Người Trong Gương – Will Eaves

Lần cập nhật gần nhất May 19th, 2020 – 03:25 pm

Sách viết về thiên tài toán học Alan Turing – người có công lớn trong việc giải mã máy Enigma trong chiến tranh thế giới thứ hai, góp sức lớp giúp cho phe Đồng Minh chiến thắng phe Trục. Vì là nhiệm vụ bí mật nên những đóng góp của ông thời đó không được ai biết đến, hơn thế nữa, những năm cuối cuộc đời ông bị kết tội về tình dục, phải đối mặt với việc lựa chọn giữa ngồi tù và thiến hóa học, do ông là người đồng tính.

Ngoài việc khắc họa nỗi cô đơn cùng với những khó khăn trong quá trình phải chịu điều trị bằng hóc môn nữ của nhân vật Alec, cuốn sách còn làm nổi bật tình bạn của Alec với bạn gái cũ, người từng đính hôn sau hủy hôn nhưng vẫn thương yêu và ủng hộ Alec hết mực – nhân vật trong truyện là June. Những bức thư, những cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa Alec và June đã khắc họa rất rõ tình bạn bền vững, không bị thay đổi dù bất cứ chuyện gì xảy ra, sự ấm áp mà tình bạn của June mang lại cho anh, phần thời gian cuối cuộc đời Alan Turing vì thế mà cũng bớt đi phần bi thương.

Review Người trong gương (4)

Người trong gương là một cuốn sách khó đọc. Không biết mở đầu bài viết bằng một đánh giá thẳng thắn thế này có khiến bạn nản lòng? Nhưng một sách viết về những suy nghĩ, cảm xúc của một người phải chịu cảnh điều trị hormone vì là người đồng tính thì chắc chắn không bao giờ có thể dễ đọc được.

Bạn có thấu hiểu hết được những suy nghĩ của bản thân không? Bạn có diễn tả được những cảm xúc không biết được hình thành từ đâu, như thế nào và tại sao lại khuấy động tâm trí bạn nhiều đến thế không? Đó – chúng ta chỉ là những con người bình thường mà còn không hiểu được chính chúng ta. Vậy làm sao chúng ta có quyền đòi hỏi thế giới ý thức của người khác phải dễ hiểu, nhất là khi người đó chịu những tác dụng phụ của thuốc biến đổi hormone tạo nên những ảo giác không rõ đâu là thật, đâu là ảo. Nhưng những ảo giác không tự nhiên hình thành, nó bắt nguồn từ những ký ức từ xa xưa, từ những bí mật được chôn giấu và từ những cảm xúc đã bị đè nén rất lâu.

Bạn có bao giờ tưởng tượng được cảnh phải chịu những ánh nhìn khinh rẻ, coi thường từ mọi người, bị coi là kẻ ngoài lề xã hội. Mỗi ngày bạn đều phải đối mặt với sự sợ hãi, nỗi hoài nghi bản thân và cảm giác lẻ loi từ tận sâu xương tủy. Bế tắc, đơn độc, đau khổ nhưng không thể phản kháng hay làm bất cứ điều gì khác. Giống như đang bị giam giữ trong một chiếc gương và chỉ biết nhìn cuộc sống trôi qua ngày qua ngày. Nhưng càng rơi vào bế tắc và tận cùng của cô độc thì càng thôi thúc ý thức mạnh mẽ hơn. Để từ đó, mở ra những thế giới phi thường, đầy riêng tư mà không ai trong chúng ta có tưởng tượng trước được.

Ai trong chúng ta mà chẳng có những ảo giác. Những ảo giác đến từ những mơ ước, những hy vọng không bao giờ đạt được. Những ảo giác đến từ những mong mỏi mà chúng ta trông chờ một ngày sẽ thành hiện thực.
Qua từng trang sách, chúng ta không những khám phá thế giới riêng tư của một con người đồng tính mà cũng từ từ thấu cảm những xúc cảm bí mật của mình. Dù là bí mật thì cũng mong có ai đó thấu hiểu, giống như Alec luôn có một người bạn gái là June ở bên cạnh thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ bằng sự chân thành.

Nhưng Alec không chỉ là một người đồng tính, nguyên mẫu của anh là Alan Turing – một thiên tài khoa học nổi tiếng thế giới. Một con người của khoa học, của logic, của tính toán phải đối đầu với những xu hướng tình dục mà khoa học thời đó chưa thể lý giải. Đứng trước khoa học và con người, sự đúng đắn và những cảm xúc, Alec phải làm sao để tìm lời giải đáp cho chính mình hay ngay từ đầu đây là một bài toán bí ẩn không bao giờ có đáp án.
“Tôi đã làm gì? Lẽ ra tôi phải làm gì khác đi mới phải? Còn điều gì nữa mà tôi chưa làm được?”

