Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình – Nguyễn Nhật Ánh

Lần cập nhật gần nhất April 1st, 2020 – 04:28 pm

Những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn ngây ngô không biết thế nào là “thích” nhưng vẫn nhiệt tình cắt nghĩa cho bạn hiểu “Thích một đứa con gái nào đó tức là lúc nào mình cũng mơ tới chuyện làm chồng nó”. Sự ngây ngô và suy nghĩ giản đơn của những đứa trẻ khiến câu chuyện trở nên nhẹ nhõm hơn bao giờ hết, giúp người đọc không bị ngộp thở trước những vấn đề xã hội được đề cập tới trong truyện. Chuyện trẻ con xen lẫn chuyện người lớn khiến câu chuyện vừa hài hước giản đơn vừa chứa đựng những bài học sâu sắc.

Review (2)

Ngày xưa có một chuyện tình – Nguyễn Nhật Ánh, người yêu mình hay người mình yêu?

Không chỉ được biết đến là nhà văn của trẻ thơ, Nguyễn Nhật Ánh còn được nhớ tới bởi những câu chuyện tình giản dị, man mác nỗi buồn mà những người lớn dễ dàng nhận ra mình từ trang sách ấy. “Ngày xưa có một chuyện tình” cũng không ngoại lệ. Một câu chuyện tình yêu đẹp nhưng cũng đầy ngang trái…

Lại là một mối tình đơn phương.

Đã có kha khá chuyện của Nguyễn Nhật Ánh về những mối tình đơn phương. Có lẽ bởi tuổi trẻ, ai cũng đã một lần đơn phương, một lần yêu người chẳng yêu mình.

Vinh cũng vậy.

Có lẽ khi đọc truyện, cô gái nào cũng ao ước có một chàng yêu mình như Vinh. Tình cảm giản dị mà chân thành ấy từ khi Vinh còn là một cậu nhóc lớp 7 ngây ngây ngô ngô, bất chấp bạn bè xa lánh, bất chấp những trận đòn oan từ ông anh côn đồ của Miên chỉ để được chơi với Miên, được gần Miên. Tình cảm ấy được Vinh nuôi dưỡng cứ tươi tốt, trổ cành xanh lá cho tới khi vào tới trung học, Vinh mới nhận thức được nó là “yêu”.

Vinh yêu Miên. “Tôi đến với Miền vì tình yêu tinh khôi như ánh mặt trời và cưới Miền dưới bóng mây đen của quá khứ. Nhưng tôi không quan tâm Miền có còn yêu Phúc hay không, vì tôi biết chỉ những ai điên rồ mới húc đầu vào bức tường dĩ vãng. Tôi chỉ cố sống trọn vẹn tình cảm của mình như con tằm nhả đến sợi tơ cuối cùng cốt để nói với Miền rằng khi yêu em tôi đã dốc hết lòng mình, không còn giấu giếm hay giữ lại chút gì cho riêng tôi nữa.

Tôi làm tất cả, chỉ vì tôi tin rằng tình yêu không thuần tuý là cảm xúc mà còn là một nỗ lực lớn lao để thu hẹp mọi khoảng cách, san bằng mọi hố sâu, cuối cùng để ai cũng có thể tìm thấy cho đời mình một chỗ nương náu đáng tin cậy. Cho đến tận khi đám cưới diễn ra tôi chưa một lần đắn đo tôi sẽ có một người vợ như thế nào mà chỉ băn khoăn Miền sắp lấy một người chồng như thế nào, và tôi cố tự hoàn thiện mình mỗi ngày để em có thể yên tâm về điều đó. ” Vậy đó. Chàng trai ấy đã yêu đến như vậy Yêu tới mức sẵn sàng chấp nhận nàng và cả đứa con riêng của nàng, săn sóc, yêu thương hết mực. Có lẽ tình thương của Vinh phải nhiều lắm. Chẳng có mấy chàng trai làm được điều này. “Tình yêu có ngữ pháp riêng của nó, và trong hệ thống ngữ pháp rối rắm và đầy tính mờ đục ấy ‘yêu’ là một động từ bất quy tắc.” Một chàng trai như vậy xứng đáng có được lời hồi đáp từ một trái tim cũng đầy yêu thương và nhiệt huyết. Nhưng như vậy thì còn gì đọc?

