Người Lạ Trên Tàu – Patricia Highsmith

“Người lạ trên tàu là một cuốn trinh thám đơn giản đến ngỡ ngàng. Không có những pha hành động nguy hiểm, không có những sát thủ máu lạnh, không có những âm mưu tỉ mỉ được lên kế hoạch kỹ càng. Không có những cú twist hay những pha đấu trí căng thẳng. Không có những màn suy luận sắc sảo. Tội phạm được lộ diện ngay từ đầu. Nhưng chính cái sự đơn giản đến ngỡ ngàng của Người lạ trên tàu lại khiến người đọc bị thu hút. Tác giả tập trung vào khai thác tâm lý của nhân vật khiến ta phải giật mình suy ngẫm.

Việc giết người được diễn ra dưới một cách thức hết sức đơn giản, tầm thường không cần phải sắp xếp hay theo một kế hoạch nào cả. Thủ phạm trong Người lạ trên tàu cũng rất đặc biệt. Anh ta muốn trả giá cho hành động của mình nhưng các mối quan hệ phức tạp khiến anh ta giằng xé và đấu tranh.” (Binh Boog)

Review (2)

“… Những con người bình thường nhất cũng có khả năng phạm phải những tội ác ghê gớm nhất qua những cách thức tầm thường nhất…”

Đó là câu chuyện mà ngòi bút của tác giả Patricia Highsmith đã mang đến với độc giả qua cuốn Người lạ trên tàu. Ở câu chuyện đó, người đọc sẽ không tìm thấy những tên sát nhân máu lạnh, những âm mưu, thủ đoạn tình vi, được sắp xếp tính toán cặn kẽ, người đọc cũng chẳng tìm thấy được những pha cân não, đấu trí để truy tìm, lật mặt hung thủ,… bởi vì tác giả đã cho người đọc thấy hung thủ ngay từ đầu, để rồi tiếp đó, tác giả đưa người đọc đến với sự ngỡ ngàng khi đi vào thế giới của Người lạ trên tàu…

Trong tác phẩm này, Patricia Highsmith đưa chúng ta đến với Guy Haines, một anh chàng kiến trúc sư tài hoa, lương thiện, hiền lành, đang cố gắng ly dị cô vợ hư hỏng Miriam, cô vợ đã không biết bao nhiêu lần lừa dối anh, bòn rút tiền bạc của anh. Bản thân anh ta cũng đang hạnh phúc bên một cuộc tình mới, dù đang gặp nhiều trở ngại trong việc ly dị với Miriam…
Charles Anthony Bruno, một cậu ấm sinh ra trong một gia đình giàu có, luôn có mối hiềm khích, thù hận với bố của hắn, nhưng lại có một tình yêu thương vô bờ đối với mẹ. Hắn vô công rồi nghề, suốt ngày chỉ biết ăn chơi bê tha, chìm đắm trong men rượu, không biết đâu là điểm dừng và đang muốn thoát khỏi vòng kìm kẹp của bố mình…

Để rồi, cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Guy Haines và Charles Anthony Bruno trên chuyến tàu đó. Chuyến tàu mà ở đó, hai kẻ tuy xa lạ nhưng cùng đang lâm vào cảnh bí bách, cùng cực đã gặp nhau, để rồi sau một buổi tối ngập ngụa trong men rượu say, Bruno đã đề nghị Guy cùng mình thực hiện một kế hoạch điên rồ, táo tợn, đó là cả hai sẽ giết người hộ nhau, Guy sẽ đi giết bố của Bruno, đổi lại, Bruno sẽ đi giết vợ của Guy.

Từ đó, nhưng âm mưu, những giằng xé đạo đức, nội tâm mới thực sự bắt đầu. Hình thành nên mối quan hệ phức tạp, mối liên kết không thể bị phá vỡ giữa Guy và Bruno.

