Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn – Trần Dần

Nếu trinh thám làm nên sự hồi hộp, gay cấn và hứng thú cho người đọc thì trong “Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn” yếu tố lãng mạn được thêm vào như một thứ gia vị tối yếu, giúp toàn bộ câu chuyện được cân bằng một cách hài hòa nhất.

Review Những ngã tư và những cột đèn (2)

Những ngã tư và những cột đèn, những ngã rẽ cuộc đời không thể quay lại

Nhân vật chính dẫn dắt cốt truyện của tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” là một anh nhà văn vô danh và một anh Ngụy Binh tên Dưỡng, người đã “rửa tay gác kiếm”, ở lại thủ đô những ngày giải phóng tháng 10 năm 1954. Cả hai nhân vật đều có những cách cư xử kỳ lạ với thời gian.

Đối với anh nhà văn, anh thường xuyên trong trạng thái “tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật” thời gian đối với anh là “những xê dịch lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số” . Nơi làm việc của anh, không gian luôn bị chia thành hai mảng màu ngăn cách nhau bởi cửa sổ. Một bên màu tím, màu của “nhật ký và bản sao nhật ký, của lọ mực và bản thảo lem nhem mực tím”, cũng là màu của những tư tưởng, chiêm nghiệm thoát ly khỏi hiện thực. Bên kia cửa sổ là màu xanh, màu xanh của cây bàng, của căm nhông quân sự, màu xanh của thực tại đang chuyển vần từng ngày từng giờ.

Còn đối với Dưỡng, anh có cách gọi tên thời gian riêng của mình. Anh gọi mùa thu là mùa đông, để ngày tiếp quản tháng 10 là mồng 1 tết, thời gian với anh là đường tuyến tính vô hạn về hai phía, một phía là quá khứ, một phía là tương lai. “Hiện tại được coi, như biên giới của hai KHÔNG. Cái KHÔNG thứ nhất là dĩ vãng, vốn đã có, bây giờ không có nữa. Cái KHÔNG thứ hai là tương lai, bây giờ chưa có, vì vậy bây giờ cũng không. Hiện tại chính là khoảng sột soạt giữa hai bờ vực ấy, giữa hai cái KHÔNG ấy. Cho nên hiện tại cũng không là gì cả.” Vì vậy mà anh Dưỡng có thói quen ghi nhật ký để khẳng định và lưu giữ những khoảnh khắc của hiện tại, để biến cái KHÔNG thành CÓ.

Thời gian trong “Những ngã tư và những cột đèn” được xê dịch liên tục giữa quá khứ và hiện tại. Nhân vật dẫn truyện cũng được xê dịch liên tục giữa anh nhà văn, Dưỡng, chị Trinh, chị Hòa, anh Thái, cằm nhọn v.v… đem đến cho người đọc cái nhìn đa chiều về các diễn biến, tình tiết của câu truyện. Quá khứ – hiện tại đan xen gây cho tôi cái cảm giác lẫn lộn, mơ hồ giữa 2 thời điểm của câu truyện, đồng thời cũng gây cái cảm giác những ám ảnh, mặc cảm, hậu quả của các hành động, suy nghĩ của các nhân vật trong quá khứ vẫn luôn đeo bám họ ở hiện tại.

