Lần cập nhật gần nhất August 7th, 2020 – 11:32 am
Cùng với tài năng và tham vọng, những người thành công đều được thừa hưởng một cơ hội đặt biệt để rèn luyện kỹ năng và cho phép họ vượt lên những người cùng trang lứa, thế những việc tận dụng và sử dụng trí thông minh của họ không phải là yếu tố quan trọng nhất để một người đạt thành công.
Thách thức niềm tin về “con người tự lực”, tác giả quả quyết rằng các vĩ nhân không tự dưng mà có, cũng không được thúc đẩy bởi thiên tài hay tài năng. Họ là những người được hưởng một “lợi thế vô hình” và cơ hội khác thường từ môi trường và hoàn cảnh, nhờ đó họ vươn tới những đỉnh cao mà người khác không thể đạt được. Theo ông, “một vài người xứng đáng với điều đó, một vài người khác thì không, một số người tạo ra thành công, một số đơn giản là do may mắn”.
Review Những kẻ xuất chúng (3)
Kẻ xuất chúng, xét cho cùng, chẳng hề xuất chúng
Thật thú vị, sau khi tìm hiểu lý do thành công của những tên tuổi ngưỡng mộ nhất thế giới, tác giả Malcolm Gladwell của Những kẻ xuất chúng lại đưa ra kết luận trên. Liệu… có sự nhầm lẫn không nhỉ? Ông nhấn mạnh những người thành công trông có vẻ tự thân làm lụng mọi điều. Nhưng trên thực tế, họ vẫn luôn là kẻ thụ hưởng những lợi thế ẩn giấu và những cơ may phi thường cũng như những di sản văn hóa cho phép họ học hành, làm việc chăm chỉ và nhìn nhận về thế giới bằng những cách mà kẻ khác không thể.
Nghiên cứu của tác giả cũng phá tan quan niệm cứ IQ cao là những người xuất chúng. Nếu đúng như vậy thì Chris Langan, người thông minh nhất nước Mỹ với IQ 195 ít nhất cũng phải thành công như Einstein – IQ 150.
Nhưng thực tế thì không, người đàn ông có IQ cao ngất ngưởng này có cuộc sống bình thường, khi tham gia Đấu trường 100 ông đã dừng cuộc chơi để nhận 250.000$, từ bỏ mạo hiểm đến đích 1.000.000$. Kết quả nghiên cứu từ trước đến nay không có tổng thống nào là người có IQ cao bẩm sinh. Phải chăng không dám mạo hiểm là đáp án chung giải thích tại sao những người thông minh bẩm sinh lại dần dần biến mất không để lại dấu vết Và không chỉ do bản thân họ, môi trường bên ngoài cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của con người. Cũng chính Chris Langan do không được giáo viên tạo điều kiện đi học, do không đủ tiền để học trường danh giá mà thế giới đã lãng phí tài năng của một thiên tài.
Những người xuất chúng cũng đưa ra lời giải thích cho sự thành công của những người sinh cùng một giai đoạn nào đấy. Đến tuổi trưởng thành của những người này đều xuất hiện sự kiện kinh tế, khoa học kỹ thuật nào đấy và chỉ chờ thế thôi, kỹ năng họ mài giũa bao lâu được dịp đem ra thể hiện.
Cuối cùng thì thành công luôn tuân theo một chiều hướng có thể dự đoán.Không phải những người xuất sắc nhất mới thành công. Cũng không phải thành công chỉ đơn giản là tổng cộng của những quyết định , nỗ lực mà chúng ta thực hiện nhân danh bản thân mình. Thành công đúng hơn là một món quà. Kẻ xuất chúng là những người được ban tặng các cơ hội – và họ có đủ cả nội lực cũng như năng lực trí não để nắm bắt lấy cơ may đấy. Vậy chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị tốt cho bản thân để đón chờ những cơ hội hiếm hoi đó. Khi gặp thời thì BÙM cuộc đời sang trang mới. Nếu tôi muốn thành thạo một lĩnh vực nào đó, con số 10.000 giờ sẽ gợi cho tôi thời gian cần rèn luyện…
Công thức: Thành công = Chuẩn bị tốt + May mắn là lời cuối tôi muốn chốt lại để tổng kết cho cuốn sách này.
– Linh Do
Trời ơi cuốn này siêu hay luôn ý. Lâu lắm rồi mình mới có cảm giác đọc sách mà gật đầu liên tục như đi quẩy vậy.
Chắc mọi người đã quá quen thuộc với câu chuyện vượt khó để thành công của các vĩ nhân rồi ha. Mô típ quen thuộc của nó là: một người có hoàn cảnh khó khăn, nhờ thực lực của mình mà gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Nhưng cuốn sách này lại đặt ra một câu hỏi hoàn toàn khác “Có thật là như vậy không? Có thật là Bill Gates, The Beatles, Steve Jobs,… thành công chỉ nhờ vào thực lực? Hay còn có những yếu tố nào khác nữa?”.
