Tuổi tương đối của bạn – số tuổi trong tương quan với bạn bè đồng chăng lứa – có thể là con dao hai lưỡi.
Đây là một ví dụ: Tại Canada, trong liên đoàn khúc côn cầu thiếu niên, độ tuổi gia nhập hợp lệ là ngày 1 tháng 1. Tất cả những trẻ sinh cùng một năm dương lịch sẽ tranh đấu với nhau. Có vẻ công bằng, phải không?
Tất nhiên không. Nó khiến những đứa sinh tháng 1 chiến đấu với những đứa sinh tận tháng 12. Nói cách khác, những đứa trẻ sinh cuối năm sẽ phải cạnh tranh với lũ bạn lớn mình gần một tuổi.
Hệ thống này không chỉ bất công mà còn tạo ra hiện thực hóa lời tiên đoán (self-fulfilling prophecy): các huấn luyện viên sẽ khen ngợi những đứa trẻ 9 tuổi tốt nhất bởi vì chúng khỏe hơn, chơi tốt hơn, nhưng thực tế là chúng chỉ già dặn hơn – một năm thôi cũng đủ tạo ra sự khác biệt lớn lao khi nó chiếm tới 1/8 cuộc đời chúng.
Những đứa trẻ có lợi thế về tuổi này sẽ giành được nhiều sự động viên và cơ hội để cải thiện vào giai đoạn quan trọng nhất trong chu trình phát triển. Đó được gọi là lợi thế tích lũy, và đó là lý do tại sao các cầu thủ khúc côn cầu chuyên nghiệp tại Canada có ngày sinh thuộc nửa đầu năm hơn là nửa cuối.
Bạn có thể sẽ nghĩ, “Hey, không phải vấn đề to tát – Tôi không chơi khúc côn cầu. Tôi thậm chí không phải dân Canada!”
Nhưng tuổi tương đối có thể tạo ra các cơ hội không công bằng trong rất nhiều lĩnh vực sử dụng ngày kết sổ hàng năm để phân chia mọi người theo các nhóm tuổi. Hầu hết các liên đoàn thể thao sử dụng chúng. Một nơi khác? Các nhà trường.
Vì vậy, một bé gái 5 tuổi có độ tập trung ngắn hạn khiến em vẽ nghệch ngoạc lên bài tập đánh vần của mình có thể lớn lên với suy nghĩ mình là “đứa trẻ có vấn đề.” Đồng thời, một đứa trẻ 6 tuổi bình tĩnh khác ngồi cạnh cô có thể sau này vào Harvard.
6. Cách bạn được nuôi dạy cũng ảnh hưởng lớn đến độ thành công của bạn
Sau khi kĩ năng của bạn đạt đến một “ngưỡng”, những khả năng tự nhiên sẽ không còn có ý nhiều cho cuộc truy tìm sự thành công. Một yếu tố quan trọng hơn nhiều là liệu bạn có trí thông minh thực dụng.
Đây là loại kiến thức “theo qui trình”: biết cách hòa đồng và phối hợp với người khác để đạt được thứ bạn muốn – hay nói cách khác, nên hỏi ai, điều gì, và khi nào. Khả năng tương tác và đàm phán với những nhân vật đứng đầu như giáo viên, trưởng phòng, giám đốc…cũng giúp mọi người tiến gần hơn đến mục tiêu.
Kiến thức này không sinh ra đã có. Nhà xã hội học Annette Lareau phát hiện ra rằng những phụ huynh giàu có truyền cho con mình cảm giác “tôi có quyền” nhiều hơn cha mẹ ở tầng lớp dưới. Nói chúng, họ giáo dục con bằng cách tập trung hơn vào chúng, hay ít nhất cung cấp cho đứa trẻ các hoạt động phong phú, thúc đẩy phát triển trí tuệ.
Trái lại, những cha mẹ nghèo thường sống khép nép, và để trẻ đi theo mô hình “tăng trưởng tự nhiên” – không thúc ép, không kích thích, không khích lệ như các gia đình giàu. Điều này có nghĩa trẻ em từ xuất thân khó khăn sẽ ít được dạy trí thông minh thực tế hơn, khiến giảm đáng kể khả năng thành công của chúng.
7. Tác động của năm sinh lên thành công
Những lợi thế “bất công” trong cuộc đời có rất nhiều nguồn gốc.
