Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ – Higashino Keigo

Lần cập nhật gần nhất February 26th, 2021 – 02:29 pm

Câu chuyện “Ngôi nhà của người cá say ngủ” xoay quanh một cặp vợ chồng dự định sẽ ly hôn sau khi cô con gái Mizuko vào cấp một. Nhưng tin dữ bất ngờ ập đến: một tai nạn bất ngờ không may đã xảy ra với cô bé ở bể bơi. Tuy nhiên, sự thật còn đau đớn hơn gấp bội khi đứa con gái duy nhất của họ đã chết não nhưng trái tim vẫn còn đập bởi một sức mạnh lạ kỳ. Chính vào giây phút dấu hiệu của sự sống đang lụi tàn dần, cha mẹ cô bé phải tiếp nhận một sự thật tàn khốc: có nên hiến tạng của cô bé hay không?

Review Ngôi nhà của người cá say ngủ (3)

Tôi trân trọng những yêu thương xuất phát từ một nơi được gọi là gia đình, vậy nên khi đọc Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ, trái tim tôi đã không ngừng thổn thức, bởi thứ ngôn từ này dường như được Keigo viết nên bằng thứ mực có màu xót xa. Tôi tự hỏi không biết còn nỗi đau nào bằng việc cha mẹ phải nhìn con gái mình sống một cuộc đời thực vật, khi não đã chết và trái tim bé bỏng đang cố gắng đập những nhịp yếu ớt. Ranh giới giữa sự sống và cái chết là mỏng manh hay tự bao giờ nó đã chập lại thành một?

Tôi cảm nhận được rõ ràng nhất tình yêu của người mẹ qua câu: “Vì con, dù phải làm những chuyện điên rồ nhất hay bị cả thế giới quay lưng dè bỉu, mẹ cũng mỉm cười chấp nhận”. Người mẹ đã bất chấp mọi thứ để giữ lại niềm tin về sự sống của cô con gái sáu tuổi, phép lạ rốt cuộc có xuất hiện để xoa dịu nỗi thương đau này? Hay tất cả mọi cố gắng đến cuối cùng cũng chỉ là sự ích kỷ vô nghĩa? Higashino Keigo thực sự đã làm nên một tác phẩm về đề tài tâm lý xã hội và y học khiến người đọc không ngừng trăn trở, suy tư. Không có hình dung nào cụ thể nhưng nỗi đau của các nhân vật đang hiện hữu trong tâm trí của từng người, chỉ là không còn ngôn từ nào diễn tả cho hết. Vì làm sao có thể dễ dàng buông tay một người mình hết mực yêu thương khi ở đâu đó vẫn đang nhen nhóm những tia hy vọng, dù rất mỏng manh và yếu ớt cũng là nguồn động viên lớn hơn bất cứ thứ gì.