Những kẻ xuất chúng đề cập tới những yếu tố làm nên sự thành công của những người khổng lồ này như quy tắc 10000 giờ, hiệu ứng Matthew, hoàn cảnh gia đình tác động đến thành công như thế nào, năm sinh của người đó, trả lời cho câu hỏi IQ 130 và 180 có khác nhau không, hay tại sao người Châu Á luôn vượt trội hơn trong môn toán,… Cách dẫn dắt siêu hay ho luôn, đọc không hề bị nhàm chán khô khan, mà ngược lại, còn hồi hộp hơn cả đọc fiction. Đầu tiên, tác giả sẽ lấy ra một ví dụ, sau đó dẫn người đọc đi đến vấn đề đang nói tới. Điều mình cực kì thích là mình hoàn toàn không đoán nổi tác giả muốn nói đến điều gì sau đó, trừ quy tắc 10000 giờ vì nó khá nổi tiếng rồi. Các kiến thức trong sách siêuuuu hay ho mà mình đọc phải trố mắt ra rồi gật gật đầu liên tục. Ví dụ như Bill Gates thành công không chỉ vì thực lực, làm việc chăm chỉ, mà còn vì hoàn cảnh gia đình, cơ hội may mắn đến đúng lúc – cái mà mình không để ý trước kia. Mỗi một ý tác giả lại tỉ mỉ phân tích, lấy ví dụ cẩn thận. Sang chương sau, giả lại nhắc lại các ví dụ đó, làm mình không bị quên những gì đã đọc ở chương trước.
Trời ơi tóm lại là siêuuuu hayyyyy luôn, recommend cho mọi người mọi nhà!
– Dieu Linh Nguyen
Mình xin chia sẻ với cả nhà cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” của tác giả Malcolm Gladwell. Cuốn sách dày hơn 400 trang được chia làm hai phần.
- Phần 1 cơ hội bao gồm 5 chương nói về những cơ hội mà những kẻ xuất chúng có được ngay từ khi mới sinh ra
- Phần 2 di sản bao gồm 4 chương còn lại và phần kết nói về những di sản, văn hóa cộng đồng mà những kẻ xuất chúng được thừa hưởng.
Đây là một cuốn sách rất giá trị, với cách tư duy độc đáo, thú vị tác giả phân tích, làm rõ sự thành công vượt trội của những thiên tài là do đâu? Nó không đơn thuần chỉ nằm ở tài năng và sự thông minh của họ, mà hơn thế nữa những thiên tài này có những lợi thế bất ngờ từ xã hội, từ cộng đồng, từ cách giáo dục của gia đình cho đến những di sản văn hóa, truyền thống gia đình….những yếu tố đó tạo nên sự thành công vượt trội và rạng rỡ cho những nhân vật đình đám như Bill Gates, Steve Jobs, Steve Balmer….
Xin chia sẻ với cả nhà những điều tâm đắc mà mình rút ra được sau khi đọc cuốn sách này1. Hiệu ứng matthew (vì phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa, còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi)
Đây là câu nói rất quen thuộc trong luật hấp dẫn, đặc biệt là trong cuốn the magic về lòng biết ơn. Nhưng “những kẻ xuất chúng” lại nói về một thế mạnh vô hình của những đứa trẻ được sinh từ đầu năm – đó chính là một lợi thế vô cùng lớn với bộ môn khúc côn cầu ở Canada. Chúng ta sẽ học được gì từ những gì tôi vừa cung cấp? bạn sẽ hỏi như thế đúng không? Tôi sẽ không thuật lại những gì tác giả đã kể trong sách đâu…nhưng tôi thích cách nhìn của tác giả vì đã làm rõ hiệu ứng matthew…
Những đứa trẻ sinh vào đầu năm sẽ có lợi thế hơn những đứa trẻ sinh vào giữa năm và cuối năm về chiều cao, cân nặng cũng như góc độ nhận thức (trong khúc côn cầu). Những đứa trẻ này sẽ được gom vào một lớp những đứa trẻ có ưu thế lớn nhất về thể hình để luyện tập và thực hành những bài tập rèn luyện trong khúc côn cầu…và rồi từ lợi thế đầu tiên đó, những đứa trẻ này lại có những lợi thế to lớn hơn ở tương lai. Vì thường xuyên luyện tập ở cường độ cao, những bài tập khó nên những đứa trẻ này sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu cho việc tham gia những trận đấu lớn….đó chính là sự khác biệt. Bạn thấy không? Từ lợi thế rất nhỏ là sinh ra vào thời điểm đầu năm, những đứa trẻ này lớn hơn so với những đứa trẻ khác đồng niên…rồi lại có thêm những lợi thế vượt trội khác…cuối cùng tạo nên sự khác biệt vượt trội: tạo ra những kẻ xuất chúng trong bộ môn khúc côn cầu (và phần lớn những tuyển thủ trẻ nổi tiếng trong bộ môn khúc côn cầu đều sinh vào đầu năm).
