Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật – Sasaki Fumio

Lần cập nhật gần nhất July 10th, 2020 – 10:28 am

Sau khi vứt bớt đồ đạc xung quanh mình, bạn sẽ nhận ra rằng bản thân mình không cần phải có trong tay một thành tựu gì cả, cũng không cần phải trở thành một nhân vật tầm cỡ nào đó. Chỉ cần làm những việc nhà hàng ngày, hoàn thiện lối sinh hoạt, nề nếp thôi là tôi đã cảm thấy yêu bản thân mình hơn và cảm nhận đầy đủ niềm vui trong cuộc sống. Nếu trở thành một người sống tối giản, biết bản thân cần gì, thì chúng ta sẽ không phải tập trung vào một ai đó để so sánh mà chỉ chú ý vào bản thân mình thôi.

Review Lối sống tối giản của người Nhật (4)

CUỐN SÁCH KHIẾN TÔI THAY ĐỔI RẤT NHIỀU

Lối sống tối giản của người Nhật, cuốn sách nói về lối sống giản dị, giảm bớt đồ đạc không thực sự cần thiết.

Chân dung tác giả cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật, Fumio Sasaki, theo miêu tả của chính tác giả ” 35 tuổi, độc thân và chưa từng kết hôn. Hiện tại tôi đang làm biên tập cho một nhà xuất bản.”

Về cuốn sách, phải nói rằng đây là một cuốn sách ” tối giản ” y như tiêu đề của nó. Từ cách thiết kế bìa tới các chương sách. Cuốn sách chỉ gồm 5 chương với văn phong rất dễ hiểu. Từ việc giải thích tại sao chúng ta phải sống tối giản, lí do chúng ta sở hữu quá nhiều đồ, các quy tắc khi vứt bỏ đồ và cảm nhận của chính tác giả.

Từ việc giảm bớt những đồ đạc thực sự không cần thiết bạn sẽ tập trung hơn vào những điều khác trong cuộc sống. Vì chính những đồ đạc đã khiến chúng ta dành 1 phần quan tâm hay ” Bộ nhớ ” của chúng ta. Và luận điểm khá hay của tác giả là trải qua hàng 100 năm nhưng bộ nhớ của chúng ta là không thay đổi. Chỉ có cách sử dụng là thay đổi.

Khi giảm bớt đồ đạc không cần thiết là bạn đang giải phóng ” bộ nhớ ” của chính bạn. Và bạn nhận lại được niềm vui từ việc ” gửi ” những món đồ mà mình không dùng tới nhưng vẫn còn giá trị sử dụng tới những ai đang cần tới nó.

Đồ đạc không thể hiện giá trị của bản thân bạn. Tất nhiên là vậy, bạn không cần có 1 giá sách với đủ loại sách nhưng đa số sách trong đó bạn chưa hề đọc. Bạn chỉ muốn ai đó ghé qua phòng bạn và trầm trồ với việc bạn là người tri thức, sâu sắc, …. Tuy nhiên, quá nhiều sách khiến không gian phòng bạn bị thu nhỏ hơn và bạn cũng không kiểm soát nổi hết những cuốn sách mà bạn đang có.

Thay vì mua đồ đạc, hãy mua những trải nghiệm. Những món đồ mới, dù giá trị tới đâu đi chăng nữa. Chẳng hạn như điện thoại mới, xe mới, …. nó có thể khiến bạn vui, khiến bạn hạnh phúc một thời gian. Tôi nghĩ rằng không đến 1 năm, món đồ ấy sẽ chẳng khiến bạn vui thêm, hạnh phúc thêm. Vì đơn giản bạn đã quen với việc bạn đã sở hữu chúng. Bạn lại nghĩ mua điện thoại mới, xe mới để tìm lại cảm giác đó…Vòng lập này là một chuỗi bất tận và các nhà sản xuất rất biết làm hài lòng khách hàng khi không ngừng ra những mẫu mới, đẹp hơn, sang hơn, nhiều công dụng hơn, …

Còn với việc bạn mua những trải nghiệm thì sao?