Và cuối cùng, đây là một cuốn sách khó đọc, nhưng nếu bạn kiên trì đến trang cuối cùng, bạn sẽ nhận ra cuốn sách này có sức lay động mạnh đến bạn như thế nào. Và mong bạn xin hãy từ từ chậm rãi đọc cuốn sách này, bởi vì để thấu hiểu thế giới riêng tư, bí mật với những cảm xúc, tâm tư lúc dồn dập, lúc lại tĩnh lặng của người khác thì không thể gấp gáp được. Đừng cứ xông thẳng và nhảy bổ vào. Hãy coi như đây là cuộc trò chuyện với bạn bè mình nhé.

– Hồng Diệp

“Xác suất để A, một người ghét soi gương, gặp được bản sao -A của mình, kẻ xuất hiện ngay bên trong A và cả hai đều không thể sống thiếu nhau?”

Trước khi đọc cuốn sách này, bạn nên chuẩn bị cho mình không chỉ một tâm hồn đẹp, mà còn cần cả một trí óc sáng suốt nữa, bởi đây là một chuyện đầy mộng mị và thôi thúc về một thiên tài không được công nhận có thật trong lịch sử.

Nhiều người thường hỏi, trong đầu của những thiên tài, họ đang nghĩ gì? Giống như hồi mình xem Inside Bill’s Brain, có quá nhiều thứ trong đầu của Bill Gates mà đến vợ của ông nhiều khi cũng không hiểu nổi. Còn đối với Alan Turing, một nhà toán học, logic học và mật mã học, điều gì đang xảy ra trong đầu người đàn ông ấy?

Nếu từng xem qua The Imitatation Game, mọi người chắc hẳn sẽ biết câu chuyện của Alan Turing qua diễn xuất của Benedict Cumberbatch, một nhà toán học đã giải thành công mật mã của người Đức để kết thúc chiến tranh sớm hơn 2 năm, nhưng đồng thời cũng là một con người đầy đau khổ với quá khứ và giới tính của mình. Vì là người đồng tính nên ông không được chính phủ công nhận, và buộc phải nhận chữa trị cho “căn bệnh” của mình.
NGƯỜI TRONG GƯƠNG là câu chuyện ghi chép hư cấu của Turing không phải là trong lúc giải mã Đức, cũng không phải là khi Turing còn là một cậu bé trung học hết lòng thương mến cậu bạn Christopher, mà là khi Turing đang phải trải qua những buổi điều trị đầy đau đớn và ảo giác.

Trong cuốn sách, xen lẫn với những ghi chép của Turing dưới nhân xưng tôi là những bức thư qua lại giữa Alec (chính là Turing) và June (tức Joan Clarke, người từng kết hôn với ông, trong phim là Keira Knightly thủ vai). Những lời chia sẻ rất chân thật và đầy đau khổ của Turing cũng như Joan chỉ khiến người đọc càng thêm tiếc nuối cho số phận của một thiên tài.
Ông không chỉ bị xã hội, người thân coi thường, khinh bỉ về giới tính, không được hé lộ một lời về vấn đề quân sự khi là người giải mã thành công, mà dần dần, ông đang hoài nghi thực tại của chính mình. Hình ảnh một người khác ở trong gương luôn xuất hiện trong những giấc mơ và cả suy nghĩ của Turing, giống như ông từng nói “những giấc mơ đang rò rỉ vào đời thực”, là nỗi bất an của Turing.

“Anh sợ mình đang trở thành thứ gì đó khác. Một giống loài lai tạp. Anh không sợ thay đổi, mà sợ mình mất đi những thứ riêng tư mình cất giữ trong quá khứ. Anh sợ mình bị biến thành cỗ máy…”

NGƯỜI TRONG GƯƠNG là một cuốn sách mà nếu bạn không tập trung thì sẽ rất khó để theo dõi, bởi mọi thứ đều mộng mị và ảo giác, cả Turing và bạn sẽ không nhận ra được đâu là thật, đâu là mơ, đâu là ký ức bởi từ ngôn ngữ đến cấu trúc viết mà tác giả Will Eaves sáng tạo ra sẽ bóp nghẹt tâm trí và trái tim của bạn.

– Truong Thu Hoai

“Giấc ngủ cho ta nơi ẩn náu, làm ta quên đi công việc và mộng mị là cách ta tự chỉ ra manh mối cho bản thân mình”

Người trong gương không hẳn là một tác phẩm dễ đọc, nếu nói rằng đây là một tác phẩm dễ đọc thì hẳn là nói dối. Câu chuyện lấy bối cảnh ở nước Anh trong những năm 30. Lúc Đức quốc xã đang xâm chiếm nước Anh. Alan Turing hay còn gọi là cha đẻ của ngành toán học và cũng thuộc bộ chuyên ngành khoa học máy tính. Ông đã giải mở được các bức điện của Đức, cứu hàng loạt người sơ tán khỏi cuộc đổ bộ của quân Đức. Làm Hitler tổn thất đến 1500 máy bay phản lực. Một thiên tài khoa học, một anh hùng đúng nghĩa thế mà lại bị chính phủ tàn nhẫn chỉ vì ông là người đồng tính?

