Lần cập nhật gần nhất August 3rd, 2021 – 03:41 pm
Các nghi thức tang lễ thay đổi tùy theo thứ bậc của người qua đời, trong gia đình và ngoài xã hội; tài sản họ có lúc sống cũng như tài lực của người thân. Tang lễ là nghi thức tôn giáo, vừa thể hiện sự hiếu đạo, nghĩa tử của người sống với người chết nhưng cũng là mối quan tâm lo lắng về sự bình an, thịnh vượng hoặc hiểm họa sau này của con cháu… Với tư duy khoa học và thói quen quan sát ghi chép của người phương Tây, Dumoutier và các cộng sự đã quan sát, nghiên cứu những nghi thức khác nhau của nghi lễ tang ma sau đó phân tích, so sánh để tìm ra nét khác biệt trong một số nghi lễ ở các vùng miền, giữa các tôn giáo khác nhau…
Review Nghi thức tang lễ của người An Nam (2)
Gustave Dumoutier sinh năm 1850 tại Pháp, ông là nhà nghiên cứu nhân học, dân tộc học và khoa học tôn giáo. Năm 1886, ông đến Hà Nội làm việc và bắt đầu nghiên cứu những vấn đề về dân tộc học, tôn giáo, văn hóa, lịch sử Việt Nam. Ông qua đời tháng 8 năm 1904 tại Hà Nội và để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị: “Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỉ XV”, “Tiểu luận về dân Bắc kỳ”, “Nghi thức tang lễ của người An Nam – nghiên cứu dân tộc học về mặt tôn giáo”,…
Ở phần đầu cuốn sách, Gustave miêu tả rõ ràng tỉ mỉ quá trình một người sắp chết trong cơn hấp hối, chúng ta đã thấy người đó chết, theo dõi tất cả các giai đoạn khi trút linh hồn, việc tẩm liệm và theo tiễn đám ma tới tận nghĩa trang. Người ta có thể tin chắc rằng mọi bài kinh đã được đọc, mọi tục lệ đã được thực hiện xung quanh thi hài, là nhằm mục đích giúp cho linh hồn và số phận của người ấy. Như vậy một bộ phận dân An Nam là người những người duy linh triệt để, mà linh hồn là đối tượng duy nhất của những nghi thức tang ma. Chúng ta không thể bỏ mặc linh hồn này cho một người lạ đáng nghi ngại làm đám, mà không sợ họ làm hại tới người thân của chúng ta, hoặc làm qua loa chiếu lệ.
Đối với Phật tử và người mới gia nhập Phật giáo, cái chết không phải là một vĩnh viễn, mà chỉ đơn giản là phần cuối của một giai đoạn mà người ta có thể so sánh với một chuyển động xoay vòng, gồm sinh ra, sống với một chuỗi khổ sở, già và chết phải đền tội rồi lại quay về cuộc sống trần tục. Sau mỗi kiếp ở trần thế, linh hồn sẽ phải trải qua một loạt những hình phạt phải chịu đựng trong các địa ngục khác nhau và khi ra khỏi cõi đời, linh hồn đã đạt được công đức, hoặc đánh mất phẩm chất của mình. Nếu có công đức, linh hồn sẽ quay lại trần gian với cảnh giới cao hơn tiền kiếp, ngược lại, nếu đánh mất phẩm hạnh, nó sẽ đầu thai trong cảnh giới thấp kém hơn, thậm chí trong các loại chúng sinh, có thể bị giáng xuống cấp bậc súc sinh thấp nhất.
Nhằm soi sáng bước đi khi linh hồn xuất ra khỏi thể xác, người ta đốt đèn, chỉ dẫn những con đường phải theo, người ta cấp cho linh hồn tiền bạc để tiêu pha dọc đường và dâng cúng thực phẩm. Linh hồn chịu đựng đau khổ, người ta cầu nguyện để giảm nhẹ, thiêu những bài kinh cầu nguyện viết sẵn, bố thí, cúng dường tiền bạc cho thiền viện đền thờ, người ta ăn chay.
Linh hồn phiền muộn, và để giải sầu cho linh hồn, người ta gửi sang thế giới bên kia tất cả mọi thứ có thể giúp linh hồn khuây khỏa: đồ đạc trong nhà, đào kép, tôi tớ, kể cả các phương tiện đi lại như ngựa, thuyền, võng cáng.
