Lần cập nhật gần nhất April 1st, 2020 – 04:21 pm
“Ngàn mặt trời rực rỡ viết về hai hoặc nhiều hơn bi kịch nhỏ của người phụ nữ Afghanistan trong một bi kịch lớn của toàn thể nhân dân Afghanistan sống trong chiến tranh loạn lạc, là tác phẩm khắc họa đôi mắt luôn cụp xuống dưới tấm burka và che giấu những nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần dưới những tấm vải đen lụng thụng. Và mỉa mai thay, có khi, chính những thứ trang phục ấy lại có lúc khiến họ cảm thấy được bảo vệ khi họ nhận ra rằng, mình chẳng còn lại gì ngoài tột cùng đau đớn và nhục nhã. Cuộc đời của Leila, mẹ của Leila, Mariam, mẹ của Mariam như thể muốn chứng minh rằng, đã sinh ra làm thân đàn bà ở Afghanistan, dù có cố rẽ 99 lần thì cuối cùng họ vẫn gặp phải một cái ngõ cụt của phụ bạc, bạo lực và khổ đau… Nhưng xin bạn đừng sợ, câu chuyện này kết thúc tương đối có hậu chứ không quá bi thương.” (GAT)
Review (3)
“Người đã tạo ra Thiên đường và mặt đất; Người đã tạo ra đêm nối tiếp ngày, ngày nối tiếp đêm và Người đã tạo ra mặt trăng và mặt trời một cách có chủ đích, tất cả đều vận hành trong thời gian định trước của mình. Hiển nhiên Người là Đấng Tối cao, là người xóa bỏ mọi tội lỗi.
Lạy Thượng đế tối cao! Hãy tha thứ và khoan dung bởi ngài là người độ lượng nhất.”Đoạn kinh Koran mà Mariam đáng thương đọc trước lúc hành hình- mà mỗi lần đọc lại lại khiến mình thắc mắc liệu chị có gặp được mẹ Nana để nói lời xin lỗi tới bà hay liệu chị có được gặp lại cha mình, được nghe lời xin lỗi muộn màng từ ông – người một người cha ‘nhu nhược’ ở một nơi mà có lẽ sẽ tự do và thoải mái hơn với chị hay không – mình luôn hy vọng như vậy dù cho mình không chắc lắm về chuyện có kiếp sau.
Mở đầu truyện quả thực không mấy ấn tượng với cá nhân mình bởi trên đời này có biết bao nhiêu Mariam bị cha bỏ rơi trong rất nhiều trang sách cơ chứ nhưng mình ấn tượng bởi cách tác giả từ từ kéo chúng ta về Afghanistan để tận mắt chứng kiến những gì mà chiến tranh và tôn giáo đã ảnh hưởng lên cuộc đời những người dân vô tội đặc biệt là những người phụ nữ mà cụ thể hơn ở đây là Mariam và Laila; bởi cách tác giả khiến hai người phụ nữ với tuổi thơ trái ngược nhau và cách nhau cả hơn 20 chục tuổi chỉ vô tình nhìn thấy nhau mấy lần ngoài đường qua tấm màn của cái burqa màu xanh cùng trở thành vợ của một người chồng.
