Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 – 05:42 pm
Não Bộ Kể Gì Về Bạn gần như xóa bỏ khoảng cách giữa tài liệu học thuật và cuộc sống. Nó dễ hiểu, sinh động, và trực quan như bạn đang xem một bộ phim tài liệu kỳ thú mà không bị ngắt tập. Như chính Eagleman chia sẻ, cuốn sách không dành riêng cho nhóm độc giả nào, không bao hàm bất kỳ kiến thức chuyên môn nào, mà chỉ có sự tò mò và khát khao tự khám phá.
Review (2)
Đây là cuốn sách thú vị và phá vỡ tam quan nhất mình từng đọc! Những gì mình NGHĨ mình biết về não, các giác quan và hệ thần kinh từ trước đến nay đã bị tác giả đánh tan tác. Với ngôn ngữ khoa học thường thức tương đối dễ hiểu cùng rất nhiều ví dụ minh họa đến từ những nghiên cứu thực nghiệm trên khắp thế giới, ông đã cung cấp hàng tá kiến thức mới mẻ thú vị mà đọc đến đâu mình phải trầm trồ đến đó.
Đến với chương 1, ta biết được rằng bộ não của chúng ta luôn tinh chỉnh và thay đổi, quá trình xây dựng não bộ con người mất đến 25 năm. Những ký ức mà bạn “cho là” bạn nhớ rất kỹ, khắc sâu tâm khảm, thật ra rất mơ hồ và người khác có thể cấy ghép những ký ức hoàn toàn sai vào đầu bạn chỉ bằng ngôn từ: những câu chuyện lồng ghép. Trí nhớ của chúng ta đều dễ bị thao túng, bất kể bạn là ai, 1 người bình thường hay Giáo sư Elizabeth Loftus ở California.
Chương 2 khiến ta ngỡ ngàng, rằng hình ảnh về thế giới bên ngoài không liên quan đến những gì xảy ra ở đó mà liên quan nhiều hơn đến những thứ xảy ra bên trong não chúng ta. Nếu bạn bị nhốt vào 1 căn phòng hoàn toàn tối đen và im ắng hay phải đeo 1 chiếc kính đảo lộn hai bên Trái – Phải, không sao cả, chỉ cần luyện tập, bạn vẫn có thể nhìn thấy, bởi vỉ não tạo ra thực tại của chính nó từ trước khi nhận thông tin tự mắt và các giác quan khác. Robert Luke và Elyn Saks hân hạnh minh họa cho chương sách này.
Mở ra chương 3 là mở ra thế giới vi mô kỳ diệu của não bộ – một công cụ tuyệt vời giúp chúng ta làm những việc như nói chuyện, uống cà phê, đi bộ,… một cách nhịp nhàng mà không mảy may tốn sức, thậm chí không ý thức cụ thể về việc mình làm. Nếu ta luyện tập 1 kỹ năng đủ lâu, nó sẽ được khắc sâu vào não bộ, giúp chúng ta dễ dàng thực hiện mà không cần nỗ lực có ý thức nào. Hãy đọc sách, gặp gỡ thiên tài xếp cốc 10 tuổi: Austin Naber để chứng thực điều đó.
Tiếp theo, chương 4 sẽ cung cấp kiến thức về một mảng mà ai trong chúng ta cũng đã làm rất nhiều lần trong đời: chọn lựa. Mỗi khi bạn cần đưa ra quyết định, não sẽ cuống cuồng, cật lực làm việc, tổng hợp tất cả những ký ức – cảm xúc từ trước đến giờ của hai sự việc/vật thể làm bạn đắn đo đó để cuối cùng bạn chọn bên nào thì phần não đại diện cho bên đó thắng. Không dừng lại ở đây, não liên tục cập nhật trải nghiệm mới của bạn, của lần lựa chọn hiện tại để làm cơ sở cho một sự lựa chọn trong tương lai. Hãy dành vài phút với cô cựu kỹ sư Tammy Myers – người bị tổn thương vùng OFC nên không thể đưa ra quyết định cho bất cứ việc gì dù là đơn giản nhất.
Chương 5 là một sự khẳng định cho việc: Con người cần có nhau! Bị cô lập, xa lánh, bị chối bỏ, tước đoạt đời sống xã hội có thể gây ra tổn thương tâm lý sâu sắc, dù là người trưởng thành đi nữa. Vì sao chúng ta là những cá thể riêng biệt nhưng lại có thể buồn, vui, xót xa, đau đớn vì người khác? Vì chúng ta đồng cảm với nhau. Mỗi khi ta nhìn vào gương mặt ai đó, vẻ mặt của họ sẽ phản chiếu trên gương mặt chúng ta, dù ta hoàn toàn không ý thức được sự thay đổi cơ mặt vô cùng nhỏ đó. Cũng trong chương này, tác giả giải thích lý do nạn diệt chủng, vì sao cùng một loài có trí thức cao lại thản nhiên tàn sát nhau như thế, đều có nguyên nhân sâu xa, bắt nguồn từ não bộ và sự thao túng truyền thông của những kẻ cầm quyền.