“Thời đại nào và đạo nào cũng vậy, chuyện ngây ngô, kỳ cục, và khủng khiếp thường được dùng để đánh mạnh vào trí óc của dân chúng. Toàn bộ những tập quán, nghi lễ có yếu tố dị đoan, mà chúng ta đã xem qua, được lưu truyền trong xã hội An Nam ở một thời kỳ lịch sử khá lâu, nó có thể thay đổi tùy theo trình độ trí thức của con người ở mỗi hoàn cảnh lịch sử khác nhau.”
“Lòng người – địa ngục dưới âm ti – chính là địa ngục ở trong lòng người, một khi lòng người đã không có địa ngục, thì hẳn là địa ngục dưới Âm ti cũng có thể không còn nữa”
– Love Rain
Tôi nhớ lúc tôi còn bé, mỗi năm một lần bà tôi lại đem một bộ đồ đỏ chót trong rương ra giặt giũ phơi phóng, bà phơi lên một dây dài nào áo, quần, mũ, bao tay, bao chân, tất cả đều màu đỏ. Mấy chị em đi qua cái dây phơi đều sợ hãi tránh xa, vì đã từng nghe bà bảo, đây là bộ đồ bà mặc lúc chết. Mãi đến tận bây giờ, khi mà bà tôi đã ra đi hơn 15 năm, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bà tôi lọ mọ nâng niu xếp dọn bộ đồ đỏ. Bà may từ rất sớm, lúc bà chưa còng lưng và còn quảy quang gánh đi chợ mỗi ngày. Bà còn ưng mua 1 bộ quan tài nữa nhưng bố mẹ hình như cũng sợ hãi mà ngăn cản không cho bà mua, làm bà càm ràm mãi. Sau này bà ra đi thanh thản ở tuổi 82, và lúc khâm liệm bà đã được mặc bộ đồ mà bà đã chuẩn bị cho mình từ rất lâu.
Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi tại sao một nguười khỏe mạnh lại có thể chuẩn bị cái chết cho mình mà không hề sợ hãi ? Có lẽ các bạn cũng đã từng 1 lần nhìn thấy hoặc là người thân, hoặc là hàng xóm…những người thế hệ trước lo hậu sự chu đáo cho bản thân và cũng đã từng khó hiểu như tôi ? Vậy thì đây – cuốn sách màu hường này sẽ giải đáp cho bạn những thắc mắc đó nhé !
Gustave Dumoutier sinh năm 1850 tại Pháp, ông đến Hà Nội năm 1886 để làm việc và bắt đầu nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam
Các sách đã được dịch và xuất bản:
– Tiểu luận về dân Bắc kỳ”
– Nghi thức tang lễ của người An Nam – nghiên cứu dân tộc học về mặt tôn giáo
– Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỉ XVGustave Dumoutier đã ghi chép tỉ mỉ cụ thể cùng với hàng trăm hình vẽ minh họa về những nghi thức khác nhau của nghi lễ tang ma tại Bắc kỳ, từ đám ma của quan lại, địa chủ giàu có cho đến tầng lớp bình dân, nghèo khó.. Không những thế, ông còn phân tích, so sánh để tìm ra nét khác biệt trong một số nghi lễ ở các vùng miền, giữa các tôn giáo khác nhau theo các quan sát liên quan tới tang lễ, việc để tang và lòng kính trọng mồ mả của người Bắc kỳ. Đặc biệt ông cũng có những nghiên cứu rất sâu sắc về linh hồn người chết và các nơi mà linh hồn người chết có thể đến (linh hồn sau khi mất, linh hồn dưới địa ngục, linh hồn được đầu thai, linh hồn bị phán xét…)
Thoạt đầu linh hồn người chết được giải tới Nhất Điện, trước mặt vị phán quan Tân Quang Vương, ông này giữ quyển sổ sinh, ghi rõ ngày và thời hạn kết thúc các cuộc chuyển thế, ông điều khiển vô số quỷ, có nhiệm vụ chủ trì sự chết của chúng sinh, khi thời gian sống trên trần đã hết, và hộ tống linh hồn đi trên các chặng đường khác nhau. Theo quan niệm dân gian An Nam, điện này nằm dưới đáy đại dương.
