Nghĩ Thông Suốt, Đời Nhẹ Như Mây – Lysa TerKeurst

Thông qua Nghĩ thông suốt, đời nhẹ như mây, Lysa TerKeurst chia sẻ những trải nghiệm cá nhân sâu sắc của mình về sự từ chối, cảm giác bị bỏ rơi và cô đơn…. tác giả tập trung phân tích một cách trung thực gốc rễ của sự từ chối, khả năng sự từ chối có thể đầu độc các mối quan hệ từ trong ra ngoài, bao gồm cả mối quan hệ của chúng ta với Chúa.

Review Nghĩ thông suốt, đời nhẹ như mây

Sự nhạy cảm của người hướng nội và câu trả lời từ Chúa: Nghĩ thông suốt, đời nhẹ như mây

Nếu bạn là người hay dằn vặt về những chuyện đã, đang xảy ra với bản thân và vẫn chưa tìm ra lối thoát thì hôm nay, khi bạn tình cờ đọc bài viết này, mình mong rằng bạn sẽ nhìn thấy ánh sáng hy vọng trong 10 lời khuyên bên dưới. Dĩ nhiên, mình cũng trích dẫn một số lời răn dạy của Chúa được tác giả Lysa TerKeurst nhắc đến trong quyển “Nghĩ thông suốt, đời nhẹ như mây”. Vì vậy, nếu bạn không phải là một tín đồ của Công giáo thì hãy bỏ qua hình thức giáo điều bên ngoài, để những thông điệp tốt đẹp ấy chỉ dẫn cho bạn hướng đi đúng đắn nhất.

Đầu tiên, mình xin chia sẻ chút thông tin ngoài lề để bạn có thể hiểu rõ hơn về bản thân nhé! Nghiên cứu của nhà tâm lý Debra Johnson đến từ Đại học Iowa đã chỉ ra rằng, ở những người hướng nội, máu tăng cường lưu thông ở vùng thùy trán và đồi thị trước. Vì đây là khu vực giúp con người gợi nhớ lại các sự kiện trong quá khứ, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề, nên người hướng nội rất dễ đắm chìm trong những dòng suy nghĩ. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, nhóm người hướng nội nhạy cảm đến mức cực đoan luôn phải vật lộn với những suy nghĩ tiêu cực mà quên rằng thế giới này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ đón họ.

Như vậy, cách người hướng nội nhìn nhận về cuộc sống chính là nguồn gốc của vấn đề. Từ đây, bạn và mình, còn có tác giả Lysa TerKeurst, chúng ta là những người hướng nội mới hôm nào loay hoay đi tìm lời giải, nhưng trong hiện tại đều đã chọn đúng chuyến bay đến nơi bình yên nhất của tâm hồn. Việc chúng ta cần làm tiếp theo, như trong trải nghiệm của tác giả Lysa TerKeurst, là nhận biết những con sâu đang đục khoét tâm trí của chúng ta thông qua lời mách bảo của Đấng toàn năng, chỉ cần chúng ta để ý một chút.

Ngay từ chương đầu tiên, tác giả đã chỉ ra rằng Chúa hay Đấng toàn năng sẽ nhắn gửi điều gì đó đến chúng ta mỗi khi chúng ta cảm thấy chông chênh, lo sợ. Cô kể rằng cô từng bỏ quên vali ở khách sạn rồi cuống lên tự mắng chính mình. Ngay lập tức, Chúa đã cử một “thiên thần cũng biết phàn nàn” đến thức tỉnh cô. Và thiên thần đã mượn lời một hành khách gần đó để ra hiệu cho cô dừng lại: “Cô đừng tự nói về mình như thế trước mặt tôi”. Câu nói ấy đã tác động mạnh mẽ đến tác giả Lysa TerKeurst, giúp cô hiểu rằng cô đã nhiều lần dày vò bản thân đến mức quen thuộc với điều đó, mặc cho suy nghĩ của cô ngày càng bị đầu độc nặng nề.

Nhưng vì sao người hướng nội lại dễ dàng hành hạ chính mình như vậy? Mình xin mượn lời chiêm nghiệm của tác giả để thay cho câu trả lời: “Hãy thử nghĩ xem, vì sao bạn lại cảm thấy tổn thương sâu sắc khi người khác nói hoặc làm điều gì đó khiến bạn thấy mình như bị chối bỏ? Liệu có phải hành động của họ đã tái khẳng định sự tồn tại của phần yếu đuối mà chính bạn cũng thường nhắm vào để mắng nhiếc mình? Bị khoét sâu vào vết thương đã sẵn rỉ máu sẽ luôn khiến bạn đau đớn hơn gấp nhiều lần so với bị đánh vào chỗ vốn lành lặn, đúng không?”

