Khu vườn mùa hạ – Kazumi Yumoto

Lần cập nhật gần nhất December 16th, 2019 – 01:45 pm

Giá gốc 58.000 | Tiki 43.500 | Fahasa 45.240

Câu chuyện về mùa hạ của 3 cậu bé học tiểu học cùng với một lão cựu binh già từng đi qua thời chiến và không thể quên được chiến tranh. Một câu chuyện trong veo, ngây ngô, hồn nhiên như cây kem bạc hà giữa cơn mưa cuối mùa hạ…

School Library Journal nhận xét: “Cuốn sách kể về sự ra đi nhưng cùng lúc khơi gợi niềm khao khát nắm bắt cái đẹp thuần túy khi được sống”.

Review (3)

TÌNH BẠN VÀ CÁI CHẾT

Mùa hạ, một mùa rực rỡ những màu sắc tươi đẹp trong cuộc sống và tâm trạng con người cũng rất tươi trẻ và năng động. Nhưng cũng không thể không kể đến những khoảng lặng của tiết hạ, nếu có thể, một lần trong đời bạn hãy đọc cuốn sách “Khu vườn mùa hạ” của tác giả Kazumi Yumoto. Văn phong của Kazumi Yumoto lần này viết về trẻ con nhưng khiến cho cả người lớn cũng thấy cuốn hút.

Câu chuyện xoay quanh tình bạn kì lạ giữa bộ ba học trò và cụ già cuối phố. Wakabe, sống chung với mẹ trong chung cư và luôn khao khát một người bố, là một cậu bé khá kích động và hơi kì dị .Ba cậu nhóc lớp 6, Kyama – nhân vật kể lại chuyện, Yamashita và Wakabe. Tụi nó là bạn cùng lớp với nhau, Yamashita thì mập ú, Wakabe bố mất sớm nhưng lúc nào cũng kể về bố, mặc dù cậu ta không biết bố cậu ta như thế nào. Kyama, nhân vật chính nhưng không có gì đáng nói ngoài phần điềm tĩnh trong mọi chuyện hơn hai đứa bạn của cậu ta. Từ những tò mò của tuổi nghịch ngợm đã dẫn dắt 3 đứa tới một câu hỏi: “Người chết đi sẽ trông như thế nào?”. Và chúng nghe đồn gần đó có một ông cụ già yếu sống một mình trong một ngôi nhà cũ nát bèn theo dõi ông để chờ khi nào ông chết. Rồi để xem ông chết sẽ như thế nào!?

Điều đó đã tạo nên một tình bạn đẹp, có lẽ cũng là do duyên số đưa đẩy…Tình bạn đó với những kỉ niệm son sắt đầy nhung nhớ. Tình bạn của họ vượt qua rào cản về tuổi tác. Họ đến với nhau từ những điều bình dị. Hằng ngày, hàng tuần khi đi học về lũ trẻ đều đến thăm người bạn của mình… Từ những suy nghĩ nghịch ngợm ban đầu mà giờ đây chúng lại bỗng được nhận một thứ tình cảm vô cùng quý giá. Nhưng có ai ngờ…
Sau một thời gian lui tới chơi với ông cụ, chúng nó đành tạm biệt ông cụ một thời gian để tham gia trại hè một tuần cuối tháng 5. Một tuần ấy trôi qua, chúng nó trở về. Ông cụ đã mất… Ông ra đi đột ngột, không nhắn gửi, không báo trước, lặng lẽ, nhẹ nhàng, thanh thản như chỉ là trải nghiệm một giấc ngủ vĩnh hằng.

“Chết có lẽ không phải việc quá kì lạ đâu. Vì ai rồi cũng sẽ chết mà”
Chúng nó là những đứa trẻ phát hiện ra ông chết đầu tiên. Giờ thì tò mò về người chết đi ra sao của chúng nó đã được giải đáp. Giờ đây nơi lui tới của chúng nó sau giờ mỗi học đã không còn. Chúng không còn được trò chuyện cùng ông, không còn đổ rác giúp ông, không còn giặt giũ, phơi đồ giúp ông,… Tất cả những gì chúng nó cảm thấy là sự trống rỗng. Mùa hạ. Vườn hoa cúc cánh bướm mà chúng cùng ông cụ gieo trồng đang độ đơm bông. Những bông màu sắc tươi rói vươn lên hứng lấy nắng sớm càng thêm rực rỡ. Nhưng ông cụ không còn để ngắm chúng?

Mọi thứ giờ đây bỗng chốc trống rỗng, hóa hư vô… Lại một cái kết buồn lấy đi bao cảm xúc người đọc.

