Kim Ji Young, Born 1982 – Cho Nam Joo

“Kim Ji Young, Born in 1982” kể về một cô gái có tên Kim Ji Young – cái tên được đặt khá phổ biến cho con gái sinh năm 1982. Những tưởng cốt truyện chỉ xoay quanh cuộc sống thường nhật của một người phụ nữ Hàn Quốc là đi học, tốt nghiệp, đi làm, lập gia đình thì xin nghỉ việc để sinh con và chăm sóc gia đình. Thế nhưng điểm đặc biệt là những suy nghĩ của Ji Young, vì cô luôn sẵn sàng nói lên ý kiến của mình về sự phân biệt đối xử, về sự bất công giữa nam và nữ.

Review Kim Ji Young, born 1982 (2)

ĐỪNG ĐỌC BÀI NÀY NẾU BẠN TRỌNG NAM KHINH NỮ.
Kim Ji Young 1982

Mình đã đọc liền một mạch hết cuốn sách vì quá hay trong khi bình thường sẽ chia thành nhiều lần.

Ở Hàn Quốc những cô bé sinh năm 1982 được đặt tên là Ji Young, nó phổ biến đến nỗi nhắc đến năm đó mọi người đều nghĩ đến tên Ji Young. Mở đầu cho chuỗi câu chuyện nhẹ nhàng mà truyền tải thông điệp mạnh mẽ.

Toàn bộ cuốn sách là những câu chuyện nhẹ nhàng về cuộc đời của nữ chính, cho đến khi mọi người phát hiện ra cô bị chứng trầm cảm sau sinh. Dẫn đến nhiều thay đổi của các tuyến nhân vật xung quanh Kim Ji Young. Nội dung chính mà tác giả muốn hướng đến trong cuốn sách là về nữ quyền, quyền của những người phụ nữ đang sống trong xã hội Hàn Quốc nói riêng và rộng ra là cả châu Á nơi bị chịu những ảnh hưởng của Nho giáo đè nặng lên tư tưởng. Rằng phụ nữ là phải lo chuyện bếp núc, nhà cửa, quyền quyết định mọi việc cũng do người đàn ông quyết định. Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong mỗi gia đình. Dẫn đến những bất hạnh nỗi đau mà Ji Young phải gặp phải. Bệnh của cô không phải chỉ ngày một ngày hai, mà toàn bộ quá trình lớn lên trưởng thành, bị ảnh hưởng, nhìn những người phụ nữ xung quanh mình phải chịu đựng.

Thi thoảng Ji Young sẽ biến thành một người khác, nói chuyện cư xử như người khác, lúc là mẹ mình, lúc là người bạn đã mất, lúc lại là bà ngoại. Như những góc khuất chứa đựng nỗi đau của bản thân và những người giống cô đã chịu đựng suốt bao nhiêu năm cố gắng tìm cách để thoát ra. Vì bản thân quá mệt mỏi. Ngày Tết cô phải dọn dẹp, dậy từ sớm lo bếp núc, chịu những sự chỉ trích của nhà chồng. Đọc đến đây mình lại bất giác nhớ đến mẹ mình, người phụ nữ truyền thống Á Đông cả đời chỉ biết ở nhà nội trợ, lo chuyện gia đình. Mình làm sao quên được hình ảnh mẹ ngồi giữa trưa nắng ở sân nhà ông bà nội rửa bát, còn chú thím đều quây quần trong nhà ăn hoa quả sau khi ăn cơm. Những người đàn bà kia vốn dĩ đã biết đấu tranh cho cuộc đời mình rồi, những người đàn ông trong gia đình này sẽ chẳng bao giờ đụng tay, vì đấy là việc của phụ nữ. Vậy thì chỉ còn một người nói gì nghe nấy, sống một cuộc đời câm lặng trước những gì chồng nói, nhà chồng bảo. Tư duy ấy đã ăn sâu vào nếp nhà, đặc biệt là ở quê, nơi điều kiện sống, độ tiếp cận với thông tin chưa cao. Mình sống trong môi trường đấy nhưng mình không bị ảnh hưởng vì mình thương mẹ, mình làm hết việc nhà để giúp mẹ mình. Nhưng đấy có lẽ là số ít, bởi rất nhiều gia đình khi thấy con trai mình vào bếp đều bảo đấy là việc của đàn bà, làm làm gì.

