“Mình nói gì khi nói về hạnh phúc?” là hành trình đi tìm hạnh phúc khác với khuôn mẫu xã hội, là cuộc tìm kiếm từ bên ngoài vào bên trong, từ chốn đông người tới chỗ không người, tìm từ người khác đến tìm trong chính mình. Đó là một hành trình dài, nơi bạn có thể thấy những thay đổi trong quan niệm và suy nghĩ của người viết, từ một người trẻ nông nổi và nhiệt thành, đến một người đã trưởng thành hơn, trầm lắng hơn, nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống. Bạn sẽ bắt gặp ở đây những niềm vui giản dị, những điều đẹp đẽ trên muôn dặm đường dài, những suy tư về tình yêu, về các chuyến lữ hành, về những ngày đang sống. Hơn thế nữa, đây là cuộc hành trình của những chiêm nghiệm suy tư về hạnh phúc, về mục đích cuộc sống, về thân phận con người.
Review Mình nói gì khi nói về hạnh phúc?
06:00 Am
Buổi sáng đầu tiên của tuần mới
Gió mát nhè nhẹ, gió thổi, nắng vàng ươm mình trên bóng cây bằng lăng
Đã giữa tháng Tư, hè đến rồi, nhưng cảm giác mùa xuân chưa thực sự hết…
Gió còn thổi, lá còn xanh… Luyến tiếc điều gì đó chăng?
Liệu xuân năm nay đã “sống” hết mình chưa…“It’s not how much we have, but how much we enjoy, that make happiness” (Tạm dịch: Không quan trọng bạn có bao nhiêu, mà việc bạn tận hưởng cuộc sống như thế nào mới là điều khiến bạn hạnh phúc).
Vậy có chăng “Hạnh phúc là khi thấy mình được sinh ra. Được trải qua tất cả những vui buồn sướng khổ. Được tư duy và chiêm nghiệm. Ngẫm ra, được làm người đã là hạnh phúc lắm rồi, có cần điều gì khác nữa đâu”. Không sướt mướt ngôn tình, không kịch tính gay cấn như Sherlock Holmes, không khó hiểu, không triết lí, đàm luận. Đó là những gì mà cuốn sách Mình nói gì khi nói về hạnh phúc mang lại cho bạn. Tôi đã rất ấn tượng ngay từ lần đọc đầu tiên, ngôn từ vô cùng bình dị, mang đến cảm giác ấm áp lạ thường, đôi khi cũng phải bật cười vì những chi tiết vui nào đó. Cũng là một người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tôi như được thấy bản thân mình trong những dòng viết ấy, là quê nhà, bữa ăn của mẹ, là một cái cây chẳng hạn. Giọng văn nhẹ nhàng nhưng không bị lố, thực sự rất sâu sắc.
Nói một chút về tác giả, Rosie Nguyễn, một cái tên quen thuộc, tác giả của Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Ta ba lô trên đất Á, cô là một người trẻ tràn trề năng lượng hay là “một người viết, một kẻ mộng mơ và là một người yêu cuộc sống”. Rosie là một người viết sách, blogger/Facebooker về văn hóa và du lịch, giảng viên các lớp học kỹ năng, giáo viên Yoga. Ta tự hỏi, một người phụ nữ như vậy, cũng không có những thuật phân thân như trong phim Naruto, sao có thể làm được nhiều điều đến như thế. Làm thế nào để sống thực sự theo nghĩa của nó chứ không đơn thuần là tồn tại, làm thế nào để giữ cho tâm hồn mình luôn bình yên giữa dòng đời bộn bề phức tạp này. Mình nói gì khi nói về hạnh phúc sẽ là lời giải đáp ý nghĩa nhất.
Cuốn sách gồm 3 phần chính: Phần 1 (Sống), Phần 2 (Yêu), Phần 3 (Vui) – 3 phần đó là những phần của cuộc đời chăng, mình sinh ra để sống, sống là để yêu và vui.
Mỗi phần của sách đều gồm những câu chuyện nhỏ của tác giả, buồn có vui có, rất sâu lắng và chân thành:
*Sống, Rosie khuyên các bạn trẻ tích cự vận động, chạy bộ đi, rất tốt cho tim mạch, và cả cho tâm trạng nữa. Dù cho trưởng thành, hãy cứ luôn giữ lấy nếp nhà, đó là nơi bình yên nhất trong tâm khảm mỗi chúng ta, góc sân, góc vườn, giàn dưa leo, rất đáng yêu phải không. Xa nhà là thoát khỏi vùng an toàn, tự thân tự lo, không còn được ấp ủ như ngày trước, yêu người mình muốn yêu. Yêu rồi, khóc rồi, cũng về với ba mẹ, Rốt cuộc, đi hết thế gian, nơi quay về cuối cùng nhất vẫn là nhà. Tác giả viết về Sài Gòn, không phải là một Sài Gòn đất chật người đông, nơi phồn hoa đô hội với những tòa nhà cao ốc và ánh đèn điện sáng lung linh, ồn ào, tấp nập như ta thường nghĩ, thay vào đó, Sài Gòn trong suy nghĩ của Rosie là một khoảng trời đầy nắng, đầy gió, những cây me xanh trên đường Phùng Khắc Khoan, những ngôi nhà tường vàng mái tôn, bao nhiêu cây xanh và dây leo trên đường Chu Mạnh Trinh. “Sài Gòn với tất cả những góc ồn ã và an nhiên của nó, với tất cả sự đa diện, đa sắc và đa âm thanh, tất cả những khu phố giàu sang thoảng mùi nước hoa và những xóm nước đen lấy thuyền làm nhà”.