Tương tự như vậy trong cuộc sống những người có lợi thế đầu tiên so với những người khác, nếu anh ta biết nắm bắt và tận dụng thì bản thân anh ta sẽ thấy vô vàn những cơ hội khác tới với bản thân mình mà những người khác không có được.2. Quy tắc 10.000 giờ
Có lẽ chúng ta không ai xa lạ với quy tắc này, một người muốn trở thành chuyên gia trong bất kì lĩnh vực nào thì anh ta đòi hỏi phải luyện tập nó tối thiểu 10.000 giờ. Tác giả chia sẻ một số nhân vật đã luyện tập liên tục trong vòng 10.000 giờ trước khi họ làm nên những điều vĩ đại như Bill Gates, như Bill Joy, hay ban nhạc Beatles….họ đều có một quá trình luyện tập say sưa, trước khi tạo ra những thành tựu vĩ đại của riêng mình. Bill Gates đã say sưa với máy tính 8 tiếng một ngày, bảy ngày một tuần. Thậm chí khi không được sử dụng máy tính vì sự cố liên quan tới bảo mật mật khẩu, Bill Gates đã đi bộ tới trường Đại học Washington để được sử dụng máy tính từ 3 giờ sáng tới 6 giờ sáng. Sau này khi sự bùng nổ của công nghệ thông tin diễn ra thì Bill Gates đã có trong tay 10.000 giờ luyện tập xuất sắc để có thể trở thành chuyên gia hàng đầu am hiểu về máy tính. Và tạo ra một đế chế Microsoft hùng mạnh như hiện nay.
Như vậy để trở thành chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào bạn cần phải đầu tư thời gian, tâm huyết và sự bền bỉ của mình để có cho bản thân 10.000 giờ luyện tập và rèn giũa.
3. Nếp sống gia đình
Những kẻ xuất chúng không chỉ giỏi giang, tài năng mà hơn thế nữa họ còn được hưởng lợi từ vô vàn những may mắn khác nhau. Và truyền thống gia đình – là một lợi thế rất lớn cho những thiên tài này. Họ được sống cùng những ông bố bà mẹ giỏi làm ăn, luôn nỗ lực vươn lên dù đang ở trong hoàn cảnh nào. Họ được quan sát cách bố mẹ mình phát triển cuộc sống ra sao, sắp xếp cuộc sống thế nào – đó chính là nền tảng vô cùng quý giá để giúp họ phát triển sau này. Chính họ có thể ban đầu không nhận ra điều này nhưng rồi sau này khi đạt được những thành công vượt trội, khi được phỏng vấn, những nhân vật xuất chúng này chia sẻ rằng họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ truyền thống gia đình, đặc biệt là từ cha mẹ của họ.
Những gia đình giàu có họ thường dạy con em mình biết cách thương thảo, đàm phán với những người khác một cách tự tin và dõng dạc. Trong phần 1 của cuốn sách tác giả cũng đã đưa ra một số nhân vật điển hình – rất giỏi, tài năng nhưng lại sống trong một gia đình nghèo khó, không đủ ăn. Và anh ấy cũng không được cha mẹ hướng dẫn cho những kĩ năng cần thiết để có thể nhìn ra những cơ hội cho bản thân…đó quả là một điều đáng tiếc.
Vậy nên ngay từ bây giờ chúng ta hãy tạo dựng cho bản thân một nếp sống lành mạnh, vững vàng, để tạo nền móng vững vàng cho sự phát triển của con cái sau này. Đọc sách chính là một điều tuyệt vời để làm nên nền móng vững vàng đó.
4. Lý thuyết chủng tộc của các vụ rơi máy bay
Phần này mình rất ấn tượng với cách phân tích, mổ xẻ vấn đề của tác giả, đặc biệt là các vụ việc rơi máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air. Như chúng ta đã biết Hàn Quốc cũng là một quốc gia Châu Á, do đó họ có những nét văn hóa đậm chất của người dân chấu Á. Tính tôn kính theo vai vế, nghi thức, phân cấp trong vị trí xã hội sẽ khiến cho một người cơ phó không dám có những to tiếng với cơ trưởng khi người cơ trưởng này phạm phải những sai lầm đáng tiếc. Đó cũng chính là lý do vì sao những cuộc rơi máy bay xảy ra liên tục với Korean Air chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, dù cho mọi yếu tố khác đều được cho là hoàn toàn bình thường.
Sau cùng hãng hàng không này đã cho mời một chuyên gia nước ngoài về để cải tổ lại bộ máy hoạt động của Korean Air. Và bạn biết không, chỉ trong một thời gian ngắn hãng hàng không này đã trở thành một hãng hàng không đáng đi nhất trên thế giới. Chắn chắn các bạn sẽ đặt ra câu hỏi, vị chuyên gia kia đã làm gì phải không?
Đó chính là ông cho đánh giá lại một loạt trình độ tiếng Anh của các phi hành đoàn, những ai không qua kì sát hạch có thể tự học thêm ở ngoài bằng chi phí của mình.