Khi tới nơi, những linh hồn công chính, tùy theo mức độ trong sạch, được cho đi đào thai trong cảnh giới cao hơn, hoặc thoát khỏi vòng luân hồi. Những linh hồn khác được xét xử, linh hồn nào tội lỗi vượt quá công đức chút ít, phải qua một cuộc phán xét tổng quát, ngày sau đó được phân phối tới những địa ngục khác, ở đây, linh hồn sẽ bị phán xét chi li và phải đền bù tội lỗi mà công đức không chuộc nổi, tiếp đó sẽ đi đầu thai.
Đối với những linh hồn phạm tội ác lớn, chúng sẽ bị dẫn lên nóc một đài cao gọi là Nghiệt kính đài, ở đây, linh hồn phải đứng trước một đĩa kim loại khổng lồ, trong đó, mỗi linh hồn sẽ thấy phản chiếu mọi hành vi bí mật nhất trong cuộc đời. Hồn ma chúng sinh, người hoặc vật, đã khổ sở vì hành động của chúng, xuất hiện để tố cáo, không còn chối cãi vào đâu được, đó chính là lương tâm của chúng hiển thị ra bên ngoài, và ai cũng thấy rõ.
Dumoutier đã viết cuốn sách này thật sát với quan điểm nghiên cứu dân tộc học tôn giáo, qua đó công hiến cho các nhà nghiên cứu và độc giả ngày nay những tài liệu có giá trị tham khảo cần thiết.
– Trần Quỳnh
Tóm lược Nghi thức tang lễ của người An Nam
NGHI THỨC TANG LỄ NHƯ LÀ VIỆC THỰC HÀNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI VIỆT
Quan niệm đạo đức truyền thống của người Việt coi trọng tình cảm và đề cao tính tâm linh.
Tôn giáo lớn có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với xã hội phương Đông nói chung, xã hội Việt Nam nói riêng Phật giáo đều đề cao vai trò chữ Hiếu và xem đó là nền tảng căn bản của đạo đức làm người.
Phật dạy: “Thân chi sanh tử, hoài thai thập nguyệt, thân vi trọng bệnh, lâm sanh chi nhật mẫu nguy, phụ bố kỳ tình nan ngôn”.
Khổng Tử viết: “Phù hiếu, đức chi bổn dã, giáo chi sở do sanh dã”. Đọc trở lại truyện Kiều của Nguyễn Du, Kiều đã bán mình để chuộc cha, hành động xuất phát từ mâu thuẫn giữa chữ Tình và chữ Hiếu:
Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình nàng mới hạ tình
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.
“Sống vì mồ mả, không sống vì cả bát cơm”, việc thực hành chữ Hiếu không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của con cháu, đó cũng là việc thực hành tâm linh.
Thực hành tâm linh hoặc kỷ luật tâm linh (thường bao gồm các bài tập tâm linh) là việc thực hiện thường xuyên hoặc toàn thời gian các hành động và hoạt động được thực hiện cho mục đích tạo ra kinh nghiệm tâm linh và nuôi dưỡng sự phát triển tâm linh. Một phép ẩn dụ phổ biến được sử dụng trong các truyền thống tâm linh của các tôn giáo lớn trên thế giới là đi trên một con đường. Do đó, một thực hành tâm linh đưa một người dọc theo một con đường hướng tới một mục tiêu. Mục tiêu được gọi khác nhau là sự cứu rỗi, giải phóng hoặc sự kết hợp.
“Đối với người Việt Nam, nghi thức tang lễ có một tầm quan trọng lớn lao, biểu hiện sự tôn trọng của người sống dành cho người chết và ý niệm của người sống về sự an nghỉ của người vừa qua đời. Các nghi thức tang lễ thay đổi tùy theo thứ bậc của người qua đời, trong gia đình và ngoài xã hội; tài sản họ có lúc sống cũng như tài lực của người thân. Tang lễ là nghi thức tôn giáo, vừa là thể hiện sự hiếu đạo, nghĩa tử của người sống và người chết nhưng cũng là mối quan tâm lo lắng về sự bình an, thịnh vượng hoặc hiểm họa sau này của con cháu” (Omega +).
