Làm Sao Học Ít Hiểu Nhiều? – Zion Kabasawa

Lần cập nhật gần nhất March 19th, 2021 – 11:30 am

Xuyên suốt cuốn sách “Làm sao học ít hiểu nhiều?” là những chỉ dẫn rất thực tiễn, giúp người học đạt được hiệu quả học tập mong muốn. Nhờ vào bố cục chia nhỏ hợp lý kết hợp với giọng văn gần gũi, hóm hỉnh, bạn sẽ có cảm giác mình đang bước vào một quyển sổ ghi chép về các phương pháp học tập của một người bạn đồng trang lứa, hoàn toàn dễ hiểu, dễ đọc và dễ tiếp thu.

Review Làm sao học ít hiểu nhiều? (3)

Cảm nhận của mình thì cuốn sách này có tên là “Tối ưu phương pháp học” thì đúng hơn. Nghĩa là chúng ta đang học một cách “lãng phí” nên thì cuốn sách sẽ giúp tối ưu lại cách học sao cho tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc để có hiệu quả tốt nhất.

Mình nghĩ đây là một cuốn sách phù hợp với mình hiện tại (người không còn ngồi trên ghế nhà trường), khi mà còn rất nhiều thứ để học, nếu như không có phương pháp phù hợp thì sẽ tốn rất nhiều tài nguyên. Và mình cũng chắc chắn rằng sẽ phù hợp với các bạn đang trên giảng đường.

Trong khi đọc thì nhiều lúc mình cũng hơi bất ngờ vì một số cách học không đúng của mình dẫn tới không hiệu quả, ví dụ như đặt câu hỏi quá nhiều thay vì tự nghĩ, tự nhận thức,..

Một trong những điều mình cảm nhận sâu sắc nhất: Đó là quay lại cái cơ bản, nắm vững nó.

Sau đó thì mình cũng lập tức đi đi bái “sư” để học lại nền tảng của văn học (Vì mình đang tìm hiểu lại văn học).

Hi vọng với sự thảm khảo cuốn sách này, các cậu có thể tìm cho mình 1 cách học hiệu quả. Còn mình thì mình nhất định sẽ đọc lại khi cảm thấy bế tắc!
—–
Mình cũng xin chia sẻ 1 đôi dòng về việc học.

Mình đã từng suy nghĩ rằng “Tại sao mình phải vào bàn học mỗi tối, còn người lớn lại được xem TV”, câu hỏi đó khiến mình ấm ức nhiều năm trời cho tới khi phải tự mình cảm nhận được “sự học” nó quan trọng như nào. Mình bắt đầu ý thức hơn về học là từ khi quyết định bỏ ngang chuyên ngành trên trường và tự học 1 lĩnh vực mới, lúc đó chỉ nghĩ được là không học thì tương lai sẽ đi về đâu?. Đó cũng là 1 lý do khiến mình đọc sách nhiều hơn.

Về tầm quan trọng của việc học, mình xin không bàn luận mà sẽ trích dẫn 3 câu nói:

  1. “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên” của chủ tịch Hồ Chí Minh
  2. Ai có thể đặt giới hạn cho trí tuệ của con người? Ai dám quả quyết rằng chúng ta đã biết mọi thứ trên đời? của Galileo Galilei
  3. “Ngọc không mài không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

– Nguyễn Đức Thuận

“Làm sao học ít hiểu nhiều?” – một cuốn sách có thật sự như cái tên

Có một thực tế là, chúng ta học rất nhiều nhưng không thu được kết quả bao nhiêu. Càng không đạt được kết quả mong muốn, ta lại càng cố học thêm nữa. Kết cục, ta luẩn quẩn trong một “đường hầm không lối thoát”, hoài phí thời gian, tiền bạc và công sức. Việc học chăm chỉ là tốt nhưng chúng ta cần biết phương pháp để đi “đúng và trúng” đường để nhanh đến đích – gặt hái kết quả.