Nguyên tắc của vị chuyên gia này rất rõ ràng ngôn ngữ của Korean Air là tiếng anh, và nếu anh muốn giữ được cái ghế phi công trong công ty, anh buộc phải thông thạo thứ ngôn ngữ đó.
Sở dĩ vị chuyên gia làm điều này bởi vì khi gặp một tình huống nguy hiểm, cấp bách cơ trưởng và cơ phó sẽ trao đổi thẳng thắn với nhau bằng ngôn ngữ Anh. Chứ không phải dùng ngôn ngữ tiếng Hàn – họ sẽ bị ràng buộc bởi những di sản văn hóa của đất nước họ. Họ cần một cơ hội để bước ra khỏi những vai trò đó và ngôn ngữ chính là chiếc chìa khóa cho sự chuyển đổi ấy.
Mình tâm đắc điều này bởi vì mình thấy chính mình trong đó, văn hóa Á Đông cho mình sự gần gũi, chan hòa, tính cộng đồng cao nhưng nó cũng khiến cho mình có những trở ngại như rất khó thể hiện sự rõ ràng, sòng phẳng, hay thẳng thắn mà không khiến mất lòng nhau. Nhưng ở phương Tây họ lại làm điều này vô cùng dễ dàng bởi đó đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của họ.
5. Câu chuyện của Marita
Marita là một cô bé của một người mẹ đơn thân nghèo, mẹ cô bé chưa từng học Đại học. Cô bé học tại trường học của giáo xứ cho tới khi mẹ cô bé nghe tới học viện KIPP. Và chính học viện KIPP đã thay đổi cuộc đời cô bé cũng như nhiều đứa trẻ nghèo khác trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên cô bé có những cam kết cần phải hoàn thành đúng hẹn với nhà trường, cô bé dạy sớm từ 5h45 và bắt đầu đi xe buýt tới trường. Sau khi kết thúc việc học tại trường cô bé quay trở lại nhà và làm hết những bài tập thầy cô ở trường giao cho, khoảng 11h cô bé sẽ đi ngủ…và khung thời gian học tập của cô bé cứ liên tục như vậy, bằng những cam kết với học viện, cô bé luôn thực hiện bền bỉ và cần mẫn mỗi ngày. Đây cũng chính là lý do vì sao mà 90% học sinh của KIPP đã giành được học bổng của các trường trung học tư nhân hay trường thuộc giáo xứ thay vì phải đi học tại những hệ thống trường trung học làng nhàng khác. Và nhờ những cấp trung học như thế, hơn 80% học sinh tốt nghiệp từ KIPP sẽ tiếp tục theo học đại học, hoặc cao đẳng, trong đó có rất nhiều trường hợp là người đầu tiên trong gia đình vào đại học.
Như vậy việc thực hiện cam kết một cách bền bỉ và kỉ luật là vô cùng quan trọng. Nó sẽ cho bạn một kết quả trên cả tuyệt vời chỉ sau một thời gian bạn đã bỏ ra để đầu tư!6. Lời kết
Thành công của một con người suy cho cùng không chỉ phụ thuộc vào tài năng, sự phấn đấu nỗ lực của riêng anh ta mà còn phụ thuộc vào vô vàn những yếu tố khác như truyền thống gia đình, nghề nghiệp của bố mẹ, hoàn cảnh sống của họ, cho đến những di sản văn hóa, quy tắc ứng xử được lưu truyền lại từ các thế hệ ông cha ta.
– Lê Nghĩa
Tóm tắt Những kẻ xuất chúng
Cuốn sách “Outliers: The Story of Success” cung cấp cho chúng ta một cách nhìn khác và toàn diện hơn về nguyên nhân thành công của những người xuất chúng. Những yếu tố thông thường mà chúng ta biết: chỉ số thông minh, tài năng, sự quyết tâm… chỉ mới lý giải cho 50% của sự thành công của những người xuất chúng. 50% còn lại nằm ở những yếu tố hoàn toàn khác, tưởng như không liên quan như: hoàn cảnh gia đình, sự giáo dục của gia đình và trường học, môi trường sống, hoàn cảnh sống, truyền thống và di sản họ nhận được, các cơ may đến với họ, và đặc biệt là số giờ họ làm việc, luyện tập cho chuyên môn nghề nghiệp của họ.
Tài năng bị lãng phí và Hiệu ứng Matthew giúp củng cố, phát triển những tài năng may mắn.
