Những Gì Bạn Biết Về Mình Đều Sai – Don Miguel Ruiz, Barbara Emrys

Lần cập nhật gần nhất March 18th, 2020 – 04:11 pm

Ta thấy mình trong nước, ta thấy mình trong gương, ta thấy mình trong mắt người khác, nhưng tất cả chỉ là hình ảnh phản chiếu, chứ ta không thực sự nhìn thấy mình. Khi ý thức được điều này, như một lẽ tự nhiên, bạn sẽ bắt đầu đặt nghi vấn và muốn biết đâu mới là mình. Trên hành trình tìm lại cái “tôi” đích thực, bạn sẽ thanh lọc dần những tri thức mình từng cho là nắm rõ, và ngỡ ngàng khi nhận ra rất nhiều, hoặc có lẽ là toàn bộ, “Những gì bạn biết về mình đều sai”.

Nhưng không sao cả, ta có thể tìm ra cái đúng bằng cách loại bỏ cái sai, “ta sẽ biết được mình là ai khi biết đâu không phải là mình”. Từ bây giờ, hãy gạt sang một bên quan điểm của người khác về mình, để bắt đầu nhìn vào bản thân một cách nghiêm túc. Chúng ta không thể kiểm soát cái nhìn và suy nghĩ của người khác, nhưng luôn điều khiển được: cách ta hiểu những gì xảy ra với mình, cách ta phản ứng lại những điều ấy.

Review (2)

Những gì bạn biết về mình đều sai – Don Miguel Ruiz & Barbara Emrys

Cái tên Don Miguel Ruiz đã quen thuộc với những ai đọc “Bốn thỏa ước”, “Bậc thầy của tình yêu”. Và trong “Những gì bạn biết về mình đều sai”, ông tiếp tục giải đáp cho chúng ta những bí ẩn phức tạp của tâm lý con người của 3 câu hỏi: Tôi là ai, Cái gì là thật và Tình yêu là gì.

Để giải đáp cho những câu hỏi này, Ruiz đã áp dụng một cách phân tích hoàn toàn khác – PHÉP PHẢN CHỨNG. Muốn kết luận một mệnh đề là đúng thì phải chứng minh thứ ngược lại với nó là sai – đó là nội dung của phép phản chứng trong toán học.

Và tất nhiên, phép phản chứng có thể được áp dụng trong bài toán cuộc đời. Khi những dữ liệu về bản thân quá ít ỏi và khiến chúng ta mơ hồ không thể chứng minh được “tôi là ai?”, “tôi làm vậy có đúng không?”, thay vì nhất định phải đi đường thẳng, phải trả lời câu hỏi khẳng định, hãy tìm cách đi đường vòng, trả lời những câu hỏi ngược lại.

Nếu bạn cứ nhất định đi tìm xem “tôi là ai”, bạn sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy “phải là chính mình”, trong khi lại không thực sự hiểu mình là ai cả, để rồi tự phân chia nhân cách và tự biên ra những vở bi kịch cuộc đời.

Tại sao phải phân ra “thời gian đi làm” và “thời gian nghỉ ngơi” khi tất cả đều là thời gian của chúng ta?

Tại sao phải tự dán nhãn “hướng nội” và “hướng ngoại” để biện minh cho mỗi hành động, trong khi bạn vốn có thể thay đổi?

Tại sao phải mất công tranh cãi trắng – đen, đúng – sai khi vốn dĩ bạn nhìn thấy số 6, người đối diện lại nhìn ra số 9?

“Những gì bạn biết về mình đều sai” là tấm gương đa chiều cho thấy những điểm mù trong tư duy của con người, để giải phóng chúng ta khỏi khuôn khổ suy nghĩ hạn hẹp và những hình mẫu áp đặt lẫn nhau. Khép lại cuốn sách này, bạn sẽ bớt vắt tay lên trán suy nghĩ xem mình là ai, mà bước ra khỏi vùng an toàn, hành động để tìm kiếm đáp số riêng cho bài toán cuộc đời mình.