Về Mariam, mình vẫn hay nói với bạn mình rằng mình thực sự không thể hiểu nổi chị đã tin vào điều gì để tiếp tục cuộc sống trong cái kolba nhỏ của mình khi mà nếu mẹ chị kể rằng ‘mẹ nằm trên sàn nhà cứng lạnh gần hai ngày liền’, ‘mẹ phải tự cắt dây nhau nối mẹ con ta’, ‘ ông ta thậm chí còn không có mặt ở đó’,’ lúc đó ông ta còn đang mải cưỡi ngựa cùng mấy người bạn quý hóa của ông ta ở…’ trong khi câu chuyện của bố Jalil là mặc dù đang ở xa nhưng ông vẫn thu xếp cho mẹ Nana được đưa đến bệnh viện nơi mà có những chiếc giường tốt, sạch sẽ; rằng ‘Con là một bé gái ngoan. Mariam thân yêu. Ngay từ khi chào đời con đã là một đứa con ngoan ngoãn’…. Phải chăng là những hôm thứ năm hàng tuần có bố Jalil đến thăm cùng với những món quà và những câu chuyện về thế giới bên ngoài kia bên ngoài cái kolba bé nhỏ của chị. Dường như bố Jalil đã là niềm tin duy nhất là ‘sợi tóc’ hy vọng duy nhất của chị với cuộc đời này để rồi một lần khi mà cái khao khát được gặp ông, cái khao khát được sống cùng, được nói chuyện cùng, được đi bộ, câu cá cùng ông bùng lên mạnh mẽ và thôi thúc chị đến nhà ông. Trông chị như một con chó hoang lạc đường vì ngủ ngoài cửa suốt cả một đêm lạnh và sáng mai chị nhìn thấy ông qua tấm rèm cửa kéo hờ, chị nhìn thấy khuôn mặt ông đang trợn mắt há hốc mồm và rồi chị không hề thấy ông thêm lần nữa. Rồi mẹ chị treo cổ tự tử đúng hôm chị bỏ nhà đi tìm cha- cuộc đời chị bước sang trang mới- bản thân chị phải trở thành một người vợ lúc 15 tuổi. Cảm xúc thật khó tả khi mỗi lần nhớ đến cảnh bố Jalil đã ngồi im, không nói lời nào để các bà mẹ kế quyết định cuộc đời trước đôi mắt cầu xin của chị; và cái đêm mà chị trở thành một người đàn bà ở tuổi 15. Căm giận, đau khổ, cô đơn, tủi thân, dằn vặt… và hơn hết là bất lực. Mình đã có chút chờ mong vào cuộc hôn nhân này khi mà ông Rasheed- chồng chị đã cư xử với chị rất tốt cho đến khi họ mất đi đứa con đầu và những đứa tiếp theo nữa. Dần dần tính cách vũ phu bộc lộ dần tất nhiên cũng giống các câu chuyện vũ phu khác ban đầu cũng có những lời xin lỗi,chúng cũng trở nên hời hợt và sau này là mất hẳn. Tôi vẫn tự thắc mắc rằng điều này là do thời gian và quá nhiều lần hy vọng rồi thất vọng (chuyện có con) hay do vốn bản chất của ông ta là như vậy chẳng qua là chúng được che đậy quá kỹ lưỡng đi và nếu vậy thì không cần phải nói nhiều ta cũng có thể hình dung số phận của Mariam đáng thương đến nhường nào….Dẫu biết cuộc đời sẽ có lúc mặt trời tươi sáng cũng sẽ có lúc mưa bão giông tố nhưng thế này có phải quá tàn nhẫn với chị hay không???
Về Laila, chị có một tuổi thơ tươi sáng hơn Mariam, chị được sinh ra trong một gia đình tri thức với biết bao hứa hẹn về tương lai, chị gần như có một tuổi thơ tràn đầy niềm vui với anh Tairiq với bố và với những người bạn chỉ trừ việc chị có một bà mẹ đã dành hết tình cảm của mình cho hai người anh trai tử trận nơi chiến trường. Thậm chí ngay cả lí do để bà sống cũng là vì họ mà không phải chị. Nhưng rồi biến cố cũng xảy đến với chị. Tariq chuyển đi, bố mẹ chị bị chết vì bom đạn còn chị bị ông Rasheed lừa trở thành vợ ông ta mặc dù nguyên nhân chính là vì chị nghĩ cho tương lai đứa con của chị và Tarip. Chính quyết định này khiến mình phải ngỡ ngàng vì dường như nó vượt quá so với độ tuổi 14 của chị. Cũng như Mariam, số phận chị cũng chuyển từ một người vợ được yêu thương hết mực sang một nô lệ của bạo lực không hơn. Và có lẽ trớ trêu nhất là khoảnh khắc chị gặp lại Tariq, cái khoảnh khắc mà ta phải đấu tranh giữa tội lỗi, hối hận vì cảm giác phản bội xen lẫn với nỗi nhớ nhung trong suốt bao nhiêu năm ròng. Nó giống như cánh cửa, nếu bước qua thì còn đứa con trai với người chồng hiện tại đang khóc, còn nếu không bước thì lại sợ sẽ không còn cơ hội nhìn thấy lần hai. Đặc biệt là tác giả đã kể lại tình huống này song song với câu chuyện của đứa con trai với ông Rasheed rằng có một chú nói chuyện với mẹ, căng thẳng và hồi hộp khiến chúng ta khi đọc như thấy chính bản thân mình là Laila – lo sợ và đấu tranh.