Xem kỹ danh sách các thành viên đội bóng khúc côn cầu Meducune Hat – một đội chơi ở giải Major Junior A của Canada – người ta thấy có đến 17 trong tổng số 25 cầu thủ trẻ được sinh từ tháng 1 đến tháng 4 của năm. Điều gì sẽ xảy ra đối với các cầu thủ sinh vào những tháng còn lại. Lý do hết sức đơn giản đã được tìm ra. Ở Canada, việc ngắt ngày để tuyển lựa cho đội ngũ khúc côn cầu theo lứa tuổi là ngày 1 tháng 1 mỗi năm. Đứa bé lên 10 vào các tháng 1, 2, 3 sẽ được chọn dự tuyển cùng với những đứa bé khác sinh tháng 10, 11, 12 trong năm. Vào lứa tuổi vị thành niên, sự chênh lệch mấy tháng tuổi có thể tạo ra sự khác biệt to lớn về mức độ trưởng thành thể chất của các em. Chính vì thế các em sinh vào các tháng 1, 2, 3 – lớn con hơn, biết cách phối hợp hơn – thường được lựa chọn sau những cuộc thi tuyển này. Và khi đã được lựa chọn, những cầu thủ trẻ này được huấn luyện tốt hơn, có đồng đội tốt hơn, được thi đấu giải và cọ xát nhiều hơn so với các em không được chọn. Vì thế’ khi lên đến 13, 14 tuổi – tuổi dự thi vào giải Major Junior A – khoảng cách năng lực thi đấu giữa các cầu thủ này và các cầu thủ sinh ở các tháng cuối năm (tháng 5 – 12) càng khác biệt. Điều đó giải thích tại sao có nhiều tuyển thủ trẻ sinh từ tháng 1 – 4 trong các đội tuyển Major Junior A của Canada. Rõ ràng các tài năng nhí sinh vào tháng 1 – 4 đã có một cơ may – được lựa chọn và phát triển – hơn hẳn các bạn sinh cùng năm nhưng vào các tháng khác. Việc tương tự xảy ra ở môn bóng chày Mỹ. Do ngắt ngày chọn lựa vào cuối tháng 7, số tuyển thủ tài năng được chọn vào những giải chủ chốt sinh vào tháng 8 khác nhiều so với các tháng khác. Ở môn bóng đá của Anh, do ngày lựa chọn là ngày 1 tháng 9, số tuyển thủ sinh từ tháng 9 đến tháng 11 chiếm đa số.
Hai nhà kinh tế học – Kelly Bedard và Elizabeth Dhuey – đã xem xét mối quan hệ giữa tháng sinh và điểm thi môn toán của học sinh theo dữ liệu của TIMSS, chương trình kiểm tra diễn ra 4 năm một lần tại nhiều nước trên thế giới. Họ nhận thấy ở các em học sinh lớp 4, những em tháng tuổi lớn hơn có điểm số cao hơn khoảng 4 – 12% so với những em nhỏ hơn. Hai em có trí tuệ hoàn toàn giống nhau, một em có ngày sinh gần ngày ngắt nhất đạt được tới 89%, và một em có ngày sinh xa ngày ngắt nhất chỉ có thể đạt 68%. Một sự khác biệt khá lớn đủ để loại các em nhỏ tuổi ra khỏi những chương trình phát triển tài năng.
Ở những ví dụ trên, sự lựa chọn “thiên vị” – dù khách quan – đã làm sai lệch kết quả lựa chọn tài năng. Những tài năng may mắn được lựa chọn có nhiều điều kiện tốt hơn để trở nên tài giỏi hơn. Nhà xã hội học Robert Merton đã gọi hiện tượng thiên lệch này là hiệu ứng Matthew, dựa theo lời dạy trong Kinh thánh: “Phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ dư thừa; còn ai không có, thì sẽ bị lấy đi”. Những người thành công sẽ có nhiều cơ hội để thành công hơn, những người giàu sẽ được giảm thuế nhiều nhất, những sinh viên giỏi nhất sẽ được quan tâm và dạy dỗ tốt nhất. Trong những ví dụ trên: Những tài năng đã được lựa chọn được dạy dỗ, rèn luyện, và có nhiều điều kiện thuận lợi khác để trở nên tài giỏi hơn. Những tài năng không được lựa chọn thì ngày càng bị mai một. Do đó, những tổ chức tìm kiếm tài năng, những nhà hoạch định tương lai cần phải phát triển những cách lựa chọn khoa học và công bằng, giảm tối đa những lựa chọn thiên vị khách quan, để khỏi lãng phí tài năng.
Quy tắc 10.000 giờ – Không thể xuất chúng nếu không có đủ 10.000 giờ làm việc
Đầu những năm 1990, nhà tâm lý học K. Anders Ericsson và hai đồng nghiệp tại Học viện Âm nhạc Berlin đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về tài năng đối với các sinh viên chơi violin của học viện. Họ phân các sinh viên này thành 3 nhóm: Nhóm đầu tiên bao gồm các sinh viên có tiềm năng trở thành nghệ sĩ solo đẳng cấp thế giới; Nhóm thứ hai là các sinh viên được đánh giá tốt; Nhóm thứ ba là chơi không tốt và có ý định trở thành giáo viên âm nhạc trong hệ thống trường công. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra sự khác biệt đặc trưng của 3 nhóm này, đó là số giờ họ luyện tập. Các sinh viên trong nhóm thứ nhất trung bình luyện tập 10.000 giờ, nhóm thứ hai 8.000 giờ, và nhóm thứ ba là 4.000 giờ. Ông Ericsson và đồng nghiệp cũng tìm ra kết quả tương tự đối với các nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp. Để được vào một trường âm nhạc đỉnh cao, tất cả những nghệ sĩ tiềm năng đều phải đạt mức tài năng cần thiết, và để thành công vượt bậc, tức là trở thành nghệ sĩ trình diễn chuyên nghiệp, họ phải đạt ít nhất là 10.000 giờ luyện tập.