Những ngày sau tiếp quản, không nghề nghiệp, bị cộng đồng kỳ thị và nghi ngờ vì quá khứ Ngụy Quân, Dưỡng sống trong những ngày tháng vô định, Dưỡng thường xuyên bù khú với đám bạn Ngụy Quân cũ, làm những việc vô bổ để giết thời gian, với Dưỡng thời gian lúc này chỉ là những cái tíc tắc đều đều, hiện tại là những cái KHÔNG, thứ hai hay chủ nhật cũng chẳng khác gì nhau, Dưỡng gọi “thời gian này là những ngày chua loét và những chủ nhật mắm thối, những tuần lễ khắm và những buổi sáng đi-cũng-dở-ở-cũng-không-xong”. Những ngày tháng vô định ấy Dưỡng bước qua biết bao nhiêu ngã tư, mỗi ngã tư Dưỡng phải đưa ra lựa chọn phải rẽ về hướng nào, tại những ngã tư ấy có ngã tư có cột đèn, có ngã tư thì không, và ngay cả những ngã tư có cột đèn thì cũng có những cột đèn sáng và những cột đèn không sáng. Những ngã tư có những cột đèn sáng dẫn lối làm cho việc đưa ra quyết định về các ngã rẽ dễ dàng hơn, còn với những ngã tư tối om, ta buộc phải theo cảm tính để dấn bước tiếp vào cái khoảng không mịt mù. Những ngã rẽ cuộc đời của Dưỡng phải chăng cũng tương tự như những ngã tư đường mà Dưỡng đã vô định bước qua, có khác là với ngã tư đời anh đã quyết định rẽ là không thể quay lại được, như đường tuyến tính thời gian chỉ có một chiều, vô tận. Vậy nên mới có những người lỡ chọn một ngã rẽ sai là cứ vậy sai mãi, không quay lại được (như Tình Bốp) bạn Dưỡng. Còn như Dưỡng, chỉ một ngã rẽ mù mờ, tại một ngã tư không đèn rọi khiến anh phải trả giá đắt bằng cái chết của bạn mình, của con trai mình. Những lúc chọn sai ngã rẽ người ta thường ước giá như lúc đó ta làm thế này, giá như lúc đó ta không làm thế kia, tuy nhiên đường tuyến tính 1 chiều vô tận ấy là quy luật bất biến, tất cả chúng ta phải tự gánh lấy hậu quả do những lựa chọn sai lầm của mình.

Gấp lại “Những ngã tư và những cột đèn”, tôi không ngờ một cuốn sách với lối viết hiện đại, tình tiết táo bạo, nội dung đầy nút thắt bất ngờ, ngôn ngữ thời thượng mà bây giờ giới trẻ phải chạy dài mới theo kịp lại được viết từ năm 1960, cách đây hơn nửa thế kỷ.

– Đặng Xuân Lương

“Những ngã tư và những cột đèn” là tập hợp những đoạn nhật ký, những cuộc phỏng vấn xoay quanh câu chuyện của Dưỡng, được ghi chép lại bởi một nhà văn. Dưỡng là một tay lính Ngụy may mắn thoát cảnh tù giam nhờ trốn dưới hầm, đợi chờ ‘Ngày tiếp quản Thủ đô’, tức 8H sáng ngày 10/10/1954. Sau khoảnh khắc định mệnh ấy, những lính Ngụy chưa bị bắt sẽ được dung thứ. Tuy vậy, khác với những vọng tưởng của anh về cuộc đời như mới bắt đầu lại, Dưỡng liên tiếp bị cuốn vào những sự kiện khó hiểu, những ‘ngã tư’ mà anh phải vắt cả óc, phải phân thân làm hai, làm ba để đối thoại rồi lựa chọn ngã rẽ. Anh vừa là nạn nhân (?), vừa là tên thám tử tay ngang, cố gắng đi tìm lời giải cho những trò lố đang diễn ra trong cuộc đời mình. Bắt đầu là việc một anh lính bị bắn trong vườn nhà Dưỡng khi đang làm nhiệm vụ theo dõi Ngụy binh. Từ đó, hệ thống nhân vật và những mối liên hệ chằng chịt lần lượt được thêm vào để làm rối tung câu chuyện, khéo léo che đậy một sợi dây sự thật, im lìm ẩn trong mạch chuyện, đợi ngày được bắt lấy.
Tình tiết truyện liên kết với nhau rất khăn khít, cái sau là mấu nối của cái trước, như một sợi dây xích. Anh lính bị bắn thì tất nhiên là tên ‘Tàu bò’ vô công rỗi nghề như Dưỡng là nghi phạm số 1. Người ta nghi ngờ anh vẫn còn móc nối với Thực dân Pháp, nhờ vào hàng tá chứng cứ vô cùng hợp lý. Anh là thằng chơi bời đích thực, có vợ đẹp nhất xóm nhưng lại thích chơi ảnh ‘nude’. Và còn có cả một mối tình không-cần-vụng-trộm với Lily – nàng điếm mà như nàng thơ của bao người. Mà Lily lại thân với thằng Pháp Macxen. Không những thế, Tình Bốp, bạn thân của Dưỡng lại là em của Lily. Khi Lily vào Nam, thì tên “Nhọn-cằm” xuất hiện, tình nghi số 1 của ‘thám tử’ Dưỡng, kẻ mà anh cho là tác giả của tất cả sự kiện đã và sắp xảy ra. Có nhân vật tìm cách bắt anh nhận tội như ông Trung Trố. Cũng có người lại muốn giúp anh như đồng chí Trần B hay ông Phúc, chị Hòa. Phần sau của câu chuyện là cuộc rượt đuổi nghẹt thở để lùng bắt “Nhọn-cằm” và minh oan cho Dưỡng. (Đoạn sau có nhiều ‘plot twist’ nên tôi không muốn tiết lộ thêm.)