Vấn đề trọng nam khinh nữ là điều muôn thủa mà cả xã hội đang muốn thay đổi, nhưng một bộ phận những người đi trước, những người đàn ông, những người mang nặng những giáo điều xưa kia, vẫn cho đó là điều hiển nhiên. Như hình ảnh bố của Ji Young khi mua thuốc bổ về chỉ mua cho con trai út, trong khi có ba đứa con. Là bà nội bảo học nhiều cũng chẳng để làm gì. Là hình ảnh người mẹ phải đi làm kiếm tiền để nuôi các bác các cậu đi học, dù mẹ là người học giỏi nhất nhà. Là những bất công nơi công sở vì mang giới tính nữ. Đoạn cao trào tăng cao khi mọi người phát hiện ra camera ẩn đặt trong nhà vệ sinh nữ. Mặc cho những đồng nghiệp nam đều biết nhưng họ mặc kệ, chỉ đến khi một đồng nghiệp nữ biết chuyện, mọi việc mới được đưa ra ánh sáng. Nhưng hướng xử lí của cấp trên luôn là đóng cửa bảo nhau, chỉ nội bộ trong công ty biết. Để người ngoài biết cũng chẳng để làm gì. Những video bị đưa lên mạng của những đồng nghiệp nữ, họ đều không đáng quan tâm. Vì họ là đàn bà. Nhân quyền chưa bao giờ dành cho phụ nữ ở xã hội Hàn Quốc. Nó như một cái tát thẳng vào cả xã hội Hàn. Không lạ gì khi phụ nữ đánh giá cuốn sách này đều hơn 9/10, trong khi trung bình đàn ông lại đánh giá chỉ 1/10. Vì đàn ông đang bị đụng đến những lợi ích cùng những tư tưởng tiên tiến khiến họ lo sợ, vị thế của mình sẽ bị ảnh hưởng. Họ sợ rằng đàn bà sẽ có tiếng nói trong cuộc sống này.

Hay khi cô bị quấy rối tình dục trên xe bus khi học trung học. Người cha nói rằng cô cần xem lại cách ăn mặc và đừng cười với người khác trong khi cô không hề cười và không biết họ là ai. Chỉ trích nạn nhân chỉ vì họ là phụ nữ là cách người cha nói với con gái mình. Mọi người luôn dạy chúng ta rằng phải biết tự bảo vệ bản thân, biết tránh những quấy rối trong cuộc sống này. Nhưng không ai dạy mọi người rằng trước hết đừng quấy rối người khác. Tại sao lại luôn bắt nạn nhân phải biết tự bảo vệ mình?

“Mọi người bảo em là sâu ăn bám” Đấy là câu nói cô nói với chồng mình Dae Hyun sau khi gặp một đám người không quen biết chỉ trích chỉ vì cô lỡ làm đổ cà phê xuống sàn. Những người phụ nữ nội trợ ở nhà hoàn toàn không ăn bám. Họ phải làm những công việc không tên mà người ta gọi đấy là việc nhà. Ngay trong gia đình mình bố luôn trách sao mẹ lại tiêu hết nhanh thế tiền sinh hoạt của gia đình, mình không để ý lắm cho đến khi học đại học xa nhà và mình nhận ra, có hàng trăm thứ tiền không tên mà ta phải tiêu hàng ngày, và đó là điều bắt buộc. Chăm trẻ con chưa bao giờ là dễ dàng đối với những người phụ nữ phải lo toan từ con cái, nhà cửa, tiêu pha. Cuộc sống của họ không hề dễ dàng. Xin đừng gọi những người phụ nữ ấy là ăn bám. Ji Young đã phải hi sinh công việc đang phát triển, thời gian chăm lo cho bản thân để chăm chồng chăm con. Đấy là sự hi sinh, không phải nghĩa vụ của riêng mình cô.