Không đủ 10.000 giờ luyện tập thì dù nghệ sĩ đó có tài năng đến đâu cũng không thể trở thành một nghệ sĩ trình diễn chuyên nghiệp.
Nhiều nghiên cứu khác nhau về người xuất chúng trong các lĩnh vực: soạn nhạc, bóng rổ, viết tiểu thuyết, trượt băng, cờ vua, và cả những tên tội phạm lão luyện… đã cho kết quả giống nhau đến khá kinh ngạc về con số 10.000 giờ luyện tập. Để một người đạt cấp độ tinh thông và có khả năng trở thành chuyên gia đẳng cấp thế giới trong bất bất kỳ lãnh vực nào, họ cần làm việc ít nhất 10.000 giờ.
Bill Joy – được so sánh như Edison của Internet – là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử ngành máy tính hiện đại. Ông đồng sáng lập công ty Sun Microsystem và là người viết lại phần mềm Unix, và Java. Trước khi tỏa sáng, Bill Joy đã có cơ may tập luyện lập trình tại trường Michigan và sau đó là Berkeley. Nhờ học tại trường Michigan nơi có hệ thống máy tính hiện đại vào năm 1971, cũng như phát hiện được lỗi tính tiền của hệ thống này, Bill Joy – người sinh viên giỏi toán – đã có cơ hội tập luyện lập trình ngày đêm. Ông xác định tổng số giờ ông đã tập luyện lập trình khoảng chừng 10.000 tiếng đồng hồ.
Ban nhạc Beatles của Anh – một trong những ban nhạc rock nổi danh nhất thế giới – nhờ cơ may nhận được hợp đồng biểu diễn tại Humburg, Mỹ nơi các ban nhạc được yêu cầu phải biểu diễn dài hơi nên họ có cơ hội luyện tập và biểu diễn nhiều giờ đồng hồ. Trước khi thật sự tỏa sáng vào năm 1964, Beatles đã biểu diễn 1.200 buổi, mỗi đêm 5 – 6 giờ. Số giờ diễn này vượt xa số giờ của hầu hết các ban nhạc khác, và đã làm cho Beatles thật sự lột xác trở thành một trong những ban nhạc được yêu chuộng nhất thế giới.
Người ta kể lại, thậm chí thêu dệt nhiều câu chuyện về sự thành công kiệt xuất của Bill Gates, nhưng không phải ai cũng biết rằng một trong những yếu tố’ quan trọng quyết định sự thành công của Bill Gates và Microsoft là Bill Gates cũng trải qua 10.000 giờ đồng hồ luyện tập lập trình trước khi thành lập công ty phần mềm Microsoft. Nhờ điều kiện của gia đình, nhờ những cơ may tình cờ mà Bill Gates đã được lập trình trên máy tính trong 5 năm liên tục – từ lớp tám cho đến lớp cuối trung học. Và cho đến khi Bill Gates ra khỏi trường đại học Harvard để bắt tay vào lập công ty phần mềm của mình thi ông đã có hơn 10.000 tiếng đồng hồ lập trình. Bill Gates xác nhận đó là một cơ may to lớn, và ông cho rằng chỉ khoảng 50 thanh thiếu niên trên thế giới có được 10.000 giờ lập trình khi còn trẻ.
Dù có giỏi, tài năng đến đâu, không ai có thể đi tắt đến sự thành công rực rỡ, đến sự xuất chúng. Con đường mà tất cả những người muốn thành công phải trải qua là 10.000 giờ tập luyện, không thể ngắn hơn. Những người xuất chúng có được 10.000 giờ luyện tập, không chỉ nhờ vào niềm đam mê to lớn, sự làm việc hăng say của họ mà còn nhờ vào những cơ may đặc biệt. Nếu không có cơ may được mời biểu diễn tại Hamburg, ban nhạc Beatles đã không có cơ hội tập luyện nhiều và trở thành ban nhạc thành công. Bill Gates cũng đã công nhận mình có một cơ may lạ thường khi được chuyển đến học tại trường tư Lakeside, nơi hiếm hoi có câu lạc bộ máy tính và thời điểm đó. Nhờ vậy Bill Gates, một học sinh lớp tám, có cơ hội làm việc nhiều hơn với máy tính cho đam mê lập trình của mình.
