh có thể đã kết thúc cách đây từ rất lâu nhưng hậu quả của nó thì có thể là niềm đau kéo dài mãi mãi, như với người Indian hiện tại chẳng hạn.

– Trần Trúc Ly