Chồng cô khi biết vợ mình bị bệnh đã mang cô đi gặp bác sĩ tâm lý, đã không muốn cô đi làm lại vì sợ áp lưc, đã tình nguyện nghỉ việc ở nhà một năm để giúp đỡ vợ mình lúc khó khăn nhất. Dae Hyun có bị ảnh hưởng bởi những tư duy phong kiến đấy nhưng anh không phải người xấu. Chẳng qua những con người đã tiếp xúc được dạy từ bé bằng những suy nghĩ đấy, sẽ phát triển theo hướng đấy. Và cũng không thể nào thay đổi ngay được, việc thay đổi anh, bố Ji Young hay những người phụ nữ cam chịu mặc cho xã hội đè nát cả tương lai ước mơ, cuộc đời kia. Chúng ta cần thời gian và dạy cách tư duy khác đi cả một thế hệ hàng chục, hàng trăm triệu người đang còn tư tưởng han-nam (đàn ông là trung tâm của cuộc sống, hiểu đơn giản là gia trưởng) này.

Hàn Quốc là đất nước phát triển thế những trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới . Hàn Quốc xếp gần cuối bảng trên toàn thế giới. Những hành vi bạo lực đối với phụ nữ trong xã hội Hàn không phải là đột nhiên bùng phát. Đó là vấn đề tồn tại dai dẳng suốt hàng trăm năm lịch sử Hàn Quốc, đấy là những tội ác mà nó bắt nguồn từ sự phân biệt đối xử và ghét bỏ người phụ nữ vì giới tính của họ.

Họ là phụ nữ, họ là con người, xin đừng tước đoạt quyền con người của họ.

– Đô Văn Trịnh

Feminist/feminism (nữ quyền/chủ nghĩa nữ quyền) không còn là một khái niệm xa lạ ở thời điểm hiện tại. Nếu như bạn chưa bao giờ nhìn thấy từ này thì cần phải xem ngay bài phát biểu của Emma Watson tại chiến dịch He for she.

Và đây là review quyển Kim Ji Young born 1982-tiểu thuyết nữ quyền nổi tiếng tại Hàn Quốc.

Trên thực tế, phụ nữ sinh vào năm 1982 tại Hàn thì Kim Ji Young là cái tên được đặt nhiều nhất. Mục đích của tác giả Cho Nam Joo là vẽ lại cuộc sống của đại đa số phụ nữ Hàn Quốc đương đại.

Dựa vào các bài báo, báo cáo qua những thời kì thăng trầm của nền kinh tế, y tế, kế hoạch hoá gia đình tại Hàn mà tác giả đã viết lại chính xác cuộc đời của một người phụ nữ mà Kim Ji Young là đại diện. Từ lúc nằm trong bụng mẹ, sinh ra lớn lên, đi học, tốt nghiệp đại học, tìm việc làm, lập gia đình, sinh con. Nội dung chỉ có thế, không drama, không plot twist cùng với lối hành văn nhẹ nhàng đậm chất Hàn, nhưng đây thực sự là một quyển sách có chiều sâu.

“Con gái” trở thành lí do y khoa, sự phân biệt giới tính và phá thai mang giới tính nữ trở thành việc công khai.

Các bé gái phải ăn ít, mặc xấu để nhường cho các bé trai trong gia đình.

Khi bị quấy rối,tấn công tình dục thì nữ giới thường bị victim blaming (đỗ lỗi nạn nhân), tại mặc váy ngắn, tại đi chơi về muộn, tại abcxyz.

Tốt nghiệp cấp ba,”người ta” luôn hỏi “khi nào lấy chồng” thay vì “con muốn thi trường nào, làm nghề gì, sẽ trở thành ai trong tương lai”.

Là con gái thì nên làm giáo viên.

Giảng viên Đại học có xu hướng gửi sinh viên nam vào các công ty không thông qua tuyển dụng công khai cao hơn sinh viên nữ.