Giữa dòng người tấp nập này, ai ai cũng muốn theo đuổi tham vọng, đam mê, có khi nào ta sống vội quá không, ta hơi ích kỷ không, có khi nào chỉ là một cuộc điện thoại hỏi thăm bố mẹ, ta cũng lơ luôn không, vì một câu nói lo lắng của mẹ mà ta lại cáu bẳn không. Ta nhận nhiều quá rồi, có phải vô cảm luôn không? Rosie khuyên mọi người hãy biết cho đi, cho đi tình yêu, cho đi nụ cười, một cái ôm, nụ hồn nồng hậu, hay cũng có thể là một cái bắt tay đầy tình cảm. Hãy luôn “ cho đi một cách hào sảng, nhận lại một cách cừ khôi ”, nhé.
*Yêu: Tác giả trải mình trong những rung động của một thời đáng yêu, những tình cảm mang chút do dự, ngập ngừng, cũng rất là khó hiểu. Thời gian rồi cũng xóa nhòa mọi thứ, tình cảm cũng vậy, rồi ta “ngậm ngùi nghĩ mình đã từng có một góc nhỏ xíu trong trái tim họ. Những người thương ta hoặc ta thương đều đã lên xe hoa. Còn mình vẫn ngược xuôi muôn lối, chẳng biết đâu là bến đỗ an lành”. Thế giới 7 tỉ người, tại sao ta vẫn cứ cô đơn, câu nói được rất nhiều bạn trẻ nói đến, cô đơn ư, thật sao, lẽ nào đời này chỉ có tình yêu sao, còn tình thân, tình bạn, còn rất nhiều điều ta vô tình bỏ lỡ.“ Hãy nhớ rằng, tình yêu đôi lứa không phải là tất cả của cuộc sống”. Phạm Lữ Ân cũng từng viết thế này: Nếu muốn nói câu “ Tôi yêu em” thì phải nói từ “tôi” trước đã. Yêu lấy bản thân mình, chăm chút cho từng khía cạnh một con người mình, cũng tin tưởng, trân trọng bản thân, có như thế, khi gặp được người mình thương, mới có thể sánh đôi đi hết chặng đường.
* Vui: Cuộc đời vẫn phải trải qua vòng quay của sinh, lão, bệnh, tử. Nhiều người khi nghĩ đến cái chết, vẫn thường cảm thấy rất sợ hãi, hoang mang, như là một mất mát lớn không thể nào đền bù nổi. Nhưng vẫn còn điều đáng sợ hơn cái chết là sống trong một tâm hồn tàn lụi, xuân hạ thu đông, bốn mùa cứ thế luân chuyển, càng lớn càng nhận ra thời gian lại trôi nhanh hơn, cứ như thúc giục ta hãy sống đi, cống hiến đi, tận hưởng đi, để không phải hối tiếc. Tác giả khuyên bạn đọc hãy đi thật nhiều, một chuyến đi ngẫu hứng cũng được, miễn là ra khỏi nhà, rời khỏi màn hình laptop, hãy đi và trải nghiệm. Suy cho cùng, thì chẳng có chuyến đi nào là vô nghĩa cả. Dù có đơn độc hay không, thì khi trở về, chắc chắn chúng ta sẽ can trường hơn.
“Life is about the little things”, cuộc sống là từ những điều nhỏ nhặt, hạnh phúc cứ ngỡ như xa tận chân trời mà lại gần ngay trước mắt. Hạnh phúc là thứ cảm xúc vô hình ta không thể nhìn thấy, nhưng lại thù hình thành nên những điều đơn giản xung quanh, mà chỉ khi ta thực sự hài long với cuộc sống này mới có thể nhìn thấy bằng trái tim. Nhiều người nghĩ hạnh phúc là tậu được xe hơi, một căn biệt thự xịn xò, trúng vé số 10 tỉ, có vẻ lớn lao quá. Ăn một bữa ngon, ngủ một giấc ngon cũng là hạnh phúc đấy, tình cờ nghe thấy bài hát mình thích phát trong quán cafe, được đồng nghiệp chờ thang máy, cũng là hạnh phúc… có ti tỉ những điều như vậy, ta gọi đó là những điều nhỏ nhặt, mỗi điều nhỏ nhặt đó lại là một hạnh phúc lớn.Mình nói gì khi nói về hạnh phúc sẽ là một lựa chọn không tồi trong những ngày nghỉ học, nghỉ làm để chống dịch như thế này. Cuốn sách là tiếng lòng của tác giả, những chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu sống. Cuốn sách còn là món ăn tinh thần cho những ai đang cảm thấy mông lung giữa cuộc đời, cho những ai đang mải mê theo đuổi những ước mơ xa xôi, cho những ai đang đứng trước những ngã rẽ, không biết lựa chọn của mình đúng hay sai.
