Muôn kiếp nhân sinh phần 2 tiếp tục vén bức màn bí ẩn về hành trình bất tận của những linh hồn qua muôn vàn kiếp sống, sự thức tỉnh từ cõi chết để tìm ra con đường chuyển hóa nghiệp quả bằng cuộc cách mạng chuyển đổi tâm thức – Con đường minh triết có thể cứu lấy thế giới đang đứng trước những biến động và hiểm họa khôn lường.
Review Muôn kiếp nhân sinh 2
CẢM NHẬN CUỐN SÁCH MUÔN KIẾP NHÂN SINH 2 – NGUYÊN PHONG
Trời mưa, tôi đang ngồi thưởng thức bản giao hưởng số 6 của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven và viết những dòng này. Hôm nay là một ngày thong dong, tôi đọc sách, mệt thì nằm ngủ, dậy lại đọc sách và lại ngủ khi mệt. Ngày hôm nay cũng có vài điều thú vị với tôi, nằm mơ vài giấc mơ lạ lùng và cảm xúc, trời mưa đột ngột sau nhiều ngày đầy nắng làm tôi có cảm hứng đi dọn nhà, còn âm nhạc cổ điển là thứ lại được nhắc đến trong một cuốn sách.
Nếu như cả nhà có theo dõi thì biết Ngọc Anh đang duy trì nghe nhạc cổ điển từ sau khi hoàn thành cuốn “Thông điệp của nước”. Cũng hơi bất ngờ khi tác giả cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh tập 2” lại đưa chất liệu này vào như những sợi dây nối bí hiểm của câu chuyện luân hồi. Có thể nói cuốn sách là sự tiếp nối của tập 1 để mở rộng hơn những góc nhìn về cách mà luật Nhân quả đang vận hành trong cuộc đời.
Để mà nói thì tôi là một người thích chiến đấu và thích chiến thắng. Nhưng qua thời gian, tôi trở nên điềm đạm hơn. Một phần là vì càng học nhiều càng thấy mình dốt và vô cùng nhỏ bé, một phần vì chẳng có ai là đủ sức làm vừa lòng tất cả mọi người. Nhớ cái thời gian đầu, tôi có thể ngồi tranh luận sôi nổi về kinh điển của Đạo Phật với người khác, thậm chí là khó chịu khi không thể dành thế thượng phong. Nhưng càng đi sâu tôi càng thấy mọi thứ thật hãn hữu, à không nói đúng là ngôn ngữ thật hãn hữu.
Đa phần chúng ta đã quen với việc mặt thấy tai nghe rồi có câu cửa miệng rằng: “Tôi chỉ tin vào khoa học”. Nhưng thử nhìn lại xem có bao nhiêu giả thuyết khoa học xưa cũ giờ chỉ là mớ giấy lộn chẳng hạn như cái cách điện và bóng đèn đã thay thế dầu dừa, dầu hỏa; điện thoại và internet mang đến sự kết nối không giới hạn,… Để mà ngồi liệt kê thì có quá nhiều thứ mà bạn hay tôi đều thấy nó quen thuộc nhưng lại là phi lý trong xã hội ngày trước.
Tuy nhiên có một điều giống nhau, đó là con người có xu hướng chạy theo những thứ bên ngoài, chúng ta mải mê tìm kiếm đủ loại thông tin, khám phá vũ trụ trong khi lãng quên một tiểu vũ trụ bên trong. Giống như cái cách Triết gia Socrates từng khuyên nhủ môn đồ:“Các con đừng đi tìm đâu xa, hãy tìm hiểu chính mình, vì tự hiểu được mình là hiểu vũ trụ”.
Càng đọc tôi càng quả quyết rằng tranh cãi vốn không nằm trong từ điển của mấy cụ Thánh nhân. Bởi nếu như buổi tranh luận diễn ra giữa một người đã từng trải nghiệm và một người chỉ thuần suy đoán thì nó vốn đã không có giá trị bởi không có cùng hệ quy chiếu. Không thể mô tả cho một người quả ớt cay thế nào nếu họ chưa từng ăn ớt bao giờ.
Bản thân tôi vẫn có niềm tin rằng chúng ta đang trên hành trình tìm về chính mình. Như sự xuất hiện của thịt thực vật có thể thay đổi hoàn toàn chế độ dinh dưỡng của con người, các phương pháp thiền hay tu tập được ứng dụng trong nhiều doanh nghiệp lớn. Hay đơn giản là nhìn vào top các cuốn sách bán chạy trên các trang thương mại điện tử, 3 năm trước có thể là kinh doanh, marketing, kỹ năng bán hàng,… nhưng bây giờ có thể nói là gió đã đổi chiều.
Có lẽ chỉ 20 năm nữa thôi, cách xã hội vận hành sẽ khác rất nhiều khi con người ta tìm về mảnh đất tinh thần, tâm linh nhiều hơn.
Còn tôi vẫn có hạnh phúc nho nhỏ mỗi ngày nhé.
– Ngoc Anh Hoang