Với cách kể chuyện đa chủ thể, lồng ghép nhật ký trong nhật ký, Trần Dần thực sự đang ‘chơi’ với chúng ta, những người đọc. Phải chăng ông đang mở lời mời, hãy thử làm một tay thám tử và đi tìm đáp án cuối cùng. Ngôi kể chính là của Dưỡng, thông qua những trang nhật ký của anh. Điều thú vị là những dòng nhật ký ấy được viết trong dòng thời gian của chính anh và không tuân theo quy tắc thông thường. Với anh, thứ Hai có thể là thứ Năm hay bất cứ thứ nào. Bởi lẽ với anh, hiện tại chỉ là một khoảnh khắc ngưng đọng, chuyển giao từ trạng thái quá khứ sang tương lai. Quá khứ là cái đã qua, tương lai là điều chưa tới, và hai thứ ấy đều bằng ‘không’ trong khoảnh khắc ‘lúc này’. Thế nên, lúc thì nhật ký được đánh mốc bằng năm, lúc thì bằng mùa và có lúc lại là một ngày, một khung giờ cụ thể.

“Không biết, tôi đã đọc ở đâu, một í kiến về thời gian, như thế này: hiện tại được coi, như biên giới của hai KHÔNG. Cái KHÔNG thứ nhất là dĩ vãng, vốn đã có, bây giờ không có nữa. Cái KHÔNG thứ hai là tương lai, bây giờ chưa có, vì vậy bây giờ cũng không. Hiện tại chính là khoảng sột soạt giữa hai bờ vực ấy, giữa hai cái KHÔNG ấy. Cho nên hiện tại cũng không là gì cả. […] Chính vì vậy mà người đời ghi nhật kí, và cũng chính vì vậy, nhật ký bắt buộc phải bắt đầu, bằng những con số hiện hữu, là ngày, là giờ, là thứ tự của tuần, của tháng, của năm, của mùa. Dường như làm vậy, hiện tại sẽ được khẳng định rõ ràng, vào một chỗ í nghĩa, trên đường tuyến tính của thời gian từ trái sang phải theo chiều mũi tên bay.”

Đan xen từng hồi nhật ký là những đoạn phỏng vấn với tuyến nhân vật phụ – chị Trinh (Cốm), vợ của Dưỡng hay chị Hòa thuộc ban bảo vệ khu phố. Ngoài ra, anh nhà văn, người xuất hiện đầu tác phẩm với vai trò ghi chép lại câu chuyện của Dưỡng cũng thi thoảng chêm vào chính những dòng nhật ký của mình. Từng góc nhìn lại bổ khuyết cho bức tranh toàn cảnh thêm phần hoàn thiện. Như thể chúng ta đang có rất nhiều ‘lời khai’ cần phải chắp nối, phải so sánh để đi tìm những mắt xích đứt gãy, những mâu thuẫn ẩn mình trong màn sương mù mịt. Kỹ thuật tự sự đa chủ thể còn được Trần Dần nâng lên một bậc khi để Dương tự phân mình làm những cái ‘tôi’ khác nhau. Bằng cách nhìn vào gương, anh có thêm một cái ‘bóng’, cùng với ‘sọ’ và ‘tôi’, ba phần của cái thân anh tranh luận vô cùng sôi nổi để lý giải, để tìm cho ra câu trả lời của tất cả.