Hiện nay về nghi thức tang lễ đều dựa vào hai cuốn Thọ mai tang lễ và Gia lễ chỉ nam. Đến với quyển Nghi thức tang lễ của người An Nam của Guitave Dumoutier, đây là góc nhìn của người nước ngoài soi chiếu vào nghi thức tang lễ của người Việt, điều này mang đến một cái nhìn khách quan và khai phóng các cách nhìn khác về tập tục tâm linh này của người Việt.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ lần lượt giới thiệu hai phần: Nghi thức tang lễ và Linh hồn sau khi mất. (Do giới hạn bài viết nên tôi sẽ giới thiệu một vài ý chính trong mỗi phần)
1/ Nghi thức tang lễ
“Đối với người Việt Nam, nghi thức tang lễ có một tầm quan trong lớn lao, biểu hiện sự tôn trọng của người sống dành cho người chết và ý niệm của người sống về sự an nghỉ của người vừa qua đời. Các nghi thức tang lễ thay đổi tùy theo thứ bậc của người qua đời, trong gia đình và ngoài xã hội; tài sản họ lúc còn sống cũng nhu tài lực của người thân. Tang lễ là nghi thức tôn giáo, vừa thể hiện sự hiếu đạo, nghĩa từ của người sống với người chết nhưng cũng là mối quan tâm lo lắng về sự bình an, thịnh vượng hoặc hiểm họa sau này của con cháu …”.
Bắt nguồn từ đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên gia đình khi có người thân sắp qua đời, người trong gia đình phải cố gắng thực hiện đầy đủ các nghi thức theo truyền thống.
Tang lễ là nghi thức quan trọng. Xã hội Đông phương coi trọng gia tộc, nên hàng nghìn năm trước, trong các tài liệu, sách vở như Kinh Tam Giáo, đã đề cập đến bổn phận của con người trong việc tang lễ. Ở Việt Nam, các nghi thức tang lễ, vẫn dựa trên các luân lí và đạo đức của văn hóa phương Đông nhưng vẫn có những điểm riêng biệt phù hợp với đặc điểm và nếp sống của người Việt.
“Đối với ai suốt đời nghiêm cẩn tuân giữ giới luật, thì có điều gì khó để tới được nước Phật ? Chút cố gắng đưa anh lên đỉnh Bảo Đà.
Sinh và tử là hai giai đoạn, cũng là hai khởi đầu. Khi chúng sinh ra, đều xuất hiện trước tiên. Trịnh Công Sơn là người am hiểu Phật giáo nên vấn đề Sinh Tử Luân Hồi.
Cái chết bắt người đàn ông từ ngón cái bàn chân trái, phụ nữ bằng ngón cái bàn chân phải, cái chết theo đôi chân đi lên trên, tới các bộ phận sinh dục, rồi nó tới rốn, từ rốn lên ngực, và từ ngực lên cuống họng, từ cuống họng cái chết lại quay xuống ruột, chính lúc đó nó làm tim ngừng đập.”
“Vào lúc trút hơi thở cuối cùng, ai được xá tội, sẽ trở lại tình trạng trong sạch ban đầu và lên trời”. Hoạt động xá tội mang giá trị như trút bỏ đi gánh nặng, rủ bỏ bụi trần gian. “Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” (Trịnh Công Sơn) “Trăm năm trong cõi người ta” (Nguyễn Du). Đi đến nơi Đức Phật như là đi tới nơi vô biên, ở đó linh hồn sẽ hòa vào cái vô biên rộng lớn của vũ trụ. “Vào giờ cuối cùng này, tôi thú nhận mọi tội lỗi và xin tha thứ; tôi phạm tội vì dốt nát; lòng dạ tôi xấu xa; miệng tôi ô uế, xin Đức Phật tha thứ cho tôi.”
Sau các nghi thức tụng kinh xá tội, xua đuổi ma quỉ, là đến lúc làm bữa ăn cuối cho người quá cố: con trai trưởng tiến đến bên cạnh tự thi, hàm người chết luôn ngáng chiếc đũa, anh con trai bỏ một đồng trinh và ít cơm vào phía trái miệng, sau đó là chính giữa. Khi việc hoàn tất, người ta rút chiếc đũa để tách hàm.