Thời thế tạo anh hùng – Vận may của những người xuất chúng
Danh sách 75 người giàu có nhất trong mấy ngàn năm lịch sử của nhân loại – bắt đầu từ John D. Rockfeller với số’ tài sản ước tính hiện nay là 318,3 tỷ đô la Mỹ, Bill Gates thứ 37 với 58 tỷ; Warren Buffett thứ 41 với 52,4 tỷ; Thái tử Al-Waleed bin Tabal thứ 75 với 29,5 tỷ đô la Mỹ – có đến 45 người Mỹ, nhưng đặc biệt là có 14 người Mỹ được sinh ra trong khoảng thời gian 9 năm từ 1831 đến 1840. Tại sao thế? Vào những năm 1860 và 1870, nền kinh tế Mỹ trải qua cuộc chuyển đổi vĩ đại trong lịch sử. Thời gian này các tuyến đường sắt được xây dựng, phố’ Wall – thị trường tài chính – trỗi dậy, ngành sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, những qui luật chi phối nền kinh tế truyền thống bị phá vỡ và được sáng tạo lại. Những người sinh ra vào cuối thập niên 1840 còn quá trẻ để nắm lấy cơ hội này. Những người sinh vào những năm 1840 thì đầu óc quá “già” vì bị ảnh hưởng bởi mô thức của nước Mỹ thời tiền nội chiến. Cơ hội quý báu này vừa vặn cho những người sinh ra vào khoảng thời gian 1831 – 1840. Trong 9 năm ấy, có hàng triệu người được sinh ra, nhưng chỉ những người tài năng và có tầm nhìn tốt mới tận dụng được cơ hội vài trăm năm có một này.
Năm 1975, tạp chí Popular Electronics thông báo việc ra đời của máy tính điện tử cá nhân – đánh dấu sự kiện cách mạng trong ngành công nghệ thông tin của thế’ giới. Thế’ hệ nào sẽ được hưởng lợi từ cơ hội lớn này? Đó không phải là những người tài năng ở lứa tuổi 30, 40. Họ đã yên vị với những vị trí khá vững chắc, và đầu óc họ cũng không còn chỗ cho những phát minh công nghệ mới mẻ. Những tài năng ở lứa tuổi trung học cũng không thể làm được điều gì lớn lao vào lứa tuổi đó. Độ tuổi thích hợp nhất để nắm bắt cơ hội công nghệ thông tin này là những người sinh ra ở độ tuổi 20 vào năm 1975. Đó là Bill Gates – 1955, Paul Allen – 1953, Steve Ballmer – 1956 của Microsoft, Steve Jobs – 1955 của Apple, Eric Schmidt – 1955 của Novel và Google, Bill Joy – 1954 của Sun Microsystems…
Joseph Flom – người Mỹ gốc Do Thái – đã được trường Harvard chấp nhận cho học luật nhờ một bức thư thuyết phục. Tư duy về luật xuất sắc, học giỏi nhất trường nhưng ông không kiếm được việc ở các công ty luật kiêu hãnh ở phố Wall, gồm những luật sư đại diện cho các tập đoàn lớn và danh tiếng. Vì thế ông đã đồng thành lập công ty luật Skadden. Trong nhiều năm liền, Joseph Flom và công ty luật Skadden của ông – công ty của các luật sư gốc Do Thái – không hội nhập được với thế giới luật sư danh tiếng chuyên mang giày trắng ở phố Wall. Những công việc mà công ty ông nhận được vào những năm 1950 – 1960 là các vụ kiện tụng tranh chấp và đấu tranh ủy quyền (proxy fights) mà các hãng luật giày trắng chê không thèm nhận. Cho đến năm 1970, các thương vụ thôn tính sáp nhập ngày càng trở nên phổ biến và nhu cầu pháp lý của các thương vụ này trở thành những sự vụ danh giá. Lúc đó các hãng luật giày trắng mới bắt đầu tham gia và thị trường này trong khi Josept Flom và công ty luật Skadden của ông đã đi những bước quá xa. Càng có kinh nghiệm, công ty Skadden của Joseph Flom lại càng có cơ hội để nhận thêm nhiều vụ kiện. Họ thành công rực rỡ và trở thành hãng luật danh tiếng bậc nhất thế giới. Những hoàn cảnh khó khăn ban đầu đã chuyển biến thành vận hội lớn cho Joseph Flom và công ty luật gốc Do Thái của ông. Quan trọng là Joseph
Flom đã sẵn sàng để nắm bắt cơ hội và nhờ thế biến bản thân mình từ một kẻ bình thường thành người xuất chúng.
Trí thông minh phân tích (IQ) chỉ là điều kiện cần
Trí thông minh phân tích (IQ) chỉ là điều kiện cần. Những điều kiện đủ khác là trí thông minh thực tiễn, sự giáo dục định hướng của gia đình.
