Người Đan Chữ Xếp Thuyền – Miura Shion

Lần cập nhật gần nhất January 13th, 2021 – 02:09 pm

Một cuốn sách nhẹ nhàng, dễ chịu và dễ thấm. Tình cảm của người với người, người với công việc với cả đam mê cống hiến của con người vì một mục đích nào đó trong đời.

Review Người đan chữ xếp thuyền (2)

Có tựa sách nào vừa nhìn thấy liền khiến bạn chú ý phải dừng lại xem một chút không?

Tôi đã mua quyển sách này, trong một lần đang lướt lướt tìm mua sách trên mạng. Câu chuyện về những con người ở Phòng biên tập từ điển thuộc công ty sách Genbu trong hành trình 15 năm miệt mài làm nên quyển từ điển Daitokai.

Lấy bối cảnh các công ty Nhật Bản đang căng thẳng vì tình trạng khủng hoảng kinh tế, phòng biên tập từ điển của công ty sách Genbu càng khó khăn hơn, ngân sách lẫn nhân lực đều bị cắt giảm, kế hoạch cho quyển từ điển Daitokai cũng vì thế mà mãi vẫn chưa được chính thức thông qua.

“Bởi vì làm từ điển đòi hỏi một khoảng tiền khổng lồ và tiêu tốn lượng khủng thời gian mà. Thời nào cũng vậy, mọi người ai chẳng thích nhảy vào những thứ dễ dàng thu lợi.”

Lúc đọc đến mấy lời này của Nishioka tôi cảm thấy có chút xót xa, cái anh chàng này có cần thẳng thắn vậy không, đã nói đúng mà còn nói to nữa. Con thuyền từ điển chở đầy tâm huyết của cả phòng cũng may chưa đến bước đường chưa khởi hành đã chìm. Nhờ sự nhanh nhẹn thu thập tin hành lang của Nishioka và khả năng đánh giá dày dặn kinh nghiệm của bác Araki đã đưa được Majime Misuya từ phòng kinh doanh số 1 về phòng biên tập từ điển.

Nếu để hình dung ra kiểu người thường bị coi là kẻ lập dị trong mắt người khác, nhưng lại là nhân tài trong lĩnh vực chuyên môn nào đó, thì tôi xin đề cử Majime Misuya. Vẻ ngoài của anh ấy cũng được lắm, đầu bù tóc rối thì thôi đi, còn ăn vận kiểu sơ mi lỗi thời. Tâm hồn cứ ngẩn ngơ nghĩ ngợi về điều gì đó, sống khép kín lại ít nói, nhưng chỉ cần liên quan đến từ vựng hay từ điển thì anh chàng lại thể hiện sự nhiệt tình, cẩn trọng, quyết đoán hơn bao giờ hết. Và rồi, Majime cùng với thầy Matsumoto, bác Araki, cô Suzuki, cậu Nishioka cùng nhau bắt đầu thực hiện ước nguyện là người đan chữ xếp thuyền.

“…con người trèo lên chiếc thuyền được gọi là Từ Điển, lao mình trôi nổi giữa mặt biển bao la tăm tối có tên Ngôn Từ, để có thể đón lấy từng tia sáng nho nhỏ. Để có thể dùng từ ngữ thích hợp nhất, chính xác nhất nhằm truyền tải suy nghĩ của mình đến ai đó.”

Thông qua cuốn tiểu thuyết, tác giả Miura Shion đã phô bày một góc nhìn khác về nghề làm từ điển. Ban đầu công việc này khiến người ta có cảm giác nhàm chán và bình thường. Không sai, kể cả các sinh viên làm thêm ở phòng biên tập từ điển cũng nghĩ như vậy, nhưng “một khi đã bắt tay vào làm rồi thì quên cả giờ giấc luôn”. Đó là cả quá trình công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kĩ lưỡng, sáng tạo đồng thời phải hy sinh nhiều thứ, kể cả thời gian riêng tư lẫn thời gian dành cho gia đình, như cách mà những con người ở phòng biên tập từ điển Genbu vẫn vận hành.

“…từ điển là quyển sách kết tinh từ công sức của nhiều người.”

Điều khiến tôi hứng thú hơn hết chính là nét tinh tế của tác giả Miura Shion trong việc miêu tả tính cách từng nhân vật trong Người đan chữ xếp thuyền.

Mặc dù Majime Misuya là nhân vật chính, nhưng những thành viên còn lại như thầy Matsumoto, bác Araki, cô Suzuki, anh Nishioka hay cô nhân viên chuyển đến sau này – Kishibe Midori, cả bà chủ trọ tốt bụng và cô cháu gái cũng là người vợ xinh đẹp hiền từ “như Bồ Tát” của Majime đều mang một màu sắc và cá tính riêng. Bọn họ nắm giữ những năng lực và vai trò mà không ai có thể thay thế được trong những tình tiết đặc biệt đắt giá. Những con người dành trọn nhiệt huyết, tận tâm tận sức với nghề, để thực hiện ước mơ, để hiểu bản thân mình hơn và để nhận ra giá trị tốt đẹp của chính mình.

Nếu trả lời, tôi sẽ nói rằng

Người đan chữ xếp thuyền

Là tựa sách vừa nhìn đã khiến tôi rung động.

Câu chuyện khép lại vào một buổi chiều tháng Ba, cái kết dịu dàng và viên mãn như những “nụ hoa anh đào bắt đầu nở rộ”. Không có xung đột hay kịch tính, nhưng lại lôi cuốn người đọc đi đến những cung bậc cảm xúc cuối cùng. Cảm giác như tác giả Miura Shion đã nắm tay chúng ta cùng bước lên con thuyền, chầm chậm ngắm nhìn một thế giới ngôn từ mở rộng trước mắt.

