“Những chuyện kể của Beedle người hát rong” đóng vai trò là một cuốn truyện cổ tích trong “Harry Potter và Bảo bối Tử thần”, được Cụ Albus Dumbledore để lại cho Hermione Granger trong bản di chúc của mình. Vì là tập truyện cổ tích dành cho trẻ em ở thế giới phù thủy, nên với Ron Weasley thì đây là những câu chuyện rất quen thuộc, còn Harry Potter và Hermione Granger chưa từng được nghe về họ được nuôi dưỡng trong những gia đình bình thường.
Review Những chuyện kể của Beedle người hát rong
Harry Potter, bộ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn anh quốc J.K.Rowling, miêu tả một thế giới phép thuật huyền bí với ngôi trường Hogwart cùng cậu phù thủy nhỏ, Harry Potter và hành trình của cậu cùng những người bạn trong việc khám phá những bí ẩn sâu kín trong ngôi trường cổ. Cuộc phiêu lưu xuyên suốt cả 7 tập truyện với từng tựa đề riêng khái quát những sắc thái kì ảo và cuộc tranh đấu đầy gây cấn với thế lực hắc ám, Voldemort, một sự xấu xa lan toả bóng tối đến tột cùng của sự không tưởng, gây ám ảnh cho toàn thể cộng đồng phép thuật với hàng loạt những cái chết như một sự nguyền rủa lan trên diện rộng. Một cuộc chiến không cân sức, nhưng trên cả là tinh thần dũng cảm chấp nhận mọi thử thách và xông pha hết mình, để tiêu diệt đi cái bóng tối ấy, trả lại vẻ đẹp ban đầu của phép thuật: sức mạnh trong sáng, sự mơ mộng, kỳ ảo, lung linh và đầy tuyệt vời nơi những quyền phép toả sáng mang đến những điều kỳ diệu và trên cả tuyệt vời, tô màu cho một thế giới phép thuật chân chính.
“Harry Potter” cấu tạo nên một thế giới phép thuật đầy màu sắc với những cuộc phiêu lưu đầy thú vị và hấp dẫn người đọc trên từng chi tiết của cốt truyện. “Những chuyện kể của Beedle người hát rong” lại mang một sắc thái khác hẳn, vẫn là thế giới phép thuật ấy, nhưng nhẹ nhàng hơn. Đó là một tuyển tập “cổ tích” được truyền qua bao thế hệ cho trẻ em phù thủy nhỏ. Đó còn là “truyện kể trên giường ngủ được yêu thích nhất” với 5 câu chuyện nhỏ mang những màu sắc, giá trị và ý nghĩa riêng biệt. Chính những điều ấy đã tạo nên những thế giới đa sắc khác nhau trong từng câu chuyện.
“Cậu phù thủy và cái nồi tưng tưng” là mẩu chuyện thứ nhất về cái vạc nhỏ song hành cùng lão phù thủy trên bước đường giúp đỡ những người dân Muggle (những người không có phép thuật). Thông qua cái nồi hầm may mắn ấy, lão đã gửi gắm những bài học đến con trai lão. Lanh canh, lanh canh, nước mắt sóng sánh tràn qua mép nồi, tiếng kêu be be, rên ư ử, xì mụn cóc,… Cái nồi ấy như đang tái hiện lại tất cả nỗi đau mà dân Muggle đang chịu đựng, ép cậu phù thủy phải chấp nhận và hành động để giúp những con người khốn khổ kia. Cái nồi “tưng cà tưng” sẽ luôn đi theo và nhắc nhở cậu về một lối sống nhân ái, chan hoà, giúp đỡ những người xung quanh cũng như cách ứng xử, thái độ tôn trọng đối với những người dân Muggle.
“Nguồn suối vạn hạnh”, một nguồn suối với khả năng thần kỳ, mang lại “hạnh phúc đời đời”. Asha, cô phù thủy được chọn, Altheda, Amata cùng quý ngài Bất Hạnh bắt đầu cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc. “Nộp cho ta bằng chứng nỗi đau của các người”, “Nộp cho ta thành tựu lao động của các người”, “Nộp cho ta kho báu quá khứ của các người”. Tất cả những thử thách ấy, sự quyết tâm, kiên trì, tinh thần dũng cảm sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Và bên cạnh đó còn là sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ đã tạo nên kết thúc đẹp cho cả 4 người. Hoá ra nguồn suối không hề mang phép màu nào cả, mà điều kì diệu được tạo ra chính từ tinh thần và sức mạnh của cả 4 người.
“Trái tim lông xù của chàng chiến tướng” lại là một mẩu chuyện buồn về chàng chiến tướng tài hoa, chỉ bởi vì định kiến cá nhân lệch lạc của chàng về tình yêu: “yêu là mất hết sự sành điệu lẫn phẩm cách đường hoàng” mà chàng đã dùng nghệ thuật hắc ám để “bảo kê tình trạng miễn yêu của chàng”. Và cái giá phải trả cũng khá đắc, trái tim của chàng trở nên quái dị quá một thời gian dài bị cách ly khỏi cơ thể. Cuối cùng chàng chiến tướng chết đi với trái tim bị tê liệt, không có cách nào thay thế, cũng không có cách nào làm lại từ đầu. Mẩu chuyện chỉ ra tác hại của phép thuật hắc ám, cùng với sự lớn lao và quan trọng của tình yêu.
