Nhìn Người Như Đếm Cừu – William Pentak, Kevin Leman

Kết hợp trí tuệ của người xưa để áp dụng vào việc quản lí một doanh nghiệp trong thời hiện đại, hai việc tưởng chừng như trái ngược được tác giả William Pentak và Kevin Leman kết hợp thành những bài học phù hợp cho bất cứ nhà quản trị nào muốn biến doanh nghiệp của mình thành thiên đường làm việc…. Bí quyết của một người lãnh đạo giỏi là phải biết quan tâm và hiểu biết từng từng kỹ năng, phẩm chất của cấp dưới. Cốt lõi của nghệ thuật quản lý là nằm ở con người.

Review Nhìn người như đếm cừu (2)

Người ta luôn muốn đi theo một lãnh đạo có phẩm giá, có thể tin tưởng được và biết cảm thông với nhân viên của mình”.

Điểm đầu tiên thú vị của quyển sách này chính là đưa ra các phương cách quản lý doanh nghiệp hiệu quả thời nay thông qua các bài học của cổ nhân để lại. Hai tác giả William Pentak và Kevin Leman đã tổng hợp và đúc kết một cách khéo léo những tinh hoa xưa cũ vào thuyết quản trị nhân sự, quản trị môi trường làm việc cho các công ty thời hiện đại. Không đem đến cho độc giả những mỹ từ đa tầng nghĩa hay những thuật ngữ kinh tế vi mô, vĩ mô mang tính học thuật, “Nhìn người như đếm cừu” chứa đầy những câu từ dễ hiểu và từ đó, dẫn đến những bài học kinh nghiệm vô cùng khúc chiết và đáng giá.

Điểm thú vị thứ hai chính là hình ảnh người chăn cừu và những chú cừu ngộ nghĩnh ở đầu mỗi chương và rải rác ở các trang sách. Điều này không giống như những quyển sách kinh tế khác mà mình đọc, thường là có bảng biểu, số liệu để chứng minh cho một học thuyết nào đó thì ở “Nhìn người như đếm cừu” chỉ vọn vẹn là hình ảnh những người tri thức nhìn vào đàn cừu dễ thương – một biểu trưng đặc sắc cho khối nhân viên lao động trong một công ty thông qua cách nhìn nhận của người quản trị cấp cao. Sự ví von này nhìn thoáng qua thì cảm giác chẳng mấy phù hợp nhưng khi đánh giá kỹ lại thì thấy được đặc trưng “đáng gờm” của sự vật, hiện tượng. Thông qua quyển sách, chúng ta sẽ cảm thấy được nghệ thuật lãnh đạo rõ ràng tương đồng với tài năng của người chăn cừu ở nông trại. Người chăn cừu cũng như một người quản trị trong doanh nghiệp, phải có sự quan sát, tài dẫn dắt những con người có chung mục đích cùng nhau đi đến một lợi ích, một thành công nhất định.

Điểm thú vị thứ ba chính là quyển sách này không chỉ thiên về kinh tế mà còn có “dính dáng” đến tâm lý học. Trong một nhóm cá nhân, tâm lý mỗi người là khác nhau. “Chín người mười ý” nên nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của mỗi cá nhân trong một tổ chức cũng sẽ khác nhau. Để quản trị được tất cả các lao động này cần phải nắm bắt được tâm lý của họ, mà suy cho cùng, nếu nhà quản trị không có con mắt nhìn người, không đưa ra những phán đoán chuẩn về cảm xúc và hành vi của nhân viên thì khó mà lãnh đạo họ đi đến mục đích cuối cùng của pháp nhân dù cho đó là mục đích thương mại hay phi thương mại. Ngoài ra, “việc đếm và lãnh đạo đàn cừu” có thành công hay không cũng dựa vào yếu tố tâm lý rất nhiều vì chỉ khi nhìn ra được nhu cầu nội tại của mỗi một thành viên thì mới đưa ra những bồi dưỡng đúng đắn, những cơ chế thưởng phù hợp để thúc đẩy họ phát triển được.