Đó là mỗi khi nghĩ tới những trải nghiệm đó, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và điều này gần như vô hạn. Cùng 1 giá tiền chi cho mua đồ bạn có thể mua những trải nghiệm như: Mua vé xem 1 bộ phim, du lịch đâu đó, học khóa thiền, mua khóa học nấu ăn, làm đẹp,.. Vân vân và mây mây ….

Tối giản là không được mua thêm đồ?

Theo tác giả, bạn có thể mua thêm 1 món và giảm 3 món nếu bạn đang có quá nhiều đồ không cần sử dụng. Hoặc nếu đồ bạn sở hữu đang ở trạng thái cân bằng thì cứ mỗi lần mua 1 món bạn sẽ giảm 1 món. Như vậy, bạn sẽ không có thêm nhiều đồ hơn tới mức 1 năm nhìn lại thì bạn đã thấy phòng mình chật ních với đa phần những món đồ bạn chẳng mấy khi dùng tới.

Tối giản có ở khía cạnh khác?

Tối giản có thể nói đến nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ, bạn có thể tối giản ngay từ những ứng dụng, file trong chiếc điện thoại của mình. Với những ứng dụng bạn cài nhưng không dùng có thể xóa để giảm tải cho bộ nhớ máy.

Tối giản là phải có “ít đồ” ?

Không nhất thiết bạn phải ít đồ mới được coi là người tối giản. Miễn là bạn hạnh phúc với những thứ đồ của bạn đang sở hữu bạn vẫn được coi là người tối giản. Vì mục đích của tối giản là giúp bạn thoải mái, hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Chính vì vậy, tùy mỗi người sẽ có cách sống tối giản khác nhau.

Làm sao để tối giản khi đâu cũng là món đồ mà tôi cần đến ở một thời điểm nào đó trong tương lai?

Đây là suy nghĩ sẽ khiến bạn không thể loại bỏ những món đồ không cần thiết. Cách tốt nhất là bạn hãy gói một vài món bạn đang “phân vân” vào túi để bán hoặc cho đi. Nếu trong 1 tuần bạn lại lấy nó ra thì có thể đây là món bạn cần. Hay bạn có thể tập loại bỏ những món đồ nho nhỏ trước để tạo thành thói quen.

Tất nhiên những điều tôi đề cập chỉ là 1 phần rất nhỏ tôi đúc rút ra được từ cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật của tác giả Fumio Sasaki. Để hiểu sâu sắc hơn, bạn hãy dành thời gian đọc và thử nghiệm theo cách của cá nhân bạn. Tôi tin bạn sẽ thấy việc đọc cuốn sách này là xứng đáng.

Vậy nhé,

See you!

– Dandy Dương

LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT – VÌ SAO THÀNH CÔNG?

Chào các bạn, chắc hẳn đây là một tựa sách không còn mới với cộng đồng những người yêu sách. Cuốn sách đã dành được sự yêu thích của đông đảo mọi người, vì vậy hôm nay mình muốn chia sẻ cảm nhận và phân tích lý do vì sao cuốn sách thành công dựa theo quan điểm của mình.

1. BỐ CỤC LOGIC

Cuốn sách gồm có 5 chương cùng với một vài ảnh tư liệu. Các chương sách đã được sắp xếp khá dễ hiểu và theo bố cục rõ ràng. Chương 1 là khái niệm về lối sống tối giản và những người tối giản. Chương 2 đi vào nguyên nhân, lý do dẫn đến sự dư thửa về đồ đạc. Chương 3 tác giả đưa ra các quy tắc vứt bỏ – chính là chương về hành động. Chương 4 là kết quả của hành động và chương 5 chính là ý nghĩa thông qua việc tối giản.
Với bố cục trình bày rõ khái niệm, nguyên nhân… cuốn sách này đã đưa người đọc đến với quan điểm về một phong cách sống và những điều tích cực có thể đến nếu sông theo cách này.

2. HÌNH ẢNH ẤN TƯỢNG

Ngay sau trang bìa là những hình ảnh đã được biên tập kỹ càng về căn phòng của chính tác giả, trước và sau khi tối giản. Ở đây độc giả có thể thấy rõ được sự đối lập giữa hai bức ảnh và nhanh chóng tìm được sự thoả mãn cho thị giác khi nhìn vào căn phòng gọn gàng khi đã được tối giản. Điều này tiếp tục thể hiện trong những tấm ảnh sau đó nữa khiến chúng ta có mong muốn được sở hưuz ngôi nhà ngăn nắp gọn gàng hơn.

