Tựa đề Mọi cái tên (All the name) nhưng tiểu thuyết chỉ có một nhân vật chính: Senhor José (ông, anh José). Một cái tên không đầy đủ, chẳng khác một người vô danh vì José là viên thư ký hạng bét trong Phòng đăng ký trung ương. Sự tồn tại của anh cũng vô nghĩa như những hồ sơ ở ngăn kéo dành cho người chết, trong mê cung của kho lưu trữ, nơi các kệ hồ sơ cao ngất tận trần nuốt chửng hàng triệu cái tên.
Niềm vui duy nhất của viên thư ký là sưu tầm thông tin về người nổi tiếng. Thế rồi một ngày nọ, lọt vào tay anh ta tờ khai của một phụ nữ bình thường. Điều đó bắt đầu cho một sự phá vỡ nguyên tắc, anh quyết định đi tìm người phụ nữ này là ai.
Review (2)
Tựa đề Mọi cái tên (All the name) nhưng tiểu thuyết chỉ có một nhân vật chính: Senhor José (ông, anh José). Một cái tên không đầy đủ, chẳng khác một người vô danh vì José là viên thư ký hạng bét trong Phòng đăng ký trung ương. Sự tồn tại của anh cũng vô nghĩa như những hồ sơ ở ngăn kéo dành cho người chết, trong mê cung của kho lưu trữ, nơi các kệ hồ sơ cao ngất tận trần nuốt chửng hàng triệu cái tên.
Niềm vui duy nhất của viên thư ký là sưu tầm thông tin về người nổi tiếng. Thế rồi một ngày nọ, lọt vào tay anh ta tờ khai của một phụ nữ bình thường. Điều đó bắt đầu cho một sự phá vỡ nguyên tắc, anh quyết định đi tòm người phụ nữ này là ai.
Cuộc tìm kiếm người phụ nữ vô danh của José vừa loanh quanh, vớ vẩn, vừa đầy nghiêm trọng đến mức xáo trộn cuộc sống hèn mọn của anh. Hiện lên một José chất phác và trí trá, rộng lượng và thù vặt, liều lĩnh và hèn nhát. Và bộ máy quan liêu của Phòng đăng ký trung ương, những bộ máy quan liêu khắp xó xỉnh trên hành tinh này phải chăng đang từng ngày nuốt chửng con người?
Saramago sử dụng những đoạn lê thê kiệm dấu câu, có thể làm người đọc nản lòng, nhưng một khi đã bị mê hoặc, bạn sẽ thấy quen thuộc như những suy nghĩ thiếu mạch lạc trong tiềm thức hay những câu thoại miên man ta vẫn nói hàng ngày.
Tài năng của ông biểu hiện ở sự khám phá mới cho thực tại tưởng như nghèo nàn; kết nối nghiêm trang với hài hước, dài dòng với súc tích, khoa trương với nghiêm nghị.
Mọi cái tên là câu chuyện giản dị về một người đi tìm một người khác. Và không điều gì trên đời quan trọng hơn điều đó.
Đánh giá: 9/10
– TT-Diễm Quỳnh
Không gian vô tận của José Saramago
Nhà văn xứ Bồ Đào Nha, José Saramago, gọi cuốn Mọi cái tên (Todos os Nomes) của ông là câu chuyện giản dị nhất trong mọi chuyện. Câu chuyện của một người đi tìm một người khác, vì cuộc sống chẳng có gì quan trọng hơn. Mọi cái tên có sự hiện diện của mọi người đã và sắp sinh ra trên đời này. Nhân vật duy nhất có tên cụ thể trong tác phẩm là Senhor José, một cái tên không đầy đủ.