Quan tài được khiêng tới sau khi đã tắm rửa thân thể; quan tài hình chữ nhật, đóng bằng những tấm ván cứng. Trong lòng quan tài trám cẩn thận bằng sơn, than bột và cát, … Dưới lòng đáy người ta vẽ hình Thất tinh Bắc đẩu.
Việc chọn đất làm mộ cũng rất quan trọng. Người xưa quan niệm “Sống về mồ mả, ai sống về cả bát cơm”. Tìm đất căn cứ vào hướng gió và mạch đất, do đó địa lý gọi là “phong thủy”. Tìm đất làm huyệt phải căn cứ vào hướng huyệt để đón gió lành vào long mạch để nhận sự mát mẻ. Một ngôi mộ huyệt tập trung được đủ yếu tố làm cho đất “vượng”, hướng nhận mọi long mạch chạy tới, có đủ sơn thủy.
Theo quan niệm phong thủy, một ngôi đất có thể làm cho con cháu phát đạt, nhưng cũng có ngôi đất đem lại sự lụn bại cho con cháu.
Sau cùng là hạt huyệt. Trước khi hạ huyệt, người ta phải làm lễ cúng “Thổ thần” để xin phép được an táng người chết tại nơi đây.
Lễ cúng Thổ thần cũng giống như lễ cúng “Đạo lộ thần” gồm có trầu rượu, vàng, hương và đĩa xôi, thủ lợn hoặc chân giò, gà … bày trên một án đặt theo chiều hướng thuận lợi.
Một người đại diện tang chủ làm lễ. Nhà nghèo thời cơi trầu bầu rượu trong một chiếc khay đặt trên một nấm đất gần đấy, cũng đèn nhang khấn vái nhưng không tế.
Đối với nhà giàu, cúng Thổ thần cũng như có văn khấn riêng. Muốn cho long trọng hơn, một đôi khi người ta cũng có đọc văn tế.
Cúng Thổ thần xong, linh cữu mới được hạ huyệt. Huyệt đã đào theo hướng thầy địa lý chỉ bảo. Đợi tới giờ hoàng đạo, người ta mới đặt linh cữu xuống gọi là hạ huyệt. Lúc đó thầy địa lý dùng la bàn gióng hướng phúc lại cho đúng.
Sau khi huyệt đã lấp thành mộ, những tràng hoa tươi bỏ lại mộ, còn những đồ phúng điếu khác được đem về nhà treo trên tường, ở trên và chung quanh bàn thờ.
Các nghi thức tang lễ kể trên đều có đầy đủ trong quyển sách Nghi thức tang lễ của người An Nam của Gustave Dumoutier (giới hạn trong khuôn khổ địa lý ở miền Bắc), nhưng do giới hạn của bài viết nên tôi chỉ nêu những lễ nghi, mà theo tôi, là tối quan trọng.
Không chỉ nói đến các nghi thức an táng, chúng ta nhận thấy, trong chiều kích tâm linh của người dân An Nam, đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Họ cho rằng chết không có nghĩa là không còn nữa mà chỉ là mất đi. Phần thân xác mất chứ tâm linh không mất. Con người mất đi thì vẫn hiện hữu qua nhiều hình thức khác.
Mệt quá thân ta này
Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này
Nằm xuống với đất muôn nơi
(Ngẫu nhiên – Trịnh Công Sơn)
Trong Kinh quan niệm “Tử không đáng sợ, vì tử là bắt đầu của sinh”. Sinh tử là Luật Nhân Quả, do đó người Phật tử không sợ hãi cái chết mà đón nhận như lẽ tất yếu ở đời.
Đức Phật dạy chúng ta chấp niệm, tức là giải thoát phiền não thế gian. Trong cuộc sống tâm linh, để “có được” thì cần có đẩu óc thông minh, còn muốn “từ bỏ” thì lại càng cần có trí tuệ và dũng khí. Con người lúc nào cũng chỉ mưu cầu chiếm hữu mà rất ít khi biết từ bỏ đúng lúc. Vì vậy, người có tiền thì bị tiền bạc làm cho mệt mỏi, còn người có tình cảm thì bị tình cảm làm tổn thương…Để đến khi mất đi,chúng ta đón nhận cái chết một cách thanh thản.