Miên không yêu Vinh. Trớ trêu hơn, Miên lại yêu Phúc – bạn thân của Vinh. Thế mà Vinh vẫn mặc. Vẫn cưới Miên dù biết cuộc hôn nhân ấy là tình cảm từ một phía, chấp nhận bé Su, dù biết đó là con của Miên và Phúc. Khi yêu, con người ta bất chấp tất cả. Không một tiêu chuẩn, không một định kiến nào có thể ràng buộc được tình yêu.

Miên cũng vậy. Cô yêu Phúc dù với Phúc với cô lại chỉ như một cơn cảm nắng chợt đến chợt đi. Cô tìm đủ mọi lý do để tự thuyết phục mình chờ đợi trong suốt tám năm Phúc bỏ đi không một lời chào. Vậy mà khi Phúc trở về, trái tim Miên vẫn cứ loạn nhịp.

Tới đây, bạn đọc như thấy chính mình trong ấy. Ừ thì cũng đã có một thời ngây ngốc với tình yêu đơn phương. Biết rõ người ta chẳng thích nhưng vẫn cứ lao vào. Biết rõ khởi đầu là sai lầm nhưng bàn chân lại vẫn bước tiếp. yêu mà, cảm xúc thường thắng thế hơn lý trí. Dù biết Vinh thật khờ dại nhưng tôi hiểu và cảm thông cho anh. Có lẽ khi thật sự yêu, ai cũng sẽ như vậy mà thôi.

Một kết thúc đẹp cho một tình yêu đẹp.

Không dang dở như Ngạn và Hà lan trong “Mắt biếc”, lần này Nguyễn Nhật Ánh đã cho ta một kết thúc có hậu. Miên suýt chút nữa đã bỏ trốn đi với Vinh. Nhưng trong cái giây phút chờ đợi giờ bỏ trốn ấy, cô đã nghĩ thật nhiều, về cô, về Phúc, về Vinh và cả bé Su. Cô đã nhận ra trái tim mình bây giờ hướng về ai. Cô đã không tới điểm hẹn với Phúc nữa. “Có thể tôi rất sẵn sàng chết vì Phúc , nhưng tôi chỉ sẵn sàng sống vì Vinh. Tình yêu tôi có với Vinh là thứ không làm con người tê liệt đi mà nâng con người ta lên.Nó không gây cảm giác ta bị nhiễm độc tình cảm. Nó không nhúng ta vào vũng lầy mụ mị, làm cho trái tim ta sưng tấy lên một cách bất thường. Như kiểu yêu giữa tôi và Phúc.”

Vậy là cuối cùng ta đã có một kết thúc đẹp cho chuyện tình. Ai mà lại không thích một kết thúc có hậu cơ chứ?!

Đó là câu chuyện về tình bạn đẹp.