Chương cuối cùng thấm đẫm cái nhìn vĩ mô về thế giới trong tương lai. Đối với mình, chương này hơi mông lung một xíu, nhưng cực kỳ thú vị nhé. Các bạn cần trang bị chút ít thông tin về AI (trí thông minh nhân tạo) và xu hướng công nghệ của thế giới để bắt kịp những gì tác giả nói. Cảm nhận dữ liệu truyền vào cơ thể, dùng suy nghĩ để vừa khai thác đá trên mặt trăng vừa nhâm nhi miếng bánh ở Trái Đất, tạo mô phỏng của một bộ não, lấy dữ liệu từ não bộ của người đã mất (nhằm bảo tồn kiến thức nhân loại của những nhà bác học), thậm chí những điều nghe rất điên rồ như… liệu 1 thành phố có thể có ý thức không? Chương 6 đưa mình từ kinh ngạc này sang những kinh ngạc khác với những tiên đoán của tác giả, với những mục đích – dự định mà toàn bộ những nhà thần kinh học trên thế giới đã cùng nhau lên kế hoạch lớn.
Nếu phải chấm điểm, cuốn sách này xứng đáng 9/10. Dù bạn mù tịt sinh học hay miệt mài nằm trong đội ngũ ngu sinh như mình thì cũng có thể đọc hiểu tới 80%. Hoàn toàn xứng đáng với công sức và thời gian mình đã bỏ ra
– Sakami Ironoya
Một cuốn sách khoa học thật sự hấp dẫn ở cả văn phong và kiến thức.
“Não bộ kể gì về bạn?” là một cuốn sách khoa học đầy thú vị đưa tôi vào thế giới của hàng tỉ tế bào não, những neuron thần kinh, những xung điện hóa.. Nó dẫn dắt tôi đến từng ga, trạm một để trả lời hàng loạt những câu hỏi.
Câu hỏi thứ nhất: Tôi là ai?
Bằng những cuộc thí nghiệm và dẫn chứng xác đáng, David Eagleman đã chứng minh được rằng: Những chi tiết vi mô trong não bộ của bạn được hình thành và định hình phụ thuộc vào nơi bạn từng đến, việc bạn từng làm, những điều bạn từng trải nghiệm. Đặc biệt, bộ não không bao giờ bất biến mà luôn có sự vận động, thay đổi như chính cuộc sống đầy sắc màu của bạn. Hình ảnh minh họa về bộ não con người ở thời kỳ trẻ sơ sinh, một tháng, chín tháng, hai năm, trưởng thành đã chỉ rõ điều đó một cách trực quan, sinh động. Thêm nữa, bộ não thay đổi hay bị tổn thương sẽ khiến hành động của ta cũng thay đổi theo. Nó là trung tâm điều khiển, là người cầm dây diều đầy quyền năng. Tôi chắc chắn, bạn sẽ ngạc nhiên và thích thú trước những điều quen thuộc nhưng bạn chưa nhận ra hay chưa từng được biết mà cuốn sách đề cập.
Ngoài lập luận chặt chẽ, câu từ khúc chiết thì cách đặt đề mục giàu tính gợi hình cũng khiến tác phẩm tỏa ra mùi hương kích thích đọc giả “Khởi sinh bất toàn”, “Canh bạc tạo hóa”, “Tính dẻo của tuổi trưởng thành”, “Não giống như bông tuyết”…
Câu hỏi thứ 2: Thực tại là gì?
Chắc chắn, bạn sẽ ngạc nhiên như tôi khi dừng chân tại trạm này. Với những nghiên cứu đậm chất khoa học, David Eagleman đã đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, kèm theo đó là sự thích thú trước những hiện tượng đời sống được lý giải rất “ngọt”: Mánh khóe của các ảo thuật gia, va chạm giao thông trên đường dù mắt vẫn quan sát, ảo ảnh của mắt, thời gian nhận biết của con người dường như kéo dài hơn trong một số trường hợp…
Luận điểm việc nhìn không chỉ cần đôi mắt đã được lý giải bằng những luận chứng, luận cứ thực tiễn. Sợi dây thú vị cứ thế kéo dài xuyên suốt tác phẩm. Một tác phẩm khoa học nhưng không khô khan, khó nuốt chút nào.Câu hỏi thứ 3: Ai là người điều khiển?
Những dữ liệu khoa học dễ dàng được người đọc tiếp nhận bởi cách dẫn dắt nhẹ nhàng, mang hơi thở văn chương như thế này “Đó là buổi sáng. Các nẻo đường trong khu phố bạn sống im lìm khi mặt trời hé qua đường chân trời. trong từng phòng ngủ trên khắp thành phố, một sự kiện kinh ngạc đang diễn ra: ý thức con người đang cựa mình thức giấc. Chủ thể phức tạp nhất trên hành tinh của chúng ta đang nhận biết rằng nó đang tồn tại”.
