Người Truyền Ký Ức – Lois Lowry

“Người truyền ký ức” của nhà văn Lois Lowry kể về một xã hội tương lai của loài người mà nơi đó mọi mối nguy hiểm, mọi hành vi tiêu cực, những sai lầm… đều được loại trừ. Một xã hội mà nhà văn Lois Lowry gọi là Thời kỳ Đồng Nhất. Mọi màu sắc ở thời kỳ này đã được đồng nhất thành một đơn sắc: xám. Những màu sắc khác đã không còn trong khái niệm của con người. Để rồi đến một ngày kia, khi Jonas bất chợt nhận ra một sự biến đổi nhỏ ở quả táo đang rơi trên không trung, cậu nhận ra được sắc đỏ của nó. Điều đó đã giúp Jonas nhận ra một khiếm khuyết lớn trong cộng đồng của cậu.

Review Người truyền ký ức (2)

Câu chuyện về một thế giới giả tưởng được khắc họa qua từng lời văn và cảm xúc của Lowry trong Người truyền ký ức nhắc chúng ta nhớ về Khái niệm về một Thế giới Đại đồng. Ở đó, mọi nhận thức về chiến tranh, đau thương, những ký ức buồn hay cảm xúc tiêu cực đều được xóa bỏ. Không một ai còn những ý niệm về sự khác biệt. Màu sắc, đau buồn, dịch bệnh đều không còn tồn tại dù chỉ một định nghĩa.

Thế giới mà Lowry hé mở cho người đọc khám phá, không phân biệt về tuổi tác, đều có thể cảm nhận được. Trong đó, Nhà nước hay bộ máy chính quyền – như trong nhận thức của chúng ta hiện tại – không còn duy trì – hay cách khác là mỗi người tự ý thức được về vai trò và nhiệm vụ riêng biệt của mình. Mọi thứ đều được lập trình và song hành là quy trình sàng lọc. Những giá trị tinh túy, ngay cả con người cũng là đối tượng của quy trình đó. Những đứa trẻ sinh ra phải đáp ứng được tiêu chuẩn về sức khỏe và sự phát triển toàn vẹn – hoặc không nó sẽ được phóng thích.

Người truyền ký ức – Một nhiệm vụ, cũng là một vai trò vô cùng đặc biệt trong xã hội “Đại đồng” đó. Tiêu chuẩn lựa chọn cùng với trách nhiệm vô cùng nặng nề – đánh đổi mọi thứ – kể cả chính gia đình của mình – để có thể tiếp nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Ở nơi của người lưu giữ ký ức, đều nắm giữ trọn vẹn những giá trị của toàn nhân loại (những ký ức đó được truyền qua lại với những người lưu giữ ở từng thế hệ), ký ức đau buồn có, lịch sử chiến tranh, đau thương, mất mát, hay cả những ý niệm đơn sơ về màu sắc cũng đều nằm trong “bộ máy sinh học” của người lưu giữ. Và tuyệt nhiên, không một cá nhân nào trong xã hội ấy có thể có được, chỉ duy nhất 1 người có khả năng tiếp nhận – đó là Jonas – cậu bé có khả năng nhìn ra điều khác biệt mà những người bạn của cậu không thể – sắc màu của quả táo luôn màu đỏ – cậu nhận ra nó không giống như những gì đang hiện hữu quanh cậu. Nhưng cậu đã không thể lý giải nó, tuy nhiên, cậu là người mà Người truyền thụ lựa chọn, để cậu gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề. Ông đã truyền cho cậu biết, cảm nhận và hiểu thế nào là màu sắc, thế nào là những cơn đau thể chất, và cả những cơn đau về tâm hồn…

Nhìn nhận lại sau những gì mà Lowry truyền tải đến độc giả. Có thể thấy được đây là điều mà cả thế giới đang cần, và hướng tới. Chúng ta luôn mưu cầu một nơi có đủ sự yên bình một cách toàn vẹn, không còn mất mát, đau thương, kể cả những tổn thất về tinh thần, nó hoàn toàn không hiện hữu trong thế giới mà Jonas đang ở.