“Thỏ lách chách và gốc cây khanh khách” lại là một câu chuyện hài về một ông vua ngốc muốn học pháp thuật với ý muốn “chỉ một mình ông là có quyền lực pháp thuật”. Một gã thầy pháp láu cá không biết phép thuật, lợi dụng việc dạy vua để làm giàu. Bà quan giặt giũ Lách Chách, một mụ phù thủy, chấp nhận giao kèo với gã thầy pháp, trốn sau bụi cây thực hiện phép thuật thay vua trong một buổi biểu diễn phép thuật. Mọi sự đều êm thắm trôi qua cho đến khi vua muốn thức hiện phép hồi sinh vật đã chết, và đó là điều không thể. Với sự thông minh của mình, kết quả mụ Lách Chách thoát chết, còn gã thầy pháp đã bị trừng trị một cách thích đáng. Điều đó cho thấy không phải lúc nào cũng có thể lấy pháp thuật giải quyết mọi vấn đề.
“Chuyện kể về ba người anh em” là câu chuyện nhỏ cuối cùng về ba anh em khi đối mặt với gã thần chết. Mỗi người được cho một phần thưởng từ thần chết. Người anh cả với “cây đũa phép nhiều quyền năng hơn mọi cây đũa phép trên đời” và bị cắt cổ họng chết bất đắc kỳ tử vì thói ngông cuồng tự đại. Người anh hai với viên đá quyền năng gọi về người đã chết, và tự giết mình vì những khát khao vô vọng. Thần chết có trong tay cả 2 linh hồn. Nhưng còn người em út với áo tàng hình đã sống được cho tới già và chào đón thần chết như một người bạn cũ. Và đây cũng là câu chuyện tạo ra truyền thuyết “Bảo bối tử thần” trong phần 7 của bộ truyện “Harry Potter”.
Ngoài ra, sau mỗi mẩu truyện nhỏ kia sẽ có những phần bình luận của cụ Albus Dumbledore, hiệu trưởng tiền nhiệm trường Hogwart, nêu những quan điểm và cách nhìn độc đáo của vị giáo sư già, cũng như những vấn đề trong cộng đồng pháp thuật: quan điểm ủng hộ Muggle, sự lai giống giữa phù thủy và Muggle, cuộc tìm kiếm sự bất khả xâm phạm, người đội lốt thú, chủ nhân của tử thần,… Nếu bạn là người đã đọc “Harry Potter” thì chắc chắn “Những chuyện kể của Beedle người hát rong” là cuốn sách bạn không thể bỏ qua, vì những tranh luận về những chủ đề nóng hổi trong giới pháp thuật nằm trong phần bình luận của giáo sư Dumbledore, cũng như thế giới trẻ thơ và đầy màu sắc trong truyện. Một yếu tố nữa là vì cuốn sách này được viết cho trẻ em, nên không có những cuộc chiến đẫm máu hay những yếu tố li kì rùng rợn, nhưng mình nghĩ nó vẫn đủ thu hút bạn bởi ngôn từ hoàn hảo và kết nối trong nó. Hãy dùng tâm trí trẻ thơ và cảm nhận cuốn truyện cổ tích của trẻ em xứ sở phù thủy.
Giữa những câu chuyện nhỏ của Beedle, mình khá thích mẩu truyện “Nguồn suối vạn hạnh”, một triết lý thực tế “Không một phép nhiệm màu nào có thể giúp mình ngoài chính bản thân mình”. Trong hiện thực, phép màu không tự nhiên xảy ra, mình phải tự nắm lấy cơ hội và cố gắng hết mình để tạo ra phép màu. Nhưng đôi khi chúng mình cũng có thể thư giãn và để cho trí tưởng tượng bay xa một tí, biết đâu phép màu thật sự tồn tại, và nó đang tìm chủ nhân đích thực để trao tặng cái sự may mắn ấy thì sao. Một chút niềm tin lạc quan để cỗ vũ bản thân cũng đâu phải là ý kiến tồi. Có những lúc trẻ con một tí, để có thể nhìn thế giới một cách vui vẻ hơn, bớt mệt mỏi hơn cũng đâu ảnh hưởng gì đâu. Sự thay đổi luôn là thứ cần thiết cho những ý tưởng đột phá và những điều tuyệt vời tiềm ẩn mà mình có thể làm được.
“Những chuyện kể của Beedle người hát rong” thật sự là cuốn sách mà mình tâm đắc nhất. Không mang những ý nghĩa ẩn mang tính thời đại hay triết lý sống cao siêu, chỉ là những điều gắn liền với cuộc sống hằng ngày của mình, mà chính mình, vì chạy theo nhịp sống hối hả ngoài kia, đã quên nhìn lại và cảm nhận nó. Quả là một thiếu sót lớn trong cuộc sống. Những mẩu truyện này giúp mình thư giãn, nhìn nhận lại những điều mình đã bỏ lỡ, và mỉm cười, sống cho hiện tại nhiều hơn.
– Ánh Minh