Tác giả đưa ta đến từng bậc kiến thức một, chậm rãi, chắn chắn và đầy thận trọng. Ta bị thuyết phục hoàn toàn trước những số liệu thống kê, những câu văn chắc gọn, giàu giá trị. Những suy nghĩ đơn thuần của ta trước đó bị đánh đổ hoàn toàn. Các neuron thần kinh, bộ não, ý thức… những khái niệm ta chẳng mấy quan tâm, chẳng mấy khi tìm hiểu giờ đây lại là đối tượng kích thích sự theo dõi của ta.
Câu hỏi thứ 4: Chúng ta quyết định như thế nào?
Để chứng minh vai trò của não bộ đối với quyết định của mỗi người, nhà khoa học thần kinh đã đưa ra nhiều tình huống thực tế, rồi thực trạng kinh tế của Mỹ, những bức hình về khu vực não bộ và cả một mẩu truyện trong thần thoại Hy Lạp. David Eagleman rất thông minh trong cách làm rõ vấn đề và cả cách kết luận. Những kiến thức ông cung cấp chắc chắn sẽ không bị trôi tuột sau khi ta đọc xong cuốn sách bởi luôn có những câu chủ đề giàu sức đọng “Bộ não của bạn giống như một nghị viện thần kinh, bao gồm các đảng phái đối lập đấu tranh để giành quyền lèo lái con thuyền trạng thái…. Chúng ta là những sinh vật phức tạp vì chúng ta bao gồm nhiều xu hướng, tất cả đều kiểm soát.”
Câu hỏi thứ 5: Tôi có cần bạn?
Nhà khoa học đã dẫn dắt và đưa ta đến kết luận rằng: Một nửa chúng ta là người khác. Chúng ta không tồn tại độc lập mà luôn sống trong một tập thể, cộng đồng. Các neuron thần kinh của chúng ta cũng vậy, chúng cần các neuron khác để tồn tại.
Với cái nhìn của một nhà khoa học, tác giả đã đề cập đến tình trạng ngoại nhóm lợi ích với những con số xác thực: 1915 người Ottoman Turk tàn sát hơn một triệu người Armenia, 1937 người Nhật sát hại hàng trăm ngàn người dân Trung Hoa, 1994 người Hutus giết chết 800.000 người Tutsis… Chiến tranh và giết chóc, thông thường chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh lịch sử, kinh tế, chính trị nhưng với tác giả, nó còn được nhìn ở góc độ hiện tượng thần kinh. Hiện tượng gì đã xảy ra? Khu vực nào bị đoản mạch? Tác phẩm sẽ trả lời tường tận.
Việc hiểu về não bộ, các hiện tượng thần kinh, ta có khả năng làm gián đoạn những hành động phi nhân tính trên phạm vị rộng cũng như những ứng xử vô nhân đạo, những hành vi thiếu đạo đức trong đời sống. Thế nên, khoa học thần kinh cần được tìm hiểu và quan tâm nhiều hơn nữa.
Câu hỏi thứ 6: Chúng ta sẽ là ai?
Vẫn tiếp tục với cái nhìn khách quan, khoa học, David Eagleman đã đặt ta lên con thuyền xuôi theo dòng nghiên cứu của ông: Để thành công, để trở thành một con người như mong muốn, điều ta cần có là tính dẻo của não. Ông phân tích ý thức, giác quan tăng cường, đưa ra giải pháp để có một cơ thể tốt hơn và cuối cùng là hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn “Loài người chúng ta hiện đang khám phá ra các công cụ để định hình vận mệnh của chúng ta”.
“Não bộ kể gì về bạn?” đã trả lời tường tận, chi tiết sáu câu hỏi như thế. Cuốn sách là một sự kết hợp tuyệt vời giữa tri thức khoa học với những con số và những thí nghiệm trong phòng kín, những thí nghiệm mang tính thực tiễn và cả những câu chuyện trong thần thoại, những sự kiện trong lịch sử… Tất cả tổng hòa trong những câu văn sắc bén có, mượt mà có, uyển chuyển có. Đây là một cuốn sách khoa học thật sự hấp dẫn ở cả văn phong và kiến thức.
– Trần Thị Thúy Diễm
Tóm tắt
Đánh giá chất lượng in: Chất lượng in tốt, bố cục dễ đọc, có hình minh họa (trắng đen). Minh họa màu trong bài này mình chụp từ sách khác.
ĐÁNH GIÁ: 9/10 về nội dung, Đây là quyển sách khoa học thường thức nhưng lại viết rất mượt mà, không có nhiều thuật ngữ chuyên môn mà kể rất nhiều câu chuyện khiến mình suy ngẫm và cảm thấy vô cùng hấp dẫn. Điểm trên Goodreads rất cao 4.24*, với 7.456 đánh giá.