3. DẪN DẮT TÂM LÝ

Ở chương 3, cuốn sách nêu ra 55 quy tắc vứt bỏ và một số quy tắc chuyên sâu hơn. Có thể thấy trong 8 quy tắc đầu, tác giả đã từng bước xây dựng tâm lý cho người muốn vứt bỏ. Từ quy tắc số 9 mới bắt đầu đi vào hành động chính là vứt bỏ. Không giống như Marie Kondo phân loại đồ dùng rõ ràng theo thể loại, tác giả Sasaki Fumio lại phân loại đồ dùng dựa trên mối quan hệ giữa chủ thể và đồ đạc. Khiến cho tâm lý vứt đồ được củng cố để vững chắc hơn.

4. KHÔNG PHÁN XÉT

Tuy đưa ra 55 quy tắc, nhưng tác giả đã không hề phán xét bất cứ ai trong quá trình tối giản. Quan điểm của anh ấy là chỉ cần sử dụng những món vừa đủ đã là tối giản rồi. Không đưa ra lời phán xét ai đã tối giản hay ai chưa… để người đọc có quyền tự lựa chọn lối sống cho mình.

5. ĐƯA RA THÔNG ĐIỆP VỀ HẠNH PHÚC

Cuối sách, tác giả đã nói, dù bạn ở căn phòng nhiều đồ đạc hay tối giản thì bạn cũng sẽ dần quen. Nhưng tối giản sẽ khiến bạn dễ dàng nhìn vào thực tại và cảm thấy sự hạnh phúc hơn. Đó không phải đích đến mà là một hành trình, một công cụ cho cuộc sống hạnh phúc của ta.

Với 5 đặc điểm trên, cuốn sách này thực sự đax tác động rất lớn đến mình sau lần dầu tiên đọc. Mình đã mua một loạt sách tối giản để đọc và sau đó quay lại đọc cuốn này lần thứ hai trước khi viết bài review này để chia sẻ với các bạn. Mong bạn nào cũng yêu sách và lối sống tối giản nói chung cùng vào thảo luận cùng mình ^^ chúc cả nhà tuần mới nhiều năng lượng!

– ‎Phạm Nguyễn Phương Nga‎

LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT

Sách tôi mua online cùng với “Mặc kệ thiên hạ, sống như người Nhật”. Đọc cuốn kia thấy ngán, giở lật vài trang này xem thế nào, mà bị bất ngờ, hay quá.

Nếu chỉ dừng ở xem bìa và đọc đoạn đầu, người ta dể tưởng làsách về bố trí sắp xếp nhà cửa, sao cho gọn gàng. Sau mới biết ko phải thế. Thực ra nó là cách tiếp cận khác của một thứ hay ho hơn. Theo ý tác giả, tức là nhờ bỏ đi nhiều thứ mà anh ta nhận ra điều gì là quan trọng nhất đối với mình.

Có vẻ hơi “ngược” một chút, khi mà thay vì mua sắm nhiều hơn, ta bỏ bớt đi, và tự nhiên lại thấy….đầy đủ hơn. Đấy là bởi vì sau giai đoạn loại bỏ, hiểu rõ cái gì thực sự cần thiết,mới ồ lên, hoá ra mình đã có tất cả những thứ mình cần, chả thiếu gì. Vì mình đã thấy đủ, nên ko cần nhìn thái độ hoặc so sánh với người khác nữa, vô nghĩa.

Thứ quan trọng nhiều khi không phải là thứ có giá trị bằngtiền cao nhất, vì thế sống tối giản ko có nghĩa giữ lại vài thứ đồ xịn và vứt đi những thứ rẻ tiền khác. Lý do chúng ta mua sắm đồ đạc nhiều hơn, đắt hơn, có thể chỉ là để khẳng định bản thân nhờ vào sự công nhận của người khác. Cơ chế “kích thích (mua để khẳng định)- quen thuộc – chán nản” hoạt động sẽ khiến ta tiếp tục mua thứ khác, để tìm kích thích mới. Do đó, những thứ đắt tiền nhiều khi là thừa thãi.