Sau vụ tai nạn ở bể bơi, trái tim Mizuho vẫn còn đang đập và những ràng buộc riêng trên mặt luật phát đã không cho vị bác sĩ nào dám khẳng định cô bé đã tử vong. Kaoruko và Kazumasa buộc phải lựa chọn tiếp tục chăm sóc con gái đã rơi vào trạng thái thực vật với hy vọng mong manh sẽ có ngày con gái mình tỉnh lại hay buông tay, chấp nhận hiến tạng đứa con gái duy nhất? Chưa bao giờ quyết định một việc lại khó khăn đến chừng ấy, những trăn trở trong lòng bậc làm cha mẹ cứ không ngừng lớn lên và khiến họ quặn thắt mỗi khi nghĩ đến. Nhưng điều đau đớn nhất có lẽ nằm ở trái tim vẫn thình thịch từng giây từng khắc bên ngực trái của Mizuho, sự kỳ diệu này vừa khiến họ cảm thấy bế tắc bởi không thể đưa ra lựa chọn tối ưu nhất, vừa là nguồn sáng le lói đang soi rọi vào cô con gái bé bỏng của họ, là niềm tin mãnh liệt vào sự hiện diện của mầm sống.
Kaoruko và Kazumasa có ích kỷ không khi giữ lại thân thể đó cho riêng niềm hy vọng bất thành hiện thực của mình, vì biết đâu khi đồng ý hiến tạng thân thể của Mizuho sẽ giúp những đứa trẻ khác được cứu? Liệu việc họ níu giữ sự tồn tại không thực đó có ý nghĩa gì? Nếu bạn là người có quyền quyết định thì mọi chuyện sẽ chuyển biến ra sao? Tôi đã tự hỏi mình những câu như vậy và nhận ra bản thân cũng muốn giữ lại thân thể bé bỏng ấy. Bởi tôi luôn tin khi mang thiên chức của một người mẹ, việc bảo vệ con cái là chuyện đã ăn sâu vào máu và nhịp thở. Dù sự thật là Kaoruko đã cố chấp, đã làm vô vàn những chuyện điên rồ, đã mang trong người suy nghĩ không tốt đẹp, nhưng chung quy mọi thứ đều xuất phát từ tình yêu mà cô dành cho Mizuho. Từng cung bậc cảm xúc của Kaoruko như đang thấm vào máu của tôi, nên bỗng dưng tôi cũng bực tức vì sự vô tâm của Kazumasa (dù rằng họ đã ly thân nhưng tôi nghĩ trong hoàn cảnh này cô đáng lẽ phải được quan tâm nhiều hơn), mong muốn chiếm đoạt trí tuệ của Hishino để giúp con gái bé bỏng ngủ say được cử động như vẫn đang sống, giận dữ và xót xa khi nghe cậu bé Ikuto chối bỏ sự tồn tại của chị gái… Kaoruko đã không ngừng cố gắng vượt qua sự khổ tâm ấy mà kiên cường sống và chăm sóc con gái mình, vậy thử hỏi tôi phải hờn giận gì đây trước những việc làm được cho là ích kỷ đó?

Tôi vẫn nhớ như in, như chính tôi đang chứng kiến sự hỗn độn trong buổi tiệc sinh nhật của Ikuto. Khi người mẹ ấy dùng dao đặt vào tim con gái và không ngừng gào thét những lý lẽ đanh thép, rắn rỏi, tinh tường nhất trước mặt các viên cảnh sát, tâm thức của tôi gần như hét lên: “Cô điên rồi, Kaoruko”. Rồi mọi cảm xúc lại trở nên mềm nhũn và vô nghĩa khi Kaoruko nói: “Vậy kẻ hại chết con gái tôi là tôi sao?”. Làm sao có thể như thế được, dẫu cô thực sự đâm vào trái tim đang đập yếu ớt ấy thì vẫn không thể khép tội cô được, bởi rõ ràng Mizuho đã chết não. Nhưng quan trọng hơn, tôi luôn tin một người mang nhiều kỳ vọng vào sự sống của cô bé sẽ không thể làm tổn hại con mình được. Hành động ấy dẫu điên rồ và đáng chê trách, thì đó vẫn là điều xuất phát từ sâu thẳm tâm tư của một người mẹ hết mực yêu thương con mình.

Thực sự đây không phải là một tác phẩm dễ nuốt, bởi xuyên suốt hơn 400 trang sách, tác giả Keigo đã lồng ghép vô vàn kiến thức về y học như: vấn đề xoay quay luật hiến tạng và thẩm định chết não, những nghiên cứu về bộ não, các phát minh giúp người thương tật có thể hoạt động như bình thường… Quả thật mọi thứ đã khiến tôi cảm thấy khá nghẹt thở, nó nhiều chuyên môn hơn hẳn những quyển sách mà tôi từng đọc trước đó của ông, nhưng quan trọng nhất có lẽ vẫn là diễn biến trong tâm lý nhân vật. Nó còn là một lời gợi nhắc khe khẽ về tình cảm gia đình, về tấm lòng của những người làm cha làm mẹ. Đúng như câu: “Gia đình là nơi không ngừng yêu thương và không bao giờ bỏ cuộc”. Chỉ có yêu thương mới khiến gia đình trở thành nơi ấm áp nhất và khiến người ta trăn trở trước những quyết định nhiều đến vậy.

Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ khép lại với sự thật về giấc ngủ say và một đêm nằm mộng cùng lời cảm ơn và tạm biệt đầy yêu thương của cô con gái nhỏ. Sự ra đi đó cuối cùng đã nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn, người mẹ như hóa điên vì con gái nay cũng bình tâm chấp nhận mọi thứ. Và tôi vẫn luôn tin trái tim Mizuho vẫn đang đập ở đâu đó trên thế giới này.