Nhận thức sinh tử đau khổ và giải thoát sự lo lắng về khổ đau ấy trong đời sống hiện tại này cũng chính là giải thoát được vòng luân hồi tiếp diễn. Đức Phật khẳng định: “Như lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc thế gian và sự chấm dứt thế gian đều ở trong tấm thân nhỏ bé này.”
Niệm sự chết không có nghĩa là gớm bỏ sự sống. Thực ra lại là quý trọng sự sống. Bởi vì đức Phật đã dạy rằng thân người khó được, Phật pháp khó nghe.
Đức Đạt lai Lạt ma trong cuốn The Path To Bliss đã viết “… Các bạn hãy có một niềm tin sâu sắc rằng thân mình hiện nay có tiềm năng lớn, và đừng bao giờ hoang phí dù một phút của thân này. Mặt khác, không tận dụng được thân người quý giá của bạn hiện nay, hay chỉ làm hoang phí, thì y hệt gần như là uống thuốc độc dù biết rõ ràng về hậu quả của việc như thế”.
Trịnh Công Sơn là người am hiểu triết học hiện sinh của phương Tây nhưng ông đã nói: “Bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật.Tại vì Phật dạy ta thức tỉnh trong từng sát na của cuộc sống”.Phật đã dạy “Quá khứ không truy tìm Tương lai không ước vọng, Quá khứ đã đoạn tận,Tương lai lại chưa đến, Chỉ có pháp hiện tại, Tuệ quán chính là đây”. Hóa ra chúng ta chỉ cần sống tốt cho hiện tại và nuôi dưỡng tâm hồn cũng đã đủ làm cho ta cảm thấy an nhiên tự tại.
Việc thực hành các nghi thức an táng của người An Nam, cùng với ảnh hưởng của Phật giáo, việc thực hành tâm linh không chỉ là đưa người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng mà còn dạy cho con cháu (người sống) một bài học về sự cứu rỗi,chấp niệm và sống thật tốt.
2/ Linh hồn
Người dân An Nam sống đời sống duy linh và họ cho rằng có sự tồn tại của cái gọi là linh hồn.
Trong truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Trương Ba là người chơi cờ tướng giỏi nhưng mất sớm, vì thấy ông có tài lên Đế Thích đã cho Trương Ba sống lại nhưng ở trong vai hàng thịt. Truyện cổ tích dừng lại ở việc quan xét xử ông chồng hàng thịt về với vợ Trương Ba và câu truyện kết thúc. Câu truyện dừng lại ở đoạn này nên ta thấy rằng người Việt Nam nói chung đã đặt cái duy linh lên hàng đầu, họ cho rằng linh hồn vẫn còn tồn tại sau khi chết.
Tuy thế, họ không muốn linh hồn của người thân mình mãi không đầu thai, điều đó chỉ tạo nên những đau khổ. Lưu Quang Vũ không đồng ý và cho rằng con người nên sống hài hòa hơn về thể xác và linh hồn. Việc cải tử hoàn sinh không phải là một món quà, mà đó là một chuỗi những đau khổ khi không còn là chính mình và bị chi phối bởi những nhu cầu của thể xác không phải là mình. “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Thế nên sự an ủi cho linh hồn sau khi mất là đầu thai để tới hậu kiếp.
“Đối với Phật tự và người mới gia nhập Phật giáo, cái chết không phải là một kết thúc vĩnh viễn, mà chỉ đơn giản là phần cuối một giai đoạn, mà người ta có thể so sánh với một chuyển động xoay vòng, gồm sinh ra, sống với một chuỗi khổ sở, già và chết, đền tội rồi lại quay về cuộc sống trần tục”.
Trong Kinh quan niệm “Tử không đáng sợ, vì tử là bắt đầu của sinh”. Sinh tử là Luật Nhân Quả, do đó người Phật tử không sợ hãi cái chết mà đón nhận như lẽ tất yếu ở đời.