Nếu mô tả bộ não một cách “trần trụi”, kém thi vị thì nó là 1 khối mềm như gel (thạch), nặng tầm 1,4-1,6kg, ước chừng 86-100 tỷ tế bào neuron cùng với số lượng tương ứng tế bào thần kinh đệm, tạo ra tầm 1 triệu tỷ kết nối (synapse) với trung bình mỗi neuron có khoảng 10.000 kết nối với các neuron khác. Khối gel này nằm “tối om” trong hộp sọ kính, chỉ có thể giao tiếp với “thế giới bên ngoài” thông qua các tính hiệu điện cực nhỏ mà 5 giác quan gửi về liên tục (tính hiệu thần kinh). Các neuron trong não giao tiếp với nhau cũng bằng các tính hiệu điện cùng với các chất truyền dẫn thần kinh (Neurotransmitter).
Não trung bình chiếm chỉ 2% cơ thể nhưng tiêu thụ đến 20% năng lượng thức ăn hàng ngày (Glucose).
Vì quá “hao điện” như vậy, nên não thường vận hành theo 2 cơ chế song song mà GS. Daniel Kahneman trong quyển “Tư Duy Nhanh Và Chậm” gọi là Hệ Thống 1 và Hệ Thống 2.
Hệ Thống 1 là cơ chế suy nghĩ, phản xạ nhanh, bản năng, đôi khi còn được gọi là “tiềm thức”, vận hành một cách tự động, “tiết kiệm điện” khi các thói quen, kỹ năng và phản xạ được học tập rồi luyện tập nhuần nhuyễn. Mục đích là “giảm tải cho Hệ Thống 2”. Ví dụ khi đã đi xe đạp nhuần nhuyễn rồi thì không cần phải để ý tay chân, bước đạp nữa…
Hệ Thống 2 là hệ thống tư duy sâu, đòi hỏi phải chiêm nghiệm, suy nghĩ, phân tích, so sánh, tính toán, não phải nỗ lực và dùng rất nhiều năng lượng ví dụ như khi gặp bài toán khó… Chúng ta hay gọi là “xoắn não”.
Nếu so với các cỗ máy, thì não là một cỗ máy cực kỳ phức tạp với hàng tỷ thành phần. Tạo ra nhiều liên kết thần kinh bắt chéo, đang xen, phối hợp với nhau theo những cách mà các nhà khoa học hiện nay mới hiểu được một ít. Não là là cỗ máy tinh vi, tuyệt vời nhất mà Thượng Đế (hay Mẹ Tự Nhiên) trao cho loài người, nhưng rất tiếc, họ không trao cho chúng ta “Hướng Dẫn Sử Dụng”.
Đối với những người bình thường như chúng ta, không phải các nhà khoa học, nếu tìm hướng dẫn sử dụng, các bạn có thể đọc tạm “những tài liệu” sau: (còn nhiều lắm, nhưng mình mới đọc và biết mấy tài liệu này thôi)
- Tư duy nhanh và chậm – Daniel Kahneman
- Luật Trí Não – John Medina
- Mật mã tài năng – Daniel Coyle
- Làm chủ bộ não – David Rock
- Chúng ta quyết định như thế nào – Jonah Lehrer
- Những bí ẩn của tay phải và tay trái – Chris McManus
Và sau đây là phần review chia sẻ một số điểm trong cái “tài liệu” mà mình vừa đọc xong:
1. TÔI LÀ AI?
Đây là câu hỏi triết học có tuổi đời hàng ngàn năm, và cho đến bây giờ vẫn còn nhiều tranh luận cũng như nhiều nghiên cứu, tìm tòi nhưng chưa ai có câu trả lời thuyết phục-thống nhất. Vì với mỗi góc nhìn, lại có một định nghĩa hay quan điểm về cái “Tôi” khác nhau…
Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã trả lời: Ta là “Không Ai Cả” ( trong Kinh Tiểu Bộ-Nikaya) . Vì theo Đức Phật, “Tôi” hay “Ta” chỉ là do Ngũ Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) và Tứ Đại (Đất, Nước, Lửa, Gió) đủ duyên mà tạo thành, “hết duyên” thì sẽ tan biến, tùy duyên mà biến đổi. Không có cái Tôi vững chắc, trường tồn mà chỉ có duyên hợp, duyên tan, luân hồi qua nhiều kiếp sống.
Cái mà mỗi người tự nhận là “Tôi”, nếu theo góc nhìn của sinh học chỉ là tập hợp của nhiều tế bào, vi khuẩn, các chất vô cơ và các hợp chất hữu cơ. Còn nếu nhìn sâu hơn ở góc nhìn vật lý thì chỉ là tập hợp của các phân tử và nguyên tử mà nền tảng để tạo nên các phân tử-nguyên tử chính là Năng Lượng.
