Lagom: Vừa Đủ, Đẳng Cấp Sống Của Người Thụy Điển – Linnea Dunne

“Không quá ít, không quá nhiều, chỉ vừa đủ” là cốt lõi của phong cách sống Lagom, nhưng biết như thế nào của mỗi người. Người Thụy Điển dùng Lagom như kim chỉ nam cho cả dân tộc, hình thành nên phong cách sống, ứng xử giao tiếp và thậm chí cả ẩm thực của riêng mình.

Lagom – vừa đủ – chính là một khái niệm “hoàn hảo” mới.
Ai cũng có thể sống theo tinh thần lagom – bạn có thể ăn một lượng thức ăn vừa đủ, sống trong một ngôi nhà vừa đủ, lái một chiếc xe vừa đủ và chỉnh nhiệt độ phòng ở mức vừa đủ. Nói cách khác, đó là nghệ thuật thỏa mãn với mức độ vừa đủ – vừa đủ để tận hưởng cuộc sống. (Pereric Hogberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam)

Review Lagom: Vừa đủ, đẳng cấp sống của người Thụy Điển (2)

Khi chủ nghĩa sống tối giản trở thành nghệ thuật…

Mức độ yêu thích: 8.5/10.

Bạn có bao giờ tự hỏi chính bản thân mình, cuộc sống hiện tại đã “đủ” hay chưa? Nếu như đã “đủ” thì tại sao chúng ta lại mưu cầu nhiều hơn thế? Một khái niệm khá trừu tượng, có phần hơi mông lung đối với chúng ta khi đi tìm câu trả lời: Liệu tất cả mọi sự xung quanh mình đã thật sự “đủ”?

Nhắc đến Thụy Điển, chúng ta lại nhớ đến một xứ sở có thể ngắm mặt trời mọc lúc nửa đêm, quy tụ những thương hiệu thời trang nổi tiếng hay một Stockholm – thành phố có nhiều bảo tàng nhất thế giới,… Đó là “bề nổi” của Thụy Điển, ở các quốc gia thuộc năm châu lục ngoài kia cũng sẽ có phần riêng cho mình. Nhưng tôi tin chắc chắn rằng, có một thứ Thụy Điển có nhưng “hàng xóm” xung quanh họ thì không: Lagom – “Không quá ít, không quá nhiều, chỉ là vừa đủ”, là một kim chỉ nam cho cả dân tộc, hình thành nên phong cách sống, ứng xử giao tiếp và thậm chí là ẩm thực.

Như một giai thoại từ thế kỷ trước, nhiều người tin rằng từ này bắt nguồn từ thuật ngữ “laget om” của người Viking – nghĩa là “chuyền quanh trong nhóm” xuất phát từ thói quen những người Viking. Vào thời đó, khi tất cả cùng ngồi quanh chiếc bàn và chuyền tay nhau những chiếc sừng đựng đầy rượu, mỗi người nhấp một ngụm vừa phải, làm sao để những người sau đó cũng có đủ rượu để thưởng thức. Cũng chính vì vậy, khi khái niệm hoàn hảo của cuộc đời mấy ai mà chạm tới được thì lagom đã hiện thân cho chủ nghĩa của lối sống tối giản vẫn sẽ hữu hiệu hơn khi bạn đứng trước vòng xoáy của hàng tấn công việc.

Nếu nói một cách khách quan, lagom mang tính logic cao khi người dân Thụy Điển ai cũng làm việc hằng ngày như nhau nhưng mọi người sẽ dừng lại khi mọi thứ ở mức “đủ”; trong khi ở Việt Nam chúng ta đôi khi cứ cố lao đầu vào công việc một cách quá tải dẫn đến stress hoặc “đột biến gen” của stress là dễ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Tổng thời gian làm việc trong ngày của họ khoảng 6,2h trong khi thế giới là 8h/ngày. Nhưng phải khẳng định một điều rằng, chỉ số cạnh tranh của họ lại đứng thứ 6 trên toàn cầu, năng suất làm việc lại hiệu quả đã được các nhà tuyển dụng áp dụng và thực hiện. Đáng nói rằng, họ có thể vừa làm việc vừa có thể tận hưởng được tất cả niềm hạnh phúc với gia đình đều đặn ở hàng tuần. Trong khi con người chúng ta mãi loay hoay tìm câu hỏi “đủ” là như nào thì với người Thụy Điển, lagom đơn giản là khi chúng ta không phải đắn đo xem cuối tuần có thời gian dành cho con không? Rằng cần phải kiếm bao tiền nữa để sống thoải mái.

Tại sao ta phải vất vả chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng, khi hạnh phúc cuối cùng đâu có nằm trong món đồ mua thêm hay một chiếc xe hơi mới? Ví dụ như chiếc balo Kanken thương hiệu khiến chúng ta khá ngạc nhiên khi hoàn toàn được làm tổng cộng bằng 11 chai nhựa tái chế và nổi tiếng trên toàn châu Âu. Thay vì chuộng lối sống phung phí thì họ sẽ tiết kiệm khoản chi tiêu của mình – tái sử dụng, tái chế và ý thức việc giữ vệ sinh môi trường. Ngoài ra, khi đứng trước một cuộc tranh luận, họ điềm tĩnh nhưng lý trí theo cách nhìn bao dung của khán giả nhưng phải nói một cách thuyết phục rằng, mục đích cuối cùng không phải là họ thắng cuộc tranh luận mà là đưa ra một quyết định để nhận sự ủng hộ của mọi người. Cách tiếp cận không mấy tinh gọn nhưng hoàn toàn hiệu quả trong một xã hội lagom. Đáng nói hơn, Thụy Điển sẽ là thiên đường dành cho những người với thiên chức cao cả – cha mẹ. Người đàn ông sẽ được nghỉ phép tận 90 ngày khi gia đình của họ vừa mới đón chào một thiên thần đáng yêu, bụ bẫm nhưng tiền lương vẫn được nhận hàng tháng. Bạn nghĩ thế nào khi Thụy Điển vừa rất tinh tế trong việc đề cao về sự trách nhiệm, sự công bằng trong cuộc sống từ bậc phụ huynh và sự phát triển một cách toàn vẹn về mặt vật chất cũng như tinh thần của một đứa trẻ?