Và vì sao chúng ta lại có thái độ tự chối bỏ? Phải chăng là vì chính chúng ta còn chẳng bao dung cho bản thân mình? Nếu chúng ta không chịu tin vào giá trị của bản thân thì rất dễ đem lòng hoài nghi về người khác.

Lysa TerKeurst cũng từng nhầm tưởng rằng có người phụ nữ xa lạ ở phòng tập gym liếc nhìn cô bằng ánh mắt đầy thù ghét. Nhưng đến khi bắt gặp nụ cười của người kia dành cho mình, Lysa TerKeurst mới nhận ra là cô đã suy nghĩ quá nhiều. Nhưng dù cho có bị ghét bỏ thật, chúng ta cũng đừng để sự tức giận vấy bẩn tâm trí. Thế giới này đâu phải thiên đường; không phải ai cũng là thiên thần để đối đãi tốt với chúng ta, miễn là Chúa hay Đấng toàn năng nào đó vẫn lắng nghe lời thỉnh cầu của chúng ta, mách bảo chúng ta nên làm gì để bước sang cuộc sống mới tươi đẹp hơn.

Chúng ta không cần đòi hỏi một cuộc đời suôn sẻ, cũng không cần né tránh những trải nghiệm khó chịu, vì “muôn vật rồi đây sẽ được giải phóng khỏi thân phận nô lệ cho sự hư nát, để chung hưởng sự tự do trong vinh quang của con cái Đức Chúa Trời” (Romans 8:21), và “anh em là kẻ được chọn lựa Ðức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài. Hãy có lòng thương xót, hãy mặc lấy sự nhơn từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục.” (Colossians 3:12).
Khi đọc đến gần cuối quyển sách, mình nhận ra các Ngài chỉ mang đến những điều tốt đẹp phù hợp với mỗi người trong chúng ta, không phải là tất cả mọi điều tốt đẹp trên thế giới này. Nhưng có lẽ với những người hướng nội nhạy cảm đến mức cực đoan, điều này thật khó chấp nhận. Bởi chúng ta cố chấp cho rằng nếu những gì Chúa hay Đấng toàn năng ban cho chúng ta không giống như bao người thì đó chính là sự từ chối đầy tiêu cực, còn chúng ta thì thua kém người khác.

Giống như câu chuyện của bé Ashley, con gái của cô Lysa TerKeurst. Ashley từng phải chuyển trường vì em không theo kịp chương trình học tại trường cũ, nhưng may mắn đã mỉm cười với em sau trải nghiệm không vui đó, ngôi trường mới là nơi Ashley được tỏa sáng với danh hiệu học sinh xuất sắc.

Tác giả còn có nhiều câu chuyện khác muốn kể với bạn nhưng mình sẽ không can thiệp sâu hơn vào nội dung của sách nữa, để tâm trí bạn dung nạp và thanh lọc tốt hơn. Thay vào đó, mình xin diễn đạt lại 10 lời khuyên của tác giả được đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quý giá, mời bạn ngẫm cùng với mình nhé!

  1. Một lời từ chối chưa đủ chứng minh cho sự thất bại trong tương lai.
  2. Sự từ chối không nói lên rằng bạn là ai, nó mách bảo chúng ta nên điều chỉnh và bước tiếp như thế nào.
  3. Sự từ chối có thể gợi mở về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
  4. Biết đâu sự từ chối lại giúp bảo vệ bạn.
  5. Khi gặp khó khăn, chúng ta nên tìm hiểu điều gì tốt cho bản thân mình, chứ đừng tìm hiểu tại sao nó lại xảy ra.
  6. Đừng trút hết cơn giận thông qua Internet.
  7. Món quà bạn nhận được thật ra lớn hơn những thứ bạn bị từ chối.
  8. Nếu có người coi nhẹ những việc bạn làm thì chắc chắn cũng có người xem đó là tài sản vô giá.
  9. Sự từ chối chỉ là bước lùi tạm thời, không phải là mãi mãi.
  10. Đừng để nỗi đau phá hủy con người bạn, hãy để Đấng toàn năng giúp bạn biến nó thành sức mạnh của riêng mình.

– Ha Vy Nguyen