Lòng Tốt Của Bạn Cần Thêm Đôi Phần Sắc Sảo – Mộ Nhan Ca

Bạn có lòng tốt nhưng không dang tay ra giúp đỡ vì sợ bị người khác lợi dụng, sợ “làm ơn mắc oán”, sợ họ hiểu lầm lòng tốt của mình? Thật ra lỗi không phải ở lòng người, lỗi ở chính chúng ta, lỗi ở cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Bạn có đủ tinh tế, sắc sảo để nhận ra người thật sự cần lòng tốt của bạn, biết khi nào thì nên từ chối, biết cách giúp đỡ mà không làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Thông qua những mẩu truyện trong “Lòng Tốt Của Bạn Cần Thêm Đôi Phần Sắc Sảo”, Mộ Nhan Ca trao cho bạn cơ hội nhìn lại lòng tốt của mình.

Review Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo (2)

Viktor Rozov (Nhà văn, nhà viết kịch người Nga) đã từng nói: “Dòng chảy ấm áp đầy xúc động từ lòng tốt của nhân loại có thể chữa lành các vết thương tâm hồn và thể xác.” Lòng tốt là một loại lương tri, một loại bản tính, nó đứng trên cả đạo đức. Nhưng không phải ai cũng biết sử dụng lòng tốt một cách phù hợp.Và đôi khi lòng tốt của bạn cũng không được hoan nghênh mà bạn chẳng hề biết lí do. Cuốn sách “Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo” được viết bởi tác giả Mộ Nhan Ca – Một bác sĩ tâm lý lựa chọn tin vào sự ấm áp của thế giới sẽ khiến bạn hiểu sâu sắc hai chữ “lòng tốt” trong cuộc sống hiện nay.

Mộ Nhan Ca như đã chọc trúng nỗi đau ngầm của nhiều người khiến cuốn sách nhanh chóng trở thành cơn sốt tại Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Nếu bạn đang thắc mắc: “Người tốt bụng có phải là người vô dụng hay không?”; “tại sao bạn luôn đối tốt với tất cả mọi người nhưng khi khó khăn không một ai chịu đứng ra giúp đỡ bạn?” hoặc chỉ đơn giản bạn là một người tốt bụng thì tôi khuyên bạn nên đọc ngay cuốn sách này. Bởi vì ngay sau khi đọc xong bạn sẽ hiểu rằng “Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo, nếu không sẽ chẳng khác nào con số không tròn trĩnh.”

“Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo” như một gáo nước lạnh, đã hắt tỉnh nhiều người có lòng tốt nhưng không chọn lọc. Tôi biết tốt bụng là một đức tính tốt, nhưng bạn đừng ban phát lòng tốt của mình một cách bừa bãi. Ví như lòng tốt thiếu thưởng thức – Bà cụ hàng xóm giới thiệu những phương thuốc dân gian chưa qua kiểm chứng cho người bệnh. Ví như lòng tốt cưỡng ép đối phương theo kiểu ràng buộc đạo đức – Ông ta giàu nứt đố đổ vách sao phải bắt chủ xe đạp đền tiền vì va quệt vào chiếc xe xịn của ông ta. Hay lòng tốt giúp đỡ người vô tội vạ để rồi chuốc lấy hậu quả ngược – Giúp quá nhiều đến khi cần đòi lại thì bị thù ghét. Ví như lòng tốt không thông cảm cho bên bị hại mà chỉ thông cảm cho kẻ yếu – Bạn cùng phòng của bạn là người mỏng manh yếu ớt, xưa nay chưa từng làm việc nhà lại hay vứt rác bừa bãi, bạn không nhịn được bèn nổi cáu, liền có người tới nói bạn đừng chấp nhặt bạn bè, nhìn cô ấy yếu ớt như thế thì làm được gì chứ. Chính những lòng tốt như thế đã tạo ra hiệu ứng “Lòng tốt IQ thấp” khiến người ta càng ngày càng xem nhẹ giá trị của hai chữ “Lòng tốt.”

Cuốn sách với độ dài 258 trang và được chia làm sáu chương lớn như một vũ khí sắc bén khiến chúng ta biết cách đối đầu với thế giới này. Với chủ đề chính là lòng tốt nhưng tôi nghĩ ẩn sâu trong nó còn có nhiều ý nghĩa, quan niệm khác mà tác giả muốn truyền tải tới người đọc qua từng câu chữ. Chẳng hạn như sau khi đọc xong cuốn sách chính tôi hiểu ra rằng thế giới luôn đầy rẫy những khó khăn, người đời luôn rình rập để chỉ trỏ bạn, nhưng thay vì từng câu an ủi dịu dàng đôi khi chúng ta cần một chậu nước lạnh hơn. Nó sẽ khiến chúng ta tỉnh táo và ý thức được cái sai của mình mà người khác thấy rõ mồn một nhưng không muốn nói cho chúng ta biết.

Cuộc đời mỗi người mỗi khác, ai ai cũng phải tự mình trải qua. Nguyện cho tất cả chúng ta dù đi qua nhiều tổn thương nhưng vẫn giữ được đức tính tốt bụng như xưa. Nguyện cho chúng ta được năm tháng rèn giũa thêm đôi phần sắc sảo để có thể đối nhân xử thế thành thục hơn, sống ung dung hơn. Nguyện cho chúng ta khi đang khốn đốn, hoang mang, nếu đọc được cuốn sách này có thể rút ra sức mạnh từ trong câu chữ của nó, đừng nộp vũ khí đầu hàng thế giới này. Nguyện cho chúng ta đều hiểu rằng: Không cần đặt mình ở vị trí quá thấp. Thứ thuộc về mình phải tích cực giành lấy, thứ không thuộc về mình phải quyết đoán từ bỏ.Chuyện không muốn làm thì đừng ép bản thân, chuyện đã nhịn từ lâu thì không cần nhịn hết lần này đến lần khác. Đừng để người khác chà đạp giới hạn của bạn nữa. Một mực nhường nhịn hoặc lấy lòng đó không phải tốt bụng mà chỉ là thái độ nhu nhược bạn luôn không muốn thừa nhận. Nguyện cho chúng ta luôn tốt bụng nhưng phải cứng rắn.