Nhìn chung, tư tưởng chủ đạo của quyển sách chính là để dẫn dắt một tập thể thì nhà lãnh đạo cần phải có góc nhìn tổng quan và thấu hiểu tỉ mỉ tâm lý, hành vi cũng như tài năng của mỗi cá thể. Đề cao yếu tố nhân sự cũng như biểu tượng trung tâm là đàn cừu chính là thông điệp chính mà hai tác giả muốn gửi gắm vì thực chất, cơ sở hạ tầng hay tiền bạc không thể đem đến thành công cho một công ty mà con người mới là yếu tố then chốt để xây dựng “đế chế riêng” của mỗi nhà quản trị. Và cần nhớ rằng, “đếm cứu” phải bằng cái tâm và sự thấu hiểu.

– Trần Thông

Thật buồn cười khi một người không làm ở bất kỳ vị trí cấp cao thuộc bất kỳ công ty nào như mình mà lại thích đọc sách về kỹ năng lãnh đạo – quản lý! Tuy vậy, với mong muốn đạt được nhiều thành công trong cuộc sống và giao tiếp thuận lợi với mọi người, mình nghĩ có vài kỹ năng mình cần rèn luyện như quản lý thời gian và tiền bạc + quản trị nhân sự, vì suy cho cùng thì ai sống trên đời mà không cần đến thời gian, tiền bạc và quan hệ giao tế với người khác?

Đừng nhìn vào tiêu đề chính “Nhìn người như đếm cừu” mà cho rằng cuốn sách này sẽ dạy bạn nhìn người khác bằng cặp mắt xem thường. Tiêu đề phụ “7 thuật quản lý kinh điển” mới phản ánh chính xác nội dung cuốn sách nhỏ mỏng này. Đầu sách, độc giả sẽ thấy cảnh anh phóng viên Pentak hồi hộp đến cuộc hẹn phỏng vấn với ngài Theodore McBride – Tổng giám đốc của tập đoàn General Technologies. Trái ngược hoàn toàn với tâm trạng thiếu bình tĩnh ban đầu, ấn tượng đầu tiên của Pentak là ngài McBride giống như vị cha già đáng kính khiến anh thấy thoải mái ngay lập tức. Ngài McBride kể cho Pentak về “Bảy chiến thuật tối thượng trong quản lý” mà ngài đã học được từ vị giáo sư Neumann cách đó 45 năm. Câu chuyện có thật nhưng nghe cứ như chuyện cổ tích, gợi liên tưởng một chút đến cuốn “Nhà giả kim” của Paulo Coelho vì những chiến thuật quản lý đó cũng là những “đạo của kẻ chăn cừu”.

Trong bối cảnh sắp tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại ĐH Texas ở Austin, chàng trai trẻ Ted McBride trúng tuyển vào vị trí quản lý của công ty General Technologies. Vừa vui sướng tột độ vừa lo sợ, anh đến gặp vị giáo sư Neumann để xin hướng dẫn và nhận được “khóa học đặc biệt” từ người thầy cao tuổi: mỗi thứ bảy, thầy đưa anh đến trang trại nuôi cừu của thầy ở ngoại ô, thông qua những kỹ năng chăm sóc đàn cừu để dạy anh các bài học về quản trị nhân sự. Mình xin tóm lược “đạo của kẻ chăn cừu” như sau:

1__ Luôn nắm được tình trạng đàn cừu của mình: Quan tâm từng nhân viên, thường xuyên tương tác với họ.
“Em phải tìm hiểu những kỹ năng cũng như sở thích của họ. Em sẽ phải hiểu rõ mục tiêu và ước mơ của họ, điều gì thúc đẩy họ bước ra khỏi cửa đi làm vào mỗi buổi sáng, họ có những tham vọng và thất vọng gì trong sự nghiệp của mình”.