Patricia Highsmith đã làm rất tốt trong việc diễn tả không chỉ là vẻ bên ngoài của hai nhân vật, mà còn cả những cú giằng xé mạnh mẽ trong tâm can của hai con người, một kẻ nát rượu, biến thái, đang điên loạn, luôn muốn giết hết tất cả những kẻ mình ghét, giết tất cả những kẻ làm khổ, làm ảnh hưởng đến người mình yêu thích. Còn một kẻ vốn dĩ lương thiện, đang vật vã muốn thoát khỏi kẻ biến thái kia, nhưng mặt khác lại không muốn phá vỡ mối liên kết, cắt đứt đi sợi dây vô hình đang kết nối giữa họ, lương tâm giày vò, cắn rứt,…

Patricia Highsmith đã tạo nên một mối quan hệ quái đản, điên rồ giữa hai kẻ cùng cực đó. Đó chẳng phải là tình yêu, tình bạn, cũng chẳng phải là một tình anh em sống chết có nhau giữa họ,… họ luôn e dè ghê tởm nhau, luôn muốn loại bỏ nhau ra khỏi cuộc sống, nhưng họ lại không thể sống thiếu nhau.

Với cách miêu tả kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng chi tiết giằng xé nội tâm của hai nhân vật, từ những ngôn ngữ, cử chỉ, hành động cho đến những suy nghĩ điên rồ bệnh hoạn của Bruno; từ những đau đớn tột cùng của Guy khi bị Bruno chi phối, làm ảnh hưởng trầm trọng đến gia đình, tình yêu, sự nghiệp của Guy, cái cách mà Guy khốn khổ, vật vã khi không thể thoát ra khỏi sự bủa vây của Bruno trong tâm trí cũng như cuộc sống… đối với nhiều độc giả ưa thích motif nhanh, cuốn, không quá chuyên sâu vào việc lột tả tâm lý nhân vật, ưa thích những đòn cân não, những vụ án máu me, những suy luận sắc bén, hoặc đơn giản là không thích những cốt truyện mà tác giả tiết lộ hung thủ ngay từ đầu, có thể sẽ cảm thấy nó là lê thê, rệu rã, mất kiên nhẫn, là không đúng với gu của mình. Nó là quá trình hình thành nên cái bản ngã độc ác của một con người, nó từ lương thiện, hiền lành, khi gặp đúng hoàn cảnh thích hợp, nó sẽ tha hóa, biến chất, trở thành một tên sát nhân qua ngòi bút tỉ mỉ, đôi khi pha chút hóm hỉnh, những ví von hài hước nhưng cũng không kém phần mỉa mai, nhạo báng của Patricia Highsmith.

“Cái ác ghê gớm nhất bắt nguồn từ chính chúng ta – Jean Jacques Rousseau”.

– Dương Linh

Bạn đã bao giờ muốn một ai đó chết quách đi chưa? Bạn đã bao giờ muốn giết một ai đó chưa? Khi đọc 2 câu hỏi của tôi, có cái tên nào hiện lên trong đầu bạn không? Tôi nghĩ sẽ có nhiều người thầm trả lời rằng “có”. Chúng ta không phải đức Phật nên hầu hết đều sẽ có lúc rơi vào cảm xúc tiêu cực như giận dữ, căm ghét, thậm chí hận thù ai đó, đến nối ước rằng hắn chết đi cho nước nó trong. Và nếu đủ đảm lược, có khi bạn đã ra tay rồi. Thế đấy, ý nghĩ giết người phổ biến hơn bạn tưởng nhiều.

Tôi bị thu hút vào Người lạ trên tàu vì lời giới thiệu bìa 4 sách: những con người bình thường nhất cũng có khả năng phạm phải những tội ác ghê tởm nhất qua những cách thức tầm thường nhất. Tôi muốn xem xem tác giả sẽ viết về những con – người – tội – phạm bình thường, phổ thông này giết người ra sao. Và tôi đã không phải hối hận khi xem sách.

Guy Haines có một cô vợ cực phẩm. Cô ta ngoại tình nhiều lần, lần này thì có bầu với tình nhân. Khốn nạn hơn là cô ta không muốn li dị ngay (vì tình nhân của cô ta chưa hoàn thành xong thủ tục ly hôn với vợ), vì thế, cô ta yêu cầu Guy phải chăm sóc cô ta, đưa cô ta đi chơi cho đến khi cô ta đẻ hoặc lấy chồng mới. Má ơi, tôi không hiểu về văn hoá và luật pháp Mỹ nên cá nhân tôi thấy con mụ này đúng là một con điên trơ tráo. Có thể suy nghĩ đó không liên quan đến văn hoá Mỹ bởi có một người lạ trên tàu mà Guy tình cờ gặp gỡ cũng nghĩ giống tôi.