Và quyển sách “Làm sao học ít hiểu nhiều?”của bác sĩ tâm thần học nổi tiếng người Nhật Bản, Zion Kabasawa, ra đời, nhằm giúp bạn phá vỡ vòng luẩn quẩn ấy. Bằng kiến thức uyên thâm hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy về thần kinh và tâm lý học, bác sĩ Zion Kabasawa đã đúc kết ra nhiều phương pháp dung nạp kiến thức giúp việc học trở nên hiệu quả. Vị bác sĩ lý giải tận cùng bản chất của việc học. Từ đó, ông đưa ra những hướng dẫn rất thực tiễn về phương pháp học để vừa tiết kiệm công sức, vừa đạt hiệu quả. Và điều khiến chúng ta ấn tượng nhất là phương pháp “vui vẻ hóa” não bộ kích thích ham muốn học của một người, thay đổi thói quen xem việc học là “khổ sở” chuyển hóa thành “niềm vui” và tăng hiệu suất học tập.

Cá nhân mình thấy ở cuốn sách này, điểm cộng là bạn sẽ có một list dài các phương pháp học hay ho để vận dụng “từ từ” sao cho có hiệu quả với bản thân. Chưa kể là cách viết của tác giả và người dịch thể hiện lại rất ngắn gọn và đủ ý nên mình thấy bản thân tiếp thu khá nhanh tri thức của người viết.

Điểm trừ của cuốn này, giống như dòng văn self help thôi, nếu bạn chỉ đọc mà không áp dụng thì … công cốc cả. Tất cả là do bản thân có muốn vận dụng và cầu tiến trong việc học hay không mà thôi. Với mình, đã tự chọn cho bản thân một phương pháp học đó là “học bắt chước theo một người mình thần tượng”, mình cảm thấy có động lực hơn hẳn, tiếp thu cũng vui vẻ hơn là so với cách học thông thường. Hi vọng bản thân thật sự tích lũy được kiến thức và giúp ích cho tương lai.

– Nguyen Bảo Anh

Việc học ở người trưởng thành có còn quan trọng?

Hôm nay dạo trang Hội review dạo [Sách] và viết dạo một tí. Theo ý kiến cá nhân, mình hoàn toàn đồng ý rằng Việc học ở người trưởng thành vẫn rất là quan trọng. Nhưng ở đây mình muốn chỉ rõ một điều. Việc học được đề cập ở trên ngoài việc học kiến thức nó còn là việc học ở trong cuộc sống. Học cách giao tiếp, học làm người tốt, học cách vượt qua sự tự ti,… Từ nhỏ chúng ta học nói, học cách bước đi. Lớn hơn, mình được học chữ, học giao tiếp. Và việc học theo bạn suốt đời (dù đã trưởng thành) đó là học làm người.

Dưới đây là năm thành quả mà người trưởng thành có được thông qua việc học mà mình đã được đọc trong sác Làm sao học ít hiểu nhiều? (Zion Kabasawa)

  • Thay đổi hiện thực: Ông cho rằng học là để trưởng thành. Khi đó khả năng của chúng ta sẽ tăng. Dẫn đến việc hiệu suất công việc được nâng cao, chất lượng cuộc sống cũng từ đó cải thiện. Cuộc sống của bạn cũng từ đó mà thay đổi mọt cách tích cực đáng kể.
  • Chiến thắng cuộc sống: Hầu hết mọi người khi đi làm thì không nghĩ đến việc học nữa. Tuy nhiên có một sự thật thú vị rằng. Khi đi làm, mọi thành tích trong quá khứ sẽ trả về 0, đó chính là cơ hội vàng để “khởi động lại”
  • Phát triển năng khiếu: Theo tác giả, ta có phương trình: năng khiếu + nố lực = thành quả.
  • Thành công vượt trội: Việc học nghiêm túc, tất yếu có kết quả tốt. Để có công việc tốt cũng tương tự.
  • Hạnh phúc: Có con đường dẫn đến hạnh phúc là học tập, bạn có nghe qua chưa? “Học tập giúp ta phát triển, thể hiện được bản thân. Trong qúa trình đó não tiết ra “dopamine” và chúng ta trở nên hạnh phúc.”

– Võ Thị Hiền