– Ngọc Bích Hoàng

CON NGƯỜI NHƯ MỘT VIÊN KIM CƯƠNG NHIỀU MẶT, NẾU CHƯA HIỂU RÕ THÌ ĐỪNG PHÁN XÉT!

Trong những giai đoạn đầu của cuộc đời, mọi thứ rất dễ được phán xét dưới dạng “đúng-sai” xoay quanh những giá trị và thói quen đã nuôi dưỡng ta lớn: “không được làm thế này”, “ai lại làm như vậy”, “tôi cần”, “tôi phải”… Dễ phán xét, dễ phản ứng, và dễ giữ những cảm nhận cực đoan về người khác – chỉ vì một vài hành động họ làm lệch khỏi cái “chuẩn” vô hình trong lòng mình.

Sẽ không thể nói hệ giá trị của người này “tốt” hơn hệ giá trị của người khác – vì khi nhận xét như vậy, ta quay lại khởi điểm “đúng-sai” ban đầu. Nếu hiểu rằng mọi sự tồn tại trong thế giới này đều có ý nghĩa riêng của nó, đều có tính “đúng” trong hoàn cảnh của nó (ví dụ ta phê bình sự “gia trưởng”, nhưng có khá nhiều nhà lãnh đạo tài ba trên thế giới bộc lộ tính này rất rõ); thì sự đa dạng trong góc nhìn là điều hoàn toàn chấp nhận được, và là điều cần phải hiểu để thích ứng – chứ không phải là thứ để xoá bỏ hay diệt trừ.
Con người như một viên kim cương khổng lồ có nhiều mặt, tán xạ lại những gì soi chiếu vào nó. Khi tiếp xúc trong một hoàn cảnh cụ thể, ta chỉ thấy được một mặt cắt, nhưng khi giao tiếp nhiều hơn, ở nhiều góc độ hơn, những mặt khác sẽ được hiển lộ.

Vì vậy, đừng vội buông ra những quan điểm, đánh giá bất kỳ điều gì chỉ qua ít lần tiếp xúc. Bạn có dám chắc mình đã nhìn thấy hết các mặt của “viên kim cương” không?

– Nhật Lệ

Trích dẫn

Bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân có thể làm điều gì khác đi? Hay cuộc sống của bạn vốn chỉ là những thói quen? Có lẽ chính những thói quen và suy nghĩ “lối mòn” đó khiến bạn không đạt được mục tiêu như mong đợi.

Rất nhiều người mang lối suy nghĩ rập khuôn, không có tính sáng tạo cũng chẳng có chút mới mẻ nào. Họ sẵn sàng đi theo một “lối mòn” để bản thân luôn có cảm giác an toàn. Nếu cứ tiếp tục như vậy, thì có lẽ cuộc đời ta sẽ chấm dứt rất sớm. Không phải về tuổi tác, mà là mặt tâm hồn.

Martin Luther King từng nói: “Không phải nhìn trước toàn bộ cầu thang, bạn chỉ cần bước lên nấc thang đầu tiên mà thôi.”

Bước đi đầu tiên trong hành trình thay đổi luôn là giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng luôn đáng để thử. Bởi vì chờ đợi bạn ở phía sau, có thể là bối rối, có thể là mệt mỏi, nhưng cũng là những trải nghiệm mới mẻ chưa từng trải qua trước đây. Có một luồng gió mới thổi qua tâm hồn cằn cỗi bấy lâu nay, cảm giác sẽ rất tuyệt đúng không?

Dù đi nhiều, biết nhiều đến đâu thì bạn cũng không bao giờ có thể kiểm soát được hết những thứ sẽ xảy ra trong tương lai. Thế nên quên việc phải nhìn thấu đến cuối “chiếc cầu thang” cuộc đời đi. Chỉ cần biết rằng chúng ta vẫn đang tiến lên mỗi ngày, vậy là đủ rồi.

– Trích Những gì bạn biết về mình đều sai (Chia sẻ từ bạn Nhật Lệ)