Lần cập nhật gần nhất March 31st, 2020 – 11:45 pm
Những con đường tơ lụa, một mặt mô tả tiến trình toàn cầu hóa trong quá khứ với mảng sáng là những cuộc du hành văn hóa, những mở mang kinh tế làm lan tỏa sự phồn thịnh và giàu có tri thức nhân loại, nhưng mặt khác là một mạng lưới phủ đầy bóng đen tranh chấp, bạo lực, tai ương và nhất là dịch bệnh.
Ngay cả trong một thế giới được “định nghĩa lại bởi phương Tây” thì cuốn sách đồ sộ này cũng chứng minh rằng những con đường toàn cầu hóa hôm nay vẫn còn hằn những vết dấu của hôm qua, có những điều lặp đi lặp lại đến kinh ngạc. Các chuyển biến của thế giới hôm nay đều có thể được soi tỏ hơn khi ta đã đọc qua cuốn sách này.
Review
“Ở Iran người ta gọi linh thần của nước Ized là Aban. Aban cũng từng là vua của thời gian. Bởi thời gian không là gì khác ngoài thứ giống như nước, cũng chảy và dâng ngập từ một nguồn vô danh, và cũng không thể cầm nắm lại.
Thời gian là nước vô hình, sự sống của thế gian chảy trong đó, là thứ trong đó sự sống của tất cả chúng ta truyền đi trong trạng thái hòa tan.”
(Trích: “Minh Triết Thiêng Liêng”, tác giả Hamvas Béla)
Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus cũng từng nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.”
Câu nói nổi tiếng của Heraclitus có vẻ phổ biến hơn. Ai cũng biết triết gia không muốn mô tả việc tắm sông trong phát biểu này, ông mô tả sự vận động, chuyển biến không ngừng nghỉ của thời gian và vạn vật nằm trong dòng thời gian. Chúng ta (những bạn đang đọc dòng này) nghĩ rằng chúng ta đang ở trong hiện tại, thực tế là suy nghĩ đó của chúng ta và trạng thái của chúng ta vừa rồi đã rơi vào quá khứ mất rồi. Hiện tại vốn chỉ là khoảnh khắc, một lằn ranh siêu siêu siêu siêu siêu mỏng, phía trước nó là tương lai, phía sau nó là quá khứ.
“Bà đoán biết tương lai vì bà tường tận quá khứ.”
(Trích: “Những người bóng dài”, tác giả Hans Ruesch)
Quá khứ là nơi dòng thời gian đã chảy qua. Để quá khứ không bị trôi tuột, không mơ hồ đến mức “không thể cầm nắm lại” như thời gian, con người đã tạo ra Lịch Sử. Việc của một nhà viết sử thông thái là góp nhặt các sự kiện rời rạc khắp nơi, chọn lọc, phân tích, kết nối chúng thành một tổng thể để từ đó tìm ra các quy luật, các motif, các “lối mòn” mà bánh xe lịch sử đã lưu dấu khi lăn qua.
“Việc trong thế gian, nếu chịu khó quan sát sẽ diến biến theo những lối mòn định sẵn.”
(Trích: “Quỷ ảnh ma đao”, tác giả Liễu Tàn Dương)
Peter Frankopan là một nhà viết sử thông thái. Khôn ngoan khi chọn một hệ quy chiếu khác với lối mòn, chuyển dịch tâm điểm của thế giới từ tây sang đông, khôn ngoan khi chọn một điểm nhìn cao hơn và xa hơn để có tầm nhìn rộng lớn, bao quát hơn, ông đã nhìn thẳng vào dòng sông lịch sử và phân tách từ đó ra những dòng chảy đặc trưng của từng thời kỳ. Những dòng chảy mà tầm ảnh hưởng của chúng bao trùm rộng khắp và định hình nên thế giới. Ông gọi chung những dòng chảy lịch sử đó là NHỮNG CON ĐƯỜNG TƠ LỤA.
“Những con đường tơ lụa – Một lịch sử mới về thế giới” là một tác phẩm đồ sộ của Peter Frankopan. Bao quát 2.500 năm lịch sử nhân loại, “Những con đường tơ lụa” nén trong nó một khối lượng kiến thức khổng lồ về lịch sử, tư tưởng, tôn giáo, giao thương, chiến tranh, dịch bệnh, thổ nhưỡng, khí hậu,… Trôi theo những dòng chảy lịch sử được Peter Frankopan phân tách ra từ dòng thời gian bao la rộng lớn: dòng chảy của vàng; dòng chảy của bạc; dòng chảy của đức tin; dòng chảy của tinh thần hòa hợp Hồi Giáo; dòng chảy của nô lệ; dòng chảy của dầu mỏ; dòng chảy hướng về thiên đường ; dòng chảy hướng về địa ngục; “dòng chảy Phương Bắc” của Nga… bạn đọc được ngắm nhìn lại lịch sử thế giới dưới một góc nhìn đầy mới mẻ, rõ ràng và lôi cuốn.
Lịch sử và Triết học là những môn hay được gọi thân thương là “thuốc gây mê cực mạnh” vì khả năng thần kỳ của chúng trong việc đánh gục, ru ngủ và gây ra cảm giác tuyệt vọng lên biết bao thế hệ học sinh, sinh viên. Tất cả chỉ bởi “hướng dẫn viên” của các bạn thời đi học không biết cách kể chuyện. Trong “Những con đường tơ lụa”, mỗi khi bắt đầu khám phá một dòng chảy mới, một con đường mới, cảm giác thu hút, tò mò không ngừng thôi thúc bạn đọc tiếp, đọc tiếp và đọc tiếp… chương sau, bởi Peter Frankopan là một “hướng dẫn viên” thông thái đầy nhiệt huyết, đam mê. Ông luôn trình bày các vấn đề hiện tại rõ ràng, lôi cuốn, đồng thời cũng luôn gợi ý về những phần nội dung tiếp theo đang đợi ở phía trước, y như “lời nhử” trong các tiểu thuyết chương hồi: “muốn biết sự việc tiếp diễn thế nào, đợi hồi sau sẽ rõ.”
Nhắc tới lịch sử, nhiều người hay nghĩ đó là những sự kiện đã xảy ra từ xa lắc xa lơ, thực tế là, chính chúng ta đang tạo thành lịch sử và chính chúng ta đang là một phần của lịch sử. Đọc “Những con đường tơ lụa” đến những sự kiện nóng bỏng đang diễn ra, ảnh hưởng lên cả thế giới tới thời điểm hiện tại, những sự kiện mà chúng ta đã được nghe trên thời sự, đọc trên báo và được bình luận với các “chuyên gia vỉa hè”, những sự kiện tuy cách xa hàng nghìn km nhưng vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta hiện tại, lần này với sự phân tích sắc sảo, tường minh của một học giả, ta càng thấy lịch sử gần hơn bao giờ hết và việc hiểu biết về lịch sử quan trọng đến thế nào. Bởi vì chỉ khi “tường tận quá khứ” chúng ta mới “đoán biết được tương lai.”
– Đặng Xuân Lương