Làm Đĩ – Vũ Trọng Phụng

Có lẽ Vũ Trọng Phụng là một trong những tác giả Việt Nam đầu tiên dám viết về chủ đề nhạy cảm này vào giai đoạn mà xã hội coi tình dục là một chuyện không nên được nói đến, cha mẹ thầy cô tránh né việc giáo dục giới tính, có thể họ nghĩ nói đến vấn đề này quá sớm là “chỉ đường cho hươu chạy”, họ xấu hổ khi nói về chuyện ấy trước mặt con trẻ. Nhưng họ lại không nghĩ đến việc, sự tò mò và không được giáo dục về vấn đề này lại khiến con trẻ có những bước đi sai lầm.

Review Làm Đĩ

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên tại Việt Nam đề cập đến vấn đề mại dâm.
————————————————
Có quá nhiều cảm xúc còn đọng lại trong mình sau khi đọc xong cuốn sách mà mình không biết phải bắt đầu từ đâu.

Tiểu thuyết “Làm đĩ” kể về cuộc đời của nhân vật Huyền là con nhà danh giá, quyền quý thời Pháp thuộc, có học hành tử tế, xinh đẹp kiêu sa nhưng lại bước vào con đường “làm đĩ”. Nội dung tưởng chừng chỉ như một câu chuyện kể đời thường nhưng lại mang tính nhân văn, giáo dục giới tính cao. Cuộc đời của Huyền chính là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ nói riêng và xã hội nói chung về tầm quan trọng của giáo dục giới tính.

Đọc xong cuốn sách này, mình không hề có thái độ lên án hay phê phán đối với Huyền, ngược lại còn hết sức thương thay cho Huyền. Cách dẫn dắt của tác giả khiến người đọc cảm thấy như mọi sự diễn ra trong cuộc đời của Huyền đều là lẽ đương nhiên, là cái phải xảy ra. Dù là cái cách Huyền lần đầu tiên biết về cái “dâm”, hay cái chết của Lưu – mối tình đầu và cũng là anh họ của Huyền, tiếp đến là cuộc hôn sự chóng vánh khi bị cha mẹ ép gả cưới, và thậm chí là cả cuộc ngoại tình “đáng khinh” với người bạn thân của chồng mình. Tất cả mọi sự, theo cách mọi người vẫn hay nói “cái gì đến rồi cũng sẽ đến”.

Cái nghề mà người ta vẫn hay gọi là buôn hương bán phấn của Huyền, là do đâu, vì sao mà Huyền phải vậy? Phải chăng do xã hội thời ấy, cái gọi là “phong trào mới” thời ấy, cái gọi là văn minh thời ấy âu cũng chỉ là thứ tây ta nửa mùa mà thôi. (Chúng ta có thể thấy rõ hiện thực này qua nhân vật Tân), hay do chính các đấng mày râu, không có cầu thì làm sao mà có cung: “Các anh dâm đãng như quỷ thì chả ai nói, còn bọn chúng em thì hơi một tí đã hỏng cả một đời rồi! Trời ơi sao mà các anh đểu thế! Sao mà các anh dã man thế!” (Trích đoạn tr28).

Hay do sự vô tâm của người lớn, bậc làm cha mẹ thờ ơ trước những câu hỏi ngây thơ của Huyền, để rồi Huyền phải tự mình học lấy, tự mình tìm hiểu, đấu tranh nội tâm biết nhường nào ở cái tuổi dậy thì được tác giả miêu tả là ” đến tuổi xuân tình phát động”.

“Người ta bao phủ chung quanh vấn đề nam nữ giao hợp và cái cơ thể học về sinh thực khí bằng một sự im lặng đáng gọi là thiêng liêng! Ở nhà trường, những bảng vẽ các cơ thể của loài người đã cắt nghĩa tỉ mỉ về con mắt, khối óc, quả tim, cái xương, cái vai, cái ruột non, cái dạ dày, nhưng tịnh không đả động gì đến bộ phận sinh dục là những cơ quan cần thiết nhất, nó làm cho loài người không bị tiêu diệt,…” (Trích đoạn tr 61)

Một số điều mình thu nhận được sau khi đọc cuốn tiểu thuyết này:

  1. Giáo dục giới tính là vô cùng cần thiết.
  2. Có một góc nhìn khác về nghề mại dâm, rộng hơn là nhìn nhận sự việc xung quanh với thái độ khách quan, sâu sắc hơn, ai cũng có nỗi khổ của riêng mình, có phải ko ạ?
  3. Lòng người thay đổi theo thời gian là chuyện lẽ thường. Có những lúc tưởng chừng như ko sống nổi vì thiếu người ấy, nhưng sau ngẫm lại hoá ra cũng chỉ là suy nghĩ trẻ con.
  4. Nên chấp nhận tình dục như là bản năng vốn có của con người.
  5. (đang suy nghĩ) Hình thành nhận thức được 2 mẫu đàn ông: kiểu thứ nhất ngoan ngoãn, yêu chiều vợ, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa thì lại bị cắm sừng, kiểu thứ hai đẹp trai, nhiều tiền, phong lưu, lời ngon tiếng ngọt sẽ đi cắm sừng người khác. Có vẻ nếu là như vậy thì chồng ko nên quá yêu chiều nâng niu vợ, nên có một giới hạn nhất định.

Note: mặc dù cuốn tiểu thuyết này đã được viết cách đây gần 80 năm, tại thời điểm ra đời đã gặp rất nhiều chỉ trích, phê phán, thậm chí cho đến năm 1939 khi tác giả qua đời, cuốn tiểu thuyết này vẫn bị lên án gay gắt vì bị coi là “tác phẩm suy đồi”. “Làm đĩ” bị cấm xuất bản mãi cho tới năm 1993 mới được tái xuất bản.

The end. Cảm ơn vì bạn đã đọc tới đây.

– Thu Cúc