Cơ chế đó, thậm chí có thể bao gồm …sách và phim ảnh. Sasaki nghĩ rằng người trưng nhiều sách giấy, chủ yếu muốn chứng tỏ cho người khác thấy mình sâu sắc mà thôi, nên bỏ hết sách giấy (Mặc dù ấn bản tôi đọc là sách giấy, và anh ta được lợi vì bán được sách đó, haha). Tuy nhiên, điều ấy khiến tôi hồ nghi luôn cả việc Review sách hay phim có phải là cách chứng tỏ mình “sâu sắc” ko? Cho đến khi nhận ra công dụng trong ý sau này. Tức là thay vì bát nháo xem, đọc tá hỏa thì người tối giản có thể chọn sách, phim quan trọng, mình thực sự muốn tìm.

Đọc xong, độc giả có thể thấy mình đang khá phức tạp. Vứt bỏ đồ đạc bên ngoài, vứt những vướng mắc tâm trí bên trong. Điều này hoá ra là có liên quan. Bỏ bớt đi vài thứ và nhận ra vài thứ bất ngờ khác (Có lúc, tôi đã thử gạt cái màn hình laptop đen thui sang một bên, và cảm thấy quang cảnh phía trước bàn làm việc của mình cũng…đẹp ra phết. Tiếp theo sẽ là các phần mềm trong máy,bao gồm Zalo, Viber… )

Sau khi buông bỏ và cho đi, đồ đạc còn lại rất ít, đồng nghĩa với việc dọn dẹp dễ dàng hơn, người ta sẽ chăm chỉ hơn, thói quen thành lập.Ko biết thế nào chứ anh tác giả nói sau khi thực hành lối sống này, anh ta giảm 10kg, trước rất béo.

Đây là một cuốn sách giúp refresh bản thân, thực sự thú vị,như có niềm hân hoan kiểu tự nhiên sáng ra một cái gì đấy. Dù là theo tôi, tác giả thực hành cụ thể theo cách hiện đại của một tư tưởng cổ hơn (và vùi giấu đi 1 chút).

Sách nói đến một quan điểm về hạnh phúc thế này. Sự dư dả về thời gian (sống chậm sẽ thấy lâu) có liên quan trực tiếp đến hạnh phúc của con người, còn sự giàu có vật chất ko làm được điều đó. Và rượu ko phải là chất tạo nên hạnh phúc, nó chỉ làm tê liệt ngắn hạn nỗi buồn.

Nói chung, như mọi khi, phải đọc mới thấy được hết cái hay. Đây là một trong những cuốn sách hay nhất mà tôi đọc được trong năm, chắc chắn thế.

‎- Trinh T Anh

Trước khi bắt đầu viết review về Lối sống tối giản của người Nhật, mình có khá nhiều ý tưởng hay ho trong đầu, nhưng không hiểu sao khi đặt bút rồi lại tự nhiên trở nên “lơ ngơ’’, không biết nên viết như thế nào vì thực sự đây là cuốn sách truyền tải rất nhiều ý tứ xoay quanh lối sống tối giản.

Như tựa đề, vì là lối sống, nên bạn hoàn toàn có thể thấy nó thật thú vị, yêu thích nó rồi sống theo nó, hoặc không! Vì thế lời khuyên cho mọi người để cảm thấy thoải mái nhất khi đọc đấy là thứ gì hợp lý và hữu dụng với bản thân thì áp dụng, còn nếu thấy cứng nhắc thì bỏ qua, bởi như tác giả cũng đã nói, lối sống tối giản chỉ là công cụ, không phải mục đích, và không hề có chuẩn mực nào để đánh giá những điều được nhắc tới.