Senhor José là viên thư ký hạng bét trong Phòng Đăng ký Trung ương, nơi giữ hồ sơ khai sinh, hôn thú và khai tử của mọi người. Người chết và người sống đều nằm trên những ngăn kệ trong Phòng Đăng ký, nơi có vị trưởng phòng được nhắc đến như chúa trời toàn trí toàn năng, “bộ óc của Trưởng phòng không những biết tên của tất cả mọi người hiện đang sống và đã chết, ông ấy cũng có thể nói tên của mọi người sẽ sinh ra từ nay đến khi tận thế ” [2] . Nằm trong một toà nhà cổ mênh mông và sâu thẳm, có mặt tiền giống như mặt tiền của Nghĩa trang thành phố, Phòng Đăng ký thỉnh thoảng lại được nới dài thêm – đến vô tận – để có thể chứa tất cả hồ sơ của mọi người đã và sẽ sinh ra. Với những hàng kệ hồ sơ cao ngất ngưởng, bụi phủ và nhện giăng trong những khu ít lai vãng, Phòng Đăng ký không trang bị các tiện nghi hiện đại, không máy vi tính hay máy đánh chữ, và nhân viên trong phòng vẫn còn dùng ngòi bút và lọ mực để ghi chép hồ sơ. Thú vui duy nhất trong cuộc sống công chức nhàm chán của Senhor José là làm bộ sưu tập chi tiết về cuộc đời của những người nổi tiếng. Một hôm tình cờ bắt gặp tờ khai sinh của một thiếu phụ vô danh, Senhor José quyết định đi tìm nàng. Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa đối với Senhor José nếu anh không đi tìm người phụ nữ đó. Mọi cái tên dẫn người đọc vào cõi không gian vô tận, về nỗi cô đơn mênh mang cùng cực của cuộc sống, vì những sự kiện ngẫu nhiên sẽ thay đổi toàn bộ cuộc đời chúng ta.
Câu văn của Saramago đủng đỉnh, thường có nét lừng khừng, rất đáng sốt ruột, nhưng dí dỏm. Trong cùng một câu viết, người đọc có thể thấy Saramago vừa đóng vai nhân vật trong truyện để mô tả sự kiện đang xảy ra, vừa là kẻ bàng quan chen lời bình phẩm của hắn vào giữa dòng, nhân vật và tác giả luôn luôn chuyển đổi vị trí. Ẩn giữa hai dòng chữ, Saramago để lộ nụ cười tinh quái của ông, và dường như trong khi đọc sách, những sự việc được mô tả mơ hồ giữa hai dòng chữ thường là những điều gây ấn tượng nhất. Saramago dễ chuyển từ một suy nghĩ nghiêm trang sang lời nói kề cà như đùa bỡn, từ những câu nói khoa trương sang một ý niệm súc tích, khiến người đọc phải dừng lại, rồi vội vàng đọc tiếp, hoặc quay ngược lại đoạn trước, để nắm bắt cái tinh tế và đôi khi ranh mãnh của tác giả. Đùa cợt hoặc mỉa mai, ông có thể đặt một quan sát thô kệch ngay trước một ý tưởng lãng mạn, chẳng hạn, “anh nhìn đôi vớ mạng cũ của mình, quần đã mất nếp ủi và hơi rút lên, ống chân xương xẩu trắng trẻo của anh có vài sợi lông thưa thớt. Anh cảm thấy thân mình chìm vào mặt lõm mềm mại do một thân người khác để lại trên nệm ghế và lò xo, Cô ấy sẽ không bao giờ ngồi đây nữa, anh thì thầm”.