– Minh Thi

SÁCH HAY ÍT NGƯỜI BIẾT – NGƯỜI ĐAN CHỮ XẾP THUYỀN

“Từ thưở thiếu thời, tôi đã bước vào con đường để trở thành một đầu bếp. Nhưng kể từ khi gặp anh Majime tôi mới hiểu được sự quan trọng của ngôn từ. Theo như Majime nói, ngay cả ký ức cũng là từ ngữ. Mỗi khi chúng ta ngửi thấy một mùi hương nào đó, nếm được một hương vị nào đó, nghe thấy một âm thanh nào đó, là đã đủ để cho các ký ức xa xưa ùa về. Tóm lại, những lúc ấy, chúng ta đã biến những hình ảnh nhạt nhòa say ngủ ấy thành ngôn ngữ”
(Người đan chữ xếp thuyền, Miura Shion)

“Người đan chữ xếp thuyền” là một trong những quyển sách hiếm hoi mình yêu thích trong mùa dịch Covid. Quyển sách nói về nghề làm từ điển, về những con người đã dành trọn 15 năm để chỉ hoàn thành một quyển từ điển, thậm chí vị trưởng phòng – người đề xướng ý tưởng đã qua đời trước khi sách hoàn thành. Đọc đến đoạn đó, mình thật xúc động khôn nguôi.

Mình đã mua “Người đan chữ xếp thuyền” vài năm trước khi đọc nó sau khi xem xong bộ phim điện ảnh cùng tên (Người đan chữ xếp thuyền – Fune o Amu, bộ phim đạt giải thưởng hàn lâm Nhật Bản cho đạo diễn của năm 2013) chuyển thể từ quyển tiểu thuyết này của nhà văn Shion Miura. Lý do mình xem Fune o Amu là do phát hiện Shion Miura đồng thời là tác giả quyển tiểu thuyết đã được chuyển thể thành bộ phim “Wood job” (còn có tên “Cuộc sống đơn giản ở Kamusari”, một bộ phim về ngành lâm nghiệp Nhật Bản) mà mình vô cùng yêu thích. Cả hai câu chuyện Shion Miura kể trong “Người đan chữ xếp thuyền” và “Cuộc sống đơn giản ở Kamusari” đều phảng phất tinh thần nghề nghiệp người Nhật Bản: những con người yêu nghề nghiệp mình chọn và dù phải tốn 15 năm mới có thể hoàn thành tác phẩm lớn của đời mình, như Mitsuya, vẫn tận tụy, cần mẫn và kiên trì với công việc của mình mỗi ngày.

Sách (và phim) dành cho những ai đang cảm thấy nản chí vì mục tiêu quá lớn hay hành trình của mình quá dài. Dành cho những ai yêu ngôn từ và muốn hiểu thêm về một nghề ít được truyền thông như nghề làm từ điển. Và nếu có ai đó muốn học hỏi về tinh thần kiên nhẫn và bền bỉ thì “Người đan chữ xếp thuyền” là lựa chọn dành cho bạn.

– Truong Le Na

Trích dẫn Người đan chữ xếp thuyền

“Dẫu cho sinh mệnh có kết thúc đi chăng nữa. Dẫu cho xác thịt có bị thiêu hành tro đi chăng nữa. Vượt qua cả cái chết về mặt vật lý, những ký ức về những người đã khuất sẽ chứng mình cho việc linh hồn của họ sẽ còn sống mãi.”

“Thứ tình cảm bắt nguồn từ sự đồng cảm, đôi lúc lại có thể mở ra một câu chuyện tình không chỉ sâu sắc mà còn bền lâu.”

“Nếu như đã làm việc gì rồi, chẳng phải bản thân cũng nên yêu thích việc đó hay sao? Nếu không có tình yêu lẫn nhiệt huyết thì sao có động lực hoàn thành công việc được?”

“Kỳ vọng quá lớn vào đối phương là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi mình đối với họ toàn tâm toàn ý. Cũng giống như trên đời có mấy ai chẳng thiết tha trông đợi bất kỳ lời hồi đáp nào từ người thương của mình?”

“Đòi hỏi quá nhiều ở người khác chẳng khác nào đầu độc họ bằng áp lực”

“Có những cảm xúc, không cần quá nhiều thời gian, không cần quá nhiều sự thăm hỏi. Người ta vẫn cảm thấy rung động mỗi lần gặp gỡ nhau, bởi đơn giản đó là tình yêu. Mà tình yêu thì đôi khi không cần phải nói quá nhiều, chỉ cần nhìn vào đôi mắt là sẽ thấy, cuộc đời mình, hóa ra là ở đây.”

“Cậu nên tin tưởng vào bản thân nhiều hơn nữa, nếu như cứ tiếp tục làm việc siêng năng chăm chỉ thế này, mọi chuyện nhất định sẽ ổn thôi.”

“Tình yêu là điều kỳ diệu nhất trên đời, muôn hình vạn trạng khiến người ta khó lòng mà nhận ra.
Đôi khi ta cứ đi tìm những thứ ngọt ngào lãng mạn mà quên mất rằng sự đồng cảm trong cuộc sống là chìa khóa mở ra một câu chuyện tình, không chỉ sâu sắc mà còn vô cùng bền lâu…”

“Chúng ta ai cũng đều chỉ sống một lần trong đời. Có người chọn cách cả đời này sống như một kẻ vô hình, không ai biết đến. Cũng có người chọn cách cả đời này nhiệt huyết như đóa hoa nở lúc đẹp nhất.
Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, nhưng chúng ta luôn có quyền chọn lựa. Sống trọn vẹn cuộc đời này, hay để mọi thứ trôi đi vô ích và bị lãng quên là ở bạn?”