Mizuho đã có những nhịp đập cuối cùng thật đẹp, người cá say ngủ chắc chắn sẽ hạnh phúc nơi thiên đường.

– Lê Phạm Thuý Huyền Châu

NGÔI NHÀ CỦA NGƯỜI CÁ SAY NGỦ – Liệu tình yêu lớn lao của người mẹ có thể chiến thắng được Thần Chết?

Biết đến tác giả Higashino Keigo qua nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bạch dạ hành, Phía sau nghi can X hay Trứng chim cúc cu này thuộc về ai?, nhưng đến khi có thông tin tái bản “Ngôi nhà của người cá say ngủ” vào tháng 10 năm 2020 mình mới tìm đến và đọc.

Xét về đánh giá cá nhân, mình nhận thấy rằng nhà văn Keigo đã rất khéo léo lồng ghép trong tác phẩm một vấn đề khá nhức nhối không chỉ tồn tại trong xã hội Nhật Bản mà còn ở nhiều nơi trên thế giới về vấn đề hiến tạng hay “chết não ở tuổi vị thành niên”, do đó, những chương đầu bạn đọc sẽ cảm giác hơi khô khan một chút, song đến các chương tiếp theo, hiểu rõ những học thuật về ngành y và pháp luật, tác giả sẽ đưa độc giả trở lại với câu chuyện kì bí về gia đình của cô bé Mizuho.

– Điểm mình thích đầu tiên của sách là phần thiết kế bìa: Bìa sách lúc nào cũng được Mintbooks đầu tư, trau chuốt, nhận sách về trên tay cứ ngỡ đây là một câu chuyện cổ tích nào đó. Cuốn này là phiên bản mới, tái bản phiên bản năm 2017, sau hơn 3 năm phát hành trên thị trường.

– Thứ hai, mặc dù sách thuộc thể loại trinh thám nhưng mình vẫn tìm thấy xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm một thứ tình cảm vĩ đại: Tình cảm gia đình, về tấm lòng của những người làm cha làm mẹ dành cho con cái. Câu trích ở ngay phần bìa cũng rất đáng suy ngẫm: “Gia đình là không ngừng yêu thương và không bao giờ nói bỏ cuộc”.

– Thứ ba, qua tác phẩm “Ngôi nhà của người cá say ngủ”, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về chế độ và quy định của ngành y tế tại Nhật Bản về vấn đề “chết não ở tuổi vị thành niên”. Higashino Keigo đã đặt ra một câu hỏi khiến bất cứ ai theo dõi câu chuyện này đều cảm thấy hoang mang: Trường hợp trẻ em bị chết não (kiểu trạng thái người thực vật) thì luật pháp yêu cầu bố mẹ đưa ra quyết định có chấp nhận báo tử và có hiến xác hay không? Nếu bố mẹ chấp nhận thì bệnh viện sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng não – cách duy nhất có thể biết được não của bệnh nhân có thực sự chết hẳn hay chưa, nếu không đồng ý thì bệnh nhân sẽ vẫn cứ nằm trong tình trạng người thực vật như thế cho tới khi tỉnh lại. Tuy nhiên, trong khi đó, ở các bệnh viện khác còn rất nhiều bệnh nhi mắc các chứng bệnh nan y đang mòn mỏi từng ngày chờ người hiến tạng thích hợp. Nếu đặt mình vào vị trí người làm cha làm mẹ ấy, liệu bạn có dám dứt khoát đưa ra quyết định không?
————
Về nội dung, mình xin phép spoil một chút đoạn mở đầu: Cô bé Mizuho – một cô bé mười tuổi đáng yêu, hoạt bát gặp phải tai nạn đuối nước và dẫn đến chết não nhưng điều kỳ lạ là, tim cô bé vẫn còn đập, song bác sĩ lại nói: “Đó chưa chắc là dấu hiệu của sự sống!”.

Trong câu chuyện này, tác giả Higashino Keigo đã nói lên tình yêu thương bao la của người làm mẹ. Độc giả đôi lúc sẽ cảm thấy người mẹ này vừa đáng thương vừa đáng giận. Mặc cho người thân xung quanh cảm thấy như thế nào, người mẹ vẫn một mực kiên quyết nhờ đến kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất để cô bé tự thở mà không cần máy hô hấp: “Tôi chỉ muốn con gái của mình được thở thôi!” – Một câu nói nghe đau đến nhói lòng, bà không cần ước mơ cao sang gì khác, ước mơ ấy đơn giản chỉ là muốn con gái được thở, để tin rằng cô bé vẫn còn tồn tại trên thế giới này.