Mình không biết có thể để Lối sống tối giản của người Nhật vào hàng sách self-help hay không nhưng thông điệp mà nó gửi gắm thì rất thiết thực, nhất là với người trẻ, những người có xu hướng quay cuồng trong cuộc đua với những kỳ vọng của bản thân, với bạn bè, với xã hội. Lối sống tối giản của người Nhật là cuốn sách có khả năng làm nhiều người đang đọc hay đã đọc xong muốn đứng dậy và làm gì đó ngay lập tức (nhưng kiên trì được bao lâu lại là chuyện của mỗi cá nhân). Tại sao ư? Cá nhân mình nghĩ đó là do hầu hết mọi người đều nhìn thấy những vấn đề họ gặp phải hàng ngày khi tác giả nói tới những hiện tượng, nguyên nhân, kết quả,…liên quan đến lối sống tối giản.

Sasaki Fumio bắt đầu bằng việc kể về phiên bản cũ của mình trước đây. Tất nhiên như tác giả thì hơi ‘‘quá’’ thật nhưng hẳn là bạn cũng có thể nhìn thấy ‘‘bạn’’ ở đâu đó, bừa bộn, thiếu kỷ luật với bản thân, tự ti, không thỏa mãn, hài lòng với những gì mình có, thường so sánh bản thân với người khác,.. dù ít hay nhiều. Bên cạnh việc chỉ ra những diễn biến tâm lý liên quan đến nguyên nhân dẫn tới những tiêu cực mà mọi người thường gặp phải kể trên, tác giả cũng phân tích nguyên nhân dưới góc độ khoa học, rất logic mà vẫn hóm hỉnh. Ví dụ như giải thích lý do tại sao con người luôn muốn những thứ mới mẻ, không hài lòng với đồ đạc sau một thời gian,… thông qua việc phân tích ‘‘cơ cấu tìm ra sự thay đổi giữa các kích thích’’ của não bộ, hay tại sao con người có xu hướng thể hiện giá trị bản than qua đồ đạc họ sở hữu, quần áo hay xe cộ, rồi từ đó tự biến mình thành nô lệ của chính những món đồ ấy thay vì tập trung vào giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân.

Điều kỳ diệu mà lối sống tối giản mang lại được thể hiện ở phiên bản ‘’sau nâng cấp’’ của chú Sasaki, đây cũng là những điều mình thực sự cảm thấy rất tâm đắc khi học được từ cuốn sách. Lối sống tối giản mang lại thời gian, cảm giác tự do, giải phóng bản thân, giúp ta ngưng lo lắng về cái nhìn của người khác, nâng cao sức tập trung và sự thấu hiểu bản thân, tiết kiệm tiền bạc và cả bảo vệ môi trường, tạo ra lối sống lành mạnh và khỏe mạnh hơn, cải thiện chính bản thân và mọi mối quan hệ giữa người và người. Tối giản không chỉ là trong lối sống, trong việc sở hữu đồ dùng, mà còn là tối giản những mối quan hệ, những ưu tiên trong cuộc sống để ta tập trung vào việc trau dồi các giá trị quan trọng và trở thành người thành công, hạnh phúc (phiên bản tốt nhất).

Đến đây mình lại nhớ đến cuốn The one thing của Gary Keller và Jay Papasan, một cuốn sách đề cập tới thành công nhờ vào việc tập trung vào thứ bạn cho là quan trọng nhất, thiết nghĩ, tìm được điều mình coi là quan trọng nhất cũng thật là khó khi tư tưởng bị phân tán vào quá nhiều thứ, vậy thì có lẽ nên bắt đầu bằng lối sống tối giản trước nhỉ!? Tuy nhiên đối với riêng bản thân mình, thì những bài học về hạnh phúc từ sự thanh thản trong tâm hồn có được từ lối sống tối giản vẫn là có giá trị nhất.