Bruno là một chàng trai gia đình khá giả, luôn hục hặc với ông bố. Nói chính xác ra thì Bruno căm thù bố mình. Cậu ta nghĩ ra một phương án giết người thú vị: giết thay. Tức là cậu ta sẽ giết vợ Guy còn Guy giết bố cậu ta để đền ơn đáp nghĩa (thực ra, tôi thích kiểu lấy thân báo đáp hơn). Cảnh sát sẽ không thể tìm ra hung thủ vì cả 2 đều chưa có tiền án tiền sự, không mối quan hệ lẫn động cơ giết người. Thật là một ý tưởng điên rồ và hấp dẫn. Nhưng Guy không ham hố gì với ý tưởng này. Anh trốn tránh Bruno. Có điều Bruno quá thông minh và điên khùng. Hắn không buông tha cho anh.

Bruno thực sự đã ra tay giết vợ Guy. Thủ pháp đơn giản đến không thể đơn giản hơn: tìm đến nhà, bám theo sau, rình lúc không ai để ý thì bóp cổ chết. Hiện trường hoàn hảo đối với nhân viên điều tra: đầy đủ vân tay, dấu giày. Nhưng họ không tìm ra thủ phạm. Vì Bruno tự dưng xuất hiện từ trên trời, chẳng ai hay ai biết.

Phần sau của vụ án, mời các bạn tự đọc kẻo tôi lại spoil hết cả truyện. Điều tôi muốn viết ở đây là tình cảm giữa hai bạn Guy và Bruno. Ở trang 234, Guy nghĩ mình yêu Bruno, còn Bruno thú nhận mình thích Guy từ ngay đoạn đầu truyện. Tuy nhiên, đây không phải kiểu tình yêu nam nam thông thường vì tôi thấy hai người này điên khùng hết sức. Cả hai đều cô đơn, gặp nhau trên một chuyến tàu xa lạ. Người này là phần thiếu của người kia. Bruno đích thực là một tên quỷ súc công. Hắn ám ảnh Guy, bám theo Guy ngay cả trong giấc ngủ. Có lúc, tôi tưởng mình sắp được xem GV đến nơi rồi thì Guy tỉnh giấc và nhận ra Bruno không hề ở đó. Bruno muốn độc chiếm Guy, cố gắng tạo ra một mối liên kết vững chắc không gì chia cắt nổi. Guy vừa căm hận chuyện đó vừa dung túng cho Bruno. Trong thâm tâm, anh cũng không muốn xa hắn. Hắn là một phần của anh.

Tác giả viết tâm lý rất hay. Các trường đoạn tâm trạng của Guy và Bruno đều tinh tế và đầy cảm xúc. Ví dụ như đoạn ở trên tàu, nỗi cô độc của Guy và Bruno được viết hay tuyệt vời, đặc biệt ở cái cách Bruno hỏi Guy rất nhiều câu nhưng hầu như không thèm nghe trả lời gì cả. Cậu ta đang đắm chìm trong nỗi cô đơn của chính mình. Hay đoạn mô tả tâm trạng Bruno khi đi giết vợ Guy. Cảm giác sung sướng, kích động đến run rẩy của hắn khiến tôi thực sự tò mò không biết giết người có tuyệt đến vậy không.

Xét về mặt trinh thám thì không có gì để nói vì hung thủ và thủ pháp giết người, tác giả viết lù lù ngay từ đầu, không hề che giấu. Quá trình tay thám tử tư điều tra cũng chỉ nhắc đến trong vài dòng. Người lạ trên tàu xếp vào dòng tiểu thuyết tâm lý có yếu tố hình sự thì hơn.

Bìa đẹp, tông màu lạnh, một chuyến tàu đi vào nơi băng giá. Chữ hơi bé nên đọc đau mắt.

– Điền Yên