2__ Hiểu đặc điểm từng con cừu: Tuyển chọn những nhân viên có kỹ năng và phẩm chất tốt, đảm bảo họ đang được đặt vào vị trí thích hợp.
“Đôi khi họ có thể học những kỹ năng này trong quá trình làm việc. Đôi khi họ buộc phải có chúng ngay từ ngày đầu tiên đi làm”.

3__ Giúp bầy cừu nhận diện được bạn: Xây dựng lòng tin của nhân viên bằng cách trở thành hình mẫu hội tụ những đặc điểm như sự tin cậy, phẩm giá và sự cảm thông.
“Các nhà lãnh đạo vĩ đại để lại dấu ấn của mình bằng cách liên tục truyền đạt với những người theo mình về những giá trị của họ và ý nghĩa của một nhiệm vụ nào đó”.

4__ Biến đồng cỏ thành một nơi an toàn: Cập nhật thông tin kịp thời cho nhân viên; Tìm ra kẻ hay gây chuyện và xúi giục trong nhóm.
“Lũ cừu sẽ cảm nhận được sự bảo vệ từ người chăn dắt mình nếu tự bản năng chúng biết rằng anh ta luôn quan tâm đến lợi ích của chúng và thấy được sự hiện diện của anh ta trên cánh đồng với chúng”.

5__ Cây gậy Chỉ huy: Khi nhân viên gặp rắc rối, hãy tìm và giải cứu họ.
“Người chăn cừu chỉ hướng cho những con cừu của mình. Nhưng chính con chó dữ tợn không ngừng sủa là thứ bắt chúng phải bước đi”.

6__ Chiếc chùy Trừng phạt: Tiếp cận các hình thức kỷ luật như một cơ hội để chỉ bảo nhân viên.
“Chẳng thứ gì có thể hủy hoại tinh thần tập thể hơn một lãnh đạo yếu kém, lúc nào cũng thích gió chiều nào xoay chiều ấy”.

7__ Cái tâm của người chăn cừu: Sự lãnh đạo vĩ đại là một phong cách sống, chứ không phải một mớ kỹ thuật”.
“Nếu muốn trở thành một người ‘chăn cừu’ giỏi và lãnh đạo nhân viên của mình, trước tiên bạn phải chứng tỏ là bạn xứng đáng để họ đi theo”.

Những dòng trích trên chỉ là một phần rất nhỏ trong những điều thuộc “đạo của kẻ chăn cừu” viết trong sách này. Mình nghĩ những quyển sách về thuật lãnh đạo hay đều có hai điểm lợi và bất lợi: Lợi ở chỗ hầu như mỗi trang đều có thể tìm được những câu hay và hữu ích cần ghi nhớ để áp dụng; Bất lợi ở chỗ vì quá nhiều điều cần nhớ nên đọc xong mau quên (!), do đó cần đọc lại thường xuyên đến khi thấm nhuần những tư tưởng mình muốn học hỏi từ sách.

Một yếu tố nữa khiến mình thích quyển sách này vì nó là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Khi tra Google, bạn dễ dàng tìm được những tên riêng như “Theodore McBride” và “General Technologies” trên Internet. Khác với bộ “Cha giàu cha nghèo” khi người ta không thể xác định được người “cha giàu” của tác giả Robert Kiyosaki là ai, những nhân vật có thật trong cuốn “Nhìn người như đếm cừu” sẽ tăng độ đáng tin cậy và sức thuyết phục cho cuốn sách này. Sách thích hợp với tất cả những ai quan tâm đến thuật quản lý, vì “dù anh là một nhân viên quản lý trong lĩnh vực bán hàng cho một công ty dược phẩm khổng lồ, quản lý của một đơn vị nhượng quyền nhỏ về đồ ăn nhanh, hay hiệu trưởng của một trường nào đó cũng không sao. Dù anh có đi đến đâu chăng nữa thì con người đều như nhau thôi. Anh chỉ cần nắm được các nguyên tắc và làm theo là được”.

– Cáo Biển Non Xanh (Sea, 13-1-2020)