Cuốn sách sẽ hay không nói nhiều về việc ông giải mã ra sao hay tham gia chinh chiến thế nào. Mà chủ yếu xoay quanh về việc cuộc sống ở trong gương của ông. Năm 1952 ông bị kết án với tội có những hành vi khiếm nhã với một người đàn ông. Ông chấp nhận sử dụng liệu trình tiêm hormone nữ(thiết hoá học) thay cho việc ngồi tù. Trong khoảng thời gian đó, ông thấy mình ở trong gương, ông thấy những con người đồng loạt hoá thành những hình thù khác nhau, những con quái vật ghê rợn. Ở đó, ông thấy người ông yêu sống lại nhưng lại trong những hình thể, những tạo vật kì lạ khác. Bằng lối viết lạ lùng đầy mê cung lẫn mộng mị, xen kẽ giữa thực tại và ảo ảnh, mặc là khó đọc nhưng lại thôi thúc khó cưỡng.

– Võ Trần Mai Thy

Mình bị mê mẩn cái giọng văn trong cuốn sách này, bằng một cách nào đó, mọi câu chuyện, từng tiêu đề, từng dòng chữ cứ từ từ đi vào bên trong mình, khơi gợi những xúc cảm mà chính mình cũng không thể gọi được tên. Chỉ có thể nói rằng mỗi lần cầm “Người trong gương” lên, trái tim lại có chỗ như thắt lại.

Không có nhiều cuốn sách có thể làm được điều này, là khiến cho người đọc chỉ cần cầm lên lại dâng trào nỗi xúc động. Người ta biết về Alan Turing với cái nhìn của một nhà khoa học. Xong đọc hết cuốn sách này, luôn hiện lên trong mình hình ảnh của một chàng trai đầy đủ sự lãng mạn, Alan Turing luôn tràn ngập trong những nỗi suy tư về bản thể,về chính mình là ai. Ở một phần nào đó, mình luôn bị thu hút bởi sức lãng mạn của những chàng trai có bộ óc toán học. Họ có những cách tri nhận cuộc sống rất đặc biết. Và cảm thấy rất tình và thật, không ủy mị và thê lương.

Bằng một vòng tròn lặp đi lặp lại, con người gần như có nhiều việc được lập trình sẵn không khác máy móc là bao, bao gồm quan niệm sống. Lấy bối cảnh cuộc sống bi kịch của Alan Turing trong giai đoạn sau khi công khai đồng tính và chịu án, tại thời điểm đó họ xem đồng tính là một dị bệnh, bởi những hiểu biết và tri nhận trước đó thì dị tính mới là thuận theo tự nhiên. Con người bị cấm đoán, bài trừ, không được phép chấp nhận sự đồng tính. Máy móc được lập trình bằng một dữ liệu có sẵn, bằng một con đường thẳng không có khác biệt, con người cùng sự hiểu biết cũng như vậy, cũng có những đường thằng không có lối rẽ. Bởi vậy sau khi công khai, ông bị xem như một người có tội.

“Một con chim bối rối trước hình ảnh phản chiếu trong gương, mà chắc chắn không phải là hình ảnh nó phản chiếu. Thế mà tôi lại giống nó. Tôi là một và tôi tách biệt. Tôi đang cố gắng diễn tả những điều này. Tôi sống và suy nghĩ trong những tấm gương. Hắn chỉ là một thân thể và không thể nghe được tiếng thì thầm ; hắn thấy chính mình trong gương mà không biết đó là ai?”

Chúa ở đâu khi con người chưa kịp tiến bộ?

Nhưng trang viết được chia sẻ như những mảnh ghép cuộc đời Alan được ghi lại. Văn học luôn làm nhiều điều phi thường, nó có thể lưu giữ và kéo dài nỗi đồng cảm của các thế hệ. Bên trong văn học người ta được tự do để làm mọi thứ, bao gồm cả yêu và đi tìm con người thật mình. Chúng ta luôn đấu tranh cho sự tự do, và sự thật, tự do luôn có một khuôn khổ nhất định.
Những bức thư qua lại của Alan Turing với Joan Clarke (người hôn phu không thành của ông) là một điểm nhấn rất đậm của quyển sách này. Cũng là ở đây mình nhận ra được cái sự rất tình của ông, qua những lời vừa ngọt ngào lại vừa đắng cay