“Thế nào thì…Nếu chết cô độc thì…
Sẽ như thế nào nhỉ. Không bạn bè, cũng không gia đình, nếu muốn nói lời trăng trối cũng chẳng có ai nghe. Có lẽ những lời đó sẽ hòa vào trong không khí căn phòng và nhanh chóng tan biến. Giống như chẳng nói gì. Cả những lời như “Tôi không muốn chết”, “Khó chịu quá”, “Đau quá”, “Khổ quá” hay “Tôi đã rất hạnh phúc” cũng không được chia sẻ”.

Quan niệm cái chết ở mỗi người là khác nhau, có người cho rằng: chết là biến mất hoàn toàn khỏi nhân gian nhưng người khác lại nghĩ: chết không phải là kết thúc, chết để ta viết thêm một cuộc đời tươi đẹp khác. Nhiều khi sự tiếc nuối, sự hoài niệm mới chính là cái mà người ta sợ hơn là những thứ như ma quỷ địa ngục. Nếu mà chúng ta không muốn nuối tiếc nhiều điều thì hãy cố sống hết mình sống thật trọn vẹn để bớt đi những điều trăn trở khi mà ta ra đi mãi mãi…

– Đức Minh

“Khu vườn mùa hạ” – một câu chuyện đầy nắng…

Những băn khoăn thơ trẻ về cái chết, về con người, về những điều mà người lớn cũng chẳng thể lý giải nổi của ba cậu nhóc năm cuối Tiểu học (tôi xin được gọi là Cao Kều, Mập và Kính Cận) đã mở đầu câu chuyện, mở đầu mùa hè một cách đầy thú vị và khó hiểu như thế.

Với lý do muốn xem người chết, muốn biết con người ta chết đi như thế nào, sau khi chết sẽ ra sao, bộ ba bắt đầu theo dõi một ông cụ.

Ông cụ sống một mình, và theo như Kính Cận nói thì ông “sắp chết”. Ngày ngày đứng ngoài bức tường, qua khoảnh sân nhìn vào ngôi nhà cũ kĩ, ba cậu nhóc chỉ thấy ông cụ xem tivi và chẳng làm gì khác…. và một cách tình cờ, bộ ba bất đắc dĩ trở thành người làm việc vặt cho ông cụ…..

Và hình như đã quên mất mục đích ban đầu tiếp cận ông mất rồi. Dần dần, ngôi nhà cũ với một ông cụ hói đầu trở thành điểm tụ tập quen thuộc của ba đứa trẻ. Chúng gieo hạt cho khu vườn, hạt của loài hoa cúc cánh bướm; ông cụ cho chúng ăn dưa, dạy chúng gọt hoa quả, dạy chúng chữ Hán, cùng chúng ngắm pháo hoa do chính ông làm…

Những ngày hè nóng bức cũng vì thế mà đáng mong chờ hơn và dường như đã bớt phần oi ả. Ông cụ còn mở lòng mình kể cho bọn nhóc về quá khứ, về nỗi ám ảnh cùng day dứt cả đời ông. Chiến tranh vẫn luôn tàn nhẫn như thế, có những vết thương mà dù thời gian có phủ lên lớp bụi mờ thì cũng chẳng thể xóa đi toàn bộ dấu vết.

Giọng văn nhẹ nhàng dẫn người đọc vào thế giới tràn ngập nắng hè, thế giới của ba nhóc con và một cụ già với cái đầu hói…. “Ngày xưa, hồi tôi còn nhỏ, có một ông bác đã dạy tôi rằng chết là ngừng thở. Và suốt cả một thời gian dài, tôi đã tin như vậy. Nhưng điều đó không đúng. Bởi vì sống không chỉ có nghĩa là thở. Điều đó chắc chắn sai rồi.”… “Liệu đến một lúc nào đó, tôi có thể làm được điều mà sau đó có chết cũng mãn nguyện không? Dù không làm được, tôi vẫn muốn tìm kiếm một điều gì đó như thế. Nếu không làm vậy thì tôi sống vì cái gì cơ chứ?”.

Cái kết của câu chuyện chẳng thể nói là vui hay buồn, nhưng chắc chắn sẽ để lại trong lòng độc giả rất nhiều suy nghĩ. Dù là ai cũng chẳng thể ở bên ta mãi, đến cuối cùng rồi sẽ chỉ còn lại mình ta mà thôi.

Mùa hạ năm ấy, khu vườn năm ấy… đã có một cụ già và ba cậu nhóc cùng ngồi nhìn cúc cánh bướm sắp nở hoa…

– Lê Văn Giàu

Bữa nay tôi chọn một cuốn sách bị ép chặt giữa hai cuốn tiểu thuyết dày và lớn, nằm o ép trên kệ. Màu xanh mát từ trang bìa là ấn tượng đầu tiên.
Thường thì khi tâm trạng không được tốt, tôi thích những cuốn sách có màu xanh, nó khiến tôi thấy thư thái hơn, ngay cả khi chưa biết nội dung thế nào.

