Lãnh Địa Ánh Sáng – Yuko Tsushima

Lần cập nhật gần nhất August 17th, 2020 – 11:01 pm

“Lãnh địa ánh sáng”, đó là một câu chuyện đầy hiện thực về giai đoạn đầu trong cuộc sống của người phụ nữ đơn thân xen những mộng tưởng đầy khát khao. Những không gian đầy ánh sáng từ căn hộ đến sân thượng, đến ánh sáng lóe lên trong tưởng tượng của nhân vật, trong những giấc mộng mị, trong những ký ức của người mẹ đơn thân về những người đàn ông đã đi qua đời cô, về những nơi mà cô nghĩ đến… Và khoảng ký ức ám ảnh có thể kể đến là hình ảnh người cha mà cô không thể nhớ nổi gương mặt, luôn muốn gặp lại và đã gặp lại trong mơ nhưng chỉ có thể nhìn thấy ông từ sau lưng, chỉ có thể bám víu lấy tấm lưng của ông mà ông vẫn không quay mặt lại để nhìn cô lấy một lần.

Dù đã trưởng thành kết hôn rồi sinh con cho đến cả ly hôn nhưng khi người phụ nữ yếu đuối nhất, mệt mỏi nhất, người mà cô muốn bám vào, người mà cô nhớ nhất vẫn là người cha, dù đó chỉ còn là hình ảnh người cha rất mờ nhạt, rõ ràng mộng mị không có thật.

Review Lãnh địa ánh sáng (2)

“Gia đình là gì?”

Đó có lẽ là câu hỏi mang lại rất nhiều cảm hứng trong văn học, và Yuko Tsushima – tác giả cuốn Lãnh địa ánh sáng – cũng khai thác hầu hết các tác phẩm của bà gắn liền với hình ảnh gia đình. Tuy vậy, gia đình trong tác phẩm của bà không phải kiểu gia đình với đầy đủ các thành viên ông bà, cha mẹ, con cái và sự phân chia trách nhiệm giữa những cá thể này. Những đứa con trong tác phẩm của bà hầu như đều không biết rõ mặt bố của mình, gia đình trong tác phẩm của bà thường bao gồm bà mẹ đơn thân một mình nuôi những đứa con khôn lớn.

Chẳng phải họ là những người độc lập thích cuộc sống một mình nuôi con, mà chính hoàn cảnh bắt buộc họ phải lựa chọn như vậy. Cuộc sống một mình nuôi con mà không có chồng bên cạnh tất nhiên có nhiều vất vả, nhưng những nhân vật nữ này vẫn can đảm một mình nuôi con khôn lớn. Cuốn sách xoay quanh những vấn đề mà những bà mẹ đơn thân thường gặp phải: cuộc sống sau ly hôn, những vất vả, khó khăn trong việc nuôi con một mình, hay những câu hỏi của những đứa con hỏi về bố của chúng: “Mẹ này, mẹ bảo là đã lấy bố, nhưng thực ra là vẫn chưa lấy chồng đúng không?”.

Chính Yuko Tsushima cũng ly hôn và một mình nuôi hai đứa con mà không có chồng bên cạnh. Mẹ của bà cũng đã trở thành một bà mẹ đơn thân sau khi cha bà – nhà văn Dazai Osamu – tự sát lúc bà mới một tuổi. Tuy vậy các tác phẩm của bà không viết về câu chuyện của mình hay gửi gắm những kinh nghiệm và tâm tư của mình, thay vào đó bà cố gắng tái cấu trúc những vấn đề mà mình từng gặp phải trong một chiều không gian khác – những cuốn tiểu thuyết – bằng cách điều khiển các nhân vật và câu chuyện giả tưởng.

Tác phẩm đã giành giải Gương mặt văn học Noma 1979.

– Mai Huong

Bạn đã bao giờ bước vào một căn phòng/ngôi nhà mà ngay từ cảm nhận đầu tiên đã biết rằng: “Chỉ có nơi này, đây đích thị là nơi dành cho mình, là nơi mình thuộc về” hay ko?

Bắt đầu cuốn tiểu thuyết đã mô tả không gian “đó là một căn hộ có cửa sổ trổ ra tứ phía…” – nơi mà nhân vật tôi sẽ bắt đầu cuộc sống đơn thân nuôi con, nơi mà sau bao lần tìm kiếm, “tôi” đã nhận ra đây chính là nơi dành riêng cho “tôi”.

Theo từng chương sách, ánh sáng ngập tràn, ánh sáng từ không gian căn hộ đến những giấc mộng mị của người mẹ trong cuộc sống đơn thân nuôi con hay cả trong khu rừng tưởng tượng, những vùng sáng thực thực hư hư, bừng lên thật mạnh để lấn át màn đêm bóng tối.

Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện về cuộc sống của người phụ nữ vừa mới ly thân chồng, bắt đầu chuỗi ngày đơn thân nuôi con. Hãy thử hình dung, người phụ nữ vốn rất yêu chồng, quen với ý nghĩ dù cuộc sống này có ra sao cũng có thể dựa dẫm vào người chồng, ít nhất là mặt tinh thần, nay bỗng dưng phải tự mình đối diện với đầy rẫy khó khăn cuộc sống: Khó khăn đó không chỉ kiếm tiền đủ để thuê trọ, chăm sóc con gái vừa hơn 2 tuổi để con được đi học đầy đủ và lớn lên như bao đứa trẻ khác… mà còn là những khó khăn về mặt tinh thần. Có nên nói cho con trẻ biết rằng bố và mẹ của chúng đã chia tay? Nên nói thế nào với con trẻ khi đột nhiên người bố không còn xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày của hai mẹ con nữa?

Dù đã quyết định chia tay và sống ly thân, chuẩn bị cho cuộc ly hôn ở tòa nhưng người chồng vẫn ngày ngày tìm đến khiến cho cuộc sống mới mà người phụ nữ vừa sắp đặt bỗng trở nên rối lên. Phải làm sao để anh ta không còn xuất hiện trong cuộc sống mới của hai mẹ con nữa? Phải làm sao để con trẻ không bị sang chấn tâm lý vì cuộc chia tay của bố mẹ?

Những khao khát của người phụ nữ vắng chồng từ nay phải giấu vào một lãnh địa riêng, đó là căn phòng ở tầng 3 của khu nhà Fujino, căn phòng để trống bao lâu không ai thuê khiến cho cô cảm giác như “đó là bí thất dành riêng cho tôi”. Đó là khu rừng Boulogne trong trí tưởng tượng mỗi lần hướng mắt về công viên gần nhà. Đó là những giấc mộng mị với những người đàn ông mà cô từng gặp trong đời từ thời tiểu học đến khi trưởng thành. Khao khát và nhu cầu được bám víu vào một người đàn ông khiến ký ức về người cha trỗi dậy, chen vào giấc mơ của cô. Những lúc yếu đuối nhất, con gái thường nhớ đến người cha của mình…

Dù thế, cô vẫn phải chống chọi với lời qua tiếng lại của người ngoài khi xét nét về cuộc sống của 2 mẹ con cô. Lãnh địa ánh sáng vừa là nơi trú ẩn, là chốn bình yên lại vừa là nơi để cô không bị tách rời với dòng chảy cuộc sống. Nơi đầy mộng mị, đầy khao khát nhưng cũng vô cùng chân thực của hiện thực mông lung và mịt mờ về một chân trời mới.

Tác giả Yuko Tsushima là con gái của Dazai Osamu, mất cha khi vừa 1 tuổi, mẹ của bà cũng đơn thân nuôi con. Cho đến sau này khi Yuko Tsushima kết hôn, cuộc sống bất hạnh khiến chính bà cũng trở thành một người mẹ đơn thân… Điều này khiến cho độc giả dễ dàng liên hệ trong tác phẩm của bà luôn thấp thoáng bóng dáng đời sống riêng tư của tác giả. Người cha trong tác phẩm của bà, là ký ức mơ hồ về một hình dung, là nỗi nhớ và khát khao mong được đối diện để nhìn kỹ cha…

Không dễ dàng chút nào khi Yuko Tsushima đã khẳng định được sự nghiệp văn chương của mình mà vượt qua được cái bóng “con gái của Dazai”. Nhưng để hiểu hơn về Dazai ở 1 góc nhìn về cuộc sống riêng tư thì rõ ràng là tác phẩm của Yuko Tsushima như một nguồn tài liệu không thể thiếu.

– Lý Uyên

Hình mẫu gia đình trong Lãnh địa ánh sáng của Yuko Tsushima.

Yuko Tsushima là con gái của nhà văn Dazai Osamu, khi bà vừa lên 1 tuổi, cha bà tự tử, sau khi viết tác phẩm cuối cùng là truyện ngắn có tên Guddo bai (Giã biệt). Mẹ bà đơn thân nuôi bà khôn lớn, và chính bà sau này cũng là một bà mẹ đơn thân nên những nhân vật người cha trong tác phẩm của bà đều không có hoặc có vai trò mờ nhạt trong gia đình. Những người cha vô hình, những đứa con lớn lên mà hiếm khi được thấy mặt cha, những bà mẹ một thân một mình nuôi con, chịu bao khó khăn vất vả mà không biết chia sẻ cùng ai, đó là hình mẫu gia đình khá điển hình trong tác phẩm của Yuko Tsushima.

Những vấn đề xuất hiện trong sách là những điều mà những gia đình có mẹ đơn thân sống cùng con cái thật sự phải đối mặt trong đời sống. Việc nuôi con một mình dù là với người chồng hay người vợ thì sẽ đều vất vả, vì khi đó bạn phải làm tròn trách nhiệm của cả người cha và người mẹ. Một mình gánh vác những áp lực về kinh tế, về việc nuôi dạy con cái, bao nhiêu khó khăn, gian khổ phải một mình đối mặt mà không thể chia sẻ, để rồi nhiều khi những nỗi mệt mỏi đó, những đứa con cũng phải một phần gánh chịu: là khi người mẹ không còn đủ thời gian để chăm sóc và chuyện trò cùng con, hay cả khi có thời gian bên cạnh nhưng không đủ kiên nhẫn hay quá mệt mỏi để trả lời những thắc mắc của con.