Trong cuốn sách, chú Sasaki còn nêu rõ 55 quy tắc vắt bỏ cơ bản và 12 quy tắc vứt bỏ nếu bạn muốn…vứt nhiều hơn, vì vừa có lý thuyết lần hướng dẫn thực hành nên bạn có thể thử ngay trong lúc đọc sách đấy. Dù vậy, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận rằng thứ gì cũng có hai mặt của nó, nếu người xưa cứ sống theo phong cách tối giản thì hẳn chúng ta chẳng bao giờ có cơ hội thăm quan các kỳ quan nghệ thuật với kiến trúc tuyệt vời, nào là cung điện, lâu đài, vườn treo,…đâu :))). Tác giả cũng nói, việc đi theo lối sống tối giản cũng tùy vào đặc điểm mỗi cá nhân và hoàn cảnh sống, không phải cứ giảm hết đồ đạc mới là tối giản, giống như cá nhân mình thích giữ lại thiệp, mấy đồ linh tinh bạn bè tặng, hay mình thích giữ nhiều sách giấy hơn là ebook để mấy đứa trẻ con có thể trực quan nhìn thấy văn hóa đọc chứ không phải là một người lớn cắm mặt vào điện thoại hay laptop,…Nói ngắn gọn, biết chọn lọc để ứng dụng mới là cách học tập tốt nhất. Vì vậy mình chưa nghĩ được có lý do gì để không đọc cuốn này cả^^

À, thiết kế bìa sách đơn giản, chất liệu giấy đẹp, còn có cả khoảng gần 10 trang in màu có hình ảnh thật minh họa nữa, mình thích mấy thứ đẹp và tinh tế, yeeeeeeeeeee.

– Hoài Thương

Tóm tắt Lối sống tối giản của người Nhật

Nếu bạn nào bảo cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật” chỉ là việc dọn dẹp và vứt bỏ đồ đạc thì tôi cam đoan, một là bạn chưa đọc cuốn sách sách này, hai là bạn chỉ nghe đâu đó. Một câu rất hay của Đức Đạt Lai Lạt Ma và đó cũng là lý do mình đọc cuốn này này:
Ra đời hai tay trắng
Lìa đời trắng hai tay
Sao mãi nhặt cho đầy
Túi đời như mây bay

Chương 1: Tại sao lại có những người sống tối giản.

Tác giả nhận định những người sống tối giản luôn cảm thấy vui vẻ, mới lạ mỗi ngày. Ông trích câu của Tyler Durlen trong Sàn Đấu Sinh Tử: Rốt cuộc, chúng ta ta lại trở thành nô lệ của chính những món đồ mà ta sở hữu”. Smile. Giống câu “Chúng ta là nô lệ cho lúa mỳ” của Harari trong Sapiens. Khi tác giả thực hiện lối sống tối giản, cuộc sống của ông đã thay đổi hoàn toàn.

Ông bắt đầu bằng việc dọn dẹp nhà cửa, rửa chén bát đũa ngay khi ăn xong, vứt bớt đồ đạc cũ. Thực hiện lối sống lành mạnh: bỏ rượu bia, ngủ sớm có sức khoẻ tập trung vào công việc tốt hơn, dậy sớm nhâm nhi tách trà, tận hưởng khung cảnh thơ mộng theo từng mùa, và cảm thấy cuộc sống thật tuyệt diệu.

Lối sống tối giản không chỉ đến từ bên ngoài mà nó còn đến từ bên trong tư duy của chúng ta. Việc chọn lọc thông tin báo chí, MXH…chúng ta sẽ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống giảm bớt việc lãng phí thời gian online vô bổ.

Chương 2: Tại sao đồ đạc lại chất nhiều đến vậy?

Để trả lời cho câu hỏi này ông đưa ra rất nhiều lý do mình cảm thấy nó cũng khá thuyết phục và điển hình đúng cho đại đa số.

– Thứ 1 là do chúng ta luôn có ham muốn sở hữu những món đồ mà mình mong ước, những bộ quần áo, giày dép, túi sách mà bạn đã dự định mua khi có thưởng, khi lấy lương…Mua đợt sales, mua để đi du lịch, dự tiệc, cưới xin chúng ta mua quá nhiều và chất đầy thành núi mà vẫn thấy “chẳng có gì để mặc ra ngoài”.

– Thứ 2 là da thói quen nhanh chán chỉ khi mới mặc 2 hoặc 3 lần chúng ta đã ko còn hài lòng không cảm thấy vui thích khi được mặc nó nữa chúng ta lại vứt vào góc tủ.

– Thứ 3 do chúng ta chỉ thích những thứ mới mẻ, với sự bùng nổ của các cuộc “Cách mạng thời trang” các bộ sưa tập mới, các trend mới chúng ta cần sự thời thượng chúng ta phải mua để thoả mãn cảm giác được sở hữu của chính bản thân mình và con mắt người xung quanh.