Còn cái Tôi, theo góc nhìn của khoa học não bộ, là những tín hiệu điện cực nhỏ, gọi là tính hiệu thần kinh, được 1 trong 5 giác quan (hoặc cả 5 giác quan) trên cơ thể mỗi người gửi về não, não sẽ xử lý, tạo thành hệ thống các kết nối thần kinh (synapse) và tạo thành mạng lưới thông tin trên não sau mỗi trải nghiệm.
Vì các trải nghiệm của mỗi cá nhân là duy nhất và liên tục (cả lúc ngủ) nên mạng lưới thần kinh của mỗi người tạo thành NHÂN DẠNG, hay chính là cái TÔI là DUY NHẤT nhưng luôn THAY ĐỔI.
TÔI của ngày hôm qua, thậm chí của giây trước đó, có những SUY NGHĨ, CẢM GIÁC, TRẢI NGHIỆM khác với cái TÔI BÂY GIỜ.
Thế nên, sau này, khi bạn đối mặt với câu hỏi rất triết học: “Mày có biết tao là ai không?” thì hãy tỉnh queo mà trả lời rằng: “Ông/bà là do bộ não và những trải nghiệm của ông/bà tự vẽ nên bản thân, bởi vậy làm sao mà tui biết ông/bà là ai”.
Khi trẻ em ở tuổi lên 2 sẽ có lượng kết nối thần kinh gấp đôi người lớn. Trong quá trình trưởng thành, các kết nối này giảm về số lượng, chỉ còn phân nữa, nhưng tăng về độ phức tạp hay chiều sâu kết nối. Các kết nối sơ cấp mất đi, nhưng tạo nên nhiều mô hình kết nối sâu hơn, hay nói đơn giản là nhiều “kịch bản” phản ứng, giúp cho con người phản ứng đối với hoàn cảnh một cách linh hoạt và chủ động hơn. Ví dụ như mô hình: “đi, chạy, nhảy, làm toán…”. Do vậy mà sự chăm sóc, nuôi dưỡng về mặt thể chất cũng như tình cảm trong 2 năm đầu đời của trẻ em là cực kỳ quan trọng, giúp định hình sự phát triển đầy đủ và bình thường của các liên kết thần kinh trong não trẻ. Để đến khi bộ não được xây dựng hoàn chỉnh, vào những năm 25 tuổi, thì các em “người lớn” đó mới có thể tự nhận thức về bản thân, nhận thức về môi trường và mọi người từ đó có những ứng xử, hành động và phản ứng một cách phù hợp/hoà hợp.
Bộ não của mỗi người, được quy định và xây dựng nên bởi Gen, được dẫn dắt bởi kinh nghiệm-trải nghiệm riêng của mỗi người, nên mỗi bộ não đều có đời sống bên trong khác nhau. Hàng nghìn kết nối thần kinh được hình thành, tái tạo, xóa bỏ liên tục. Nên trong quá khứ, hiện tại và tương lai không thể nào có ai giống bạn từng tồn tại. Trải nghiệm nhận thức có ý thức, ngay thời điểm, không gian này, ví dụ như bạn đang đọc những dòng chữ này…là duy nhất đối với bạn…
Và mỗi hình ảnh, mỗi sự vật, hiện tượng, tin tức….đều có ý nghĩa riêng đối với mỗi người, do hệ thống kinh nghiệm bên trong não mỗi người quy định. Việc có cái nhìn, cảm xúc, ý kiến khác nhau về cùng một đối tượng là việc rất bình thường. Nên việc cùng nhau chia sẻ góc nhìn khác nhau của mình để có cái nhìn đa chiều, còn hơn là cãi nhau làm mất thời gian và….mệt não.
2. THỰC TẠI LÀ GÌ?
Theo góc nhìn của khoa học não bộ thì mọi vật, mọi khái niệm là do hệ thống tín hiệu thần kinh quy định thông qua trải nghiệm, học tập. Khi gặp “điều lạ” não bộ có xu hướng dựa trên việc “quy về” những mô hình thần kinh ĐÃ BIẾT để đánh giá cái chưa biết, gọi là “mô hình nội tại”. Não tạo ra thực tại của chính nó, thậm chí trước khi não nhận được thông tin từ mắt và các giác quan khác.
Như đã nói ở phần trên, não bộ thường xuyên sử dụng hệ thống 1, tiết kiệm năng lượng để tạo ra ra thế giới “thực tại” đã biết, đã quen thuộc. Chỉ chừng nào có điều gì đó khác lạ, quan trọng, mới mẻ và sống còn cần BỔ SUNG thêm vào thì não mới chú ý sử dụng Hệ Thống 2 để tinh chỉnh và sửa chữa những thông tin, kiến thức “nền” của Hệ Thống 1.