Ít được trọng dụng trong công ty, ít được tăng phúc lợi vì phụ nữ sẽ lập gia đình, nghỉ sinh con không thể gắn bó lâu dài với công việc.

Sự chênh lệch về thu nhập/vị trí lãnh đạo giữa nam và nữ.

Tỉ lệ phụ nữ quay lại làm việc sau sinh thấp.

Bị quấy rối ở nơi làm việc, bị hỏi những câu hỏi nhạy cảm. Nhân viên nam có bị như thế không?

Và còn gì nữa

Việc áp đặt tình mẫu tử khiến cho những yêu cầu giúp đỡ,than vãn trong việc nuôi con là một tội đồ.

Việc nhà-công việc không tên, hao tốn sức/thời gian, không lương nhưng nếu được tính lương thì ai sẽ trả?

Nên biết rằng ngoài trầm cảm sau sinh còn có trầm cảm khi nuôi con.

Một số trích dẫn:

“Khi còn nhỏ hai chị em cô đã làm việc nhà chăm chỉ, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa là hai người làm những việc mình có thể làm để giúp đỡ bố mẹ, chứ không phải vì là con gái nên phải làm cho quen việc.”

“Còn nữa, con còn không biết liệu mình có kết hôn không, có sinh con không. Chưa biết chừng con còn chết trước khi kịp làm những việc đó nữa kìa.Vậy vì sao con lại phải sống cuộc sống không thể làm điều mình muốn, chỉ để đối phó với tương lai còn chưa biết sẽ xảy ra những chuyện gì nữa?”

“Anh làm ơn thôi cái điệp khúc giúp em có được không? Giúp em làm việc nhà, giúp em nuôi con rồi cả giúp em làm việc nữa. Nhà này không phải nhà anh sao? Không phải cuộc sống của anh sao? Và nếu em đi làm thì tiền đó mình em tiêu chắc? Vậy tại sao anh cứ nói giúp giúp như việc của người ngoài thế?”

Hãy bỏ qua các vấn đề về ô nhiễm môi trường, thức ăn bẩn, bệnh tật tràn lan, chẳng phải nếu phụ nữ biết rõ những việc phải trải qua khi làm mẹ, thì liệu phụ nữ có còn muốn làm mẹ và sinh con trong khi tỉ lệ sinh đang giảm mạnh?

Sách gây ra nhiều tranh cãi tại chính quê hương của tác giả. Có người ủng hộ, có người phản đối vì làm “xấu mặt” đàn ông Hàn Quốc. Tuy nhiên sách vẫn nhận được sự ủng hộ của những người nổi tiếng như Park Shin Hye, Suzy (cựu thành viên MissA), Irene (Red Velvet), RM (BTS),… Nhưng điều đáng thất vọng là các idol nam được khen ngợi khi đọc KJYB1982, còn idol nữ thì lại bị chỉ trích. Tại Việt Nam, sách nhanh chóng sold out và đang gấp rút được tái bản cũng đủ cho thấy sức hút của quyển sách mỏng gần 200 trang này. Hiện phiên bản chuyển thể của cuốn tiểu thuyết đã được công chiếu vào đầu tháng 11.

Đọc xong Kim Ji Young born 1982, hình ảnh người đàn ông có xấu đi trong mắt mình không? Thành thật là có nhưng mình tin nam giới bây giờ cũng đang thay đổi,trở nên văn minh và tinh tế hơn. Nữ giới cũng đã chú trọng xây dựng bản ngã, đầu tư và trân trọng giá trị bản thân mình hơn.

Đây là quyển sách rất ấn tượng và xuất sắc. Nếu bạn là nữ, bạn dĩ nhiên phải đọc. Nếu bạn là nam, bạn BẮT BUỘC phải đọc. Dù nữ giới có lên tiếng, có mạnh mẽ đến đâu, có đông đến đâu thì chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ của giới còn lại.

Cuối cùng phải gửi lời cảm ơn tới nhà xuất bản Phụ nữ và dịch giả Dương Thanh Hoài đã mang cuốn sách này đến với độc giả Việt Nam.

– Thùy Giang

Trích dẫn

Tóm tắt