Ngay lần đầu ra mắt, Một Con Người đã khiến nhiều độc giả choáng váng khi khắc họa một cách trực diện đến tàn nhẫn ngày cuối đời của một trí thức đồng tính. George, một giáo sư văn chương Anh, đang nỗ lực tìm lại cân bằng sau cái chết bất ngờ của người bạn đời. Anh quyết duy trì nếp sống cũ, và điềm nhiên quán sát nhân sinh như một kẻ ngoài cuộc. Nhưng bên dưới nhịp sống bình lặng ấy là sục sôi giận dữ, cô đơn tột bực, và đau đớn khôn cùng…
Review (2)
Một con người – câu chuyện về những tầng cô độc
Một con người của Christopher Isherwood ra mắt độc giả những năm 1960, khi mà xã hội vẫn hướng về tình yêu đồng tính những cái nhìn dè bỉu, khinh miệt. Cuốn tiểu thuyết khắc họa một ngày George, một giáo sư dạy môn văn học Anh, đang chênh vênh, hụt hẫng khi mất đi người bạn đời mà ông hằng yêu quý. Ông vẫn đi làm, nói chuyện phiếm, lái xe đi dạo… nhưng bên dưới vẻ tĩnh lặng thường ngày ấy là sự cô đơn tột bực, đau đớn khôn nguôi. Tiêu đề cuốn sách nguyên gốc, A single man, không những thể hiện nét đơn độc, một mình mà nội hàm còn chứa sự lạc lõng của một cá thể dị biệt trong xã hội. Sự đơn độc đến từ việc người thân thiết bao năm bên cạnh nay bỗng không còn nữa, và cũng đến từ xã hội luôn kì thị người đồng tính khi nhân vật George vừa muốn công khai giới tính của mình, vừa bất an không chắc người ngoài sẽ đánh giá mình như thế nào. Đây cũng chính là những gì tác giả băn khoăn vì ông cũng là một người đồng tính. Năm Isherwood 49 tuổi, ông đã phải lòng Don Barchady – một chàng sinh viên trẻ ở Los Angeles mới chỉ 18 tuổi, và họ sống bên nhau cho đến khi Isherwood qua đời. Mối quan hệ của họ đã gặp nhiều sóng gió, đỉnh điểm là vào năm 1963 khi Isherwood dọn ra ngoài sống riêng vì lý do ghen tuông. Giai đoạn tăm tối này đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho tiểu thuyết Một con người, ra đời chỉ một năm sau, trong đó Isherwood đã “kết liễu” nhân tình trẻ của mình và sống đơn độc trong căn nhà chung của họ.
Bản thân Christopher Isherwood thừa nhận cuốn sách là tiểu thuyết ông yêu thích nhất trong số 9 tiểu thuyết của ông. Edmund White, một trong những nhà văn nổi bật nhất và đáng trọng nhất của văn học đồng tính, đã gọi Một con người của Isherwood là “khuôn mẫu văn chương hàng đầu của phong trào Đồng tính”.
– Ngân Nga Hoàng
Mình muốn đọc cuốn này bởi lời giới thiệu của Tao Đàn về Christopher. Giới thiệu như sau: “Christopher Isherwood là một nhà văn đồng tính, và trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông mang chủ đề này có tiểu thuyết Một Con Người. Năm Isherwood 49 tuổi, ông đã phải lòng Don Barchady – một chàng sinh viên trẻ ở Los Angeles mới chỉ 18 tuổi, và họ sống bên nhau cho đến khi Isherwood qua đời. Mối quan hệ của họ đã gặp nhiều sóng gió, đỉnh điểm là vào năm 1963 khi Isherwood dọn ra ngoài sống riêng vì lý do ghen tuông. Giai đoạn tăm tối này đã trở thành chất xúc tác mạnh cho tiểu thuyết Một Con Người, ra đời chỉ một năm sau, trong đó Isherwood đã “kết liễu” nhân tình trẻ của mình và sống đơn độc trong căn nhà chung của họ.”
Nếu như dùng ba tính từ để mô tả cuốn sách này. Thì thoả đáng nhất, có lẽ là như Stephen Spender nói: Tàn khốc, nhức nhối và tuyệt diệu.
George là một giáo sư văn chương Anh. George hiện tại ở tuổi trung niên; còn George trong quá khứ từng có một tình yêu đắm say với một chàng trai tên Jim. Nhưng sau đó, Jim chết trong một tai nạn xe, để lại George một mình trong căn nhà cả hai đã cùng ở, chịu đựng những người hàng xóm và lũ trẻ con một mình. Tự xoay sở một mình. Và tự ăn trứng chần cho bữa sáng một mình.
George giống người mắc chứng phản xã hội. Gã có cái nhìn thấu suốt về mọi việc và đảm bảo rằng trí óc của mình phải luôn được hoạt động, nhưng các suy nghĩ của gã phần lớn đều cực đoan. Gã thích đứng bên ngoài và quan sát, không tỏ thái độ rõ ràng, nhưng trong lòng hoặc là phản đối, hoặc là khinh bỉ, hoặc là căm ghét những người và những việc khiến gã cảm thấy phiền hà. Gã nhận thức rất rõ ràng rằng mình đang phải đeo lên một cái mặt nạ – mặt nạ “giáo sư George”, để những người ở trường học công nhận và tiếp thu gã vào thế giới chung của họ. Và vì nhận thức rõ điều đó, gã càng mệt mỏi và cáu bẳn hơn. Gã chẳng thể làm gì để kéo mình ra khỏi thế giới hổ lốn này và tìm một người có thể hiểu những gì gã nói.