Thực tại mà não tạo ra trong bất kỳ thời điểm nào ÍT phụ thuộc vào hình ảnh hoặc các tín hiệu giác quan mà phụ thuộc nhiều vào những thứ đã có SẴN trong đầu chúng ta. Do vậy mà, con người rất dễ bị thiên kiến, tin vào điều mình tin và xem đó là “sự thật” để rồi phủ nhận “các sự thật khác”.
Các giác quan của con người còn rất hạn chế, cho nên việc mô tả thế giới “khách quan” của con người cũng chỉ là những lát cắt nhỏ của tự nhiên.
Ví dụ như tai người chỉ nghe ở ngưỡng tần số nhất định, không thể nghe được siêu âm hay hạ âm, mắt chỉ nhìn thấy ánh sáng có bước sóng khả kiến, không nhìn được các bước sóng hồng ngoại, tử ngoại hay siêu âm…tương tự, mũi chỉ ngửi được số lượng mùi hạn chế, không nhạy như mũi của một số loài vật .…
Đấy là còn chưa nói đến việc các trạng thái về cảm xúc, cũng như sức khỏe của cơ thể khiến việc mô tả thực tại của con người bị sai sót, móp méo (ví dụ bị cảm lạnh, sổ mũi, ngạt mũi thì sao mô tả được chính xác mùi vị?)
Đối với tự nhiên: thực tại không có màu sắc-chỉ có các bước sóng, không có âm thanh-chỉ có những dao động của không khí, không có mùi vị-chỉ có các phân tử tác động lên mũi và lưỡi của con người….
Nhưng mỗi bộ não lại mô tả thực tại theo chân lý riêng của nó, được chỉnh sửa, cập nhật, cá nhân hóa và trình chiếu cho riêng mỗi người và không có thực tại nào giống thực tại nào…
3. AI LÀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN?
Hệ thống 1, hệ thống vô thức tự động của não điều khiển phần lớn các hoạt động của cơ thể mỗi người, từ những hoạt động cơ bản để duy trì sự sống như tim đập, thở, tiêu hóa…, cho đến những hoạt động phức tạp, đòi hỏi phối hợp nhiều giác quan và các bộ phận cơ thể nhưng quen thuộc như ăn, uống, đi lại, đạp xe, lái xe…
Nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhưng riêng việc đưa cốc nước lên uống đã đòi hỏi sự phối hợp của các giác quan, cơ bắp và thần kinh một cách cực kỳ phức tạp, tinh vi, mà đến nay các nhà thiết kế robot, muốn mô phỏng hành động này ở máy móc phải mất khá nhiều công sức tính toán, dùng rất nhiều cảm biến, khớp máy và động cơ…Trên thực tế, hành động này đã được “tập” hàng nghìn lần từ khi chúng ta còn bé, phải tầm 2-3 tuổi trở lên thì mới thuần thục được…
Nhưng nếu chỉ có hệ thống 1 hoạt động, thì con người sẽ giống như con kiến, con ong, hoặc con robot được lập trình hoạt động. Đôi khi dẫn đến những hậu quả khôn lường, ví dụ những người mộng du, bị hỏng hóc thần kinh hoặc phê thuốc, chỉ hành động theo bản năng…
Chính hệ thống 2, suy nghĩ có lựa chọn, có ý thức, có nỗ lực khiến cho con người khác biệt. Hệ thống 2 giúp giải quyết những xung đột trong não. Hệ thống 2 như là 1 CEO của não bộ. CEO này không cần cầm tay chỉ việc những việc tiểu tiết mà CEO này đóng vai trò định hướng, lựa chọn chiến lược, phối hợp các “phòng ban” để đạt được mục đích, tầm nhìn lâu dài…
Cả 2 hệ thống phối hợp hoạt động liên tục, nhuần nhuyễn, không cái nào có thể thiếu cái nào hay vượt trội hơn cái nào góp phần tạo nên trải nghiệm cá nhân của mỗi người.
4. CHÚNG TA QUYẾT ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
Trong não chúng ta có “nghị viện thần kinh”, mỗi “phe” đại diện cho một xu hướng suy nghĩ, và phe nào cũng muốn đứng lên kiểm soát. Mỗi phe trong não chính là những hệ thống thần kinh, hệ thống nào lớn, nhiều kết nối, được sử dụng nhiều lần thì sẽ có ưu thế hơn những hệ thống khác. Chúng ta hay gọi hệ thống lớn đó là THÓI QUEN. Nhưng những cảm xúc mới là những cử tri mạnh mẽ, quyết định phần lớn các lựa chọn của mỗi người, đôi khi vượt lên trên cả thói quen.
Bộ não chúng ta, liên tục nhận thông tin phản hồi từ các giác quan, dựng nên các mô hình hành động và mô hình cảm xúc, khiến chúng ta có ứng xử, có quyết định tương ứng, phù hợp với năng lực, sự hiểu biết của mỗi người.