Cũng từ mâu thuẫn này cuộc xung đột nảy ra kéo theo cái chết của Rasheed. Mariam thì phải vào tù và chịu án tử hình, Laila thì đi theo Tariq rời khỏi quê nhà. Có thể nói rằng kết thúc này đã giúp người đọc một phần nào thở phào nhẹ nhõm và hy vọng vào tương lai phía trước của gia đình mới của Laila với Tariq, về số phận của người phụ nữ cũng như hy vọng về một cuộc sống không còn khói lửa chiến tranh nữa….
“Không ai có thể đếm được mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng,
Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng”Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại có hai điểm mà cá nhân mình không thích ở tác phẩm này là việc tác giả dùng hơi nhiều các chữ Ả Rập khiến đôi khi mạch đọc bị ngắt quãng vì không hiểu và không thể đọc được. Và thứ hai là thiết kế bìa sách khiến nó trở nên hơi cũ và không thu hút.
Nhưng trên tất cả Ngàn mặt trời rực rỡ vẫn là một cuốn sách chạm đến cảm xúc của người đọc và đáng để mỗi chúng ta nên thử một lần!
– Thảo Phạm
Này các cô gái, điều gì khiến bạn phiền muộn gần đây? Bị sếp la rầy, bị kỳ thị, xa lánh…. Hoặc tự nhiên thấy cuộc sống nhạt nhẽo quá, không có mục tiêu. Vậy hãy thử một lần đọc Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ đi, để thấy rằng bạn vẫn còn may mắn lắm, khi được tự do hít thở rưới bầu trời này.
Nói đến Afghanistan ta nghĩ đến điều gì: IS, nội chiến, khủng bố. Những thứ mà người sinh ra trong thời bình như tôi khi nghe đến đã thấy rùng rợn.
Vậy còn những người phụ nữ Afghanistan thì sao? Trước đây thi thoảng tôi có đọc qua vài bài báo về những người phụ nữ Taliban bị ném đá cho tới chết, bị bắt khỏa thân chạy quanh làng vì chửa hoang. Nhưng thực sự tìm hiểu về họ thì bắt đầu từ quyển sách này.
Cuốn sách này nói về số phận hai người phụ nữ Mariam và Laila cũng là số phận chung của những người phụ nữ Afghanistan khác, phải sống trong một chế độ hà khắc. Đằng sau những chiếc khăn chùm đầu đó là những quy định khắt khe : phụ nữ không được đi làm, không được ra ngoài nếu không có đàn ông đi cùng, phải coi chồng là ông chủ dù có bị đối sử như thế nào cũng không được phản kháng….
Khi đọc tới bức thư mà cha Mariam gửi cho chị ấy, tôi đã òa khóc như một đứa trẻ, khóc thương cho Mariam – một đứa con không được thừa nhận. Khoảng cách mấy chục năm xa cách giữa cha con họ dường như bị xóa hòa trong tôi, tất cả những oán trách, tủi hờn đều tan biến khi đọc bức thư đó, đọc những nỗi lòng đau khổ và ân hận của người cha. Mariam dường như lại trở thành cô bé hồn nhiên ngày nào vẫn trông ngóng đến mỗi cuối tuần để được gặp cha, và nhảy chân sáo chạy nhanh vào lòng cha mỗi lúc ông đến. Đáng tiếc thay Mariam đã không còn sống để đọc bức thư đó, họ không có cơ hội để nói lời xin lỗi và tha thứ cho nhau.
Tôi tự hỏi rằng: đến bao giờ Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ mới chiếu sáng lên khắp họ, lên nụ cười của những đứa con hoang, tới những căn phòng tối nơi người chồng nhốt vợ, để xoa dịu bờ vai của họ khỏi những gông xiềng hủ tục, để an ủi trái tim khô cằn của họ. Tôi thấy mình thật nhỏ bé.
– Ánh Dương
Tớ nghe nói về Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ rất lâu rồi, rằng đây là tác phẩm rất hay và cảm động, rằng lối viết của Khaled đã làm thay đổi tư duy của hàng triệu người, vv… Bản thân tớ đã mua cuốn này từ năm ngoái nhưng mà vẫn lưng chừng mãi đến giờ mới đọc.