“Khu vườn mùa hạ”, chỉ nghe mỗi tên thôi đã thấy tràn ngập những hình ảnh tươi mới của ánh sáng, của chim chóc, của những tiếng cựa mình trong nắng của cỏ cây, hoa lá. Nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy có chút buồn nhẹ vương vấn trong khu vườn đấy.

Tôi có nhớ một câu thoại rằng:” Sự lãng mạn của mùa hè là khởi điểm cho mọi lý do, và tất cả đều có một điểm chung khi mọi thứ đi qua. Chúng là những vì sao rơi, là ánh sáng rực rỡ nơi thiên đường, là ánh nhìn thoáng qua nhưng vĩnh cửu, và trong chớp nhoáng mọi thứ đều biến mất.” Mùa hạ thường có gì đó man mác của sự nuối tiếc, của sự chia tay.

Nhưng từ khi bắt đầu, mọi thứ cứ nhẹ nhàng và đáng yêu như thế. Cuốn sách mở đầu ấm áp và trong trẻo với những băn khoăn của ba cậu nhóc. Những suy nghĩ có phần ngây thơ và ngốc nghếch của những cậu bé khiến người ta phì cười. Sợ ma, ám ảnh bởi những cái chết vào tận cả những giấc mơ, ba cậu bé luôn thắc mắc về những khái niệm trừu tượng mà không thể giải thích nổi. Chết là như thế nào? Ma quỷ là những sinh vật ra sao?. Chúng ta sẽ thấy chính mình của tuổi thơ những năm ấy, những nỗi sợ hoang đường, những suy nghĩ trẻ con mà người lớn ai cũng từng trải qua.
Ba cậu nhóc quyết định đi tìm câu trả lời cho việc người già khi chết sẽ thế nào. Kế hoạch thám tử được khởi xướng với mục tiêu là ông cụ già sống trong căn nhà tồi tàn biệt lập nơi cuối phố, người mà chúng cho là đã chết hoặc sắp chết. Những tưởng kế hoạch thất bại, sau cùng, chúng đã có một mùa hè thật sự tuyệt vời. Sau những lần đột nhập theo dõi, tình cờ ba cậu nhóc đã bước vào cuộc sống của ông cụ lúc nào không hay. Dần dà, ông cụ đã trở thành người bạn tốt và không thể thiếu trong những ngày tháng sau đấy.

Mùa hạ đấy cũng khắc khoải những nỗi buồn đằng sau.

Bố của Kiyama cứ mãi đi làm và mẹ cậu tối nào cũng đắm chìm trong bia rượu với ánh mắt vô hồn. Một đứa trẻ cô đơn, có phần trưởng thành trong suy nghĩ. Một Wakabe sống cùng mẹ, luôn khao khát có một người bố, cậu thường che dấu bằng việc nói dối về bố của mình với mọi người. Một Yamashita luôn mặc cảm về thân hình mập mạp của mình, đứa trẻ có niềm mong ước trở thành chủ tiệm bán cá. Hay là nỗi đau đớn khiến mùa hạ không thể trở lại của ông cụ sống trơ trọi trong căn nhà với những kí ức đau thương về chiến tranh, về cái chết, về gia đình.

Nhưng nhờ sự tình cờ đó, hay là vận may đi chăng nữa, ba cậu nhóc đã nhận được nhiều hơn những gì chúng mong muốn. Từ việc đổ rác, làm vườn, dọn nhà, sơn tường, giúp ông cụ mỗi ngày đã khiến chúng lớn lên với tâm hồn rộng mở hơn. Những hạt mầm chúng gieo là những hy vọng lớn lên trong lòng ông cụ, người mà dường như không tìm thấy được ý nghĩa từ việc sống nữa. Giống như việc được hồi sinh, ông cụ đã được sống lại thêm một cuộc đời mà đã từ lâu ông đã bỏ quên.

Ba cậu nhóc đã trưởng thành qua mùa hè ấy, mùa hè mà Yamashita đã dám đứng lên bảo vệ Wakabe khỏi những lời trêu chọc ác ý, điều mà ngày trước cậu cho rằng mình quá nhu nhược. Sẽ không thể không nhắc tới khoảnh khắc mà Wakabe đã tự chính mình chia sẻ về gia đình của cậu, ẩn sau vẻ ương ngạnh và kích động của mình, Wakabe đã thực sự lớn lên. Mùa hè ấy cũng nở bung sự tự tin của Yamashita về ước mơ tưởng chừng bị ngắt quãng.