“Một con người” là một tác phẩm rất u ám. Xuyên suốt cả câu truyện, không hề có một gam màu tươi sáng nào. George sống, theo mình nghĩ, như một bóng ma vậy. Gã ủ rũ, cau có, stress, cố chuốc say mình, cố làm cho mình tỉnh táo, và ép mình nhớ về Jim. Vì Jim “là cuộc đời mình”. Gã thậm chí còn biết người hàng xóm gần nhà kì thị đồng tính và gọi gã bằng mấy từ lóng, nhưng gã mặc. Đối với George, dường như chẳng còn gì là quan trọng nữa. Cuộc sống trước kia của George khi có Jim không được nhắc tới nhiều. Chỉ là những mảnh kí ức vụn vặt. Như việc Jim và George từng cùng ngồi đọc sách, việc Jim và George từng muốn mua một quán rượu và chung sống ở đó, vừa bán vừa uống, và kể cả việc, Jim và George phản bội lẫn nhau.
Thú thực khi bắt đầu đọc cuốn sách này, mình đã bị phân tâm. Những đoạn văn mang nặng quan điểm cá nhân và đề cập tới những nhà thơ, danh nhân mình không biết đã khiến mình bị rối một lúc và nhiều lần lâm vào trạng thái không xác định được bản thân đang đọc cái gì; vậy là phải đọc lại một lượt, một lượt nữa. Nhưng càng đọc, mình càng bị cuốn vào nó – thậm chí là bị lôi cuốn bởi những thứ mình không hiểu nổi. Đây không chỉ là câu truyện về một người đồng tính và sự tàn khốc của thế giới đối với anh ta – mà là sự tàn khốc của thế giới đối với tất cả mọi người. Và George, gã nhìn thấy sự tàn khốc đó. Gã xót thương cho chính cái thân thể già nua của mình, số phận bạc bẽo của mình, và xót thương cho bạn bè mình – thậm chí là tình địch cũ – người từng muốn cướp Jim ra khỏi gã, nhưng giờ đang phải nằm im lặng và cô đơn trong bệnh viện một mình.
Jim từng phản bội George. Rõ ràng, tình yêu của họ là một tình yêu trắc trở. Và George, đã kín đáo lên án cái tư tưởng chết dẫm “chỉ có nam nữ mới có thể yêu nhau một cách chính đáng”, qua cách đánh giá Doris – tình địch cũ của mình.
“…George phải bước sang bên, cúi đầu mà hàng phục trước đặc quyền phái nữ, mà vùi cái cúi đầu trái tự nhiên của gã vào tủi hổ. Ta là Doris. Ta là Đàn Bà. Ta là Quỷ cái mẹ thiên nhiên. Nhà thờ, luật pháp và bang tồn tại để ủng hộ ta. Ta đòi quyền lợi sinh học của mình. Ta đòi hỏi có được Jim.”
George yêu Jim không? Tất nhiên là có. Dù phát hiện ra Jim phản bội mình, gã khi ấy cũng đã rộng lượng nghĩ rằng, hãy cứ để Jim khám phá cái mới mẻ. Bởi vì em sẽ sớm chán nó. Và em sẽ quay về bên gã. Và quả thực, em đã quay về. Và sau đó lại ra đi mãi mãi, bỏ gã George ở lại một mình mãi mãi.
Jim có yêu George nhiều như George yêu Jim không? Thật khó để xác định điều này, vì Jim đã chết rồi. Nhưng có một chi tiết mình nhớ mãi. Ấy là khi bạn của hai người nói chuyện với George. Cô ấy hỏi George rằng còn nhớ chuyến đi tới San Francisco của bọn họ không? Khi đó Jim đã không thể đi cùng. Và lúc cô cùng George vào xe, Jim đã nói với cô rằng, “Hai người hãy chăm sóc cho nhau.”
Cũng khó để xác định vì sao đột nhiên người bạn kia lại nói vậy – có lẽ cô muốn níu kéo George? Có thể lắm. Nhưng giả sử, giả sử Jim biết rằng hai tháng nữa, cậu sẽ chết trong một vụ tai nạn xe, và George sẽ phải ở một mình, thì đây giống như một lời gửi gắm. Có lẽ cậu không muốn George bơ vơ. Trong một thoáng, mình nghĩ rằng vụ tai nạn xe đó của Jim một phần cũng bởi cậu đã chán cái thế giới này – những gièm pha và độc địa của nó. Chắc là như thế, nên sau đó, George mới phát điên đến mức đổ lỗi cho tất cả mọi người về cái chết của Jim, và nảy ra hàng tá suy nghĩ tra tấn, dằn vặt họ chăng?
“Một con người” đối với mình là một cuốn khó đọc – thật sự, mình hiện tại vẫn không thể hiểu hết được nó. Nhưng mình hiểu được phần nào nỗ lực và sự “sục sôi giận dữ, cô đơn tột bực, và đau đớn khôn khuây” của George. George biết rằng mình không thể quên Jim. Vì Jim là cuộc đời gã. Nhưng mặt khác, gã cũng ý thức được rằng, nếu như không quên Jim và quá khứ, gã sẽ không thể sống tiếp được. Và có lẽ gã đang muốn tìm “một Jim khác” ở đây. Một cậu trai giống như Jim, hay như cậu học trò Kenny đã tới nhà và chơi trò ve vãn với gã. Hay ai đó. Nhưng ai mà biết gã sẽ làm gì. Có thể gã sẽ chỉ chết.
Hoặc gã sẽ sống tiếp. Hoặc chết. Hoặc tự tách rời linh hồn khốn khổ của mình ra khỏi thể xác hòng trốn tránh hiện thực. Ai mà biết được.
Tổng kết: một cuốn khó đọc, nhưng đáng đọc.
- Nguyen Viet Ha