– Thứ 4 chúng ta luôn trong trạng thái không được thoả mãn: có rất nhiều cô gái luôn trong thói quen chán nản là mua sắm, chúng ta mua nhiều hơn, mua những thứ đắt hơn với nhiều phụ nữ việc mua sắm là mang lại cảm giác vui vẻ và kích thích.

Nhìn vào thực tế xã hội ngày nay nhiều khi chúng ta thấy việc mua sắm quần áo đổi nhà đổi xe, đồng hồ, thậm chí là đổi bạn gái liên tục…có khi thoả mãn cảm giác sở hữu, hoặc các mối quan hệ làm ăn kinh doanh xã giao bắt buộc chúng ta phải mua nhiều hơn và hữu nhiều hơn.

Chương 3: 55 quy tắc vứt bỏ đồ đạc.

Chương này mình thấy có quá nhiều quy tắc cảm giác lan man và nó dường như phù hợp với cuộc sống của một người độc thân hơn là cuộc sống của người có gia đình.

Việc mời bạn bè về nhà ăn lẩu hay nướng là bất khả thi với tác giả. Vì nhà ông không có dụng cụ hay đồ nấu lẩu. Trong khi những người có gia đình vẫn sắm hàng đống dụng cụ bếp: lò vi sóng, lò nướng, bếp từ, bếp nướng, các loại đồ chơi cho trẻ…Quan trọng vẫn là cách bài trí và sắp xếp.

Việc vứt bỏ chỉ đơn giản là dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc. Những đồ hư hỏng hoặc đồ trong quá 1 năm không dùng tới thì bỏ hết đi. Bố trí lại phòng ốc sao cho khoa học và tận dụng hết không gian nhà. Những đồ không dùng tới các bạn có thể mang làm đồ từ thiện, thanh lý hoặc cho tặng những người đang có nhu cầu.

Chương 4 và chương 5: Hai chương mình thấy thật sự rất hay và mang nhiều giá trị nhất trong cuốn sách này.

Khi vứt bỏ bớt đồ đạc, chọn cho mình lối sống giảm bớt với các ham muốn sở hữu với đồ đạc…Chúng ta tập trung vào làm mình hạnh phúc từ bên trong nội tâm nhiều hơn là những đồ vật sở hữu ngoài thân. Khi không còn so sánh mình với người khác và không con sợ cái nhìn của người khác chúng ta bớt căng thăng, giảm bớt sự bất hạnh, sự ganh đua, được là chính mình và thoả mãn với những cái gì mà mình đang có.

Sau đó là việc kiểm soát lượng thông tin tiếp nhận trên facebook, Youtube…bởi vì bộ não của chúng ta như ( ổ cứng, bộ nhớ, bộ vi xử lý…) từ thời Edo cách đây 400 năm trước đã không tiến hoá thêm nữa. Việc nạp dư thừa thông tin nhất là những thông tin tiêu cực tràn lan trên MHX sẽ khiến bộ não chúng ta quá tải dẫn đến việc căng thẳng, trầm cảm và stress.

Chúng ta tối giản ngay cả trong các mối quan hệ, việc giảm bớt các mối quan hệ xã giao, chỉ tập trung vào xây dựng những mối quan hệ với những người bạn thân nhất, chúng ta sẽ biết trân trọng nhau hơn. Trên đây là tất cả những gì tác giả Sasaki đã chia sẻ với chúng ta về cách sống của ông. Bạn có thể tham khảo, còn việc lựa chọn sống như thế nào sau cùng vẫn là ở bạn…

Lời kết: “Hạnh phúc không phải là trạng thái mà bạn có thể trở nên như vậy. Hạnh phúc cũng không phải là một phần thưởng khi bạn có thể bắt chước theo đúng những kiểu mẫu có sẵn.” Về chủ đề hạnh phúc và hưởng thụ bạn có thể đọc thêm trong chương cuối của cuốn “Tư duy nhanh và chậm” của Daniel Kahneman dưới góc nhìn của một nhà khoa học tâm lý người thắng giải Nobel Kinh tế năm 2002, ông là người Mỹ gốc Israel.

– Nguyễn Minh Nguyệt