Chắc các bạn đọc ai cũng biết cảm giác khi một cuốn sách được tung hô quá cao, quá nhiều kỳ vọng được đặt vào đó thì lại càng ngại đọc. Tớ cũng ở trong số đấy, vì có những cuốn rating cao chót vót, nhưng khi đọc thì tớ không cảm nhận được cái sự “hype” của câu chuyện, hay câu chuyện đấy chưa đủ khả năng để tác động được đến tớ.
Với Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ cũng như thế. Nếu so với Người Đua Diều, tớ thích cả hai tác phẩm này ngang nhau, nhưng không thể phủ nhận rằng cách dẫn dắt và xử lý tình huống trong Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ thực sự Khaled đã cao tay hơn rất nhiều. Cảm giác như tác giả đã chăm chút một cách tỉ mỉ cho từng câu văn, từng dòng chữ và bộc lộ được hết ra những góc khuất đau đớn của cuộc đời những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết. Khaled đã rất thành công khi khai thác những khía cạnh lịch sử của những cuộc chiến đẫm máu thịt, những cái chết nhan nhản khắp mọi nơi, cái nghèo đói thiếu thốn và cả số phận khốn khổ của những người phụ nữ trong Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ. Ngòi bút của Khaled đã lột tả một Afghanistan một cách không né tránh với bốn thập kỷ đầy biến động của sự ly tán, của những số phận long đong nghiệt ngã bị vùi dập đầy tàn nhẫn và ám ảnh.
Mariam và Laila là hai người phụ nữ với hai tuổi thơ trái ngược nhau. Trong khi Mariam là harami, đứa con rơi bị cha đẻ né tránh thì Laila lại là một cô bé được đùm bọc trong sự yêu thương, trong sự giáo dục của cha mình với những tư tưởng tiến bộ, rằng phụ nữ và nam giới đều bình đẳng và có quyền được hưởng một sự giáo dục như nhau.
Tuy nhiên biến cố bất ngờ ập đến, hai mảnh đời đối lập đã giao nhau tại một điểm. Hai thân phận khác nhau nhưng suy cho cùng họ đều là nạn nhân của một Afghanistan bao bọc trong cái nền của chính trị hỗn loạn và nền tôn giáo hà khắc, nơi mà sự cổ hủ đáng khinh vẫn đang được lan rộng, nơi mà chồng có thể thoải mái đánh đập vợ, nơi mà thân phận người phụ nữ bị rẻ rúng không khác gì súc vật. Nhưng cũng chính tại nơi ấy, Mariam và Laila đã cùng nhau chia sẻ và chăm sóc cho nhau, khi tình người đã được vun đắp dần dần giữa hai người đàn bà tội nghiệp, và cũng chính trong cái sự bạo loạn tột cùng, họ đã đứng lên, bền bỉ và can trường, lần đầu tiên phản kháng một cách mạnh mẽ trong cuộc đua chống lại số phận nghiệt ngã.
Cách viết của Khaled trong Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ một lần nữa phủ đầy văn hoá của Afghanistan, một đất nước với những lời cầu kinh Koran và những từ ngữ bản địa đặc trưng hay những món ăn giản dị thường ngày. Nhưng ẩn trong cuốn tiểu thuyết ấy vẫn là bi kịch len lỏi, là sự độc ác đến man rợ của một tôn giáo cổ hủ, là những trận đòn roi của kẻ trọng nam khinh nữ. Tuy nhiên hơn cả là những rung cảm chân thật và lay động trái tim của người đọc và là bài học sâu sắc về tình người. Plot twist chặt chẽ và mạch lạc, đan xen góc nhìn về cuộc đời của Mariam và Laila để cuối cùng dẫn ta đến đoạn giao định mệnh của hai người phụ nữ.
Suy cho cùng, Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ một lần nữa đã khẳng định tên tuổi và tài năng của Khaled Hosseini với lối viết giàu cảm xúc. Tuy nhiên, với tớ cuốn này chưa đủ đô để xếp vào hàng 5 sao, nó rất hay, nhưng chỉ đối với riêng tớ thì tác phẩm này vẫn còn thiếu một cái gì đó để xếp vào hàng tuyệt tác. Nhưng dù sao, recommend cho các bạn nên đọc Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ, vì nhìn chung đây là tác phẩm vô cùng ý nghĩa, ám ảnh nhưng cũng tràn đầy tính nhân văn.
– Neverblossom