Trong cuốn sách này có giới thiệu về một quyển sách có xuất xứ từ Trung Hoa, tựa là Hồi dương nhân quả, tạm dịch là Luật định nghiệp trong luân hồi. Sách được soạn ra theo hình thức truyện kể của nhân chứng mắt thấy tai nghe. Chúng ta có thể xem đây như là một văn bản văn học vì nó chứa đựng các nhân vật như Người học trò sùng đạo Phật, Diêm Vương, … Và người kể chuyện ẩn thân.
Câu chuyện kể về một người học trò sùng đạo Phật vô tình bị lũ quỉ bắt đi giải tới địa ngục. Sau đó là màn tra khảo của Diêm Vương rồi phát hiện ra ra lũ quỉ đã bắt nhầm người. Thay vì sửa lỗi cho anh ta quay trở lại trần gian thì Diêm Vương đã để anh ở lại chứng kiến các cuộc xét xử; dùng anh ta để làm nhân chứng cho việc thực thi các bản án. Trải qua rất nhiều cuộc xét xử từ nhẹ cho đến nặng, cuối cùng anh được Diêm Vương đưa trở về trần gian và giúp cho người dân sống thiện và đẩy lùi cái ác.
Văn bản “bắt nguồn từ kinh sách Phật, nhưng thông qua việc diễn dịch, đã tiếp thu một dấu ấn đặc biệt, và được thêm mắm thêm muối với những nét vẽ vĩ đại, khi truyền bá ở Trung Hoa và An Nam”.
Người đọc, với tinh thần sự đọc đương đại, sẽ khó cắt nghĩa các từ Hán – Việt và tái hiện lại xã hội đương thời. Đến đây ta phải chấp nhận với nhau rằng: Người đọc ít nhiều sẽ “chịu sự ảnh hưởng bởi ý thức hệ và quan hệ quyền lực trong thời đại mình đang sống”, nên dù muốn hay không, chúng ta không thể nào tái hiện lại xã hội đương thời của văn bản, chúng ta sẽ bị rằng buộc bởi tầm văn hoá đón nhận. Chúng ta chỉ có thể đi đến thống nhất với nhau rằng: dù không thể tái hiện thực tại đương thời, bởi vì các văn bản chỉ gắn với chu cảnh xã hội và văn hoá nhất định (the historicity of texts) nhưng những ý nghĩa răng đe, giáo dục của người xưa vẫn còn tồn tại vì rằng kiến thức và sự cảm nhận về quá khứ của chúng ta bao giờ cũng tồn tại thông qua các dấu vết còn lại của văn bản (the textuality of history).
Những bản án cực kì đáng sợ của Diêm Vương sẽ làm cho người đọc ám ảnh, nhưng không phải hoàn toàn là một câu truyện kinh dị nhằm huấn thị. Ông Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Những truyền thuyết dân gian thường có cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân, qua nhiều thế hệ, lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình, cùng với thơ và mộng”.
“Thời nào và đời nào cũng vậy, chuyện ngây ngô, kỳ cục, và khủng hoảng cũng thường được dùng, để đánh vào trí óc ít, tâm lý con người, vì làm họ khiếp sợ, những chân lý, mà việc trình bày đơn giản những tư tưởng triết học không đủ khiến cho họ tuân giữ”.
Kết luận: Người An Nam thực hành nghi lễ an táng như là một sự thực hành tâm linh, ta nhận ý nghĩa to lớn và mang ý nghĩa an ủi kiếp người từ xa xưa cho đến nay “tính chất liên tục của sự sống sau cái chết, tình trạng không thể hủy diệt của ngã (le moi). Đó là quan điểm duy linh”. Nghi thức tang lễ như là mối liên kết thể hiện trách nhiệm của người sống đối với người chết, nó giúp ta nhận ra mối liên kết trường tồn giữa người với người để làm cho cuộc sống không bị mai mọt các truyền thống văn hóa, truyền thống; ta nhận ra một sự thật phi lý, khi mà cuộc sống đô thị ngày càng phát triển thì mối liên kết giữa người với người ngày nhạt dần, chính các lễ nghi, tập tục truyền thống là “liều thuốc” để “chữa” “căn bệnh” nhức nhói này của xã hội chúng ta ngày nay. “Địa ngục không ở nơi nào khác hơn là lương tâm con người. Ai có lương tâm không cắn rứt, hoặc giả anh ta có thể tìm thấy một địa ngục nào không?”
– Nguyễn Kim Vinh