Những Loài Hoa Có Gai – Lý Thượng Long

Cảm hứng của Lý Thượng Long bắt nguồn từ năm 2016 khi ông đến một trường trung học tại Liễu Châu, chứng kiến bạo lực học đường của một cậu bạn và tự mình trải nghiệm bạo lực mạng khốc liệt. Cũng có lẽ vì thế mà ngay từ đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả đã đi luôn vào nhân vật chính của câu chuyện – bạo lực mà không có bất kì sự dạo đầu, vòng vo nào. Những Loài Hoa Có Gai được chia làm ba phần chính và đặt tên nó gắn với các loài hoa có gai, tăng dần theo cấp độ của bạo lực, từ bạo lực học đường đế bạo lực nơi công sở và rồi là bạo lực mạng – một thứ bạo lực xảy ra phổ biến khi xã hội hiện đại dần phát triển, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng dần thay thế con người.

Review Những loài hoa có gai

Vì sao quyển tiểu thuyết này lại có tên là Những loài hoa có gai?

Vì theo Lý Thượng Long, bạo lực chính là gai nhọn ẩn sâu dưới lớp hoa đẹp.

“Gai nhọn làm đau con người, nhưng lại không dễ bị phát hiện, chúng quá giống với bạo lực trong xã hội hòa bình rồi.”

Đây là một quyển tiểu thuyết mà nhân vật chính không phải bất cứ một nhân vật nào mà lại chính là bạo lực – thứ đã đẩy các nhân vật vào hố sâu của hận thù.

Quyển tiểu thuyết được chia làm 3 câu chuyện chính:
Chương 1: Những cái gai dưới bóng hoa tường vi.
Chương 2: Những cái gai của hoa nguyệt quý.
Chương 3: Những cái gai xương rồng.

3 câu chuyện, 3 loại bạo lực khác nhau, bao gồm: bạo lực học đường, bạo lực công sở và bạo lực mạng.

Và chính câu chuyện đầu tiên về bạo lực học đường cũng là ngòi nổ khơi mào cho hai câu chuyện phía sau.

Hàn Hiểu Đình là người gánh chịu bạo lực học đường. Lưu Đào là người gánh chịu bạo lực công sở. Vương Tranh Vũ lại là một nạn nhân của bạo lực mạng.

Người gây ra bạo lực học đường một cách gián tiếp là Lưu Đào. Người gây ra bạo lực công sở chính là Hàn Hiểu Đình. Hàn Hiểu Đình chọn cách dùng bạo lực để trị bạo lực. Chính việc làm sai lầm đấy đã tạo cơ sở cho cuộc bạo lực mạng với quy mô lớn sau này.

Cuộc bạo lực mạng này lấy bối cảnh là thế giới những năm 2050, khi mọi người dần lấn sâu vào thế giới mạng, mọi thứ đều phụ thuộc vào công nghệ. Khi quyền tự do ngôn luận được thoải mái quá mức, bạo lực mạng đã xảy ra. Đầu tiên là công kích một ai đó, nhục mạ họ. Và nặng nề nhất chính là đồng loạt yêu cầu người đó chết đi. Lần này, số người tham gia bạo lực không phải là một hay hai người, nạn nhân cũng không phải một cá nhân riêng lẻ nào mà chính là hơn ba triệu người đã tham gia bạo lực mạng kia. Và người đứng phía sau “sự trừng phạt” này chính là Vương Tranh Vũ, nhằm trả thù những kẻ đã tham gia sỉ nhục mình năm xưa. Ông ta dùng chính cách mà Hàn Hiểu Đình năm xưa đã làm, chính là dùng bạo lực để trị bạo lực.

Nhưng may mắn thay, tất cả kế hoạch của ông ta đã được phá giải, đồng nghĩa với việc ba triệu người kia được an toàn.

Kết thúc quyển sách, Lý Thượng Long mang đến một lời khuyên duy nhất đối với bạo lực, chính là “Đừng dùng bạo lực để trị bạo lực. Hãy dùng yêu thương để trị bạo lực.”

Đọc xong cả ba câu chuyện, tôi cũng có cùng một câu hỏi với tác giả chính là: “Thế giới này bị làm sao vậy?” Thứ gọi là bạo lực đáng sợ thế nào đâu phải họ không biết? Và còn đáng sợ hơn nữa, chính là những thứ như bạo lực học đường lại bắt nguồn từ chính những đứa trẻ còn ở độ tuổi ngây ngây ngô ngô, thậm chí khi phải trả giá, chúng cũng vẫn chỉ nghĩ đó là một trò vui. Bạo lực học đường, thế mà lại được nhà trường che giấu chỉ vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng, thành tích.

Nếu Hàn Hiểu Đình không bị bạo lực học đường, Lưu Đào không phải là người gián tiếp gây ra, và nhà trường thì vào cuộc giải quyết ngay từ những ngày đầu tiên, có phải sẽ không để lại những vết thương mãi về sau này cho Hàn Hiểu Đình, cho Lưu Đào, cũng như sẽ không xảy ra bạo lực mạng đối với Vương Tranh Vũ?

Khi bạo lực xảy ra, dù chỉ một người đứng ra ngăn chặn thì có phải mọi chuyện sẽ êm đềm hơn nhiều rồi không? Đa phần chúng ta sợ phiền phức, cho rằng đó là việc không liên quan đến mình, cứ như vậy khiến cho bạo lực ngày một lớn dần lên và không còn kiểm soát được nữa.

Cả tôi và bạn, đều có thể có đôi lần làm tổn thương người khác bằng lời nói, cũng có đôi lần sỉ nhục người khác trên mạng. Cho nên cuốn sách này là dành cho bạn, cho tôi, cho những người đã từng gây ra và trải qua bạo lực.

– Phan Nguyễn Cẩm Đình