José Saramago là nhà văn hà tiện dấu chấm. Phép ngắt câu của ông không có dấu chấm hỏi, chấm than, chấm phẩy, hoặc một loạt dấu trên bàn phím của thời hiện đại, [email protected]#$%^&*(){}[]|<>. Dường như khi cuộc sống trở nên phức tạp hơn, người ta phải tạo ra nhiều ký hiệu hơn để diễn tả nó, để tách một sự kiện này với một sự kiện khác. Saramago thách thức những phức tạp đó bằng cách tối giản các dấu hiệu dùng để phân cách các cụm từ. Ông trình bày tất cả các vấn đề đang xảy ra trong một khoảnh khắc của tâm trí bằng cách gom tất cả sự việc đó vào một câu viết. Vì thế trong cùng một câu, Saramago có thể tả chồng chéo các tâm trạng của một nhân vật, vui, buồn, nói, cười, trầm tư, hốt hoảng…, như chiều sâu khôn dò của bức tranh chân dung lập thể vẽ cùng một người với nhiều khuôn mặt gối lên nhau, hốt hoảng, trầm tư, cười, nói, buồn, vui… Trong một sát na ngắn ngủi, dường như quả thật chúng ta là tổng hợp của những trạng thái tâm lý mâu thuẫn đó.
Saramago đưa nhịp điệu của đối thoại vào văn viết. Mở một tác phẩm của ông ra, độc giả thường phải đọc lớn thành lời các câu văn, khi đó họ dễ hiểu rõ hơn những gì ông viết. Nhịp điệu của câu văn là phương tiện chính để Saramago chuyên chở ý nghĩa của những điều ông muốn bày tỏ, tạo không khí cho người đọc đi vào thế giới của ông. Chúng ta hãy xem ông viết về cuộc đối thoại giữa vị Trưởng phòng tự tin đến mức độc đoán và Senhor José: “Trưởng phòng hỏi Senhor José chính xác như sau, Anh ốm hả, Tôi không nghĩ vậy, thưa ông, Ôi dào, nếu anh không ốm, anh giải thích làm sao về mức làm việc kém cỏi của anh dạo này, Tôi không biết, thưa ông, có lẽ vì tôi ngủ không yên giấc, Nếu thế thì anh ốm rồi, Không, tôi chỉ ngủ không ngon lắm thôi, Anh ngủ không ngon là vì anh ốm, một người khoẻ mạnh luôn ngủ ngon, trừ phi anh ta có điều gì đè nặng lên lương tâm, có một lỗi lầm đáng khiển trách nào đó, loại lỗi lầm mà lương tâm anh không thể tha thứ, vì lương tâm là quan trọng nhất…” Truyện của ông lạ lùng khi đọc thầm bằng mắt, nhưng lại rất gần gũi khi đọc thành lời, quen thuộc như những suy nghĩ thiếu mạch lạc trong tiềm thức hay những câu đối thoại miên man chúng ta vẫn nói hàng ngày.
Vì thế, đọc Saramago là một thách đố và cũng là niềm thích thú lớn. Saramago đòi hỏi người đọc phải cảnh giác và nhậy bén, vì mức độ đậm đặc và sâu thẳm trong câu viết của ông có thể làm chúng ta lạc lối, vừa lo ngại, vừa thú vị, vừa tò mò như đang bước vào mê hồn trận. Saramago ít khi xuống hàng để qua một đoạn mới. Một đoạn văn của ông có thể dàn trải qua rất nhiều trang, chỉ chấm dứt khi hết mạch suy nghĩ hoặc hết những ý niệm lan man có liên quan đến mạch suy nghĩ đó. Người đọc rất dễ mệt nhoài vì những đoạn văn dường như không dứt, những câu dài rất ít dấu ngắt câu. Cấu trúc suy nghĩ của người Việt hình như khác với người Âu, nhịp điệu trong câu nói tiếng Việt khác với sự hài hoà trong câu nói Tây phương. Trong khi đó, người dịch phải tái tạo được nét mê hoặc và liền lạc trong mạch suy nghĩ của Saramago, hoặc của nhân vật, như chuyển những nốt nhạc của nhạc cụ mang tên Saramago sang khung nhạc của một nhạc cụ khác, và nên nói trước là việc này không phải lúc nào cũng có thể thành công.