– Giáp Hảo

Mình săn sales quyển Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo này trong 9/9, nay mới có dịp đọc. Nhâm nhi ly cà phê hết nửa buổi tối thì đọc hết cuốn sách. Đọc hết quyển này thì mình tổng kết lại như sau:

Lúc mình mua trên sách có 1 cái tem tròn “Thay vì xúp gà đôi khi bạn cũng cần một gáo nước lạnh”, đó là 1 trong những lý do mình mua về. Bàn về tác giả, Mộ Nhan Ca là một bác sĩ tâm lý người Trung Quốc nên văn phong dịch ra Tiếng Việt không tránh được có vài chỗ còn hơi hướng Trung Quốc hóa, cũng có thể là bác sĩ nên văn phong của tác giả khá khách quan. Về nội dung thì cá nhân mình thấy tác giả diễn giải khá cởi mở, lồng ghép vào những câu chuyện của bản thân tác giả lẫn mọi người xung quanh, giúp quyển sách thành những đoản văn tự sự lồng ghép những lý lẽ mà theo mình thì không mới nhưng nó đánh đúng điểm đau, và hắt tỉnh nhiều người có lòng tốt nhưng chưa có chọn lọc. Tóm gọn trong vài câu như sau: Nếu chúng ta quen khẳng định bản thân thông qua người khác, thì cũng phải sống trong cái nhìn và lời nói của người khác, đó chẳng khác nào đang dần phủ định cái tôi của bản thân. Vì sợ người khác từ chối nên không dám từ chối người khác. Cuối cùng chúng ta sẽ bắt đầu chán ghét bản thân vì quá ân cần quan tâm người khác. Phải hiểu rằng, cho phép mình từ chối người khác , mới có thể thật sự chấp nhận người khác từ chối mình.

Tóm lại thì “Thông minh là thiên phú, tốt bụng là lựa chọn.” mình đoán quyển sách này hắt tỉnh kha khá người mong muốn làm hài lòng tất cả mọi người, muốn thành “người tốt” nhưng lại quên mất tốt với chính mình, dần dà quên mất bản thân cũng có thể có thái độ, có thể có quan điểm, có thể có năng lực, và có thể sống cuộc sống mà bạn muốn. Quyển sách này không hề đề cao chủ nghĩa vị kỷ mà đàn áp chủ nghĩa vị tha, hay gay gắt quá đà làm tổn thương tinh thần đọc giả, phù hợp với những bạn trẻ tìm đọc để cân bằng nhân sinh quan của mình.

– Đỗ Huỳnh Nhi

Trích dẫn Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo

“Nếu bạn đã quen chịu thiệt,
đã quen im lặng,
đã quen để mình ấm ức,
đã quen nhận lời mọi người,
thì bạn sẽ quên mất
thật ra bạn có thể có thái độ,
có thể có quan điểm,
có thể có năng lực,
có thể sống cuộc sống
mà bạn mong muốn.”

“Nếu bạn không có khả năng chủ động chấm dứt tổn thương, thì cũng không có khả năng hưởng thụ hạnh phúc.”

“Trong cuộc sống chỉ có ba việc: chuyện của mình, chuyện của người khác và chuyện của ông trời. Phải biết rằng, bạn chỉ cần làm tốt chuyện của mình, chuyện của ông Trời bạn không quản nổi, chuyện của người khác không liên quan đến bạn.”

“Khoan dung không đồng nghĩa với vô nguyên tắc, bạn nên thoải mái nhưng cũng phải giữ giới hạn. Khi bạn biết bình thản từ chối người khác, bạn sẽ hiểu nhiều khi từ chối không phải cố ý gây tổn thương mà chỉ là thành thật bày tỏ nguyện vọng của mình.”

“CHẲNG AI CÓ TƯ CÁCH ĐẢ KÍCH BẠN NGOÀI CHÍNH BẠN

Phải chăng hằng ngày bạn đều sống trong phỏng đoán, liệu người khác có thích mình hay không?

Con người một khi hoang mang vì nỗi bất an này, có khả năng sẽ tiếp tục yếu đuối, gục ngã ngay trước mắt mọi người. Rất nhiều điều tốt đẹp cứ thế mất đứt trong nỗi bất an và yếu đuối vô nghĩa.”

“Có lúc, tốt bụng không thể thiếu khôn ngoan, nếu không, thật sự sẽ chỉ như số không. Càng là người tốt bụng, ngưỡng giới hạn phải càng cao, vậy mới khỏi dễ dãi với người khác, càng là người tốt bụng càng phải biết cách từ chối, xem như bảo vệ bản thân vậy.”

“Đúng ra giao tiếp là để cóa bỏ khoảng cách, thấu hiểu nhau hơn, bù đắp chỗ thiếu hụt của mỗi cá nhân thông qua hợp tác, nhắm phát huy sức mạnh đến mức tối đa. Thế nhưng thực tế chúng ta lại thấy toàn dự trách móc lẫn nhau hoặc chướng ngại do con người dựng nên. Có những người dường như chẳng bao giờ biết đặt mình vào vị trí kẻ khác, không hề chú ý đến việc lời nói của mình thật ra chỉ khiến kẻ xấu càng thêm táo tợn, còn người tốt thì chọn cách nhắm mắt làm ngơ để được yên thân, ép tốt bụng trở thành hèn nhát.”