Nhưng, liệu cố gắng níu giữ “sự tồn tại” của một người đã chết có ý nghĩa gì? Hay đây chỉ là sự ích kỷ của bản thân họ khi từ chối hiến tạng con gái mình?
*********
Cuối cùng, “Ngôi nhà của người cá say ngủ” có một kết thúc mở, theo mình là khá trọn vẹn. Mình là người ít thích kết truyện HE nên những cuốn có kết mở thật sự rất ấn tượng. Những cảm xúc của câu chuyện sau khi khép trang sách cuối lại vẫn ở đó, lắng đọng thật sâu trong tâm trí của người đọc, khó phai mờ, để người đọc phải trăn trở, day dứt về nỗi niềm nào đó, hoặc cảm giác được một phần mình cũng từng trải qua như các nhân vật trong câu chuyện.

– Thu Hồng Hoàng

Review “Ngôi nhà của người cá say ngủ”

Khi rơi vào hoàn cảnh bi đát nhất, nếu buộc phải đưa ra quyết định liên quan tới sinh mạng của người mình yêu thương, liệu chúng ta sẽ lựa chọn ra sao?

Tin dữ ập đến với một cặp vợ chồng đang dự định ly hôn là một vụ tai nạn đã xảy ra tại bể bơi với con gái họ và họ phải đối diện với một sự thật tàn khốc – não của cô bé đã chết, chỉ còn lại trái tim vẫn đang đập.

Họ buộc phải mạnh mẽ để đối diện với hiện thực tàn khốc đó. Không ai biết làm gì và phải bắt đầu ra sao để giúp con mình tỉnh lại sau tai nạn. Mọi thứ như đang ngừng trôi và đóng băng lại trong đôi mắt nhắm nghiền của cô bé ngây thơ Mizuho.

Chuỗi ngày chiến đấu để tìm lấy hi vọng sống là những ngày thật gian nan và cảm động, mỗi dòng chữ là một dòng cảm xúc, dường như tác giả đang dắt người đọc vào một cảm xúc đa chiều. Trong cái bóng tối vô tận thứ ánh sáng duy nhất đang le lói là trái tim đẹp đẽ của Mizuho đang vang lên những nhịp đập chan chứa tình yêu lớn lao với sự sống. Dù có thế nào cũng không được bỏ cuộc…

Sự thật luôn tàn khốc nhưng buộc gia đình nhỏ bé phải chấp nhận – chấp nhận cái chết của Mizuho, kì tích vốn là điều khó có thể xảy ra. Mizuho chết đi với trái tim ấm áp được bao bọc bằng tình yêu thương của cả gia đình, bằng sự nỗ lực của cha, tình yêu thương của mẹ. Bố mẹ cô bé đã hiến tạng của Mizuho cho y học, hoàn thành mong muốn luôn muốn người khác có được may mắn và hạnh phúc của Mizuho. Buồn, nhưng thật ý nghĩa và đầy tính nhân văn!

GIA ĐÌNH! Hai tiếng thân thương ấy là những gì đọng lại nhiều nhất ở tác phẩm này. Khi mà cả thế giới đã hết hi vọng với mình thì vẫn còn gia đình vẫn không ngừng cố gắng và chưa từng bỏ cuộc. Dù tới cuối cùng kết quả có ra sao cũng chẳng còn gì hối tiếc nữa vì có gia đình luôn bên cạnh, luôn không ngừng cố gắng.

“Vì con, dù phải làm những chuyện điên rồ nhất hay bị cả thế giớ dè bỉu, mẹ cũng mỉm cười chấp nhận”

“Chỉ cần trái tim con còn đập, bố mẹ sẽ yêu thương con trọn đời”

Hôm nay, tôi muốn gạt đi những bận rộn, bỏ lại nhịp sống hối hả và dành thời gian cho gia đình yêu thương để lấy lại những đoạn lỗi nhịp, vun đắp lại những đoạn nhịp yêu thương. Tôi không muốn phải hối tiếc điều gì trước khi quá muộn.

– Thuy Nguyen