Đó đã là một chuyện tình tay ba nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, mọi thứ sao thật dễ dàng và nhẹ nhàng tới vậy? Dù viết về những tình cảm dằn vặt, khó xử… nhưng người đọc lại thấy hết sức hồn nhiên và dễ chịu. Vẫn là những trăn trở, cảm giác tội lỗi dằn vặt như bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh này nhưng là của những cô cậu học trò hồn nhiên và tô tư. Họ đi theo tiếng gọi của trái tim. Họ yêu mãnh liệt, yêu trọn vẹn tuổi trẻ của mình. Bởi vậy mà Vinh đã chẳng có hành động dại dột hay ghen tuông nào khi Phúc và Miên yêu nhau, hay khi Phúc trở về. Có lẽ đặt hoàn cảnh vào mình, có lẽ ta chẳng thể giữ nổi bình tĩnh mất.
“Ngày xưa có một chuyện tình” là câu chuyện phù hợp với mọi lứa tuổi. Dù bạn đã trưởng thành hay chỉ là những thiếu niên mới lớn, bạn đều có thể nhìn thấy chính mình qua từng trang sách. Đó là bài học về tình yêu, tình bạn, sự hi sinh và lòng vị tha. Bạn đang chênh vênh giữa những chọn lựa? bạn đang thương tổn bởi tình cảm đặt nhầm chỗ? hãy thử tìm tới “Ngày xưa có một mối tình”, cuốn sách có lẽ sẽ mở đường cho bạn giải mã ngôn ngữ của trái tim!

‎- Nguyễn Hồng Hạnh

Nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” hay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Riêng mình thì chỉ nhớ tới mỗi “Đảo mộng mơ” do ngày đó đọc kha khá truyện của tác giả này, chắc cũng phải 4-5 năm rồi nên cứ nhớ nhớ quên quên. Chị gái mình rất thích truyện của Nguyễn Nhật Ánh vì thế tủ sách nhà mình có sắp trọn bộ sách của ông rồi nhưng mình vẫn chưa có thời gian và đủ hứng thú để đọc hết. Mới đây, Nguyễn Nhật Ánh có ra mắt cuốn “Ngày xưa có một chuyện tình” và y như rằng về đến nhà đã thấy chị mình mua nó. Và sau đây là chút ít cảm nghĩ của mình.

“Ngày xưa có một chuyện tình” kể về mối tình thuở thơ ấu của Vinh – Miền – Phúc. Vinh thích Miền, ngay từ lúc mới là cậu học sinh cấp hai. Và cái sự “thích” ấy lâu dần trở thành “yêu”. Tình yêu của Vinh dành cho Miền là thứ tình cảm lặng thầm, lặng lẽ qua từng ngày. Nó dai dẳng, bền bỉ hơn bất cứ thứ gì khác trên đời. Dù cho tất cả mọi người xa lánh Miền, dù ăn bao nhiều trận đòn từ anh trai Miền, dù chịu quá nhiều tổn thương, Vinh vẫn âm thầm chịu đựng, vì Miền. Miền là con gái, nên có sự nhạy cảm hơn bình thường, và nó biết tình cảm của Vinh. Nhưng nó lại gặp Phúc – bạn thân chí cốt của Vinh. Ở Phúc toát ra sức hấp dẫn khiến Miền không sao cưỡng lại được. Ở cái tuổi mới lớn, còn nhiều bỡ ngỡ và sự ngây thơ, Miền bất chấp mọi thứ kể cả Vinh để ở bên Phúc. Còn Phúc, tuy biết Vinh thích Miền, nhưng bản thân nó cũng không cản nổi tình cảm của mình dành cho Miền. Nên nó ích kỷ, đến bên Miền. Chuyện tình tay ba tưởng chừng như sẽ làm mất đi vĩnh viễn tình bạn nhưng không, bằng tất cả lòng cảm thông và sự cao thượng của Vinh, chúng nó vẫn giữ nguyên vẹn được thứ tình bạn đẹp đẽ đó. Rồi vào một ngày, Phúc biến mất không một dấu vết. Điều đó đã làm đảo lộn cuộc đời của cả 3 đứa Vinh – Miền – Phúc.