Nhưng nó rất hạn chế trong việc dựng nên các mô hình TRONG TƯƠNG LAI vì tương lai là chưa đến, nó chỉ diễn ra trong bộ não suy tư, chiêm nghiệm NHÂN – QUẢ mà thiếu thông tin từ các giác quan. Do đó, con người rất dễ bị cám dỗ bởi những thứ nhất thời, đáp ứng NGAY các giác quan mà không lường trước được hậu quả ở TƯƠNG LAI.
Ví dụ: con người dễ dàng đáp ứng cho mô thức hưởng thụ ngay bằng cách ăn chơi quá trớn, chạy xe bạt mạng, mua đồ xa xỉ để thỏa mãn tức thời nhưng không thấy hoặc cố tình lờ đi tương lai sa sút sức khỏe, tai nạn, đói kém, nợ nần…
Chính vì thế, lời khuyên tốt nhất là hãy tạo ra những cam kết, ràng buộc cho tương lai mà chúng ta không thể vi phạm. (Trong sách tác giả gọi là Khế ước Ulysses, tự trói mình vào cột buồm để khỏi bị các nàng tiên cá dụ dỗ) Ví dụ tiết kiệm trước, tiêu xài sau, tránh xa-khuất mắt những lời mời chào từ bạn bè, phương tiện truyền thông, quảng cáo cám dỗ. Tránh xa những món đồ đạc xa xỉ không cần thiết hoặc các trào lưu nhất thời…
5. TÔI CÓ CẦN BẠN?
Chức năng não bình thường phụ thuộc và mạng xã hội xung quanh chúng ta. Chúng ta tương tác với những bộ não khác để hỗ trợ, học hỏi, chia sẻ và cùng nhau giải quyết những vấn đề lớn, phức tạp mà mỗi người với 1 bộ não không thể đảm đương được. Chúng ta xây dựng “cái tôi” của mình dựa trên tầng tầng lớp lớp các tương tác xã hội phức tạp. Sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào việc đánh giá nhanh ai là bạn, ai là thù.
Các em bé chưa đến 1 tuổi, nằm trong vòng tay mẹ để xem múa rối, đã thể hiện mình có khả năng phán đoán xã hội. Với kịch bản là 2 chú gấu bông, một chú tốt bụng đã giúp đỡ chú vịt bông lấy đồ chơi trong hộp, gấu bông kia thì “cà khịa” ngồi lên hộp không cho chú vịt lấy đồ chơi. Đa số bé sau khi xem xong vở rối đã chọn chơi với chú gấu tốt bụng…
Nhưng bộ não xã hội của mỗi cá nhân thực sự rất dễ bị thao túng. Điều này đã diễn ra suốt lịch sử phát triển của loài người.
Khi não bộ của con người liên tục nhận được thông tin về việc mình thuộc một nhóm, khác với các nhóm còn lại, thậm chí xem các nhóm người khác là kẻ thù không đội trời chung. Bước tiếp theo là PHI NHÂN TÍNH HÓA họ theo cái cách mà Lansana Harris giải thích: “nếu bạn không coi ai đó là con người, thì những quy tắc đạo đức dành cho con người sẽ không được áp dụng trên những đối tượng đó”.
Đây là nguồn gốc của các cuộc Thánh chiến, Xung đột tôn giáo, sắc tộc và nạn diệt chủng. Ví dụ điển hình nhất là Đảng Quốc Xã liên tục bơm vào đầu người dân và quân đội Đức thông tin về chủng tộc Aryan thượng đẳng…
Các bạn có thể lên youtube tìm đoạn clip tên “A Class Divided”, để thấy thử nghiệm nhỏ, rất đơn giản của cô giáo Jane Elliott vào năm 1968 nhưng sau này trở nên rất nổi tiếng vì đã giúp các học sinh của mình hiểu thế nào là thành kiến nhóm, phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử…
Cô giáo bảo rằng những bạn nào mắt xanh giống cô thì “ưu việt, thông minh, cao quý” hơn các bạn khác và sẽ được nhiều đặc quyền hơn…Chỉ sau đó ít lâu, thái độ đối xử của nhóm mắt xanh đối với các bạn đã đổi khác, trịch thượng, coi thường…Hôm sau, cô Jane đổi vai, ưu tiên cho các bạn mắt nâu hơn, điều này đã làm cho các bạn mắt xanh sững sờ, như cả thế giới sụp đổ và cũng từ đó mới học được bài học quan trọng nhất trong đời là: Hệ thống quy tắc có thể tùy biến. Những sự thật của thế giới không phải là cố định và hơn nữa chúng không nhất thiết phải là sự thật. Từ đó giúp các em học sinh nhìn xuyên qua ảo ảnh của sự tuyên truyền chính trị để hình thành nhân cách/quan điểm riêng không phụ thuộc vào những thông tin hay sự thao túng của người khác.