Hãy xem xét một vài tỉ phú công nghệ có tên tuổi lớn: Bill Gates, Steve Jobs, và đồng sáng lập Sun-Microsystems, Bill Joy. Tất cả bọn họ đều sinh ra với tài năng lý luận logic xuất chúng, cũng như đầy tham vọng, trí thông minh thực tiễn, và cơ hội để thực hành các kĩ năng của mình. Bí ẩn của thành công đã bị bóc mẽ?
Hãy từ từ. Họ không chỉ có những điều kiện đó; họ còn có “thiên thời”, giúp họ có thể thực hành 10,000 giờ lập trình máy tính vào đúng thời điểm trong lịch sử.
Để có thể bắt kịp xu hướng ngành phần mềm luôn thay đổi, họ phải được sinh đúng lúc: đủ muộn để có thể tiếp cận mẫu máy tính mới, giúp tìm ra các lỗi lập trình đơn giản hơn, nhưng không quá muộn để không bị người khác chớp mất ý tưởng. Họ cũng phải đủ chín để khi khởi sự doanh nghiệp; nếu già hơn, họ có thể lại quan tâm đến chuyện “yên ổn” hơn là chấp nhận rủi ro lớn giúp họ thành công.
Không phải ông chủ công nghệ thành công nào cũng sinh giữa năm 1954 và 1956, nhưng sự thật là rất nhiều sinh trong khoảng đó cho thấy yếu tố “thiên thời, địa lợi” vô cùng quan trọng.
8. Quê bạn ở đâu có thể có ảnh hưởng lớn đến những gì bạn đạt được
Bạn có thể hay nghe đến khuôn mẫu dân châu Á thì giỏi toán. Một số có thể thốt lên, “Động chạm chính trị!” khi nghe điều này, nhưng đúng là một vài yếu tố văn hóa phương Đông khuyến khích học sinh học toán tốt hơn. Đầu tiên là ngôn ngữ. Khi trẻ học đếm số bằng từ trong ngôn ngữ châu Á, chúng tự động học được cách làm phép cộng, vì vậy phát triển năng lực toán học ngay từ khi còn nhỏ.
Ngoài lợi thế ngôn ngữ, gạo – khẩu phần ngũ cốc chính của người châu Á – cũng khuyến khích các sinh viên học toán bởi vì ngành nông nghiệp lúa nước yêu cầu kỉ luật lao động cao hơn. Trồng lúa khó hơn nhiều trồng các cây trồng khác ở châu Âu. Một vụ lúa bội thu đòi hỏi sự chính xác, hợp tác và kiên nhẫn.
Các chế độ phong kiến ở châu Âu làm nông dân không thu lợi được nhiều; họ phải trả hầu hết hoa màu của họ cho các địa chủ bất nhân, nhưng hệ thống này lại không phổ biến ở châu Á, vì vậy trồng lúa là công việc cho thấy rõ mối tương quan giữa năng lực và phần thưởng. Vì thế, ý thức chăm chỉ đã bén rễ từ xa xưa; có một câu tục ngữ lâu đời minh họa điều này rất rõ, “Không ai dậy trước bình minh 360 ngày trong một năm lại không thể làm gia đình anh ta giàu có.”
Điều này có liên quan gì đến toán? Giống như trồng lúa, toán đòi hỏi rất nhiều tư duy: bạn có thể dành cả giờ để cố gắng hiểu ra tại sao đáp án là 19,473.6 chứ không phải là -17. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sinh viên phương Tây bỏ cuộc trước các bài tập toán sớm hơn nhiều bạn bè châu Á.
Vậy nên, đúng là dân châu Á thường giỏi toán hơn; nó là một phần trong di sản văn hóa của họ. Những người có tổ tiên làm việc trên các cánh đồng lúa thường thừa hưởng thái độ làm việc rất có ích cho việc học toán. Tính cách này lưu truyền lại, kể cả khi rất nhiều thế hệ đã không còn quan tâm tới việc đồng áng.
9. Nếu ta ghi nhận sự quan trọng của di sản văn hóa, ta có thể giúp mọi người vươn tới thành công – và tránh phải thất bại
Có những sự việc gọi là “phi thường” nhưng không theo kiểu đáng ca ngợi, mà điển hình là tai nạn máy bay. Chúng xảy ra là do sự tích tụ của một chuỗi những vấn nạn nhỏ hoặc những lỗi mà bản thân không đáng kể. Nhưng giống như Bill Gates gặp được cơ hội may mắn hết lần này đến lần khác, các phi công cũng có thể vấp phải vô số vấn đề nhỏ có thể kéo đến thảm họa
Một ví dụ là Hãng hàng không Hàn Quốc, trước năm 2000, bị mang tiếng không an toàn. Tỉ lệ tai nạn của họ cao hơn 17 lần mức trung bình ngành. Nguyên nhân cho vấn đề này rất có thể là một di sản khác của văn hóa Hàn Quốc, giống như quan niệm dân châu Á giỏi toán.
