Trong tiếng nhật, Kin nghĩa là “vàng”, còn Tsugi có nghĩa “hàn gắn”. Kintsugi là nghệ thuật cổ của Nhật Bản giúp hồi sinh những đồ gốm bị vỡ. Bàn tay tỉ mỉ của các nghệ nhân nâng niu và gắn kết từng mảnh gốm vỡ bằng chất kết dính đặc biệt, để khi hoàn thành, tác phẩm – tưởng đã mất đi giá trị – lại càng thêm nổi bật với những vết nứt xinh đẹp. Cuộc sống thực chất cũng đẹp đẽ và mong manh như gốm. Ta chẳng thể nào tránh được những tổn thương về tình cảm, những thất bại trong đời … Nghịch cảnh cứ thế một ngày nào đó gõ cửa cuộc đời bạn, theo nhiều cách khác nhau và khiến tâm hồn bạn tan vỡ như những mảnh gốm kia.
Review Kintsugi tái sinh vụn vỡ
Ở Nhật Bản, người ta không vứt đi những đồ gốm đã vỡ. Thay vào đó, họ hàn gắn lại chúng với vàng ròng. Nghệ thuật hàn gắn này được gọi là Kintsugi. Thế nhưng, nếu chỉ đơn giản là chuyện hàn gắn đồ vật, liệu Kintsugi có thể lan tỏa và được nhiều người ứng dụng như một lối sống đến vậy?
Từ ngày đọc “Japonisme – Những điều rất Nhật Bản”, tôi luôn hứng thú với Kintsugi. Bên cạnh nghệ thuật tắm rừng hòa mình vào thiên nhiên để tâm hồn thư thái, rộng mở hơn, Kintsugi đưa tôi đến với một cách nhìn mới: hàn gắn lại những gì đã vỡ vụn. Chẳng có gì là vô dụng trên đời này, kể cả khi chúng đã vỡ toang. Hãy nhặt lại từng mảnh vỡ, ghép chúng lại với nhau, hàn gắn chúng bằng lớp keo tuyệt mỹ, và rồi sản phẩm sẽ diệu kỳ hơn trước đây rất nhiều.
Bị thu hút bởi ý tưởng tái sinh vụn vỡ ấy, tôi quyết định đọc KINTSUGI TÁI SINH VỤN VỠ thật chậm. Vết thương mà, luôn phải tiếp cận theo những cách nhẹ nhàng, từ tốn.
Cuốn sách của tác giả Tomás Navarro không chỉ là bản chỉ dẫn chi tiết cho những ai muốn tìm hiểu nghệ thuật hàn gắn tâm hồn, mà còn là một câu chuyện xuyên suốt về hành trình Sokei – người học trò đầu tiên của nghệ nhân Chojiro. Chojiro là bậc thầy về Kinstugi, sống vào thế kỷ XVI tại Nhật Bản. Theo chân Sokei, người đọc không chỉ được thưởng thức nghệ thuật làm gốm, mà còn được tìm hiểu về thân, tâm, trí của người nghệ nhân. Suy cho cùng, dụng công tạo tác một tác phẩm gốm cũng chính là dụng công nhào nặn và hàn gắn tâm trí chính mình.
Câu chuyện về Sokei được kể lại song song trong cuốn sách, ở mỗi đầu chương, khiến cho KINTSUGI TÁI SINH VỤN VỠ trở nên mềm mại, nên thơ hơn; bản thân cuốn sách cũng không còn là cuốn kỹ năng sống khô khan, khó tiếp nhận nữa. Đọc “Kintsugi”, bạn đọc sẽ được cung cấp những thông tin hữu ích về tâm lý con người khi bị thương (kể cả những vết thương vật lý lẫn những vết thương tinh thần), bạn sẽ được hiểu về cấu trúc của nỗi đau và bước vào hành trình lý giải nguyên nhân gây ra thương tổn cho chính mình, đối mặt với ký ức và chuyển hóa nỗi đau.