Hạnh phúc của tôi là được nhìn thấy người mình yêu thương khỏe mạnh, là được về nhà, ăn bữa cơm mẹ nấu, có món mình thích, được nằm dài trên chiếc sofa xem TV, sáng sớm còn cò thể nán thêm vài phút ngủ nướng, nghe tiếng mẹ lọc cọc chuẩn bị đồ ăn trong bếp, tiếng ba ngâm nga mấy câu hát bolero. Còn bạn thì sao?
Ta sẽ nói gì khi nói về hạnh phúc đây, bạn nhỉ?
– Hồ Hạnh Dung
Trích dẫn Mình nói gì khi nói về hạnh phúc?
“Chúng ta vẫn thường trầm trồ về những nhân vật xuất sắc, thành công, những người nổi tiếng, hào quang rực rỡ. Chúng ta vẫn thường like và share những lời nói ‘sốc hàng’, những nhận định mạnh miệng, những câu đao to búa lớn sắc sảo tự tin. Chúng ta vẫn thường chú ý đến những gì nổi bật, hào nhoáng, rực rỡ, khác thường. Nhưng chúng ta thường quên đi vẻ đẹp của những người bình thường giản dị.
“Có những người chỉ sống thôi đã là một can đảm.”
“Trời bão là còn có thể ngủ ấm bên ba má. Một trong những ngày trời bão nào đó, bốn người nhà mình cùng chui trong một chiếc giường, mình và thằng em mình ngủ ngon lành trong vòng tay ba má. Buổi sáng, mãi đến 9h mới thức dậy, ba má vẫn còn trên giường không phải tất bật đi làm như thường ngày. Bốn người vừa quấn chăn nhìn ra bầu trời mù mịt ngoài cửa sổ vừa thủ thỉ những câu chuyện nho nhỏ. Bởi đó là trong một lần hiếm hoi mình cảm nhận hạnh phúc của một gia đình quây quần, đủ ba đủ má trong suốt những tháng ngày dằng dặc ba đi làm xa” Cô bé hồn nhiên kết luận về niềm hạnh phúc của mình một cách vô tư và ngắn gọn thế đấy nhưng đủ đong đầy bao cảm xúc, bao điều thiêng liêng.”
“Chúng ta không nên sợ hãi sự cô đơn. Ngay cả khi đắm chìm trong tình yêu hoàn hảo nhất, cũng có đôi lúc người ta cảm thấy lẻ loi. Cô đơn là bản tính của con người.”
“Mình muốn khoảnh khắc này tiếp diễn mãi mãi. Khoảnh khắc của những điều đẹp đẽ tuyệt vời. Khoảnh khắc thấy mình gần với Phật tánh bên trong mình. Khoảnh khắc thấy mình là một phần của một cái gì đó lớn hơn, vĩ đại và đầy ý nghĩa.”
“Hạnh phúc là khi thấy mình trong gương và mỉm cười, thấy thích con người của mình trong hiện tại, khi thấy mình còn đủ trẻ để thử những điều mới, đủ trẻ để bỏ đi làm lại từ đầu. Thấy mình được sống theo cách mà mình muốn…”
“Hạnh phúc là chỉ cần khi nghĩ về ai đó, thấy trong lòng lấp lánh những niềm vui, thấy có một lí do để mỉm cười, thế là đủ.”
“Hạnh phúc khi thấy mình được sinh ra. Được trải qua tất cả những buồn vui sướng khổ. Được tư duy và chiêm nghiệm. Ngẫm ra, được làm người đã là hạnh phúc lắm rồi, có cần điều gì khác nữa đâu.”
“Ừ thì người ta luôn cần sức mạnh để cho ai hay điều gì đó bước vào đời mình, và rồi cũng cần sự can đảm tương tự để buông tay. Mỗi sự kết thúc luôn là dấu hiệu tái sinh của một điều mới.”
“Điều mình muốn nói là, thế giới đã có rất nhiều những người tài năng, những người thành công xuất chúng. Nhưng hơn bao giờ hết, trái đất này cần những người tử tế.”
“Chẳng có cớ gì để em không hạnh phúc!”