6. CHÚNG TA SẼ LÀ AI?
Nghe bằng da, nhìn bằng lưỡi, ngửi bằng lưng…nhìn xuyên đêm như cú vọ hoặc nghe siêu âm như dơi? Không phải phim khoa học giả tưởng đâu. Các nhà khoa học hiện nay đã từng bước hiện thực hóa những điều đấy rồi.
Quan trọng nhất ở đây là do khả năng tự điều chỉnh và thích nghi, gọi là tính “dẻo” tuyệt vời của não. Bản chất của não nhận biết thế giới xung quanh bằng cách ghi nhận thông tin tín hiệu từ các giác quan. Nên các nhà khoa học có thể dùng các thiết bị cảm biến điện tử, mô phỏng các giác quan để gửi tính hiệu của môi trường xung quanh về cho não.
Thậm chí người ta có thể huấn luyện cho não “đọc” được những tín hiệu “lạ” từ các giác quan thay thế. Não không quan tâm tín hiệu đấy được lấy từ đâu. Não sẽ tự động tìm kiếm các mô hình, đối chiếu với các giác quan khác để sử dụng các tín hiệu, biến nó trở thành hình ảnh, âm thanh hoặc mùi vị “có nghĩa”.
Ví dụ điển hình trong sách là các nhà khoa học đã thiết kế bộ áo có nhiều mô tơ rung, chuyển đổi các dữ liệu âm thanh thành chuyển động rung kích thích vào da, chỉ sau 5 ngày được huấn luyện sử dụng, người khiếm thính có thể nhận biết được chính xác các từ được nói ra. Công nghệ tương tự cũng giúp cho người khiếm thị “nhìn” để tránh các chướng ngại vật bằng kích thích da.
Các công nghệ này, ngoài việc hỗ trợ những người bị khiếm khuyết thì ở mức độ cao hơn, các hạn chế của giác quan sinh học sẽ dần dần được cải thiện (nếu muốn). Chuyện “độ” giác quan “xịn” hơn là rất khả thi.
Cao hơn nữa là khả năng học tập nhanh chóng bằng cách nạp dữ liệu trực tiếp vào não như trong phim Ma Trận (The Matrix) cũng hoàn toàn khả thi…nhưng chưa biết đến bao giờ.
Cuối cùng, việc chúng ta trở thành ai, phục vụ cho mục đích gì, phụ thuộc hoàn toàn vào chính chúng ta…
– Nguyễn Thái Khâm Khamnt
Trích dẫn
“…Để bạn đọc được dòng chữ này, một lực lượng khổng lồ các neuron trong não bạn đã đảm nhận việc giải mã, mà bạn không hề biết đó là công việc khó khăn.
Một hành động đơn giản như nhấc tách cà phê cũng được hỗ trợ từ hàng nghìn tỉ xung điện với sự điều phối tỉ mỉ của não bộ.
Khi tôi chuẩn bị nhấc một tách café lên miệng, hệ thống thị giác của tôi trước hết quét qua bối cảnh không gian để xác định chiếc cốc trước mặt, và nhiều năm kinh nghiệm kích hoạt những ký ức về ly cà phê trong các tình huống khác. Vỏ não phía trước của tôi truyền dẫn tín hiệu đến vỏ não vận động, quá trình này điều phối một cách chính xác động tác co cơ – dọc thân mình, cánh tay, cẳng tay và bàn tay của tôi – nhờ đó tôi có thể nắm lấy chiếc cốc. Khi chạm vào cốc, dây thần kinh của tôi mang lại những thông tin về trọng lượng của chiếc cốc, vị trí của nó trong không gian, nhiệt độ, độ trơn của tay cầm, ..v..v..
Khi thông tin đó truyền vào dây thần kinh tủy sống rồi vào não, dòng thông tin được hiệu chỉnh và truyền trở lại, đi ngang qua hệ thần kinh tủy sống như dòng xe trên đường hai chiều. Thông tin này xuất hiện từ một tổ hợp phức tạp giữa các bộ phận trong não như hạch nền, tiểu cầu, vỏ não cảm giác và một số khác nữa. Chỉ trong tích tắc, việc điều chỉnh được thực hiện để phân phối lực giúp tôi nâng và gia cố lực nắm của bàn tay. Thông qua việc tính toán và phản hồi liên tục, tôi điều chỉnh cơ bắp để giữ cốc ở tầm mà tôi có thể di chuyển nó một cách trơn tru trong một biên độ lớn. Tôi thực hiện các điều chỉnh vi mô trên đường đi, và khi nó chạm đến môi tôi, tôi nghiêng chiếc cốc vừa đủ để miệng tôi có thể tiếp nhận chất lỏng mà không làm tôi bị bỏng.
Bộ máy vô thức của não chúng ta luôn hoạt động, nhưng nó vận hành êm ái đến nỗi chúng ta không ý thức được hoạt động của nó phức tạp đến thế nào.
Lần tới khi uống một tách cafe, hãy nghĩ đến việc bộ não của bạn là một cỗ máy tuyệt vời!”