Những cơn mưa rào mùa hạ đến xối xả như muốn cuốn trôi hết mọi thứ, thế nhưng vườn hoa của ba cậu nhóc vẫn đứng vững và tiếp tục đâm chồi. Cơn mưa trôi tuột những mảnh vỡ đau thương, đọng lại sẽ chỉ còn những yêu thương và hy vọng. Tâm hồn như được gột rửa và bình yên sau một trận bão nổi.

Mùa hạ đến nhanh mà đi cũng vội, giống như những bông pháo hoa trên đê đêm hôm đó, tỏa sáng rực rỡ trong phút chốc rồi biến mất tan vào không trung như một giấc mơ đẹp đẽ. Cái chết của ông cụ không khiến tôi bất ngờ, nhưng dù có biết trước, nỗi tiếc nuối vẫn nghẹn ngào khôn nguôi. Không phải hối tiếc về cái chết, mà tiếc cho những kỉ niệm chóng vánh, vừa hé nở rực rỡ, nay chôn vào thành những mảng kí ức.

“Khu vườn mùa hạ” không có những lời văn ủy mị, sướt mướt, mà hài hước, nhẹ nhàng, đưa đến những thông điệp cũng giản đơn như thế. Cái chết là bắt đầu của sự sống, là khi ta thấy trân trọng cuộc đời hơn, yêu lấy những thứ bình dị xung quanh. Là khi ta nhận ra cái chết không có gì đáng sợ, đáng sợ là ta chẳng thể tìm nổi một phút giây ý nghĩa khi đang sống trên cuộc đời này.

Hãy chia sẻ để lan toả văn hoá đọc tới mọi người nhé!

– Góc sách của Miu

Trích dẫn

Những câu nói hay trong “Khu vườn mùa hạ”

“Biết đâu già đi lại là một điều hay. Bởi vì càng nhiều tuổi, người ta lại có càng nhiều ký ức. Và rồi, một lúc nào đó khi chủ nhân chết đi, những ký ức sẽ hòa lẫn vào không khí, tan vào mưa, thấm vào đất, tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ trôi tới nhiều nơi khác, và không chừng, cũng sẽ thử len lỏi vào tim những người khác nữa. Thỉnh thoảng, có những nơi ta mới đến lần đầu nhưng chẳng hiểu sao lại có cảm giác như rất thân quen , không chừng đó là ký ức của một người xưa nào đó đang trêu chọc chúng ta. Nghĩ như vậy, tự nhiên tôi lại thấy vui.”

“Ngày xưa, hồi tôi còn nhỏ, có một ông bác đã dạy tôi rằng chết là ngừng thở. Và suốt cả một thời gian dài, tôi đã tin như vậy. Nhưng điều đó không đúng. Bởi vì sống không chỉ có nghĩa là thở. Điều đó chắc chắn sai rồi.”

“Ánh sáng luôn hiện hữu quanh ta, nhưng màu sắc của nó lại ẩn đi. Trong thế giới này có lẽ có vô vàn thứ đang ẩn nấp, vô vàn thứ ta không nhìn thấy được. Có những thứ giống như cầu vồng, thời tiết thay đổi chút là sẽ xuất hiện; nhưng cũng có những thứ, phải trải qua một quãng đường rất dài ta mới có thể thấy nó.”

“Thế nào thì…Nếu chết cô độc thì…

Sẽ như thế nào nhỉ. Không bạn bè, cũng không gia đình, nếu muốn nói lời trăng trối cũng chẳng có ai nghe. Có lẽ những lời đó sẽ hòa vào trong không khí căn phòng và nhanh chóng tan biến. Giống như chẳng nói gì. Cả những lời như “Tôi không muốn chết”, “Khó chịu quá”, “Đau quá”, “Khổ quá” hay “Tôi đã rất hạnh phúc” cũng không được chia sẻ.”

“Chết có lẽ không phải việc quá kỳ lạ đâu. Vì ai rồi cũng sẽ chết mà.”

“Đó không phải là thứ người ta có thể thường xuyên bắt gặp, nhưng lại hiện ra chỉ nhờ vào những tia nước. Ánh sáng luôn hiện hữu quanh ta, nhưng màu sắc của nó lại ẩn đi. Trong thế giới này có lẽ có vô vàn thứ đang ẩn nấp, vô vàn thứ ta không nhìn thấy được. Có những thứ giống như cầu vồng, thời tiết thay đổi một chút là sẽ xuất hiện; nhưng cũng có những thứ, phải trải qua một quãng đường rất dài ta mới có thể thấy nó. Thứ đang đợi tôi tìm ra, hiện giờ nó đang ẩn nấp ở đâu nhỉ?”