Hồi kết, Jonas lại cùng Người truyền thụ lên kế hoạch để phá hủy sự tồn tại của thế giới này… Tại sao vậy? (đây là câu hỏi mở, các bạn hay tự đọc, cảm nhận và tự có câu trả lời cho mình). Thân!

– Minh Vu Pham

Với tôi, mỗi cuốn sách lại là một kho tàng tri thức vì vậy tôi luôn giữ thói quen đọc sách hàng ngày dù ít nhiều. Trong những tác phẩm đó, “The Giver”(người truyền ký ức) là một tác phẩm vô cùng thú vị, lôi cuốn từ những dòng đầu tiên.

Người Truyền Ký Ức (The Giver) của nữ văn sỹ người Mỹ Lois Lowry đã đưa người đọc vào thế giới của một xã hội “hoàn hảo, đồng nhất” như vậy, một xã hội giả tưởng, kỳ lạ nhưng lại gần gũi và không khác mấy với thế giới của chúng ta.

“The Giver” là câu chuyện xoay quanh cậu bé Jonas 12 tuổi, sống trong một xã hội mà nơi đó không có sự tự do và không được chọn tương lai cho chính mình. Đó là một thế giới không có thật. Cộng đồng của họ có rất nhiều những luật lệ kỳ quái. Ví dụ như: Bạn không thể ra khỏi nhà khi trời tối; một gia đình phải có bốn thành viên trong đó có một con trai và một con gái; không được yêu nhau… Khi cư dân đủ 12 tuổi, họ sẽ được một người cao tuổi quyết định công việc của mình. Và công việc của Jonas là Reciever of Memories (người nhận những ký ức). Cậu đi gặp những người truyền ký ức để thu thập những ký ức của họ. Người dân ở thế giới này không thể nhìn thấy màu sắc ngoại trừ Jonas và những người truyền ký ức. Sau khi nhận ký ức của mọi người, Jonas bắt đầu có những cảm xúc của một con người, tình yêu, sự tức giận, sự cô độc và những sự thật tàn khốc ở nơi mà cậu đang sống. Jonas muốn chia sẻ những ký ức đó với mọi người nhưng không một ai nhận được ngoài Gabe – một người bạn và người đồng hành với cậu. Cũng từ đó, cộng đồng cộng đồng kì lạ ấy không thể sống trong sự yên bình.
Quả thật là vậy, quyển sách mở ra cho những em nhỏ và cả người lớn đọc nó những sự lựa chọn, và từ đó đưa đến tự do trong tư tưởng của chính mình. Xét cho đến cùng, cái mà Người Truyền Ký Ức mang lại cho độc giả chính là những cảm xúc tinh thế, mãnh liệt của con người. Cái đẹp lung linh, ấm áp, huyền ảo nhưng diệu kỳ của tình yêu thương, của gia đình. Cái lạnh lẽo, khô khốc và tàn ác của chiến tranh, đói nghèo và cái chết. Quyển sách là một chiếc chìa khóa kỳ diệu để mở ra cánh cửa cảm xúc cho những em nhỏ, và những người lớn nếu không quá vô tình.

“The Giver” với kết thúc mở khiến tôi có nhiều suy nghĩ về bản thân mình. Liệu tôi đã bao giờ vô cảm mà ngay cả chính mình không biết? “The Giver” như một chiếc chìa khóa kì diệu để mở ra những cảm xúc mới mẻ cho tâm hồn con người.

– Đỗ Quỳnh Anh

Trích dẫn Người truyền ký ức

“Dù sự thay đổi hay xung đội có thể đáng sợ, nhưng vẻ đẹp của lựa chọn và tình yêu luôn quan trọng hơn nỗi đau nhiều.”

“Điều tồi tệ nhất của việc giữ những ký ức không phải là nỗi đau, mà là sự cô độc. Ký ức cần phải được chia sẻ.”

“Liệu một thế giới đơn sắc, ai cũng giống hệt nhau, ai cũng được sắp xếp hết hành trình của một đời liệu có thực sự là hạnh phúc?”