Các nhà khoa học đo được mối liên hệ giữa chỉ số IQ và sự thành công của một người. IQ càng cao người đó càng có nhiều khả năng để thành công. Thế nhưng mối quan hệ này chỉ có tác dụng đến ngưỡng 120. Khi người nào đó đã đạt mức IQ 120 thì có thêm vào một số điểm hay nhiều điểm IQ vượt trội nữa cũng không chuyển hóa thành bất kỳ ưu thế nào. Một nhà khoa học với chỉ số IQ 130 có khả năng giành giải Nobel tương đương một nhà khoa học có IQ 180. Và một người có chỉ số thông minh cao mà không có những điều kiện “đủ” chưa chắc sẽ thành công.
Vào năm 2008, Chris Langan là người có chỉ số thông minh IQ cao nhất nước Mỹ. Chỉ số IQ của anh là 195, trong khi đó chỉ số của nhà bác học thiên tài Einstein là 150. Anh vượt qua bài thử thách IQ dành cho những người thông minh nhất chỉ với duy nhất 1 câu sai. Trong chương trình truyền hình Đấu trường 100, anh tự tin đấu trí với 100 người còn lại. Với những câu trả lời lịch sự, gọn gàng, quả quyết anh đã thắng hết cây này đến câu
khác. Cho đến khi đạt được mức thưởng 250.000 đô la Mỹ, anh đột ngột dừng cuộc chơi. Cái đầu trí tuệ của anh đã tính được xác suất thắng thua trong câu hỏi kế tiếp. Anh đã quyết định dừng và chia tay cuộc chơi ở đỉnh cao. Tuy vậy, ngoài việc phô diễn, trình bày và kiếm tiền bằng trí thông minh của mình, Chris Langan không phải là người thành công trong cuộc sống, càng không phải là người xuất chúng. Anh đang là chủ một trang trại ngựa ở một vùng nông thôn.
Vậy điều gì đã làm cho Chris Langan không được thành công. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, cơ cực, và không được dạy dỗ một cách bình thường như nhiều đứa trẻ khác. Gia đình và môi trường sống của anh chỉ dạy cho anh cách sống kiềm chế, thu hẹp chứ không dạy cho anh quyền được làm, quyền theo đuổi sở thích cá nhân, quyền chủ động kiểm soát những mối tương tác chung quanh. Trí thông minh phân tích (IQ) của Chris Langann cao bao nhiêu thì trí thông minh thực tiễn của anh thấp bấy nhiêu. Theo nhà tâm lý Robert Sternberg, trí thông minh thực tiến (Practical Intelligence) là năng lực “biết nói điều gì và nói với ai, khi nào, và nói như thế nào để đạt hiệu quả tối đa”. Chris Langan hầu như không có khả năng giao tiếp, thuyết phục người khác và hầu như phải làm mọi việc một mình mà không nhận được sự trợ giúp của người khác.
Cũng có trí thông minh phân tích cao cỡ như Chris Langan, nhưng câu chuyện về Robert Oppenheimer – nhà vật lý người Mỹ góp phần phát minh ra bom nguyên tử cho Mỹ trong Thế chiến thứ 2 – lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có, và được gia đình áp dụng phương pháp giáo dục “nuôi dạy có tính toán – converten cultivation”. Nhờ đó, cùng với trí thông minh phân tích cao, ông cũng sở hữu trí thông minh thực tiễn ở mức rất cao. Nhờ vậy, ông đã đủ bản lĩnh để vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc sống trong độ tuổi thanh niên. Ở lứa tuổi trung niên, với tài năng và hai trí thông minh ở mức cao của mình, ông đã thuyết phục được ông Leslie Groves để được tuyển dụng vào vị trí Trưởng bộ phận nghiên cứu bom nguyên tử và đạt được thành công rực rỡ.
Vậy cuối cùng cái gì tạo nên những người xuất chúng?
Vận may. Đối với những tài năng nhí thì đó là vận may được sinh vào những tháng 1, 2, 3. Đối với 14 tỷ phú người Mỹ đó là vận may được sinh ra trong khoảng thời gian 9 năm từ 1831 đến 1840. Đối với Bill Gates đó là vận may được sinh ra vào đúng giai đoạn 1955 – 1975, và được học đúng trường Lakeside. Đối với ban nhạc Beatles đó là vận may được mời biểu diễn tại Hamburg. Đối với luật sư Joseph Flom đó là vận may đến từ làn sóng thôn tính sáp nhập doanh nghiệp.
Nơi xuất thân. Những cầu thủ tài năng, Bill Gates, Robert Oppenheimer được sinh ra trong gia đình có điều kiện và được thừa hưởng sự giáo dục tốt, được phát triển trong một môi trường thuận lợi hơn nhiều người khác.
Trí thông minh giao tiếp và những kiến thức, kỹ năng khác mà những người xuất chúng được thừa hưởng từ sự giáo dục có định hướng từ gia đình.
Làm việc ít nhất 10.000 giờ. Những người xuất chúng có cơ may và niềm say mê để luyện tập, làm việc ít nhất 10.000 giờ đồng hồ cho nghề nghiệp của mình.
– Lâm Minh Chánh