Trong diễn văn đọc nhân buổi nhận giải Nobel năm 1998, ông khiêm tốn nhận mình là kẻ tập sự, là học trò của các nhân vật trong truyện của mình. Rồi trong quá trình xây dựng lên, hoặc kể lại, các nhân vật trong tiểu thuyết của mình, Saramago nhập vào họ, để được họ dẫn dắt và đồng hoá với họ. “Tôi tin rằng không có họ tôi sẽ không là người như tôi hôm nay; không có họ có lẽ đời tôi đã không hơn một phác thảo lệch lạc, một hứa hẹn như bao lời hứa vẫn chỉ là hứa hẹn, sự hiện hữu của một kẻ có thể đáng lẽ là nhưng chung cuộc không thành” . Ông tìm kiếm và đi cùng các nhân vật trong tác phẩm để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Truyện của ông kể về những người rất thật, thật như chúng ta, tự tin như chúng ta về sự hiện hữu của mình, rồi cùng lúc đó, từ góc nhìn của nhân vật trong truyện, ông tiết lộ những dối trá và những điều hư ảo của kiếp người.
Từ một truyện giản dị không có truyện về những hành động ngẫu nhiên của một kẻ rất tầm thường như trong Mọi cái tên, đến một truyện đầy điển tích về một kẻ mang nặng nỗi thống khổ lừng danh và gây nhiều tranh cãi như Phúc âm theo Chúa Jesus, đến một truyện với các tình tiết siêu thực, vừa phi lý vừa tàn nhẫn như Mù loà, cái hấp dẫn chính của Saramago không ở cốt truyện, mà ở sự tinh tế và cách ông cùng người đọc thám hiểm, mò mẫm vào một không gian bao la, nơi có những điều giản dị sâu sắc như cổ tích. Trong Mù loà không nhân vật nào được mang một cái tên, Phúc âm tràn ngập tên các thánh trong vòm trời Ki-tô, Mọi cái tên chỉ thấy một Senhor José lạc lõng. Nhưng độc giả luôn gặp một Saramago tác giả lấp ló đây đó, như thể ông đã chợt biến thành một Saramago nhân vật trong truyện bước ra xem chúng ta ngồi đọc cuốn tiểu thuyết của hắn. Chúng ta bỗng trở thành những tấm thẻ trong bộ danh mục của Phòng Đăng ký Trung ương, đến một ngày nào đó tấm thẻ của chúng ta sẽ trôi dần đến cuối hàng kệ, và rốt cuộc Senhor José sẽ mang chúng ta vào phía cuối của toà nhà.
Senhor José trong Mọi cái tên hoà nhập vào José ngoài đời với vô số góc cạnh được tô vẽ thêm. Chúng ta thấy một José chất phác và trí trá, chân thật và thủ đoạn, rộng lượng và thù vặt, liều lĩnh và hèn nhát. Mê hồn trận trong Phòng Đăng ký Trung ương khiến người đọc liên tưởng đến những chiều kích ảo hoá của Franz Kafka và Jorge Luis Borges, hay thật ra, đó là thực tại chúng ta đang sống. Ngọn đèn trong Phòng Đăng ký Trung ương gợi nhớ đến con mắt kiểm soát ngày đêm trong 1984 của George Orwell, hay thật ra, đến những ràng buộc ngột ngạt trong cuộc sống hiện nay. Bộ máy quan liêu của Phòng Đăng ký Trung ương luôn luôn chờ chực để nghiến nát Senhor José của Saramago, như bộ máy quan liêu trên khắp các xó xỉnh của hành tinh nhỏ bé này mỗi ngày nuốt chửng chúng ta.
Saramago cho chúng ta biết Senhor José – cái tên José đơn giản như mọi tên gọi, như José Saramago, như mọi thằng Văn, con Thị – phải từ trong truyện bước ra tìm sợi chỉ Ariadne của chính mình để đi trong mê cung khô khan và lạnh lẽo của cuộc sống. Cuộc sống của một kẻ tầm thường sẽ trở nên có ý nghĩa và trọn vẹn trong cõi không gian vô tận này, miễn là họ có đi tìm, miễn là chúng ta có đi tìm.
– Phạm Văn (3.2008)