“June thân yêu
Không, nỗi cô đơn không làm anh đau khổ, vì anh không hiểu hầu hết mọi người nghĩ cô đơn là như thế nào. Anh vẫn đều đặn đi làm rồi về nhà. Anh không bị những mũi tiêm làm cho gục ngã nhưng dục tính của anh đã không còn. Đó là sự lựa chọn của anh. Anh không phải nhà thơ (“Thôi bỏ quá cho tôi đi”!!Anh có được phép trích dẫn chính những lời mình nói không nhỉ?), nhưng anh rất thích bài thơ của M.Baudelaire về người đàn ông và nội tại của anh ta : Qui ne sait pas peupler sa solitude, ne sait pas non plus eetre seul dans une foule affairee”. (Kẻ không biết làm thế nào để ở một mình, cũng sẽ không biết mình ở đâu giữa đám đông). Chà, chính là anh đấy, kẻ cô độc điển hình!”

Sự giao hảo giữa họ, June chính là Joan Clarke, bà là một trong số ít những người còn ở lại với Alan Turing trong những ngày vô vọng nhất đời ông. Dù Alan từng cầu hôn bà, cũng từ hôn bởi ông là người đồng tính. Nhưng bà vẫn luôn xưng mình là “Người bạn trung thành của anh”. Có lẽ June luôn hiểu được Alan, June vẫn biết rằng đồng tính hay di tính cũng chỉ là một trạng thái cảm xúc. Ẩn sâu trong mối quan hệ giữa họ là một nỗi thấu hiểu và đồng cảm lẫn nhau tuyệt đối. Có lẽ vẫn có những người trên đời thật lòng yêu mến nhau vì con người của nhau giống như vậy.

Khép lại cuốn sách này, cho đến cùng, sự tuyệt vọng của Alan Turing cũng chẳng thể kết thúc được. Sự u buồn, nỗi chán trường cứ dai dẳng đến chết. Đọc “Người trong gương” chẳng khác gì ta đang ngồi nghe một ai đó kể về câu chuyện của họ, mà ta là một người vô hình, cũng hoàn toàn bất lực không thể chạm tay để an ủi họ. Bằng những lời kể rất đỗi bình tĩnh, chậm rãi mà buồn. Gấp sách lại thật sự cứ hẫng hụt trong lòng một khoảng nào đó giống như tác giả vậy, có một khoảng trống bỉ bỏ lại, không thể lấp đầy được nữa.

– Linh Linh

Trích dẫn Người trong gương

“Anh thân yêu của em ơi, con người thật của anh vẫn còn tồn tại. Nó vẫn luôn ở đó. Anh đã bị buộc phải che giấu cảm xúc của mình, phải trưng ra chỉ một vài bộ mặt diễn xuất với đời, nhưng ở đằng sau đó cuộc sống cá nhân của anh vẫn tiếp diễn như thường lệ, dù không bị nghi ngờ gì. Cuộc sống ấy vẫn ở đó, em tin chắc thế và nó chỉ cần có được một cộng đồng riêng, những bữa trà chiều với một ai đó biết rõ anh, để anh cũng nhận ra điều đó.”

… Tôi nhớ mẹ mình kinh khủng. Tôi cũng nhớ tôi của những ngày trước mà tôi đã không biết trân trọng, hồi tôi còn trẻ trung và dũng cảm. Tôi biết chắc rằng khi tôi nhìn thấy người khác trong mơ – những người tôi chưa bao giờ gặp nhưng tôi biết họ là bạn thân thiết của tôi – trí óc tôi không phải đang lừa dối tôi mà nó chỉ đang sắp xếp cho tôi những lựa chọn khả thi. Tôi nghe thấy giọng mình tự hỏi: “Hồi trước mọi thứ đã từng như thế nào nhỉ.”

“June thân yêu của anh ơi, em không thể bảo vệ anh được đâu. Anh cũng không thể chăm lo cho em được nữa.
Anh nghĩ hai ta đều cố gắng giải một bài toán khó. Bài toán của anh khác với của em. Nhưng chúng ta đều nhìn thấy ánh sáng kia rồi – nó đang dần dần lấp ló phía chân trời.
Không có công lý trên thế giới này và chúng ta hoàn toàn đơn độc. Những kẻ buồn bã ấy hẳn đang âm mưu điều gì đó với nhau. Những thứ họ sẽ bỏ lỡ, vì điều đó, là niềm vui bột phát khi bình minh bừng sáng khắp nơi – xác suất mà một con chim đậu trên đích xác cành cây đó chứ không phải cành cây nào khác và mặt trời thu nhỏ soi trong một giọt sương trên chiếc lá. Ai có thể đoán trước được những điều như thế?
Nỗi khổ đau là con sông dài rộng, nhưng đây đó vẫn chĩa ra những nhánh đầy niềm vui và an ủi. Viết thư cho em là một trong số chúng và đợi thư em hồi âm cũng vậy.
Mãi mãi,
Alec.”