Tuy vậy, câu chuyện trong sách không phải là câu chuyện về cá nhân bà hay gia đình bà, dù vẫn có những điểm tương đồng trong bối cảnh. Bà đặt hoàn cảnh của mình vào trang sách, nhưng không kể lại câu chuyện của mình mà là tìm những hướng đi khác cho nó.

Lãnh địa ánh sáng là một cuốn sách khá mới mà mình đọc gần đây và thấy rất ấn tượng. Trước đây mình chưa đọc nhiều sách của các tác giả Nhật nhưng nhờ mấy cuốn mình đọc gần đây làm mình bắt đầu thích văn học Nhật hơn.

– Phong Linh‎

Trích dẫn Lãnh địa ánh sáng

“Nữ quyền, không phải là một điều gì đó quá cao siêu hay xa vời. Đơn giản, đó là việc một người đàn bà được sống cuộc đời mà cô ta mong muốn.”

“Ở hướng Tây, cũng là đầu kia của căn hộ dài thượt này, là một cửa sổ lớn nhìn ra trạm xe buýt. Nắng chiều và tiếng ồn bên ngoài thi nhau dội vào nhà qua đây. Ngay bên dưới cửa sổ, lũ lượt khách bộ hành buổi sáng đi về phía ga, tới chiều lại kéo nhau về hướng ngược lại. Nhìn qua làn đường đối diện sẽ thấy hàng người đứng chờ xe buýt ở trạm trước cửa hiệu hoa. Cứ mỗi lần có xe buýt hay xe tải chạy qua là căn hộ trên tầng bốn này lại rung lên làm chén đĩa trong chạn kêu lanh canh. Tòa nhà hai mẹ con tôi dọn đến ở này quay mặt ra ngã ba đường, nếu tính cả con hẻm hướng Nam nữa là thành ngã tư. Vì thế cho nên, trong một ngày mấy bận, thế nào cũng sẽ có một khoảng mười giây tĩnh lặng hoàn toàn nhờ sự kết hợp của đèn đỏ và dòng xe chạy. Nhưng rồi mười lần như một, lúc tôi để ý tới sự yên tĩnh này cũng chính là lúc đèn tín hiệu đổi màu và xe cộ bắt đầu chạy trở lại…”

“- Cô nói thử tôi nghe xem có hiểu được không nào. Cô làm mẹ thì tốt hơn tôi làm bố ở chỗ nào?
Tiếng cha của con gái tôi vang lên. Tôi không biết phải trả lời thế nào.
– Đúng rồi. Con yêu bố hơn. Sao mẹ không đưa con tới chỗ bố…
Sao chỉ có trẻ con mới được khóc lóc nhỉ?”

“…Con gái tôi có cha là Fujino. Người cha đang sống cùng một người đàn bà khác và chưa từng có ý định đón con mình về nuôi. Người cha chưa từng gửi tiền nuôi con. Vậy mà rốt cuộc đứa con tôi chăm bẵm, nuôi nấng cũng vẫn là con của anh ta hay sao? Bao nỗi nhọc nhằn của tôi rốt cuộc cũng chỉ như một món quà kỷ niệm dành cho Fujino khi tôi trao tận tay anh ta cô con gái đã trưởng thành vào một ngày nào đó hay sao? Đúng quá rồi! Dù tôi có khóc than, có rên la thì Fujino vẫn là cha của con gái tôi mà…”

“Tôi đã sống cùng con gái bé bỏng của mình suốt một năm trên tầng cao nhất ở một tòa nhà cũ bốn tầng. Một mình hai mẹ con tôi chiếm lĩnh cả tầng, cộng thêm sân thượng. Tầng trệt là cửa hàng điện máy, tầng hai và ba – mỗi tầng được ngăn đôi cho thuê làm văn phòng. Trong toà nhà ấy, từ một công ty vỏn vẹn hai nhân viên là cặp vợ chồng chuyên nhận đặt hàng lộng khung hay gắn lên khiên mấy cái gia huy bằng vàng đến văn phòng kế toán và lớp dạy đan len, mỗi nơi sử dụng một phòng. Duy chỉ có căn phòng quay mặt ra đường cái trên tầng ba là bị bỏ trống suốt thời gian tôi sống ở đó. Cứ đêm xuống, lúc con gái đã ngủ say, tôi lặng lẽ bước vào căn phòng đó, khi thì mở hé cửa sổ ra để tận hưởng một quang cảnh khác với quang cảnh nhìn từ tầng bốn, lúc lại đi tới đi lui trong không gian trống trải ấy. Cảm giác như, đó là bí thất dành riêng cho tôi, không ai hay biết…”