“Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” không chỉ là câu chuyện ly kỳ của 2 chàng thanh niên, một da đen, một da trắng mà còn ẩn chứa những thông điệp tố cáo xã hội áp bức con người bằng đồng tiền, bằng phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên hành trình này cũng đã giúp Huckleberry Finn khám phá những điều tiềm ẩn trong chính bản thân mình, giải phóng tâm hồn tự do bay bổng của mình.
Review Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (2)
Đến với các tác phẩm của Mark Twain – một nhà văn trào phúng nổi tiếng người Mỹ, hẳn mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh con sông quen thuộc Mississippi cùng với những cuộc hành trình kì thú bên dòng sông. Trong đó có “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” – tiểu thuyết ưu tú nhất của Mark Twain và cũng là một trong những tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của nước Mỹ.
“Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” đã đưa tôi bước vào một cuộc hành trình đầy chông gai, khó khăn nhưng cũng hết sức ly kì, thú vị của hai chàng thanh niên Finn và Jim, một da trắng, một da đen. Trong đó có chút gì đó nông nổi, bồng bột, thiếu suy nghĩ của tuổi trẻ nhưng cũng có chút gì đó can đảm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Hai người không những không có sự phân biệt màu da mà còn luôn đồng hành, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Không chỉ vậy, Mark Twain còn đem đến cho ta những pha tình huống vô cùng hóc búa đối với Finn và Jim, thậm chí phải đặt cược cả mạng sống. Tuy nhiên, nhờ sự nhanh trí, nhạy bén và linh hoạt mà cả hai đều đã vượt qua.
Không đơn thuần là một cuộc phiêu lưu kì thú, Mark Twain đã phản ảnh được bộ mặt xấu xa, bỉ ổi của một xã hội chỉ tới đồng tiền và sự phân biệt chủng tộc, không cần biết những người da đen làm đúng hay sai, tốt hay xấu, những người da trắng lúc bấy giờ luôn cho rằng họ có toàn quyền quyết định đối với người da đen, áp bức, bóc lột họ, thậm chí có thể lấy đi mạng sống của họ. Cuốn tiểu thuyết đã trở thành bản án sâu sắc tố cáo đối với những thực trạng đó của nước Mỹ lúc bấy giờ.
Bên cạnh đó, Mark Twain vẫn cho ta thấy đâu đó trong số những người Mỹ lúc bấy giờ vẫn có những người văn minh, tốt bụng, không hề phân biệt củng tộc màu da, mà còn giúp đỡ họ như vị bác sĩ. Ông đã nó cho họ biết Jim không hề xấu như họ vẫn hay lầm tưởng, cậu đã hỗ trợ ông cứu sống cậu bé bị trúng đạn và ông cũng khẳng định “ tôi chưa thấy có anh da đen nào lại khéo tay và trung thành hơn thế, anh ta lại hy sinh tự do của mình để làm việc đó” và điều này đã khiến ông đề nghị mội người “đối đãi tử tế” với Jim như đối với tất cả những người da trắng bọn họ. Đây chính là một trong những điều làm nên giá trị nhân đạo cũng như thành công của “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” (Mark Twain).
Mình mong rằng cuốn tiểu thuyết này sẽ phần nào đem lại cho mọi người những bài học bổ ích về con người, lòng vị tha và quan trọng hơn là cách đối nhân xử thế đối với tất cả mọi người xung quanh chúng ta, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, địa vị cũng như màu da, không để đồng tiền làm lu mờ lí trí.
Đây cũng là một trong những chủ đề quen thuộc khi các bạn tìm đọc các tác phẩm của các tác giả người Mỹ hay viết về nước Mỹ như “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” (Mark Twain), “Giết con chim nhại” (Harper Lee).
– Anna Edwards
“Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry finn” là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của nhà văn Mark Twain. Nó là mặt trời rực sáng của nền văn học mỹ. Tác phẩm là phần tiếp theo của “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” nói về cuộc hành trình xuôi dòng Mississippi của Huck và anh da đen Jim, qua lời kể của chính nhóc Huck. Qua đó châm biếm những quan điểm ở miền Nam Hoa Kỳ thời tiền chiến, đặc biệt là nạn buôn người và kì thị chủng tộc.
Điều đầu tiên khi tôi đọc cuốn sách, đó là cảm giác quen thuộc. Do tác giả vẫn giữ được mạch chuyện và diễn biết logic với phần trước. Tôi có cảm giác như ông đã đọc thuộc lòng “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” trước khi viết tiếp cuốn này.
Tiếp đến tôi chìm đắm dần vào câu chuyện của Huck. Những tình huống đã không còn dễ đoán như phần một, ly kì hơn, kịch tính hơn. Tôi thấy được sự trưởng thành hơn trong suy nghĩ cũng như hành động của các nhân vật. Anh chàng Tom lần này chỉ đóng vai phụ, nhưng mỗi lần xuất hiện lại tỏa sáng, đất diễn rất nhiều. Tom vẫn luôn là tượng đài không thể thay thế trong xuyên suốt 2 cuốn tiểu thuyết. Ngoài ra còn có sự góp mặt của “chí phèo” và cặp đôi “Ba Gai, Tú Xuất” phiên bản lỗi nữa. Họ đem lại những tình huống dở khóc dở cười.
Nhân vật Huck có tính cách khác với Tom, do vậy tôi có được trải nghiệm mới, một cuộc phiêu lưu mới và luồng suy nghĩ mới so với trước. Huck không có khả năng lãnh đạo như Tom cũng không dũng cảm và quyết đoán như Tom, nên độc giả cũng đừng quá kì vọng vào những quyết định anh hùng hay táo bạo nào từ Huck nhé. Bù lại thì cu cậu khá thông minh mà nói dối không thua gì Cuội. Cộng thêm anh da đen vừa mê tín, vừa lí sự, nhưng cũng hiền lành và tốt bụng đã mang câu chuyện hấp dẫn này.
Ở phần này tôi thấy rõ sự châm biếm và thấy rõ giọng văn trào phúng hơn ở phần một. Tôi đã liên tương đến “Vũ Trọng Phụng” khi dọc Mark Twain. Có nhiều đoạn làm tôi phải cười thành tiếng . Cách hành văn hơi dài dòng, nhưng dài dòng hợp lý và chấp nhận được, dài dòng như vậy mới gột tả đc cái châm biếm với xã hội bấy giờ. Lẽ ra tôi sẽ còn nói thêm về các thư phương ngữ, các thổ ngữ đã làm nên tên tuổi của tác phẩm, tiếc là do tôi đọc bản dịch nên những phần đó đã được dịch giả dịch sao cho dễ hiểu và dùng ngôn ngữ của dịch giải mất rồi.
Cuộc phiêu lưu của Huck và Jim là cuộc hành trình tìm đến tự do, cuộc hành trình xé toang những hủ tục, những quan điểm dốt nát của xã hội, cuộc hành trình mở toang cánh của cho nền văn học Mỹ, cho bản sắc ngôn ngữ Mỹ.
– Hưng Gymoga