Văn hóa Hàn Quốc coi trọng sự phục tùng và cho rằng người ta luôn nên coi trọng ý kiến cấp trên. Vì vậy, nếu cơ trưởng mắc lỗi, những thành viên tổ bay sẽ không dám cãi lời cấp trên bởi vì văn hóa không khuyến khích họ làm thế.
Một trong những vụ tai nạn của Hãng hàng không Hàn Quốc tại Guam có thể được truy nguồn về lỗi giao tiếp này. Cơ phó của chuyến bay cố gắng bảo người cơ trưởng đã kiệt sức rằng tầm nhìn đường bay quá kém, nhưng để tránh làm phật lòng với lời phê phán rõ ràng, anh ta chỉ nói,
“Anh có nghĩ là trời mưa to hơn không? Ở khu vực này ấy?”
Người cơ trưởng bỏ lơ lời bình luận rón rén của cơ phó về thời tiết – và máy bay của họ đâm sầm vào một ngọn đồi.
Sau một cuộc cải cách thừa nhận vấn đề về di sản văn hóa thứ bậc cứng nhắc của Hàn Quốc có thể gây nguy hiểm cho máy bay, Hãng hàng không Hàn Quốc đã thuê một công ty Mỹ để cải thiện kĩ năng giao tiếp của tổ bay. Ngày nay, mức độ an toàn của nó đã ngang bằng với các đối thủ.
10. Nếu ta nhận thức những lý do khiến sân chơi trở nên không bình đẳng, ta có thể đem lại nhiều cơ hội thành công hơn cho mọi người
Những quy trình ta sử dụng để sàng lọc tài năng mới nở thành những nhân vật thành công hiếm khi hiệu quả, dẫn đến bỏ sót nguồn nhân tài lớn.
Trong khúc côn cầu, chọn ngày khóa sổ hàng năm đồng nghĩa với việc những đứa trẻ sinh muộn phải cạnh tranh với những đứa lớn hơn chúng gần 1 tuổi. Nhưng một cầu thủ hockey sinh ngày 27 tháng 12 không thể để quay trở lại bụng mẹ để đợi đến sau ngày 1 tháng 1 mới ra đời để có lợi thế ngang bằng.
Rất nhiều cầu thủ lẽ ra đã có tương lai tươi sáng hơn nếu các nguồn lực không đổ vào những người có xuất phát điểm không công bằng nhờ sinh đúng thời điểm. Lợi ích tích lũy với người này đồng nghĩa với bất lợi cộng dồn với người khác.
Tuy nhiên một khi lỗi hệ thống này được ghi nhận, nó có thể được sửa chữa. Thay vì sử dụng ngày khóa sổ hàng năm, ta có thể chia những cầu thủ nhỏ thành 4 nhóm nhỏ cho tới khi lợi thế tuổi tương đối giảm xuống. Các em sinh từ tháng 1-3 có thể chơi trong một nhóm, tương tự với tháng 4-6…
Tương tự như với hệ thống giáo dục. Thay vì không làm gì và để con nhà giàu có tiếp cận được nhiều cơ hội hơn, ta có thể tạo ra các chương trình như học viên KIPP (Chương Trình Kiến Thức Là Sức Mạnh – Knowledge Is Power Program) của South Bronx – trường trung học chất lượng cao dành cho những học sinh đến từ các khu vực có thu nhập thấp. Mặc dù không phải thi sát hạch hay đề ra tiêu chí tuyển sinh, và đa phần học sinh có hoàn cảnh khó khăn, KIPP vẫn có thể giúp 84% học sinh của mình đạt thành tích về toán cao bằng hoặc cao hơn cấp lớp 8.
Tổng kết
Thông điệp chính trong cuốn sách này là:
Không một ai có thể chỉ dựa trên chính họ mà thành công được. Đỉnh cao vinh quang là kết quả của một chuỗi những cơ hội gần như trời cho, may rủi, và ngẫu nhiên kết hợp lại (mà ta còn gọi là thiên thời, địa lợi, nhân hòa) để tạo ra hoàn cảnh chín muồi giúp họ đạt được thành tích như hiện tại.
Du Học Đồng Thịnh
Theo Blinkist