Không dừng lại ở đó, lagom sẽ còn mang đến cho bạn rất nhiều lời khuyên và bài học khác đến từ lối sống tối giản; làm hài lòng bản thân bằng những cột mốc riêng để làm sao vẫn đủ đầy cho bản thân nhưng không bị thái quá. Trân trọng những thứ bạn có ở hiện tại, lược bỏ những thứ không quan trọng và không khiến bạn hạnh phúc hơn.

“Biết đủ chính là tự do”, không khoa trương, không phung phí, không quá cầu kỳ… và hãy đến với lagom để tìm chìa khóa hạnh phúc cho cuộc sống của bạn.

– Khánh Ngân

Lagom thời gian

Tôi vừa được cho mượn cuốn “Đẳng cấp sống của người Thụy Điển”, cuốn sách giới thiệu về cuộc sống của người Thụy Điển, được Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam viết lời giới thiệu.

Tôi vừa mới đọc cuốn sách này cho nên chưa đủ độ thấm với nội dung của nó. Nhưng tôi vẫn quyết định viết ngay khi đọc đến một nội dung mà tôi thấy hứng thú, mà tôi tạm gọi là “Lagom thời gian”

Tôi không hiểu rõ từ “Lagom” nhưng trong sách giải thích và nói một cách dễ hiểu đó là “Vừa Đủ”. Khi đọc đến nội dung mà tôi tạm gọi là “Lagom”, tôi nhận thấy cả tôi và bạn đã từng có những khoảng thời gian không “Lagom”. Đó là làm thêm giờ !

Bạn đã từng làm thêm giờ chưa? Tôi thì có. Gần như là thường xuyên làm thêm giờ bởi những ý tưởng của cứ tuôn trào vào lúc chuẩn bị kết thúc giờ làm việc. Tôi chẳng hiểu vì sao lại như thế và tôi cũng không hiểu làm cách nào để có thể “bắt” ý tưởng chỉ xuất hiện trong giờ làm việc. Và trong cuốn sách mà tôi đang đọc, có đoạn như sau: “Về đúng giờ tan sở. Nghiên cứu cho thấy điều này sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn”. Một đoạn khác của sách có viết: Một nhân viên mới vào làm thường hỏi cấp trên muốn họ hoàn thành công việc đó trong bao nhiêu lâu?. Nếu là ở công ty của Thụy Điển, người nhân viên đó sẽ nhận được câu trả lời muôn thuở là “Đến khi nào xong thì thôi”. Nhân viên sẽ phải hiểu là công việc hoàn thành một cách chỉn chu trong thời gian ngắn chứ không phải một công việc chưa được hoàn tất để rồi chống chế và xin lỗi sẽ sửa chữa, hoặc là vừa làm vừa chơi để rồi công việc chưa được hoàn thành theo đúng nghĩa của nó.

Trong môi trường làm việc truyền thống, ngoài giờ nghỉ ăn trưa, nhân viên còn được hưởng thêm 15 phút mỗi bữa sáng và chiều để uống cà phê hoặc đơn giản chỉ là nghỉ giải lao, khoảng thời gian này tất cả mọi người cùng thể hiện ý kiến cá nhân, rồi thảo luận và sau cùng là đưa ra quyết định trước khi đưa một quyết định. Và “mọi người” ở đây là bao gồm cả ban điều hành và cả những nhân viên mới, nghĩa là tất cả mọi người trong công ty – trích đoạn trong sách.

Cách cân bằng cuộc sống và công việc lagom ở Thụy Điển được hỗ trợ bởi truyền thống gần như nghỉ làm việc vào mùa hè. Các chuyên viên đều nghỉ hè ít nhất bốn tuần liên tiếp. Ngoài ra, trong tám năm đầu đời của con, những người làm cha mẹ được hưởng thêm nhiều ngày phép cũng như có quyền đi làm thêm giờ giấc linh hoạt hoặc đi làm ít ngày hơn – trích đoạn trong sách.

Đọc đến đoạn trích này, tôi cứ biện hộ cho mình là nếu không làm thì làm sao mà hoàn thành được công việc. Công cụ làm việc là một điều không thể thiếu đối với những người làm nghề online (tôi tạm gọi thế). Nhưng không phải ai cũng được học hành một cách bài bản hoặc công ty có riêng bộ phận thiết kế chỉ ngồi mà thiết kế theo các yêu cầu của nhân viên Online. Vậy thời gian để tìm công cụ và học sách sử dụng công cụ vào lúc nào? Tất nhiên là ngoài giờ thôi. Vì sao ư? Đơn giản là trong giờ làm việc chính còn phải hoàn thành các đầu mục công việc.

Tại sao không tìm tòi công cụ hỗ trợ trong giờ làm việc? Một số nhà quản lý đồng ý điều đó nhưng phần lớn là không hài lòng khi bất chợt ngó vào màn hình máy tính của nhân viên và thấy họ đang tự học một công cụ nào đó. Các nhà quản lý phần lớn đều mắc bệnh đa nghi.

Sau đó tôi nghĩ lại, có khi nào vì bởi hay biện hộ cho bản thân mà tôi chưa gắng sức tìm ra năng lực tôi vốn có hay không?

Câu hỏi này tạm thời cứ treo ở đây!

– Nhẫn Đông