Chính sự đa chủ thể trong câu chuyện cũng khiến tôi đôi lần hoài nghi về bản ghi chép mà mình đang được đọc. Anh nhà văn nói rằng đó là nhật ký của Dưỡng, là những đoạn phỏng vấn những người liên quan đến sự kiện. Nhưng liệu đó có là 100% ‘lời khai’, liệu có gì đã được khéo léo thêm thắt, được lược bớt hay bóp méo? Hay chính các nhân vật, họ có nói thật hoàn toàn không? Có phần nào trong lời kể của họ là sự sắp đặt có chủ đích? Suốt cả cuốn sách, tôi tin vào những gì đang diễn ra, để rồi đến trang cuối cùng, tôi lại tự vấn, đây có phải là sự thật chưa? Hay vẫn còn một sự thật nằm sau bức màn che chắn kia. Cũng như Dưỡng, cả một thời gian dài tìm kiếm sự thật. Cho tới khi tên “Nhọn-cằm” đã bị bắt, anh đã tin đó là đúng, là không thể chối cãi, để rồi chỉ vì một chi tiết nhỏ, một mắt xích sứt mẻ, mà anh bỗng hoài nghi mọi thứ. Có chăng anh đã làm chủ được cuộc chơi thám tử của mình, là kẻ đã chiến thắng cái sai trái, hay đơn thuần là một con tốt, một mắt xích trong ‘trò chơi’ lớn hơn anh nghĩ nhiều.

[Nghệ thuật miêu tả và tính thơ trong một tác phẩm văn xuôi]

Cái đẹp của Những ngã tư và những cột đèn còn nằm ở những đoạn, trường đoạn miêu tả cảnh và nội tâm nhân vật tài tính. Thí dụ như cảm xúc của Dưỡng vào ngày Tiếp quản thủ đô. Đối nghịch với tâm trạng lo âu, chờ đợi của Dưỡng trong cái đêm định mệnh trốn dưới hầm, anh bước ra đường như một kẻ vừa được tái sinh. Với anh ngày đó là Mồng một Tết, trước mắt anh là cờ hoa rợp trời, là dòng người vui mừng cười nói. Anh tưởng tượng ra một ngày Xuân thực sự. Anh đi giữa trời Thu tháng 10, nhưng trong tay lại như có một cành đào. Người ta mừng ngày Giải phóng, anh vui một niềm riêng khi được nếm mùi tự do. Tự do của anh và tự do cũng người trên phố tuy là một nhưng hai.

Một đoạn tả cảnh đậm chất thơ còn nằm ở phân cảnh Dưỡng chia tay Lily. Cái cảnh anh chạy với theo đoàn tàu Nam tiến, cảnh cô Nàng ve vẩy chiếc khăn mùi soa trong đêm, hư hư ảo ảo.
“Tôi chạy theo, tôi gào: “Lily! Lily!” Cánh tay Lily vẫy mạnh. Tàu đã xa, để lại chiếc mùi soa, như cánh bướm trong đêm. Màu trắng, nhạt nhòa. Tôi chạy, đuổi theo chiếc mùi soa, trong bóng tối. Chạy mãi. Thế là hết. Không bao giờ còn gặp Lily nữa. Còi tàu rít, nghe xa lắm rồi.”

Xuất thân là một nhà thơ, nên Trần Dần ít nhiều vẫn đưa vào truyện dài của ông những tính chất của một bài thơ. Đó là những nhịp ngắt câu bằng cách sử dụng dấu phẩy. Khi mới đọc tác phẩm, ta dễ ngán ngẩm vì dấu phẩy được sử dụng rất nhiều, cả ở những nơi không cần thiết. Nhưng đó là chủ ý của tác giả, nhằm dẫn dắt chúng ta đọc tác phẩm theo nhịp điệu của riêng ông. Và cũng là một biện pháp làm tăng sự hồi hộp và nghẹt thở của truyện trinh thám. Với mỗi trường đoạn của tác phẩm, Trần Dần lặp lại hình ảnh anh nhà văn ngồi bên cạnh cửa sổ tím, với lọ mực tím, ngồi chép những dòng nhật ký của Dưỡng.

Tác phẩm hay, bạn đừng bỏ lỡ nhé!

Tôi khá là mê trinh thám đấy. Tôi thích nhất là phong cách kể truyện của Dan Brown, khá ấn tượng với cách tự sự chặt chẽ của Higashino Keigo. Tôi đến với Những ngã tư và những cột đèn cũng là vô tình thôi. Nhưng tôi đã bị cuốn theo câu chữ của Trần Dần, tôi lặn ngụp trong trang sách và được tận hưởng một trải nghiệm văn chương đáng trân trọng. Cuốn sách sẽ kén người đọc vì ngữ pháp ‘khó xơi’ nhưng sẽ là một ly rượu mạnh cho những độc giả thích trinh thám.

– Bảo Phước