Sau khi Phúc biến mất, Miền cũng đột ngột rời quê đến nhà chị gái ở, còn lại Vinh trống trải hoang hoải suốt những năm tháng còn lại của thời học sinh. Được một thời gian, Miền trở về nhưng không tiếp tục đi học nữa, thay vào đó Miền ở nhà trông bé Su – con chị gái Miền. Vinh đậu đại học và ra Đà Nẵng ở hẳn. Nhưng cứ mỗi lần về đều đến thăm Miền. Sau khi tốt nghiệp, Vinh xin về quê dạy học và vẫn thường xuyên lui tới nhà Miền. Nó biết, nó vẫn yêu Miền như ngày nào. Sau khi biết được bé Su chính là con của Miền và Phúc, Vinh quyết tâm hỏi cưới Miền và nhận mình chính là cha đẻ của bé Su năm đó. Cuộc sống vợ chồng của Vinh và Miền đang rất yên ấm thì Phúc đột ngột trở về. Khi Phúc biết bé Su chính là con trai mình, nó tìm cách thuyết phục Miền cùng nó bỏ trốn. Một lần nữa, Miền vẫn không thể từ chối Phúc. Ngày hôm ấy khi Miền đồng ý bỏ trốn cùng Phúc, Vinh đã biết được hết mọi chuyện và lẳng lặng bỏ ra Đà Nẵng để kế hoạch của Miền và Phúc được êm xuôi. Nhưng đêm ấy Miền không đi, Phúc cũng tự ý rời đi một mình. Và khi Vinh trở về, một cái kết viên mãn được mở ra cho tất cả.

Ban đầu khi đọc cuốn sách này, mình không hề thích tính cách của nhân vật Vinh. Mình cảm thấy Vinh quá hiền lành, nhút nhát và quá yếu đuối. Vinh thích Miền lâu đến vậy, si tình đến vậy nhưng chưa một lần mở lời. Ngoài việc âm thầm ở bên để che chở, giúp đỡ, Vinh chấp nhận nhìn Miền hạnh phúc bên người khác. Tình yêu đơn phương của Vinh cứ dài dằng dặc, mỗi ngày một lớn lên và chẳng có cách nào thoát ra được. Đó là một nỗi cô đơn kéo dài suốt bao năm tháng, một nỗi buồn mãi chẳng thể vơi, một chuyện tình không có hồi kết.

“Khuyết một nửa tôi đợi chờ một nửa
Như rằm chờ một nửa của vầng trăng
Như câu hỏi đợi một người để hỏi
Bạn có là một nửa của tôi chăng?”

Nhưng rồi càng ngày, cách hành xử của Vinh càng khiến mình thấy cảm phục. Trên đời được mấy ai có tình yêu như thế, cao thượng và hy sinh vì người mình yêu nhiều đến như thế? Hết lần này đến lần khác, người chịu tổn thương vẫn là Vinh. Suốt bao nhiêu năm trời, Vinh đều hết lòng yêu thương Miền, bỏ lại sau lưng quá khứ lầm lỗi của Miền để được ở bên. Vậy mà Miền có ý định rời bỏ Vinh để kiếm hạnh phúc riêng. Dù biết là Miền có nỗi khổ riêng, nhưng nếu bỏ Vinh để ở bên Phúc thì thật quá đáng. Vinh không đáng bị đối xử tàn nhẫn như thế. Giống như Miền đã nói: “Cuộc đời tôi giống như một quả táo bị sâu, trong khi tình yêu Vinh dành cho tôi không một tì vết”.

Đọc xong truyện, mình nhận ra cuộc sống là hàng chuỗi các mâu thuẫn. Rằng con người thật tham lam, đặc biệt là chuyện tình cảm. Nhưng tình cảm là thứ không thể chi phối được, ai cũng muốn được hạnh phúc, con người ta chỉ làm theo bản năng để tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của người này đôi khi chính là đau khổ của người kia. Chẳng một ai có được hạnh phúc vẹn toàn mà không nhận lấy khổ đau hoặc khiến người khác khổ đau.

