Mindhunter được viết dưới góc nhìn của chính người trong cuộc – nhân viên điều tra từng làm việc cho FBI và phá hàng ngàn vụ án. Vậy nên khi đọc “Kẻ săn suy nghĩ” mọi người có thể hiểu được cách mà tổ điều tra làm việc với tội phạm, cách để hiểu được suy nghĩ của chúng, từ đó hỗ trợ phá giải những vụ án tương tự.
Review Kẻ săn suy nghĩ
“Hành vi phản ánh tính cách. Dấu hiệu tốt nhất cho thấy bạo lực trong tương lai chính là bạo lực trong quá khứ. Để hiểu được “họa sĩ”, chúng ta phải nghiên cứu “tranh” của họ. Tội ác phải được đánh giá toàn diện. Không gì có thể thay thế kinh nghiệm và nếu bạn muốn hiểu được tâm trí của tội phạm, bạn phải tiến thẳng vào tâm trí họ và học cách giải mã những gì họ nói với bạn. Và trên hết: Tại sao? + Bằng cách nào? = Ai. ”
Đặc vụ John Douglas là người đã góp phần mở ra một kỷ nguyên mới trong khoa học hành vi và hồ sơ tội phạm. Với 25 năm kinh nghiệm săn lùng một số tên tội phạm khét tiếng nhất trong thời đại chúng ta: kẻ giết người trên đường mòn ở San Francisco, kẻ sát nhân trẻ em ở Atlanta, J. Douglas đã đối đầu, phỏng vấn và nghiên cứu hàng chục kẻ giết người hàng loạt và sát thủ, bao gồm Charles Manson, Richard Speck, John Wayne Gacy và James Earl Ray, v.v.. Ông đã có một cái nhìn sâu sắc, độc đáo về tâm trí của những tên tội phạm đó. Dù có nhiều thuận lợi nhờ tiến bộ trong công nghệ, máy tính, ADN và khoa học điều tra tội phạm, song vẫn không có gì thay thế được một thanh tra giỏi, có nghĩa là chúng ta không bao giờ được loại bỏ yếu tố con người ra khỏi việc phá án. Gần đây, khi đã nghỉ hưu sau 25 năm phục vụ, John Douglas cuối cùng cũng có thể kể câu chuyện độc đáo và hấp dẫn của mình.
———
MINDHUNTER “kể” lại nhiều vụ án giết người có thật trên đất nước Mỹ và không có chi tiết nào được cho là dư thừa xuyên suốt 19 chương. Mỗi chi tiết nhỏ là một mảnh ghép của bức tranh tổng thể, cho người đọc cái nhìn sâu sắc nhất. Qua đó, MINDHUNTER sẽ đưa độc giả trở lại hiện trường của những vụ án khủng khiếp và đầy thách thức ấy.*Đánh giá cá nhân:
Đầu tiên, mình thực sự ngạc nhiên về việc đã mất bao lâu để đọc xong MINDHUNTER, cá nhân mình nghĩ rằng có thể lướt qua nó như một số tiểu thuyết khác, chỉ khoảng vài ba ngày. Nhưng không, đây chắc chắn là cuốn sách mà bạn cần phải thưởng thức từ từ, có quá nhiều chi tiết bí ẩn, bất ngờ mà người đọc cần tiếp thu và tập trung vào những gì mình đang đọc để đến được đích.
Điểm thứ hai, mình khá thích thú khi đọc lại một vài vụ án trong MINDHUNTER lần hai. Hoàn toàn bị thu hút bởi quá trình của John Douglas trong việc lập hồ sơ những kẻ giết người hàng loạt dựa trên quá khứ, tội ác và hành động của chúng, hoặc là suy nghĩ của tác giả về lý do tại sao không có nhiều “nữ giết người hàng loạt”. Trước khi MINDHUNTER được xuất bản tại Việt nam, một số vụ án trong cuốn sách này đã được dựng thành phim (series phim truyền hình kinh dị tâm lý tội phạm cùng tên trên Netflix), song mình nhận thấy rằng có nhiều tình tiết, trường hợp được sách giải thích chuyên sâu so với trong chương trình, điều này ắt sẽ khiến người đọc cảm thấy thú vị hơn.
———
Không máu me, kinh dị nhưng một số vụ án như kẻ sát nhân sông Xanh, kẻ giết trẻ em ở Atlanta,… MINDHUNTER khiến người đọc ám ảnh, rùng mình bởi không chỉ ở nước Mỹ xa xôi, ngay tại Việt Nam, nhiều kẻ ác vẫn đang hoành hành. Mỗi ngày báo chí, thời sự đều đưa các tin tức như cha giết con, chồng giết vợ, dì ghẻ giết con chồng, nạn ấu dâm, v.v.. Vậy điều gì đã khiến họ rơi vào vực thẳm của sự suy đồi? Do phim ảnh bạo lực? Do cách nuôi nấng, dạy dỗ của cha mẹ? Hay vốn dĩ do bản tính ích kỷ của con người? Các nhà tâm lý học tội phạm nói chung và John Douglas nói riêng dành cả cuộc đời họ để tìm câu trả lời, vẽ lên chân dung và thậm chí sẵn sàng bước sâu vào thế giới tâm hồn đầy méo mó của những tên sát nhân tàn bạo. Những quá khứ bi thương, nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần hiện hiện lên qua từng lời kể. Đến khi nghe xong, nó để lại một vết sẹo mãi hiện hữu và hằn sâu trong tâm trí mỗi độc giả, khiến ta cứ ám ảnh mãi.
———
Đôi khi… cái ác lại chiến thắng…Trong ba năm liên tiếp, nhiều phụ nữ và trẻ em bị giết hại, tuy nhiên phương pháp của John Douglas và đồng nghiệp chỉ đưa ra một loại nghi phạm, không thể thu thập đủ bằng chứng để bắt giữ và truy tố, đến mức có một lá thư nặc danh được gửi tới một đài truyền hình địa phương với nội dung: “Tao phải giết bao nhiêu người nữa thì tên tao mới được lên báo và được cả nước chú ý?”
Mặc dù thế, song không phải lúc nào cái ác cũng chiến thắng, Douglas cùng các cộng sự của mình cũng như cảnh sát trên thế giới đều đang cố gắng hết sức để đảm bảo số lần chiến thắng của nó ngày càng ít đi.
“Những hành động xấu xa sẽ lộ ra,
Dù đất đá có che giấu chúng khỏi mắt người.”
– Hamlet, WILLIAM SHAKESPEARE
——-
Lời kết, qua 25 năm quan sát đã cho John Douglas biết rằng tội phạm là do hoàn cảnh “tạo thành” hơn là “bẩm sinh”, nghĩa là đâu đó trên con đường trưởng thành, ai đó có thể mang đến ảnh hưởng tích cực thay vì ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, điều mà tác giả cũng như mình và các độc giả khác thực lòng tin tưởng là ngoài việc có thêm tiền, thêm cảnh sát và nhà tù, cái chúng ta cần nhất là tình thương.
– Thu Hồng Hoàng