TÁI SINH VỤN VỠ là một cuốn sách rất cá nhân, và nó yêu cầu bạn phải nhìn sâu vào bản thân mình, can đảm để đối mặt với cả những niềm vui và nỗi đau mà bạn từng trải qua. Cũng giống như một nghệ phẩm gốm, trước khi ra đời, ta cần được nhào nặn, cần trải qua thử thách với lửa đỏ trong lò nung, để rồi cuối cùng, có được “ta” vẹn nguyên nhất. Nhưng cuộc sống chẳng hề dễ dàng, tình trạng vẹn nguyên sẽ chẳng được lâu. Ta lại quăng quật mình vào đời để rồi nhận lại nhiều lần vụn vỡ. KINTSUGI của Tomás Navarro giúp chúng ta nhận ra rằng: Dù vụn vỡ, bản thân mỗi người đều xứng đáng có thêm một cơ hội mới để tỏa sáng. Và theo nhà huyền môn Rumi, “vết thương chính là nơi ánh sáng đi vào”.
Nếu coi nội dung chính của cuốn sách là những mảnh vỡ, thì câu chuyện về Sokei chính là chất vàng ròng liên kết những mảnh vỡ lại với nhau, để cuối cùng, tạo nên một KINTSUGI TÁI SINH VỤN VỠ hoàn hảo nhất, xứng đáng được bạn đọc lắng nghe và trải nghiệm nhất.
Để kết lại, xin gửi đến các bạn một trích dẫn trong cuốn sách mà tôi ấn tượng:
“Sokei, hãy sống hết mình, hãy làm từng thứ một với tình yêu bất tận, hãy nhớ rằng nếu cuộc sống hoặc một phần của nó bị đứt gãy, con sẽ luôn có thể sửa chữa vết nứt ấy.”Chúc các bạn luôn sẵn sàng để chữa lành những vết thương, và để những vụn vỡ có thể tái sinh vĩnh cửu.
– Ly Nguyen
Trích dẫn Kintsugi tái sinh vụn vỡ
“Chúng ta là những gì mình nghĩ về bản thân, vì vậy ta phải xem xét lại những niềm tin và mọi thứ ta không quý trọng nếu muốn thay đổi cuộc sống. Niềm tin sẽ quyết định và định hình hành động, nhận thức, quyết định, sự ưu tiên và, cuối cùng là cuộc đời bạn”.
“Có một sự thật rằng chúng ta biết rất ít, quá ít về việc những người khác cảm thấy đớn đau đến thế nào trong cuộc sống.”
“Cả đồ gốm và cuộc sống đều có thể vỡ ra thành nghìn mảnh, nhưng đó không nên là lý do để ta dừng việc sống thật trọn vẹn, làm việc hết sức và nuôi dưỡng tất cả những hy vọng, ước mơ của ta.”
“Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là việc sống. Có một sự khác biệt rõ ràng giữa sống và tồn tại. Khi ta sống, mọi thứ trở nên nồng nhiệt hơn, màu sắc rạng ngời hơn, những nụ hôn của ta tràn ngập đam mê và cơ thể chúng ta chuyển động với từng cảm xúc.
Sống thường dành cho những người dũng cảm, bởi nó bao gồm việc đưa ra những quyết định, vượt qua sự tự mãn, chủ động phát triển bản thân. Khi sống hết mình, chúng ta mạo hiểm nhiều hơn và cũng vì thế trở nên mong manh hơn.”
“Quên, tha thứ và lưu trữ. Hãy giữ lại những kỷ niệm vui và bỏ đi phần còn lại. Hãy làm bất cứ điều gì bạn muốn, trừ việc nhìn về quá khứ. Hãy đừng nhớ, nghĩ về hay sống trong quá khứ. Nếu có bất cứ ai không nên bận tâm dù chỉ một chút đến quá khứ của bạn, thì đó chính là bạn. Bạn có thể quay lại và diễn giải quá khứ với góc nhìn bạn đang có, nhưng, việc này chẳng có ý nghĩa gì cả. Thay vì đầu tư thời gian khuấy động những ký ức nhạt nhòa, những hình ảnh méo mó và những chi tiết mơ hồ lẫn giữa quan điểm và những chuyện thêu dệt, tốt hơn hết hãy dành năng lượng của bạn để thiết kế tương lai.”