“Nhưng khi tình yêu gọi tên, nó không thể làm ngơ vì nói chung con người ta ít ai có thể chống lại chính mình”

Sách của Nguyễn Nhật Ánh tuy vẫn văn phong ấy, phong cách ấy nhưng mỗi cuốn sách, mỗi câu chuyện đều để lại dấu ấn khác nhau cho người đọc. Đọc sách của ông lần nào mình cũng nhìn thấy chút ít bản thân mình ngày bé trong đó. Tuy cảm giác đã cũ, man mác buồn nhưng nó chẳng bao giờ phai nhạt, vì nó là một phần tuổi thơ của mình, góp phần tạo nên mình ngày hôm nay. Nếu muốn trở về tuổi thơ, hay tìm chút ký ức của quá khứ bị bỏ quên hãy tìm đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh, mình tin là ai cũng sẽ tìm lại được. Hoặc không thì cũng một lần được hóa thân vào nhân vật sống với thời thơ ấu đó, tuy không được ấm êm, sung sướng như thời đại bây giờ nhưng như thế mới đúng chất của tuổi thơ.

Ngoài cốt truyện ra thì điểm mình rất thích ở cuốn sách này đó là lối viết của tác giả. Câu chuyện được kể theo lời của cả 3 nhân vật, đan vào đó là những đoạn truyện về một đứa trẻ. Ban đầu mình không hiểu tại sao thi thoảng lại xuất hiện đoạn truyện về một đứa trẻ chơi đùa với một người đàn ông nhưng về sau khi gần đến đoạn kết, mình mới vỡ lẽ. Cách viết này khiến mình có thể hiểu rõ hơn về tâm tư tình cảm của các nhân vật, hiểu tại sao họ lại hành động, lựa chọn như thế. Điều đó khiến mình có sự cảm thông hơn và hiểu nhân vật hơn.

Truyện tuy nhẹ nhàng nhưng để lại ấn tượng sâu. Từng lời văn, từng câu chữ của tác giả dù rất mộc mạc nhưng đi vào lòng người.

– Sách truyền tay

Trích dẫn

“Nỗi buồn sẽ làm con đau, nhưng cũng dạy con trưởng thành.”

“Nhan sắc của một đứa con gái là thứ có thể đẹp lên mỗi ngày trong mắt một đứa con trai, nếu đứa con trai đó thường xuyên tiếp xúc với đứa con gái đó. Tính cách, lối nói chuyện và nhiều phẩm chất vô hình khác nữa hoàn toàn có thể to điểm cho vẻ đẹp hữu hình của người con gái, giúp cho gương mặt, ánh mắt, bờ môi tưởng chừng như không có gì đặc biệt kia tỏa ra một thứ ánh sáng lấp lánh khác thường.”

“Con nghĩ các loài cây đều ra hoa theo cách chúng thích. Giống như con thích đội chiếc mũ trắng nhưng thằng bạn con thích đội chiếc mũ vàng. Và một đứa khác thì thích chiếc mũ tím. Nhiều khi chỉ để không giống hai đứa kia.”

“Tình yêu là chuyện rất khó nói, con à. Đi tìm tình yêu cũng phiêu lưu giống như đi tìm kho báu vậy. Con không thể biết trước cái con sắp đào lên là những thỏi vàng hay chỉ là những mảnh bát vỡ.”

“Trong thực tế, có những mối tình suôn sẻ. Không phải lúc nào tình yêu cũng tập tễnh trên đôi nạng gỗ và đến với chúng ta bằng những bước chân khập khiễng.”

“Số phận thích ném đá những người đang yêu, nhưng khi tảng đá rơi trúng đầu người này hiển nhiên nó sẽ không rơi trúng đầu người khác.”

“Lỗi lầm của con tim là lỗi lầm đáng tha thứ nhất trong các lỗi lầm mà con người mắc phải.”

“Người ta chỉ có thể định nghĩa tình yêu bằng chính tình yêu, con à. Tình yêu là thứ không thể dán mác. Cho điểm tình yêu hoặc gán mác cho tình yêu bất cứ thang bậc nào là cách tốt nhất để chứng minh mình không hiểu nó.”